5 Phút Lời Chúa Từ 11-20 Tháng 01/2021

print

5 Phút Lời Chúa Từ 11-20 Tháng 01/2021

  

11/01/21 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Mc 1,14-20

 

RAO GIẢNG SỨ ĐIỆP CỐT LÕI

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Mc 1,14)

Suy niệm: Trong ba năm hoạt động công khai, Chúa Giê-su giảng dạy rất nhiều, nhưng đâu là sứ điệp cốt lõi mang tính định hướng cho toàn bộ sứ vụ? Một chỉ dấu để trả lời cho câu hỏi ấy chính là lời rao giảng đầu tiên của Người trong Tin Mừng Mác-cô: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thật vậy, tựu trung lời rao giảng của Chúa Giê-su là Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa. Người đã thiết lập Nước Trời ngay giữa lòng thế giới, và nó vẫn âm thầm triển nở cho đến khi hoàn thành chung cuộc trong ngày quang lâm. Đó là vương quốc của sự thánh thiện, hạnh phúc và bình an đích thực. Đó là Tin Mừng của ơn cứu độ mà Chúa Giê-su sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống mình.

Mời Bạn: Xây dựng và rao giảng Triều Đại Thiên Chúa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc loan báo Tin Mừng. Điều này bao hàm toàn bộ ý nghĩa của đời sống Ki-tô hữu, vì chính Chúa Giê-su đã mời gọi: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6,33). Muốn xây dựng Nước Trời, Ki-tô hữu cần sống các Mối Phúc Thật mà Ngài đã loan báo. Những tiêu chuẩn Chúa đề nghị có vẻ trái ngược với bậc thang giá trị của thế gian. Nhưng ai thấu hiểu và kinh nghiệm những ‘nghịch lý’ ấy sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc mà thế gian không thể ban tặng.

Sống Lời Chúa: Xây dựng Nước Thiên Chúa bằng cách đem những giá trị Tin Mừng vào mọi việc lớn nhỏ hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xưa Chúa đã dạy các môn đệ cầu nguyện. “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến.” Xin giúp chúng con biết nguyện Kinh Lạy Cha hằng ngày với ý thức và tâm tình của những người con thảo.

 

12/01/21 thứ ba tuần 1 tn
Mc 1,21-28

 

LỜI CỦA ĐẤNG CÓ THẨM QUYỀN

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,22)

Suy niệm: Đám đông có mặt trong hội đường hôm đó kinh ngạc trước lời giảng dạy của Chúa Giê-su. Họ ngạc nhiên vì lời Ngài có sức mạnh và uy quyền. Vào mỗi ngày Sa-bát, họ vẫn họp nhau để nghe đọc Kinh Thánh và lời giảng dạy của các kinh sư. Thế nhưng, những lời đã không lay động trái tim họ. Còn lời Chúa Giê-su có sức mạnh chữa lành bệnh tật, dẹp yên sóng gió, có thẩm quyền đẩy lui ma quỷ; lời Ngài dạy có “lửa” khiến cho “lòng họ bừng cháy lên” (x. Lc 24,32) vì Ngài là chính Ngôi Lời Thiên Chúa, lòng Ngài bừng cháy lửa yêu mến Chúa Cha, và Ngài “đem lửa xuống thế gian và ước mong cho lửa ấy bùng cháy lên” (x. Lc 12,49).

Mời Bạn: Chúng ta đã nghe Lời Chúa không biết bao nhiêu lần, nhưng sao lòng chúng ta vẫn lạnh băng chưa bùng cháy lên? Phải chăng vì chúng ta đang nghe tiếng của mình hơn là tiếng Chúa? Hay chúng ta đang để những tiếng ồn ào của đam mê, dục vọng, của những chuyện hoang đường át đi tiếng nói của “Lời Chân lý, của giáo lý lành mạnh” (x. 2Tm 4,3-4)? Mời bạn ở lại một mình với Chúa trong căn phòng tâm hồn tĩnh lặng của bạn, lắng nghe Lời Chúa, để Lời Chúa sưởi ấm tâm hồn bạn.

Sống Lời Chúa: Bạn dành thời gian suy niệm Lời Chúa mỗi ngày, để Ngài làm bừng cháy lửa nhiệt thành Nước Chúa nơi tâm hồn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời Ngài là quyền năng và sự sống. Xin cho con vững tin vào sức mạnh của Lời Chúa, lời tình yêu và lòng thương xót, lời mang lại sự chữa lành và sức mạnh cho những ai đang cần. Amen.

 

13/01/21 thứ tư tuần 1 tn
Th. Hi-la-ri-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 1,29-39

 

hết mình loan báo tin mừng

Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài. Chiều đến khi mặt trời lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Người… Chúa Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ…. (Mc 1,31-34)

Suy niệm: Dân chúng tìm đến với Chúa Giê-su như tìm đến một thầy thuốc chữa bá bệnh, nhưng qua các phép lạ chữa bệnh, Chúa lại cho họ thấy Ngài là Đấng Thiên Sai. Hành vi “lại gần, cầm lấy tay mà đỡ dậy” chính là ngôn ngữ của Tin Mừng mà Ngài loan báo. Đức Ki-tô giải thoát con người khỏi những nỗi đau thể xác, cũng như khỏi xiềng xích của ma quỷ, để loan báo trọng tâm của chương trình cứu độ là giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái lập mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với con người.

Mời Bạn: Bạn chia sẻ những đau khổ của con người, qua những biến cố thiên tai dịch bệnh, chiến tranh tại đất nước chúng ta hay đó đây trên thế giới. Nhưng sẽ không là chứng nhân Tin Mừng nếu như chỉ dừng lại ở đó. Hành vi phục vụ, chia sẻ phải là một lời loan báo Tin Mừng, ngay từ trong ý hướng.

Chia sẻ: Có gì khác giữa việc chữa bệnh của thầy thuốc với việc chữa lành của Đức Ki-tô? Có gì khác giữa việc phục vụ, bác ái từ thiện của một người tin với một người không tin?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm việc gì, bạn hãy làm với ý hướng phục vụ, và mỗi công việc phục vụ bạn hãy định hướng nó về việc loan báo Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy sự dữ: bệnh tật, tội lỗi, những sa đoạ trong kiếp người. Xin Chúa chữa lành chúng con để chúng con được hưởng dư đầy ơn Chúa cứu độ. Amen.

 

14/01/21 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Mc 1,40-45

 

XIN THEO Ý CHÚA

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mc 1,40)

Suy niệm: Trong tình trạng đau khổ cùng cực nơi thân xác và tâm hồn, anh phong cùi có thể xin Đức Giê-su rằng: “Xin Ngài làm cho tôi được sạch”. Thiết nghĩ, khẩn cầu như thế đã đủ rồi! Thế nhưng ở đây, anh lại nói: “Nếu Ngài muốn…” Trong thâm tâm, anh tin tưởng hoàn toàn vào tình thương của Chúa, và đã cầu xin cho mình khỏi bệnh theo ý của Chúa, chứ không theo ý riêng của mình, dầu điều đó thật chính đáng với ý nghĩ thông thường của anh lúc này. Anh phong cùi đã nêu tấm gương sống động về cầu nguyện: Khi cầu xin Chúa điều gì, trước tiên hãy nói “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn…”

Mời Bạn: Chúng ta thường cầu nguyện như thể buộc Chúa phải đáp ứng ngay nhu cầu của chúng ta. Lắm khi dường như Chúa im lặng. Điều đó thường làm bạn chán nản khi cầu nguyện. Thế nhưng chỉ có Chúa mới biết điều gì là tốt đẹp nhất cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cứ cầu xin nhưng trong tâm tình khiêm nhường và phó thác: xin vâng theo thánh ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút trong ngày để hoài niệm về những gì tốt đẹp mà Chúa đã làm cho bạn. Nhớ lại những lúc bạn gặp khó khăn thử thách, những lúc đó Chúa đã đồng hành với bạn ra sao? Qua đó, bạn hãy dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn và tin tưởng vào sự đỡ nâng của Người trong cuộc sống hiện tại của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giờ đây con xin cùng với Chúa dâng lên Chúa Cha chính lời cầu nguyện mà Chúa đã dạy cho các tông đồ, để xin mọi sự được theo ý Cha:Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

 

15/01/21 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Mc 2,1-12

 

SỨ MẠNG RAO GIẢNG LỜI

“Người rao giảng lời cho họ.” (Mc 2,1)

Suy niệm: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đến thế gian không chỉ để làm một thầy lang chữa bệnh. Sứ mạng đầu tiên của Ngài là “nói lời Thiên Chúa” cho chúng ta. Lời Thiên Chúa là lời quyền năng không chỉ có sức chữa lành bệnh tật phần xác, mà hơn nữa còn tha tội, là chữa lành bệnh tật linh hồn. Chúa Giê-su đã tỏ hiện quyền năng của Lời khi Ngài cho anh bại liệt đứng dậy “vác chõng mà đi về nhà” đồng thời Ngài tuyên bố “tội của con đã được tha.” 

