Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm B

 HỔ CON NHẬN RA BẢN TÍNH CỦA MÌNH

Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ của người Hindu kể về một con hổ con được đàn dê nuôi dưỡng. Hổ con học cách nhai và gặm cỏ, và cư xử hệt như một con dê. Một đêm nọ, một con hổ lớn tấn công những con dê; đàn dê chạy tán loạn tìm chỗ an toàn ẩn núp. Nhưng hổ con cứ đứng gặm cỏ và kêu như dê con mà không hề sợ hãi. Con hổ già gầm lên: “Mày đang làm gì ở đây vậy, mày sống với những con dê hèn nhát này hả?” Rồi nó túm lấy cu con, kéo nó đến một cái ao và nói: “Hãy nhìn xem khuôn mặt của chúng ta phản chiếu trong nước như thế nào! Bây giờ mày biết mày là ai và thuộc về ai chứ?” Rồi hổ mẹ mang con về nhà, dạy nó cách bắt thú vật, ăn thịt, gầm lên và hành động như một con hổ. Con hổ con nhờ đó đã khám phá ra con người thật của mình.

*Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, qua biến cố chịu phép rửa Chúa Giêsu đã tỏ hiện Người thực sự là ai (căn tính của Người) và những gì Người phải làm (sứ mệnh của Người).

  1. THOMAS MERTON

 Một người trẻ từng mô tả về trải nghiệm bị nhấn chìm trong cơn điên loạn. Anh ta là một sinh viên đại học rất sáng giá, nhưng đã bỏ dở việc học của mình để lao vào chơi bời với những hoạt động dâm ô. Một đêm nọ anh ta trở về phòng khách sạn. Khi nằm trên giường, anh thấy cửa sổ dường như mở rộng cho đến khi nó chạm đến sàn nhà. Anh nghe thấy một giọng nói chế giễu trong tâm trí mình rằng: “Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ném mình ra khỏi cửa sổ đó?” Chàng trai trẻ kể lại: “Bây giờ cuộc sống của tôi bị đảo lộn bởi một thứ mà tôi chưa từng biết trước đây: nỗi sợ hãi. Thật là nhục nhã trước nhận thức lạ lùng này! Đó là một sự sỉ nhục mà tôi đáng phải nhận nhiều hơn thế nữa. Tôi đã vứt bỏ các quy tắc đạo đức, là nền tảng cho mọi sinh lực và sự tỉnh táo.” Chà! người thanh niên này đã bắt đầu quan tâm đến đạo đức. Anh bắt đầu sắp xếp lại đời sống của mình đi vào trật tự – và anh trải nghiệm sự bình an nội tâm. Cuối cùng, anh gia nhập đạo Công giáo và trở thành một trong những đan sĩ nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Tên anh ấy là Thomas Merton.

*Hôm nay nhắc lại lời cam kết khi lãnh Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta kiểm điểm xem chúng ta đã giữ mối giao ước này thế nào. (Fr. Phil Bloom)

  1. NHỮNG CHỌN LỰA QUYẾT ĐỊNH

 Bộ phim Gandhi là một sử thi dài ba giờ, mô tả cuộc đời của Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. Để dẫn dắt người dân Ấn Độ bị áp bức thoát khỏi sự cai trị của người Anh, Gandhi đã áp dụng các biện pháp bất bạo động như tuyệt thực, cầu nguyện, tuần hành hòa bình, biểu tình và bất tuân dân sự. Một trong những lý do tại sao Gandhi đóng khố và nhịn ăn, gần như cho đến chết, là để thể hiện tình đoàn kết với người dân Ấn Độ, đồng hành với họ trong những đau khổ về thể xác và tinh thần. Điều này cuối cùng đã mang lại độc lập cho dân tộc Ấn Độ.

Martin Luther King, Jr., cũng đồng hóa với những người nô lệ và bị ngược đãi vì màu da của mình. Ông nhân danh Chúa, trở thành tiếng nói của những người bị bịt miệng. Hậu quả là ông bị vu khống, đánh đập, bỏ tù, và cuối cùng, bị ám sát, trong khi đang giảng về hòa bình, công lý và bất bạo động thay mặt cho những người Mỹ gốc Phi bị áp bức ở Hoa Kỳ. Là một tín đồ Kitô (Tin Lành) ông đứng vào hàng ngũ của hàng chục triệu người Mỹ gốc Phi nghèo khổ và bị xa lánh ở Mỹ, cũng như hàng trăm triệu người bị áp bức trên toàn thế giới.

