Con Đường Mòn.
Lâu rồi mới về lại ngôi nhà xưa, ký ức tuổi thơ bừng sống dậy, trời ban trưa yên ả, nắng xuyên qua kẻ lá đổ dọc xuống con đường mòn. Tôi mom mem bước ra bờ sông, con đường mòn ngày xưa giờ không còn hình thù gì sất, nó um tùm những dây leo, vẹt một lối mòn tôi ghé mắt hướng về con sông. Tuổi thơ ngọ nguậy trong lồng ngực.
Mau thật ! Kể từ khi con đường mới phía sau được mọc lên mọi thứ thay đổi nhanh đến chóng mặt. Khi bắt đầu dự án làm con đường người ta cũng tranh cãi quyết liệt, có nhiều hộ dân nhất quyết không muốn thay đổi, họ quyết tâm giữ lấy con đường mòn cặp bờ sông, họ quen với cảnh cây cầu dừa bắt xuống bãi sình, quen cảnh con đò sớm mai hì hục đón khách, đám lục bình lửng lờ trôi ngang, cảnh quen thuộc từ đời cha truyền con nối, giờ bổng dưng xẻ đất làm con đường nhựa phía sau, ai mà chịu cho được, phản đối là đúng mừ!
Mãi, mất mấy năm thuyết phục giải thích rồi này nọ kia, cuối cùng con đường trải nhựa băng qua nhiều cánh đồng thẳng ra tận sông cái. Bến nước con đò dần dần chìm sâu vào ký ức con người, thay vào đó là xe cộ giao thông tấp nập, đời sống bà con theo đó mà kéo lên, khấm khá, vườn trái cây, lúa thóc dễ chuyên chở đi xa. Người ta bắt đầu cất nhà xoay mặt về phía con đường mới, người ta bắt đầu phủ lên ký ức một lối mòn. Mới mấy năm thôi mà lối mòn kia không còn, con đường dưới bến sông biến mất khỏi tầm mắt của những đứa trẻ hôm nay nhưng vẫn neo đậu lại ở bến ký ức của những người đã cố kéo níu giữ nó, chưa muốn thay đổi, nên trụ mãi một vết đau bầm tím gan ruột.
Nhớ có lần em tôi tranh luận với ông lão nhà bên, ông tiếc mấy sào đất con đường ngang qua, mà thực ra ông tiếc con đường mòn phía bờ sông không muốn thay đổi, nó như máu thịt của dân làng. Thằng bé có tí chữ, tầm nhìn xa, nói toàn những chuyện phát triển kinh tế, mạng lưới giao thông gì gì… ông chả cần hiếu, thế là tiếng mặn tiếng ngọt tràn ra, ông lão vác cây định nện thằng nhỏ. Nó cười khì khì xem ra có trời mà hiểu nó!
Ông lão thiệt là mặn mà với một thuở xanh tươi nhất quyết giữ y nguyên căn nhà gỗ hướng ra bờ sông buồn thỉu buồn thiu, như muốn níu kéo phút vĩnh hằng, mặc dù con đường không còn nữa vì đường mà không người đi thì sẽ không còn là con đường.
Thay đổi khó thiệt chứ không phải dễ à nghen, vì cái cũ nó quen, nó gắn liền, nó như tay chân mắt mũi liền kề, giờ kêu xé nó ra ai chịu, đau thấu xương thấu thịt, thôi cứ vậy cho nó yên. Y chang như ông nội tôi, cứ cái tích trà thời ông cố lũy, ủ trong vỏ trái dừa khô, cũ xì cũ xích, sáng nào dậy sớm nhóm bếp nấu nước pha trà. Đứa cháu nội thấy vậy, sinh nhật ông tặng nguyên bộ ấm điện, bình tách nhìn bắt mắt, ông quí lắm đem trưng trong tủ không sử dụng lại lôi cái tích thiên cổ ra xài. Đứa cháu lắc đầu le lưỡi thôi thua chứ biết sao bây giờ! Đời mà cứ trôi theo cái dòng chảy, chèo ngược hoài đuối.
Thằng cháu cằn nhằn ông nó, tuổi 70 rồi cày cuốc chi cho khổ, nghỉ ngơi cho đời thanh thản, sống cho nó đẹp chữ sống mà không ưng, hì hục làm gì cho rách nát sự yên bình tuổi già. Thôi thây kệ đi, đời mà!
Tieu Ho
.