Ngày 24 tháng 10:Thánh Giuse Lê Đăng Thi,Cai Đội (1825-1860)
Thánh Giuse Lê Đăng Thi sinh năm 1825 tại làng Văn Quy, tỉnh Quảng Tri, thuộc tổng giáo phận Huế ngày nay. Cha Ngài là ông Giuse Lê Đăng Tư làm quan tới chức đệ nhị phẩm, là một gia đình Công giáo ngoan đạo. Ông bà Giuse Lê Đăng Tư chết sớm, nên cậu Giuse Thi mồ côi cha mẹ và vì là con quan cai đội nên cậu Thi được nhận vào trường Quốc Tử Giám, trường dành riêng cho con các quan trong triều. Sau khi tốt nghiệp tại trường Quốc Tử Giám, cậu Giuse Lê Đăng Thi được phong làm quan cai đội lúc 25 tuổi. Sau đó được bổ nhiệm đi làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, anh quan cai đội Lê Đăng Thi lập gia đình với người con gái
Hà Tĩnh và được hai người con. Phục vụ tại Hà Tĩnh một thời gian thì quan cai đội trẻ trung Lê Đăng Thi lại phải thuyên chuyển công vụ về Nghệ An. Tại đây, người vợ yêu qúi bị bệnh và qua đời, để lại hai người con trẻ dại. Trước hoàn cảnh khó khăn này, ngài phải tái hôn với một người Công giáo khác để chăm sóc mấy con nhỏ và trông coi công việc nội trợ trong gia đình.
Trong những năm 1858-60 là những năm vua Tự Đức ra những sắc dụ cấm đạo rất khắt khe. Quan đầu tỉnh Nghệ An biết qaun cai đội Lê Đăng Thi là người Công Giáo nên quan khuyên Ngài bỏ đạo để khỏi phiền lụy tới bản thân và gia đình. Nhưng Ngài cương quyết không bỏ đạo. Quan trấn Huỳnh Thu rất quí trọng Ngài, thấy Ngài dứt khoát không bỏ đạo, quan trấn Huỳnh Thu muốn giúp Ngài thoát nạn nên đã đệ trình lên triều đình xin cho quan cai đội Lê Đăng Thi giải ngũ, lý do vì bị bệnh và sức khoẻ yếu kém. Được triều đình chấp nhận cho giải ngũ. Ngài vui mừng tìm cách lẩn trốn, vẫn để vợ con ở lại Nghệ An, còn Ngài thì âm thầm trở về Văn Quy là nơi sinh trưởng của Ngài để trốn lánh một thời gian. Ngài lo canh tác như một thường dân trong làng và sau bốn tháng trời Ngài đã bắt đầu làm một ngôi nhà nhỏ xinh đẹp mong sau này sẽ đưa vợ con về chung sống trong ngôi nhà này. Cũng trong thời gian này, vua Tự Đức ra lệnh kiểm kê và bắt tất cả các quan Công Giáo trong triều phải quá khóa. Nhiều người vì sợ hãi và vì đức tin còn yếu kém nên đã nghe theo lệnh vua. Một số khác, vẫn sẵn sàng chịu mọi khổ hình, kể cả việc bị mất hết chức quyền và tù đày, trá tấn.
Riêng trường hợp của ông đội Lê Đăng Thi, ngày 16 tháng 12 năm 1859 bị một người không Công giáo trong làng Văn Quy tố cáo với các quan là người theo đạo Gia Tô. Quan đầu tỉnh gọi ông lên tra hỏi rồi cho về và hẹn ngày 29 tháng Giêng năm 1860 trở lại trình diện. Tới đúng ngày Ngài trở lại thì bị bắt và bị tống giam ngay trong ngục tỉnh Quảng Trị.
Ngày đầu tháng 2 Ngài cùng với một số quan Công giáo khác, trong đó có một vị tên là quan Nguyệt cùng bị tra tấn, đe dọa, khuyên dụ bỏ đạo, nhưng các Ngài cương quyết một lòng giữ vững đức tin, không bỏ đạo. Sau khi tra tấn và mỗi vị bị 50 roi đòn, máu me dình đầy quần áo, các Ngài bị đeo gông rất nặng, bị xiềng xích chân tay rồi dẫn đưa về ngục, không cho bất kỳ ai lui tới thăm nuôi.
Mặc dầu bị khổ cực, đau đớn trong tù, người chiên sĩ dũng cảm của Chúa Kitô vẫn hiên ngang tuyên xưng đức tin và vui mừng vì được chịu những hình khổ nhục nhã vì đạo Chúa. Ngài viết thư cho vợ con với những lời âu yếm như sau: “Em và các con yêu quí, anh dự tính là làm nhà xong thì sẽ đón em và các con về chung sống dưới mái nhà ấm cúng. Nhưng ý Chúa tốt lành lại để cho sự việc xẩy ra khác với dự định của anh. Anh đã bị các quan theo lệnh nhà vua bắt vì anh đã theo đạo Chúa. Chắc chúng ta không còn gặp lại nhau dưới cõi trần gian này nữa. Vậy anh gửi lại em hai lượng để chứng tỏ anh không bao giờ quên gia đình. Anh hằng thương nhớ em và các con. Cầu nguyện cho anh được ơn trung thành với Chúa tới cùng”.
