Tiếng Chiên Và Sói Giữa Mùa Dịch

print

Tiếng Chiên Và Sói Giữa Mùa Dịch

Chiên và sói là hình ảnh mà Chúa dùng để nói lên những con người tốt và xấu trong xã hội. Trong thế sự hôm nay, chiên và sói đang có những tiếng nói giống nhau qua điện thoại.

Trong muôn vàn tiếng nói từ phương xa:

Tôi nghe thấy tiếng chiên gầy, khô máu và khát sữa: tiền đã hết và sữa uống cho con thì cũng chẳng còn. Thế rồi lòng trắc ẩn lại mở ra.

Tôi nghe thấy tiếng chiên mập, đầy mỡ và sữa: tiền có nhiều nên muốn gửi cha giúp người nghèo. Thế rồi lòng tin được đặt để.

Thực tế phũ phàng, tôi phát giác cả chiên mập và gầy đều là sói. Sói gầy thì muốn mập, sói mập thì muốn tha mồi về hang.

Thịt “lừa” ăn nhiều cũng làm niềm tin và lòng trắc ẩn hoại tử. Rồi từ đó, tôi đóng cõi lòng mình và dửng dưng trước mọi tiếng nói. Nghi ngờ là phản ứng tự vệ, từ chối là giải pháp an toàn.

Mục vụ bằng đôi tai không đơn giản! Đi tu, tôi không vồn vã, sỗ sàng để rồi làm phiền người đến kẻ đi. Đời tu, tôi được giáo dục để có một đức ái mục tử. Nói khác đi, tôi phải trở thành một người biết yêu thương chân thành như Chúa và là nhịp cầu của đôi bờ: bên lở, bên bồi.

Dừng lại để tôi phân trần với Chúa, tôi hỏi: có bao giờ Chúa bị sói lừa chưa? Chúa nói với tôi 3 điều:

  1. Nếu là mục tử, con hãy coi mọi người không ai là sói, chỉ có chiên giống sói. Đó là con chiên lạc mà con gặp thấy.

Lạc nên đói, nên khát. Lạc nên sống bon chen với đời, phải chụp giật để sinh thời. Nếu coi họ là sói, vô tình con đã loại bỏ, không cho họ cơ hội trở về. “Đừng bao giờ đặt dấu chấm hết cho người đang sống”. Nghĩ thấu đáo, con thấy người trở nên xấu không hoàn toàn do họ, nhưng do sự nghiệt ngã ở đời bóp nghẹt.

Thế nên, đừng vì chuyện xấu mà loại bỏ và đóng kín lòng trắc ẩn hay đức ái mục tử mà con được dạy dỗ.

  1. Chúa cho tôi một tấm gương đức ái mục tử:

Kẻ trộm lẻn vào nhà xứ và lấy một số tiền khá lớn của họ đạo. Cha sở quyết không báo công an để truy tìm. Cha không trách tên trộm mà chỉ trách mình sao không cẩn thận hơn. Cha suy nghĩ thế này:

Nếu công an vào cuộc chắc chắn sẽ tìm được, cha sẽ lấy lại được số tiền. Đổi lại, kẻ trộm đi tù. Họ phải bỏ lại con cái bơ vơ, gia đình túng bấn và tương lai tăm tối. Hơn nữa, nếu là giáo dân mình; họ còn can đảm để đi lễ, tiếp tục giữ đạo không? Cả gia đình sẽ bỏ đạo, rời xa công đoàn vì mặc cảm. Và rồi cha sẽ nói gì cho những bài giảng hùng hồn về yêu thương, tha thứ bấy lâu nay. Thực ra, tiền để làm điều tốt nhưng cũng là để bảo vệ phẩm giá, danh dự những con người xấu.

  1. Con bò cạp rơi xuống hố, người tốt muốn cứu nó. Nhưng do bản năng phòng thủ nên nó khăng khăng đòi cắn lại. Hãy nhớ không vì bản tính dã tâm của người khác mà con thay đổi bản tính yêu thương của mình. Do đó, thận trọng và biết cách yêu thương, con vẫn có thể thực thi và gìn giữ đức ái trong con.

Đức ái là “tha thứ bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Tha thứ vì đức ái không bao giờ vô lý, vô nghĩa và vô vọng phải không?

Hiên Vắng