Nhớ người đã khuất (3 bài suy niệm tháng 11)

print

Nhớ người đã khuất (3 bài suy niệm tháng 11)

Nguồn: http://www.gplongxuyen.org/

CON NGƯỜI CÓ TỔ CÓ TÔNG

“MỘ” LÀ CHIẾC CÚP QUÝ GIÁ NHẤT ĐỜI NGƯỜI

NHỚ NGƯỜI ĐÃ KHUẤT.

CON NGƯỜI CÓ TỔ CÓ TÔNG…

 Ông bà tôi gốc Ninh Bình, di cư vào Nam năm 1954 và gần 30 năm sau tôi mới chào đời. Nguồn gốc rõ ràng, nhưng sinh ra và lớn lên trong Nam nên chẳng biết chút gì về văn hóa cội nguồn Kinh Bắc.

Miền nam hai mùa mưa nắng với đồng lúa bát ngát, màu vàng bông bí, điêng điểng, sắc tím bằng lăng, hồng tươi hoa phượng… đi vào văn hóa tinh thần con người nam bộ cách nhẹ nhàng, lãng mạn, phóng khoáng. Miền nam không có mùa thu, nhưng cái buồn tượng hình của sông nước mênh mông mùa nước lũ với lục bình trôi, giậu đổ bìm leo, mù u bướm vàng… gợi tâm tư bồng bềnh xao xuyến, nhẹ như từng con sóng, từng cơn gió êm dịu mơn man mà buồn đến tái tê cõi lòng.

“Nhánh mù u con bướm vàng không đậu

Câu ca từ thuở thơ dại ru sang

Sông quê trường làng con đò trên cát lở

Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng”.(Đinh Trầm Ca)

Miền nam quyến rũ vậy đó, nhưng sao tôi vẫn bị mùa thu Hà Nội hấp dẫn một cách lạ thường:

Dù chưa một lần đến đây, nhưng cảm giác mùi Hoàng lan, của hoa Sữa, hương Bưởi, Quỳnh hương… cứ như đang quẩn quanh vấn vương trên người.

Dù chưa một lần dừng chân đứng ngắm, nhưng hình ảnh “rặng Liễu đìu hiu đứng chịu tang”, của “cây Bàng, nóc phố, mảnh trăng…mồ côi mùa đông” sao khiến lòng thổn thức dạt dào trong sự cô đơn trống vắng…

Dù chưa một lần đóng vai “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố”, nhưng như đã cảm được “nỗi buồn len lén tâm tư”, như đã chạm vào “cái rét đầu đông”, đã nếm được cơn gió mùa thu mang theo hương cốm mới, đã cảm cảnh hoàng hôn thấp thoáng trên con sóng Tây Hồ…

Thật đúng với câu “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Lời mời gọi của tổ tiên nơi quê hương Kinh Bắc là tiếng lòng sâu thẳm trong cõi tâm hồn của những người con xa xứ như chúng tôi. Sự liên kết huyết nhục đã lưu truyền cho nhau cái hồn của nguồn cội, của văn hóa và những giá trị tinh thần khác.

Tháng 11 đối với người Công giáo chúng ta là cơ hội tuyệt vời để cảm nghiệm sâu sắc giá trị này. Bầu khí của tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn đưa chúng ta vào mối liên kết với ông bà tổ tiên mình, một mối liên kết cao cả và thiêng liêng vượt trên tri thức tầm thường của con người.

Từ mối liên hệ cội nguồn tổ tông, chúng ta khám phá ra một lời mời gọi cao vời trên tất cả: “Hỡi con người, trở về cát bụi đi!”. Lời mời gọi của Thiên Chúa đưa ta về với cùng đích cuộc sống. Chúng ta tin chắc mình có tổ có tông, thì đó chính là cơ sở để ta khẳng định sự hiện hữu của Đấng Tuyệt Đối tác tạo mình. Đấng đó vẫn hằng ngày mời gọi ta sống thiện tâm, mời gọi ta hy sinh và cống hiến, mời gọi tìm về hạnh phúc tuyệt đối nơi Ngài.

“MỘ” LÀ CHIẾC CÚP QUÝ GIÁ NHẤT ĐỜI NGƯỜI

Dành cho người đã khuất một cái chết đẹp, dân gian ta có câu “Mồ yên Mả đẹp”. Tuy vậy trong ngôn từ hay sử dụng, “Mồ” với “Mả” lại có ý nghĩa ngầm về sự phân biệt đẳng cấp: Mồ dành cho những người qua đời được chôn cất tử tế, Mả thường được hiểu là chốn cô hồn bị bỏ rơi quên lãng.

Bởi thế mà “Mả đẹp” cũng chẳng giá trị gì, dẫu cho mả đó được đúc nguyên cây cổ thụ giá trăm tỷ đi nữa. Mả có đẹp thì người chết cũng chẳng cần, bởi có vất xác xuống sông Hằng hay nhét vào lăng mộ nguy nga thì cũng y nhau. Mả chỉ là hình thức mà người sống dành sự tôn trọng cho người đã khuất, hay tiêu cực hơn là hình thức người đang sống lợi dụng nhằm mưu lợi cho họ, hoặc tô vẽ cho đẹp mặt nhau, thậm chí dùng để “lòe nhau”.

