Ngày 28 tháng 10:Thánh Gioan Đạt,Linh mục (1765-1798)

print

Ngày 28 tháng 10:Thánh Gioan Đạt,Linh mục (1765-1798)

 

Thánh Gioan Đạt sinh năm 1765 tại làng Khê Cầu, huyện  Bình Lục, tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình Công giáo.Cậu Đạt mồ côi cha từ nhỏ, cậu xin phép mẹ để hoàn toàn hiến dâng cuộc đời cho Chúa với ước mơ là sau này được trở thành linh mục. Ước nguyện đó đã được Chúa dẫn dặt từng bước trong cuộc đời cậu bé Gioan Đạt. Lúc đó cha Loan là cha chánh xứ Đồng Chuối vui vẻ nhận cậu Đạt vào sống trong nhà xứ. Cha tận tình chăm sóc, dạy dỗ về văn hoá cũng như về đời sống tu đức rất chu đáo. Cậu Gioan Đạt nhờ tình yêu thương và sự dạy dỗ tốt lành của cha Loan mà cậu đã trở thành một thanh niên đạo đức lại thông giỏi chữ nghĩa. Giáo dân trong xứ Đồng Chuối ai cũng khen ngợi và quí mến chú Đạt, người con tinh thần của cha chánh xứ.

Tới năm 18 tuổi thì cha Loan gửi chú Gioan Đạt vào chủng viện. Sau khi mãn trường thầy Gioan Đạt được sai đi giúp xứ. Trong thời gian đi giúp xứ, thầy Gioan Đạt đã chứng tỏ khá năng của mình qua việc giảng dạy Giáo lý, tổ chức các sinh hoạt cho giáo dân được phân chia theo tuổi tác và  hoàn cảnh của từng người. Các cha rất hài lòng về những công việc của thầy. Cha nào cũng khen tính tình thầy Gioan Đạt rất hiền hoà, nhã nhặn lại khiêm tốn. Đời sống đạo đức lại càng vững vàng trổi vượt đáng khen hơn nữa.

Thấy thầy Gioan Đạt rất đạo đức lại giỏi về nhiều phương diện khác nên các cha đã xin Đức Giám mục truyền chức linh mục cho thầy. Vì thế năm 1798, lúc thầy Gioan Đạt vừa 33 tuổi thì được thụ phong linh mục.

Vì đã biết rõ lòng đạo đức và khả năng làm việc mục vụ của cha nên sau khi thụ phong linh mục, Đức Giám mục giáo phận đã bổ nhiệm cha tới xứ Hào Nho, Thân Phú coi sóc giáo dân trong địa hạt này. Với tinh thần hăng say và lòng nhiệt thành của vị linh mục mới và trẻ trung, cha Gioan Đạt đã xả thân vào những công tác mục vụ như việc đi thăm viếng các gia đình để biết hoàn cảnh sống cũng như tinh thần đạo đức của họ ra sao, lo tổ chức các lớp giáo lý và các buổi đọc kinh cầu nguyện sáng trưa tối. Nhờ tinh thần hăng say và đạo đức của cha mà chỉ trong một thời gian ngắn, giáo xứ đã trở nên sốt sắng, giáo dân trở nên thân thiện gần gữi nhau và tình nghĩa con chiên và chủ chiên trở nên thân thiết, quí mến nhau hơn. Thấy công việc mục vụ của cha rất khởi sắc, cha chính điạ phận cũng phải công nhận rằng: “Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là nhân đức tuân phục và sống nghèo khó. Cha thật nhiệt tình với những công tác mục vụ, Cha lại chu toàn mọi bổn phận nên Đức Cha và các vị Thừa Sai đều quí mến và cảm phục. Cha Gioan Đạt giảng giải có sức mạnh đặc biệt, có sức thuyết phục lòng người”.

Rất tiếc thời gian cha về giáo xứ này chưa được bao lâu thì vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ bắt đạo gắt gao hơn trước. Vâng lệnh vua Cảnh Thịnh, quan trấn ra lệnh cho quân lính đi tầm nã và bắt tất cả các người theo đạo Công giáo cũng như các đạo trưởng để lập công với triều đình. Trước tình thế khó khăn này, cha Gioan Đạt phải trốn vào rừng rồi lâu lâu lại lén lút trở về ban các bí tích cho giáo hữu và cử hành thánh lễ trong bóng đêm. Một hôm cha vừa cử hành thánh lễ xong thì quân lính xông tới bao vây nơi cử hành thánh lễ. Thấy thế, giáo dân đã vội vã đưa cha ra sau nhà, tìm đường cho cha trốn thoát. Trong khi đó lính đã vào nhà thấy chén lễ, áo lễ nên bắt và tra tấn chủ nhà là ông Trùm Mỡi và một số giáo dân khác Đứng trước hoàn cảnh này, cha Gioan Đạt nhớ lại lúc Chúa Giêsu bị quân Do Thái tới bắt: Chúa đã xin quân Do Thái để các Tông Đồ được an toàn, nên cha đã trở lại tự nguyện trình diện. Cha chào đoàn lính đang tra tấn chủ nhà và nói với họ:

– Xin tha cho những người này. Tôi là đạo trưởng. Tôi biết tôi có thể trốn thoát, anh chị em tín hữu đây sẽ phải khổ. Tôi xin các ông tha cho họ và xin bắt tôi”.