*Giải phóng một dân tộc cần sự hi sinh của những cá nhân; giải thoát cả một nhân loại tội lỗi cần đến sự hi sinh của chính Con Thiên Chúa. (Fr. Tony)

  1. ĐỒNG HÓA VỚI NẠN NHÂN BỆNH PHONG

 Khi bệnh phong bùng phát trong cộng đồng người dân quần đảo Hawaii vào giữa thế kỷ 19, chính phủ đã phản ứng bằng cách thành lập một vùng cách ly cho bệnh nhân phong trên hòn đảo xa xôi Molokai. Các nạn nhân bị nhà chức trách cưỡng chế, và bị bắt đưa đến hòn đảo này để sống cách biệt. Tuy nhiên, cảm động trước hoàn cảnh tồi tệ của họ, một linh mục trẻ người Bỉ, thánh Đamien De Veuster (được phong thánh ngày 11 tháng 10 năm 2009), đã xin phép bề trên của mình trong Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria) để phục vụ họ. Ngay lập tức, ngài nhận ra rằng chỉ có một cách hiệu quả để làm điều này, đó là đi vào sống với họ. Được bề trên cho phép, ngài đến Molokai. Lúc đầu, ngài cố gắng phục vụ những người bệnh nhưng vẫn duy trì một khoảng cách nhất định. Nhưng ngài sớm nhận ra rằng ngài phải sống giữa họ để tạo được lòng tin nơi họ. Kết quả là chính ngài cũng mắc bệnh phong. Bây giờ ngài là một người trong số họ, không cần thiết phải giữ khoảng cách với họ nữa. Phản ứng của những người phong cùi thay đổi ngay lập tức: họ không còn dè giữ đối với ngài nữa; họ lao vào ôm lấy ngài và ghì chặt ngài vào lòng. 

*Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết khi nhận phép rửa sám hối của Gioan, Chúa Giêsu đã trở nên đồng hóa với những tội nhân mà Người đến để cứu họ. (Flor McCarthy, in Sunday and Holy Day Liturgies).

  1. KHOẢNH KHẮC ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH

 Khi nhà văn người Mỹ, Maya Angelou lớn lên, cô không được sống với mẹ mình nhiều. Phần lớn thời gian cô được bà ngoại nuôi dạy, đó là một phụ nữ tuyệt vời, đạo đức và thánh thiện. Cô kể rằng khi cô hai mươi tuổi, cô đã có một chuyến đi đến San Francisco để thăm mẹ. Đó là thời điểm đặc biệt quan trọng nhưng dễ bị tổn thương trong cuộc đời Maya. Bởi vì cô ấy đang nỗ lực đi tìm lý tưởng cho cuộc đời và muốn tìm hiểu con đường trở thành một nhà văn. Cô đã có một cuộc gặp rất thân mật với mẹ của mình. Đến lúc phải trở về, mẹ cô dắt cô xuống đồi, đến chỗ xe buýt đã đợi sẵn. Khi họ chia tay, mẹ cô ấy nói: “Con biết không, mẹ nghĩ con là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà mẹ từng gặp.” Mãi nhiều năm sau Maya vẫn có thể nhớ lại khoảnh khắc tuyệt vời đó một cách sống động. Bà ghi lại: “Đó là một trong những khoảnh khắc mà đối với tôi bầu trời như quay ngược trở lại. Mỗi lúc nghĩ đến điều này tôi như được tăng thêm nghị lực”. Maya đã trở thành một nhà văn và nhà thơ rất thành công và được kính trọng. Bà đã sáng tác và gửi một bài thơ đầy cảm hứng tại lễ nhậm chức của Tổng thống Clinton. 

*Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã nghe thấy tiếng Chúa Cha nói với Người: “Con là Con yêu dấu của Cha”. (Mark Link, in Sunday Homilies).

  1. ĐI ĐÚNG ĐƯỜNG NHƯNG SAI HƯỚNG

Một người bạn của tôi xác nhận sự thật một chuyện sau đây. Một ngày nọ, anh ta đi du lịch xuống một  miền quê. Cuộc hành trình đã đưa anh ấy đi dọc theo một số con đường phụ, nơi có rất ít biển chỉ dẫn và lại cách xa nhau. Đi được một lúc, anh không chắc mình có đi đúng đường không, vì vậy anh quyết định hỏi người đầu tiên anh nhìn thấy. Cuối cùng, anh tình cờ gặp một người nông dân đang lùa bò về nhà để vắt sữa. Anh dừng xe lại và hỏi xem mình có đi đúng đường đến nơi mình muốn không. Người nông dân nói với anh ta rằng anh chắc chắn đã đi đúng đường. Bạn tôi bày tỏ lời cảm ơn và định phóng đi thì người nông dân nói thêm, một cách rất thờ ơ: “Bạn đang đi đúng đường, nhưng sai hướng rồi!”

*Hôm nay suy niệm về Bí tích Rửa Tội, chúng ta hãy kiểm tra xem mình có đang đi đúng đường và đúng hướng để đạt được phần rỗi đời đời hay không.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm