Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Thánh Tâm

print

 Hạt Giống Nẩy Mầm Lễ Thánh Tâm

Ga 19,31-37

A. Hạt giống…

Thánh Gioan tường thuật việc quân lính đánh dập xương ống chân 2 tên tội phạm và đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu :

– Về việc đánh dập ống chân : khi bị đóng đinh treo trên thập giá, hai cánh tay của nạn nhân bị căng dãn ra, ép lồng ngực nhỏ lại, rất khó thở. Muốn thở thì phải rướn mình trên hai chân ; mặt khác, máu của nạn nhân bị nhiễm độc do đó cần phải thở nhiều để lấy dưỡng khí thanh lọc máu, mà muốn thở thì cũng phải rướn mình lên hai chân. Bởi đó, nếu muốn cho nạn nhân chết sớm để dọn dẹp pháp trường, người ta đập gãy xương các ống chân. Chỉ một chút sau là nạn nhân sẽ chết.

– Khi quân lính đến thì Chúa Giêsu đã chết nên chúng không dập gãy ống chân Ngài. Sự kiện và lý do là như vậy. Nhưng thánh Gioan thấy đó là ứng nghiệm những quy định của luật Cựu Ước về con chiên vượt qua. Luật quy định rằng con chiên ấy phải tinh tuyền, không gãy một cái xương nào. Như thế Chúa Giêsu chính là Con Chiên Vượt qua mới, chịu chết để cứu dân Thiên Chúa.

– Tuy không đập gãy xương chân Chúa Giêsu, nhưng quân lính vì muốn chắc ăn nên lấy giáo đâm thủng sườn Chúa Giêsu. Mũi giáo xuyên tim, từ đó có một chút máu và nước chảy ra. Thánh Gioan cũng thấy điều này làm ứng nghiệm lờ tiên tri của ngôn sứ Êdêkien về Đền thờ mới : “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu thoát và reo lên Alleluia” (Êd 47,1tt). Chúa Giêsu chính là Đền thờ mới phát sinh nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại.

B… nẩy mầm.

  1. Tôn kính Trái tim Chúa Giêsu không phải là tôn kính một phần cơ thể của Ngài, cũng không phải là tôn kính một di vật của Ngài cho dù di vật đó quý giá bao nhiêu đi nữa. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, cho nên tôn kính Trái tim Chúa là tôn kính Tình yêu của Ngài.

Tình yêu của Chúa Giêsu như thế nào ? Một tình yêu tự hiến, đến nỗi dám chết vì yêu, đến nỗi còn một chút máu và nước cuối cùng Ngài cũng cho đi. Yêu là tự hiến, yêu là cho đi.

  1. Khi tôn kính Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải noi gương yêu thương của Ngài. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã yêu thương đến mức tối đa không thể nào yêu thương hơn được nữa, và yêu thương tất cả mọi người : từ những người thân (Đức Maria, các môn đệ) cho đến kẻ xa lạ (hai tên tử tội) và cho đến kẻ hành hạ mình (quân lính)…
  2. Trong quyển nhật ký của ông, mục sư Martin Luther King, người đã hy sinh mạng sống để tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen, đã viết :

“Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi qua đời ai đó kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong muốn các bạn sẽ có thể nói rằng tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công lý, rằng tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói khổ, rằng tôi đã luôn luôn cho kẻ rách rưới ăn mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói tôi đã xả thân để thăm viếng những người tù tội và yêu thương phục vụ mọi người… Còn tất cả những thứ khác, như giải Nobel hoà bình 1964 không có gì quan trọng…”

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh Chúa. Chúa đã phú bẩm cho chúng con một trái tim để yêu thương. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong yêu thương và phục vụ, nhất là yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ chung quanh chúng con. (Chờ đợi Chúa)

  1. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói : “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý : “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)