Cha vừa nói xong thì bọn lính xông tới bắt và trói cha lại. Họ đánh túi bụi lên mặt và đầu cha. Họ làm nhục cha trước đám đông. Nhưng cha vẫn bình tĩnh vui vẻ một cách hiên ngang. Nhiều người thương cha thì xụt xùi khóc, vì sợ nên không dám khóc to tiếng. Ho bắt và đánh đập cha rất tàn nhẫn, họ bắt luôn thầy Tâm và mấy người trong Ban Hành Giáo của giáo xứ. Giáo dân rất đông nên họ dự tính đánh tháo giải vây cho cha và những người cùng bị bắt. Biết được ý định của giáo dân, cha đã can ngăn và an ủi họ bằng những lời rất chân tình:

– Anh chị em hãy để cho cha đón nhận thánh ý của Chúa. Anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi được bền vững tới cùng. Anh chị em ở lại bình an. Chúng tôi sẽ cầu nguyện Chúa gìn giữ mọi người trong tình yêu thương của Chúa..

Quan quân bắt trói cha lại rồi áp giải cha về Thanh Hoá. Giáo dân vâng lời cha, không đánh tháo cha nữa. Mọi người chào tạm biệt cha bằng những giòng nước mắt chảy dài trên gò má. Khi đoàn quan quân áp giải cha qua làng Kẻ Dừa, có một cụ bà chạy theo vừa khóc vừa trao cho cha chiếc nón vì trời nắng gắt, nhưng bọn lính nạt nộ cụ bà và không cho cha nhận chiếc nón. Cha cúi đầu cám ơn cụ bà rồi chậm chạm bước theo bọn lính tiếp tục đi về hướng tỉnh Thanh Hoá.

Khi tới Đình Đang, các quan quyết định tống giam cha vào nhà tù tại Đình Đang. Trong nhà tù lúc nào cha cũng bình tĩnh vui vẻ. Giáo dân tới thăm nuôi thì khóc thươn cha, nhưng cha cứ vui vẻ, nói chuyện bình thản như chẳng có chuyện gì xẩy tới. Thái độ phi thường đó khiến những bạn tù rất đỗi ngạc nhiên. Có người hỏi cha:

– Thưa cha, cha bị bắt vì đạo và rất có thể cha sẽ bị chết, chém đầu vì cha là đạo trưởng. Thế cha không sợ sao?

Cha mỉm cười trả lời:

– Tử vì Đạo là phúc rất cao trọng. Nước An Nam ta chưa được mấy người lãnh ơn phúc đó. Nếu Chúa thương ban phúc tử vì đạo cho tôi thì tôi vui mừng lắm!

Những người lương dân sống trong vùng này có dịp gặp gỡ thấy cha hiền lành, vui vẻ. Nhiều người cũng thương mến cha lắm. Họ thường lui tới tiếp tế thuốc men và đồ ăn cho cha. Có một chị phụ nữ thấy cha bị đòn vọt đau đớn, máu me thấm đầy quần áo thì thương cha quá. Chi thật thà đưa cho cha một chai thốc độc để cha uống, để khỏi phải kéo dài cuộc sống trong nhà tù, bị hành hạ, đeo gông cùm lại còn bị đánh đập đau đớn như thế. Thấy lòng thật thà của chị, cha từ chối, cám ơn và giải thích cho chị biết:

– Người Công giáo chân chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được chấp nhận việc tự tử. Không được hủy hoại cuộc sống của mình.

Nghe cha giải thích như thế, chị nói với cha.

– Đạo của cha khó quá. Con thương vì thấy cha bị đánh tàn bạo quá! Thật tội cho cha quá!

Cha hiểu lòng tốt của chị, nên thành thật cám ơn lòng tốt của chị. Nhờ tính vui vẻ và lòng đạo đức tốt lành của cha mà ngay cả đám lính coi tù cha cũng đã cảm hoá được cả toán lính canh ngục này. Lúc đầu họ xử đối với cha rất khó khăn. Họ thường bắt những tù nhân phải đút lót tiền bạc. Nếu không thì trước khi đổi phiên canh gác họ sẽ hành hạ tù nhân. Thấy bọn lính gác ác độc, cha tỏ ra hiền hòa yêu thương bác ái, mân mê tới gợi chuyện và làm quen với họ. Một thời gian vắn, họ có cảm tình thương mến cha nên họ lại tỏ ra dễ dàng với những tín hữu bị cùng giam trong tù với cha. Có lần cha vui vẻ nói với bọn lính gác rằng:

– Khi nào tôi được phúc trên trời, tôi sẽ nhớ cầu nguyện cho các anh dưới thế.

