Ngày 24/11
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Mt 10,17-22
* Lịch Sử:
Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự ký ngày 14/2/1990 : “Theo đơn xin của Đức Hồng Y Trịnh văn Căn, Tổng Giám Mục Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đề ngày 15/10/1989, và theo quyền hạn đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II uỷ quyền, Bộ Phụng Tự và Bí tích cho phép các giáo hữu tại Việt Nam mừng lễ “Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn Tử đạo” hằng năm vào ngày 24/11 với bậc Lễ Kính”.
Theo sử liệu, Giáo hội Công giáo Việt Nam có độ 130.000 tín hữu được diễm phúc đổ máu làm chứng Đạo Chúa trong những thời kỳ bách hại như sau :
– Trịnh – Nguyễn 1745 và 1773 2 vị
– Cảnh Thịnh năm 1798 2 vị
– Minh Mạng năm 1820-1840 50 vị
– Thiệu Trị 1841-1847 3 vị
– Tự Đức 1848-1883 58 vị
Trong số tử đạo 130 ngàn người, có 117 vị được phong chân phước trong 4 giai đoạn :
– Đức Lêô XIII phong ngày 27/5/1900 64 vị
– Đức Piô X phong ngày 20/5/1906 8 vị
– Đức Piô X phong ngày 2/5/1909 20 vị
– Đức Piô XII phong ngày 29/4/1951 25 vị
Trong số này gồm có :
– 8 Giám mục (6 thuộc Dòng Đa Minh, và 2 của Hội Thừa Sai Paris)
– 50 Linh mục (37 Việt Nam, 5 Đa minh, 8 Thừa sai Paris)
– 16 Thầy giảng
– 1 Chủng sinh
– 42 giáo dân thuộc mọi tầng lớp xã hội (công chức, quân nhân, ý sĩ, thương gia, công nhân, nông dân, ngư phủ, trùm họ, lý trưởng…)
Các ngài đã chịu những cực hình khác nhau :
– 79 vị bị xử trảm quyết (chặt đầu)
– 16 vị bị xử giảo (thắt cổ)
– 8 vị chết rũ tù
– 6 vị bị thiêu sinh (bị đốt cháy khi còn sống)
– 4 vị bị lăng trì (chặt tay chân trước khi bị chém đầu)
– 1 vị bị bá đao (lóc 100 miếng thịt trong thân thể)
– 1 vị bị đánh tử thương trong lúc đi đường.
Tất cả 117 vị chân phước này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong lên hàng hiển thánh ngày 19/6/1988 (Cơ mật viện công bố tin ngày 22/6/1987) (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống…
Chúa Giêsu tiếp tục dạy các Tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng : có thể họ sẽ gặp nguy hiểm (như chiên vào giữa bầy sói) và bị bách hại. Do đó,
– một mặt phải vừa đơn sơ vừa khôn ngoan.
– mặt khác phải can đảm đừng sợ vì Chúa sẽ giúp đỡ họ.
B. Nảy mầm.
- “Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa bầy sói” : thế gian thì hung ác và mạnh mẽ như sói còn người Tông đồ của Chúa thì hiền lành và yếu ớt như chiên. Thế nhưng Nước Thiên Chúa lại được mở mang nhờ chính sự yếu ớt của Chúa Giêsu và các Tông đồ của Ngài. Thánh Phaolô nói : “Sức mạnh Thiên Chúa được hoàn thành trong sự yếu ớt” (2Cr 12,2).
- “Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu” : con rắn không vô cớ trườn mình ra chỗ nguy hiểm, trái lại nó khéo ẩn mình, và khi gặp nguy hiểm nó cũng khéo luồn lách ; bồ câu thì không mưu mô, không màu mè giả đối…
- “Chính Thánh Thần nói trong các con” : người Tông đồ không cậy dựa vào lời lẽ và trí thông minh của mình nhưng vào ơn soi sáng và lời của Chúa. Muốn thế họ phải luôn kết hợp với Chúa Thánh Thần.
- Can đảm : Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt ràn rụa nói : “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì.” (Góp nhặt).
- “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22).
Ai cũng khen tôi đi giầy cao gót đẹp, và tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng điều ấy không làm cái đau buốt đang cấu xé đôi chân giảm đi chút nào.
Hình như cái gì cũng có cái giá của nó.
Chúa Giêsu cũng ra giá cho những người muốn theo Ngài. Xem ra Ngài chẳng phải là nhà quảng cáo khéo léo khi đưa ra cả những khó khăn và mặt trái của vấn đề. Nhưng tôi lại thích lối trình bày ấy. Tôi thán phục tính chân thật và sự thẳng thắn trong Lời của Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã nói rất chân tình với con về lối mà Ngài mời con dấn bước. Xin cho con biết trung thành với con đường đã chọn, bất chấp mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. (Hosanna)