Theo sử liệu còn ghi lại thì thầy Sáu Biện cùng bị giam trong tù làm chứng rằng, ông cai đội Giuse Lê Đăng Thi luôn vui vẻ, không chịu để cho lính không Công giáo chê cười người Công giáo. Hằng ngày trong tù, ông đội Thi siêng năng lần hạt Mân Côi sáng trưa tối. Đọc kinh cầu nguyện xong thì ông đan giầy rơm để tặng bạn bè. Nhờ vậy, ông được mọi người yêu thương, tin cậy. Lính canh gác cũng trọng nể ông, họ dễ dãi cho ông được ra làng Cổ Vưu tìm gặp linh mục để xưng tội và rước lễ. Ông hay ra vào dự lễ tại nhà ông lang Thìn, gần chỗ ông bị giam.Ông lang Thìn là người Công giáo tốt, làm nghề thuốc nên có người lui tới thường xuyên, nhờ vậy mà các linh mục hay cải trang tới cư ngụ tại nhà ông để lựa dịp vào thăm viếng những người Công giáo bị bắt và giam giữ trong tù.
Thời gian tù đày cứ êm ả trôi qua, lâu lâu các quan lại cho gọi tới công đường để khuyên dụ các Ngài bước qua Thánh Giá để được tha.Nhưng tất cả những lời khuyên dụ và hứa hẹn đối với các Ngài đều vô ích. Lòng cương quyết và ý chí sắt đá không hề nao núng trước những dụ dỗ hay những hình phạt kinh hoàng sợ hãi. Các quan đã nhiều lần tỏ ra bực tức và thất vọng với những tù nhân kiên cường theo đạo Gia Tô này.
Tới cuối tháng 7 năm 1860, các quan cho gọi ông Lê Đăng Thi ra trước toà. Với những lời âu yếm, thân thiện, các quan khuyên dụ Ngài vui lòng theo lệnh vua bước lên Thánh Giá để các quan tha cho trở về với gia đình và vua sẽ trọng thưởng. và Phục hồi chức quan cai đội .Các quan còn nói ông còn trẻ quá, chết uống quá! Nhưng Ngài vẫn cương quyết giữ vững lập trường, luôn một lòng trung kiên xưng đạo. Ngài nói:
– Nếu vua và các ngài có lòng thương, tôi muôn vàn đội ơn. Còn việc bước lên Thánh Giá thì không bao giờ tôi bước lên. Tôi sẵn lòng chịu chết chứ bỏ đạo thì không thể được. Đối với tôi, chối đạo là một tội rất ghê tởm. tội thất trung thất hiếu nặng nề nhất đối với Chúa, là Thiên Chúa của tôi.
Các quan lại hỏi:
– Nhưng ông cai đội à! Nếu ông không bỏ đạo thì ông cũng mang tội thất trung với vua. Vì vua đã cho ông được ăn học tại trường Quốc Tử Giám, được phong làm quan cai đội, được vua thương mến. Bây giờ ông lại chống lệnh vua, như thế ông là người thất trung thất hiếu với vua rồi!
– Không tôi không chống lại vua, tôi vẫn kính trọng vua và triều đình. Nhưng vâng lệnh vua mà bỏ Thiên Chúa thì tôi không thể làm theo. Vì phải vâng lời Thiên Chúa trước hết và trên hết. Như vậy , tôi không thất trung thất hiếu với vua.
Nghe ông nói, các quan nhìn nhau, lắc đầu rồi cho lệnh đưa ông trở về nhà tù. Khi trở về nhà tù, anh em xúm lại hỏi chuyện thì Ngài tâm sự với anh em bạn tù:
–Thiên Chúa từ bi nhân hậu thật đấy, nhưng Chúa không xoá bỏ tội chối đạo, chối Ngài trước mặt vua quan đâu. Chối đạo không phải là tội ghê gớm lắm sao? Phần tôi, thà chịu chết chứ không thể chối đạo và bỏ Chúa được.
Có lần cha Thọ cải trang vào thăm, cha hỏi Ngài:
– Ông cai đội có muốn chết vì đạo không
Ông cai đội Lê Đăng Thi trả lời một cách mau mắn:
– Thưa cha, con ước mong hết lòng hết sức được ơn trọng này.
Cha lại hỏi:
– Nhưng những hình phạt ghê sợ lắm, liệu con có thể chịu được không? Nhiều người thấy đòn vọt đau đớn quá thì đã đầu hàng.
– Ai đầu hàng thì đầu hàng chứ con cậy nhờ ơn Chúa, con không đầu hàng. Con xin chịu mọi sự khổ vì Chúa Nếu vua tha chết thì tốt. Nếu vua kết án phải chết thì lại càng tốt hơn. Cho tới giờ phút này, con chưa biềt người ta để cho con sống hay chết. Con xin phó dâng theo ý Chúa.
Sau cùng, tới tháng 8 Ngài bị lên án phải xử trảm -thắt cổ- giam hậu và giải về khám đường tại Huế Về tới nhà giam ở Huế, Ngài may mắn gặp được rất nhiều người Công giáo bị giam tù tại đây. Ngài kết thân và an ủi, khích lệ lẫn nhau và hằng ngày đọc kinh, cầu nguyện chung với họ cách sốt sắng. Đặc biệt trong số những người bạn tù, có một người ngoài Công giáo bị bắt giam vì tội ăn trộm. Ngài khguyên bảo anh này trở lại đạo Công giáo. Ngài dậy giáo lý cho anh và rửa tội cho anh. Sau cùng anh cũng bị kết án tử hình và chết trước khi được chịu phép rửa tội.
Trong thời gian cuối đời, ngài phải chịu quá nhiều khổ cực, lại hay bị đau ốm..Ngài lo sợ chềt không được phúc tử đạo. Ngài xin các bạn tù cầu nguyện cho Ngài. Có lần Ngài tâm sự với bạn bè trong tù:
-Tôi không biết Chúa có thương ban cho được phúc tử vì đạo hay khôngg. Không chừng tôi phải chết sớm vì bệnh. Tôi thấy sức khoẻ của tôi xuống lắm rồi! Tôi tha thiết mong ước một điều là được tử vì đạo, nhưng có lẽ Chúa không chấp nhận, vì tôi tội lỗi nhiều.
Trước tấm lòng chân thành của quan cai đội Giuse Lê Đăng Thi, Chúa nhân từ, yêu thương chấp nhận, nên ngày 22 tháng 9, các quan báo tin cho Ngài biết Ngài sắp sửa được đưa đi hành quyết. Được tin vui mừng, mặc dù đang đau ốm, Ngài vùng đứng lên như người khoẻ mạnh. Ngài vui vẻ ăn uống rồi đi chào gĩa biệt từng người trong nhà tù Thế rồi Ngài lại bị bệnh nên ngày hành quyết lại phải hoãn. Sau mấy ngày, lại cò lệnh đem đi xử, rồi lại được lệnh hoãn. Cơn hấp hối cứ kéo dài, làm cho người chiến sĩ kiên trung thêm đau đớn.
Sau cùng, tới trưa ngày 23 tháng 10, Ngài được báo tin chắc
chắn là ngày mai, tức ngày 24 tháng 10 năm 1860 Ngài sẽ bị
xử.Ngài vui mừng reo lên:
– Thật vui mừng! Thật hạnh phúc. Chắc chắn tôi được phúc tử vì đạo. Tôi vui mừng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, đã thương nhận lời tôi cầu xin.
Biết tin chắc chắn như thế, thầy Sáu Biện nói nhỏ với Ngài:
-Ngày mai trên đường ra pháp trường hoặc tại nơi xử, nếu trông thấy tôi thì biết chắc là có linh mục đi theo sát bên tôi. Ông hãy ăn năn thống hối để lãnh nhận bí tích hoà giải sau cùng nhé.
Sáng ngày 24 tháng 10 đoàn quân lính tới dẫn Ngài ra pháp trường An Hoà. Trước khi đi, quan Giám sát còn tới khuyên Ngài bỏ đạo thì vua sẽ tha ngay. Nhưng Ngài cương quyết và vui vẻ trả lời:
– Không bao giờ tôi bỏ đạo. Tôi muốn chịu chết và trung thành với Chúa cho tới giây phút cuối cùng của đời tôi
Thế là đoàn quân lính hai hàng nghiêm chính tiến ra pháp trường. Một tên lính đi đầu mang bảng chữ viết như sau: “Lê Đăng Thi, tước quan cai đội, theo tà đạo và cố chấp không chịu bỏ.Tội không thể tha nên phải kết án cuối mùa Thu. Lệnh phải thi hành ngay”. Vui vẻ bước theo đoàn quân đều đều bước, quan đội Lê Đăng Thi tươi cười chào hỏi những người đứng bên đường, trong đó có nhiều người thân quyến.
Tới pháp trường An Hoà, người chiến sĩ kiên trung của Chúa quì trên chiếc chiếu bà Maria Mai đã trải sẵn, vẻ mặt đăm chiêu cầu nguyện rồi hướng về chỗ cha Thanh đứng, cúi đầu lãnh nhận bí tích hoà giải cuối cùng Sau đó, Ngài lớn tiếng hô to:”Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi được phúc tử vì đạo” Hô xong, quan ra lệnh đè Ngài sấp mặt xuống đất, chân tay trói vào các cọc, tháo gông và xiềng xích. Lý hình cuốn sợi giây vào cổ Ngài, mỗi đầu giây hai người lính khỏe mạnh, đợi chiêng trống nổi lên, tới tiếng trống chiếng cuối cùng thì hai bên lấy sức kéo thật mạnh cho tới khi người tôi tớ chứng nhân Chúa Kitô tắt thở, lúc đó là 10 giờ sáng ngày 24 tháng 10 năm 1860. Các tín hữu Phú Cam tới xin xác, rước về tổ chức lễ an táng tại xứ của mình. Hiện nay hài cốt của thánh Giuse Lê Đăng Thi còn lưu giữ tại Nhà Nguyện các Cha Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.