Ông đội cai ngục, quen gọi là đội Thiềng rất quí mến cha. Có lần ông nói với cha:

– Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức thì muốn kết nghĩa huynh đệ với cụ lắm. Nhưng vì cụ sắp bị kết án tử rồi. Tôi thương tiếc cụ lắm! Tôi hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôn kính và qúi yêu của tôi đối với cụ.

Nhiều lần cha Đạt và  các tín hữu cũng bị bắt phải công đường, chân tay bị xiềng xích, cổ đao gông nặng nề. Họ bắt cha quì trước toà, cố ý làm nhục cha. Ông Hoàng Đệ là em vua Cảnh Thịnh ngồi toà, đóng vai chánh án. Ông thị uy, dọa nạt, bắt cha và những người khác bỏ đạo và bước lên Thánh Giá, không một ai làm theo. Ông nổi nóng quát tháo và ra lệnh đánh đập tàn nhẫn rồi dùng mọi kế hiểm độc bắt bỏ đạo, nhưng trước sau ông đều thất bại. Ông ấm ức lắm! Có lần ông Hoàng Đề còn yêu cầu cha Đạt giải thích và cắt nghĩa cho ông nghe về tấm hình vẽ ngày phán xét chung. Sau dó ông nói với cha, nếu cha bước lên ảnh đó thôi thì ông cũng tha  Nghe nói thế, chẳng những cha không bước lên mà lại tiến đến gần ôm ảnh hôn một cách cung kính.

Thấy không còn cách nào có thể thuyết phục được cha nên trung tuần tháng 10, quan Hoàng Đệ kêu cha ra công đường để tuyên bố án tử hình cha. Ông nghĩ rằng khi nghe án tử hình thì cha sẽ hốt hoảng sợ hãi và xin quá khoá. Nhưng trái lại, nghe tuyên án tử hình, cha hân hoan vui mừng.Trở về nhà giam, cha kể lại cho các bạn tù biết cha đã có án tử hình, cha xin mọi người cảm tạ ơn Chúa thay cho cha. Được tin, cha Huấn đang ở xứ Bạch Bát vội vã giả làm cụ đồ bạn cũ tới thăm, giải tội và cho cha rước Mình Thánh Chúa.

Ngày 28 tháng 10 năm 1798, ngay từ sáng sớm, quan quân đã nhộn nhịp gươm giáo tới nhà tù áp giải cha ra pháp trường Chợ Rạ (Trinh Hà) tỉnh Thanh Hoá để thi hành án lệnh. Trên đường tiến ra pháp trường, trời bỗng có sấm chớp nổi lên, mưa đổ nước xuống như thác đổ. Cha Gioan Đạt, cổ đeo gông nặng nề chậm chạp bước từng bước duới cơn mưa tầm tã, toán lính phải đi theo trong mưa gió. Tới nơi, đã có người trải sẵn cho cha một chiếc chiếu mới còn thơm mùa cói. Cha quì trên chiếc chiếu sốt sắng cầu nguyện. Các quan thấy cha hiền lành, vui vẻ mà giáo dân thì tỏ lòng thương tiếc nên các quan cho giáo dân được tới gần chào thăm lần cuối và lãnh phép lành sau cùng của cha. Thấy quan dễ dãi và giáo dân bao quanh đông đảo quá, cha bình tĩnh khuyên đôi lời cuối cùng:

– Là người Kitô hữu, chúng con phải vâng lời vua quan trong những việc hợp lý. Nhưng trước hết chúng con phải vâng giữ luật của Chúa. Chúng con hãy luôn trung thành thờ phượng Chúa. Chúa ở cùng các con luôn mãi. Xin cầu cho cha nữa.

Nói xong, quân lính xua đuổi những người tín hữu lui ra xa. Cha Gioan Đạt mỉn cười chào giã biệt mọi người. Ba hồi chiêng trống vang lên. Đội lý hình vung cao lưỡi gươm sắc bóng loáng, đợi ba tiếng chiêng trống sau cùng, lý hình mới chém một nhát thật mạnh. Đầu cha rụng xuống đất. Từ xa vọng lại tiếng la hốt hoảng của mấy bà:

– Giêsu Maria lạy Chúa tôi! Đầu cha rơi xuống đất rồi! Xin Chúa đón rước cha về Thiên Đàng với Chúa.

Giáo dân cũng như lương dân xô tới thấm máu vị chứng nhân Đức Tin can trường của Chúa. Nhiều người đã ca tụng cha là linh mục trẻ trung đầy nhiệt huyết, đã nêu cao gương sáng Đức Tin, lòng yêu thường, từ ái. Cha quả thực là một linh mục đã hết lòng yên mến Chúa, đã anh dũng hiến dâng chính mạng sống mình vì lòng yêu mến Chúa và để làm chứng nhân cho Chúa.

Thi hài cha đã được rước về an táng tại nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc thuộc giáo phận Phát Diệm ngày nay.

Cuộc đời cha đã kết thúc lúc 33 tuổi và phục vụ Chúa và Giáo hội trong thiên chức linh mục chưa đầy một năm.

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.