Rao giảng Lời Chúa là trung tâm điểm trong sứ vụ của Đức Giê-su. Vì thế, dù mục đích của dân chúng khi đến với Đức Giê-su là để xem dấu lạ, để thoả mãn tính hiếu kỳ, hay để được chữa bệnh, được ăn bánh no nê, thì Đức Giê-su vẫn kiên quyết giữ đúng mục đích của Ngài là rao giảng lời Chúa. Nói Lời Chúa và nói về Chúa: đó cũng chính là sứ mạng chính yếu của Giáo Hội.

Mời Bạn: Ngày nay, có nhiều giáo xứ, nhiều hội đoàn, nhiều nhóm Công giáo làm từ thiện. Nhưng liệu chúng ta có thực sự rao giảng về Chúa qua việc làm của chúng ta không, hay là chúng ta cũng chỉ giống như bao nhiêu tổ chức từ thiện ngoài xã hội khác? Mọi hoạt động của người ki-tô hữu chỉ xứng danh là của môn đệ Chúa Ki-tô khi nó chuyển tải được Lời Ngài đó là Tin Mừng của tình yêu, lòng thương xót và ý định cứu độ của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Thường xuyên học hỏi và suy niệm Lời Chúa để có thể nói về Chúa và lan truyền giá trị Tin Mừng cho những người bạn gặp gỡ và phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con không chỉ loan báo về Chúa cho tha nhân bằng việc giúp đỡ, chia sẻ vật chất với họ nhưng còn bằng việc nói Lời Chúa và nói về Chúa cho họ. Amen.

 

16/01/21 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc 2,13-17

 

GẦN MỰC THÌ ĐEN?

Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Chúa Giê-su ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế thì nói với các môn đệ Người: “Sao! ông này ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (Mc 2,13-17)

Suy niệm: Cha ông chúng ta đã chẳng nói rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đó sao? Thái độ của các kinh sư thật đúng với phương châm phải cách ly với người tội lỗi để khỏi ô uế vì lây nhiễm tội lỗi của họ. Điều này đã được chứng nghiệm không ít lần trong thực tế. Thế nhưng, giả sử ta đặt “mực đen” ở gần “đèn sáng” thì điều gì sẽ xảy ra? Đó chính là tình huống mà Chúa Giê-su đã chọn lựa khi Người “ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế”: “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đồng bàn với những người phàm tục, tội lỗi. Thậm chí Người còn nhận lấy tội lỗi của họ như thể đó chính là tội của Người. Nhưng không vì thế mà Người bị lây nhiễm tội lỗi; trái lại, nhờ Người là ánh sáng, Người làm cho “mực đen” nhiễm ánh sáng và cuối cùng trở thành ánh sáng.

Mời Bạn: Nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô Cứu Thế, người Ki-tô hữu sống giữa thế gian như bông sen “gần bùn chẳng những không hôi tanh mùi bùn” mà còn phải toả ngát hương thơm nhân đức để cho bùn lầy cũng phải thơm lừng hương sen. Muốn thế, bạn phải trở thành “chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” trước đã.

Chia sẻ: Bạn hãy diễn dịch những hình ảnh hoa mỹ trên đây thành hành động cụ thể làm chứng nhân cho ánh sáng.

Sống Lời Chúa: Lần hạt “Năm Sự Sáng” để suy niệm về sứ mạng cứu thế của Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Xin Chúa luôn thức tỉnh trong con ý thức làm chứng nhân cho Chúa qua việc bổn phận của con.

 

17/01/21 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – B
Ga 1,35-42

 

RÁP-BI, THƯA THẦY!

Đức Giê-su hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1,38-39)

Suy niệm: Cuộc sống vẫn cứ thế. Nhà nông mong mùa thu hoạch kiếm hoa màu. Công nhân viên chức mong cuối tháng kiếm đồng lương. Người bán mong có người mua để kiếm đồng lời. Học trò mong đỗ đạt kiếm tìm một cuộc sống sung sướng hơn. Thế mà những người môn đệ mới lần đầu tiếp xúc với Chúa, đã nhanh nhẩu đáp: “Ráp-bi, Thầy ở đâu?” Vâng, họ chỉ muốn tìm chính Thầy, và muốn đến chính nơi Thầy ở, và lưu lại đó với Thầy. Cuối cùng, các ông đã chia sẻ sứ mệnh của Thầy và cùng chết với Thầy. Người môn đệ Chúa hôm nay tìm gì? Tiền bạc, việc làm, tiện nghi… Nhưng không đủ nếu chúng ta dừng lại ở đó và coi đó là cùng đích của cuộc đời. Hãy tạ ơn Chúa đi bạn, vì được Giáo Hội hướng dẫn giới thiệu, được Chúa soi sáng thúc đẩy, bạn còn biết tìm chính Chúa. Tìm Chúa nơi tha nhân, nơi cuộc sống cộng đoàn, nơi bổn phận mỗi ngày. Tìm Chúa rồi, hãy ở lại với Ngài, hãy để Ngài ở lại với ta.

Mời Bạn: Khi bạn rong ruổi tìm kiếm lợi lộc cuộc đời mà không bao giờ thấy thỏa mãn, đó là dấu hiệu bạn chưa tìm và chưa gặp Chúa. Hãy bắt đầu tìm Chúa ngay đi bạn. Không bao giờ là quá sớm hoặc quá trễ.

Sống Lời Chúa: “Hãy đến và sẽ thấy”. Hôm nay, bạn thử quyết tâm sống một ngày Chúa Nhật thật trọn vẹn, đỉnh cao là việc tham dự Thánh Lễ.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin đồng hành với con trong mọi bước đường cuộc sống, để trong mọi việc, con luôn nhận ra sự hiện diện của chính Chúa, cùng làm với Chúa và luôn theo ý Chúa. Amen.

 

18/01/21 THỨ HAI TUẦN 2 TN
Bắt đầu tuần lễ cầu nguyện hiệp nhất Ki-tô giáo         
Mc 2,18-22

 

CẢM NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

Có người đến hỏi Chúa Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mc 2,18)

Suy niệm: Người nêu vấn nạn này quả là biết quan sát và biết nhận ra sự khác biệt: các môn đệ của Gio-an và phái Pha-ri-sêu thì giữ chay, còn môn đệ Chúa Giê-su thì không. Tại sao có sự khác biệt này? Câu hỏi này thật quan trọng, vì có giải đáp được nó thì mới tìm ra được đặc điểm riêng của người môn đệ Chúa Ki-tô. Chính Ngài giải đáp vấn nạn này: Ăn chay hay không là tuỳ ở chàng rể, mà chàng rể là hình ảnh chỉ về Đức Ki-tô. Các môn đệ Ngài không ăn chay ư? Thưa, có chứ! Nhưng họ sẽ không ăn chay như một phương thế để giảm cân, hay để chữa bệnh. Thậm chí cũng không phải để được coi là đạo đức. Họ có ăn chay nhưng để biểu lộ tâm tình khao khát tột cùng: muốn chia sẻ những nỗi niềm tha thiết nhất của Ngài, muốn kết hiệp với Ngài thật sâu xa. Và các việc khác cũng thế: làm hay không làm cũng chỉ vì Đức Ki-tô mà thôi.

Mời Bạn: Hẳn bạn cũng tham gia nhiều công tác từ thiện, làm nhiều việc hữu ích cho người khác, nhưng liệu trong những công việc ấy, bạn có thể hiện được nét độc đáo của người môn đệ Chúa, hay bạn chỉ làm như một nhân viên xã hội? Để thể hiện được điều đó trước tiên bạn cần cảm nhận được nơi chính mình niềm khao khát sống cho Đức Ki-tô, vì Đức Ki-tô mà thôi.

Chia sẻ: Kiểm điểm một công tác xã hội hay từ thiện mà nhóm của bạn đã thực hiện xem có biểu lộ được tinh thần của Đức Ki-tô không.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm một việc gì, bạn dành một phút cầu nguyện và xin Chúa thánh hoá công việc đó.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

 

19/01/21 THỨ BA TUẦN 2 TN
Mc 2,23-28

 

CẦN BIẾT PHÂN ĐỊNH

“Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát.” (Mc 2,27)

Suy niệm: Ngày sa-bát, ngày hưu lễ, là ngày để thánh hoá cho Thiên Chúa, để nghỉ ngơi, người ta cùng nhau tới hội đường hội họp, nghe đọc Kinh Thánh, cầu nguyện. Đây là truyền thống lâu đời, bắt nguồn từ giao ước thánh thiêng, đã ăn rễ sâu trong nếp sống văn hoá xã hội của dân Do Thái. Ngày sa-bát, Chúa Giê-su vẫn thường tới hội đường giảng dạy (Mc 6,2). Ngài không yêu cầu bỏ ngày hưu lễ này, tuy nhiên đối với Ngài, không được câu nệ, vin vào luật lệ con người đặt ra để cấm cản những việc làm tốt đẹp và cấp thiết để phục vụ và giúp cho phẩm giá con người được thăng tiến; bởi vì Ngài cho biết: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người chứ không phải loài người cho ngày sa-bát.”

Mời Bạn: Ở mọi thời và mọi nơi, bức tranh văn hóa xã hội luôn đan xen các mảng tối, sáng. Có những phong tục tập quán chứa đựng những giá trị tâm linh cao đẹp nhưng cũng không thiếu những thực hành phản cảm, mê tín, những hủ tục cần loại bỏ. Ki-tô hữu nhờ Lời Chúa phân định để tiếp cận chúng với thái độ vừa cởi mở vừa tỉnh thức, như lời khuyên của thánh Phao-lô: “Những gì là chính trực tinh tuyền, những gì đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).

Sống Lời Chúa: Phân định bằng cách cầu nguyện với Lời Chúa và bàn hỏi để dùng những giá trị Tin Mừng phát huy những nét đẹp của nền văn hoá dân tộc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là “đường, là sự thật và là sự sống,” Chúa sai chúng con đi vào giữa thế gian, xin giúp chúng con biết dùng lời chân lý của Chúa để thánh hoá thế gian về với Chúa.

 

20/01/21 THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo
Mc 3,1-6

 

LÀM GÌ TRONG NGÀY SA-BÁT?

Rồi Người nói với họ: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ; cứu mạng người hay giết đi?” Nhưng họ làm thinh. (Mc 3,4)

Suy niệm: Xã hội ngày hôm nay có lắm điều mâu thuẫn: nào là tranh đấu cho quyền con người nhưng lại cho phép phá thai; nào là cổ võ cho hoà bình thế giới, nhưng chiến tranh chết chóc, khủng bố lại tràn lan đó đây; nào là nâng cao phẩm giá con người nhưng nhân phẩm của biết bao người đã bị chà đạp qua những tệ nạn xã hội như buôn người, ma tuý, thuốc lắc, bạo lực… Chẳng khác nào người Do Thái xưa “làm thinh” trước câu hỏi quá hiển nhiên: “Ngày Sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ; cứu mạng người hay giết đi?” Lời Chúa Giê-su thúc bách chúng ta phải suy nghĩ và trả lời chứ không được nín lặng.

Mời Bạn: Phải chăng đang có nhiều mâu thuẫn ngay trong cách chúng ta sống đạo? Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày nghỉ ngơi, ngày thờ phượng Thiên Chúa, ngày làm việc lành phúc đức, ngày thăm viếng ủi an nhau… Thế nhưng có khi ta lại lợi dụng ngày nghỉ để làm những việc ngược lại: để lỗi luật Chúa, để sống buông thả… Mỗi ngày chúng ta hãy coi lại cách sống, cách phản ứng của mình trước câu hỏi của Chúa Giê-su. Tôi phải làm gì vào ngày Chúa Nhật? Thờ phượng Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh lễ và làm việc bác ái, tông đồ như thăm viếng người đau ốm, tật nguyền, tham gia sinh hoạt các đoàn thể trong giáo xứ…

Sống Lời Chúa: Giữ ngày Chúa Nhật” như ý Chúa muốn: Tham dự Thánh lễ, làm một việc tốt phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con một trái tim nhân hậu để con yêu mến Lời Chúa và luôn luôn yêu mến điều thiện hảo. Amen.