Trái lại, “Mồ yên” mới là điều cao quý. Hiểu theo nghĩa đen thôi, mồ yên cũng đã là một sự trân quý của người sống dành cho kẻ chết khi không bị xúc phạm nơi yên nghỉ và không ai hăm he quật mồ. Ý nghĩa sâu hơn, mồ yên biểu hiện cho một cái chết lành. Người nằm dưới nấm mộ chắc chắn đã có một cuộc sống đẹp và giá trị, ra đi thanh thản bình an. Chết lành mới là cái phúc của đời người, chứ mả đẹp chỉ khiến thiên hạ nổi sân si chửi rủa, người chết còn bị gán cho tội kiêu căng ngạo mạn với thần thánh.

Người Công Giáo muốn chết lành phải hội đủ 2 yếu tố: “Kính Chúa và Yêu Người”. Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nêu cứ yêu người đương nhiên sẽ kính Chúa. Để yêu người thật lòng, Chúa dạy phương pháp là “yêu người như chính mình”, phải yêu bản thân mình trước, và yêu mình sao thì yêu người vậy.

Minh họa cho điều này: Bậc cha mẹ yêu con cái mình, muốn chúng nó khỏe mạnh, sống bình an, sống lành mạnh. Vậy trước tiên ta yêu bản thân mình bằng cách sống thế đã. Bản thân ta sinh hoạt không điều độ, nghiện ngập, keo kiệt, tham sân si đủ thứ khiến lòng luôn bất an khó nết. Cuộc sống chẳng thấy gì là hạnh phúc và tốt lành, sao có thể Yêu Người được!

Bởi đó muốn Yêu Chúa thì phải Yêu Người, muốn Yêu Người thì phải Yêu Mình, muốn Yêu Mình thì phải Khôn Ngoan. Chính vì thế mà Kinh Thánh nói “Khôn ngoan” đứng đầu trong mọi sự, bởi nó luôn “hiện diện kề bên Tòa Chúa” (x. Kn 9, 1-5). Khi có sự khôn ngoan, con người tự nhiên sẽ đưa bản thân mình quy hướng về tha nhân và Thiên Chúa.

Hôm rồi báo chí thông tin bệnh viện trả lại các hiện vật cho người không may qua đời vì Covid. Trong số hiện vật được trao thấy có cục tiền to đùng. Người chết không vợ con nên phải kiếm thân nhân đến nhận. Tích cóp một đời thiên hạ hưởng… Có ông bà kia đã 80t không có con cháu ruột, bất động sản bao la. Răng cỏ không còn để thưởng thức sơn hào hải vị, nhưng 1 tấc đất quyết không để mất. Nhà thờ kề bên đất ông bà khi xây dựng cần thêm chút đất để công trình tốt đẹp, năn nỉ gãy lưỡi. Gần 1 thế kỷ đời người vẫn chưa nghiệm được “yêu mình” là thế nào.

Bởi đó mới thấy Đạo Chúa bao la mà chỉ tóm về hai điều ngắn tẻo: Kính Chúa và Yêu Người. Ngắn tẻo nhưng lại chứa đựng sự khôn ngoan bao la mà muôn thế hệ học hỏi, khám phá để thăng tiến cho kiếp người mãi không hết.

NHỚ NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Những người con của vùng Cái sắn mỗi khi lang thang fb, bất chợt gặp lại hình ảnh trẻ thơ tắm sông, chơi trò chơi dân gian, lưới cá mùa nước nổi, nếp nhà xưa tre lá… đảm bảo lòng ai cũng dậy sóng ký ức, cả một trời kỷ niệm luyến nhớ ùa về.

Vạn vật dưới vòm trời này đều có quá khứ. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của con người với mọi loài là: Quá khứ của chúng ta không chỉ có rồi qua đi và hoàn toàn rơi vào hư vô quên lãng, mà nó mãi tồn tại, vẫn nguyên đó giá trị sống động theo cuộc trần này.

Khi hoài niệm về dĩ vãng, mỗi người mỗi cảm nhận riêng, nhưng cách chung có 4 thái độ này:

– Có người bi quan: Nhìn lui để tủi đời hay hờn trách số phận. “Vẫn còn đó chén đau thương chưa cạn. Bao tủi đời nỗi uất hận chưa tan”.

– Có người bối rối: Quá khứ nhiều ước mơ chưa trọn, nên tương lai chẳng biết sẽ thế nào… “Dĩ vãng tưởng qua mà còn đó. Tương lai ai biết sẽ về đâu!”.

– Có người hoài vọng: Cứ nuối tiếc, luyến lưu hoài những gì đã qua. “Nếu có ước muốn cho cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…”.

– Có người ôn quá khứ để tin tưởng và tự hào, để “ôn cố tri tân”. Đó là thái độ của con cái Chúa. Dĩ vãng giúp họ cảm nghiệm biết bao hồng ân Chúa trao ban qua kiếp người: Được làm con Chúa, được sống trong tình Chúa tình người, có niềm tin và hy vọng vào sự sống bất diệt đời sau.

Từ tâm tình hoài niệm cao sâu đó, Giáo hội dành riêng tháng 11 giúp chúng ta nhớ đến các bậc tiền nhân một cách đặc biệt. Có người mới ra đi đó thôi, vẫn còn bao luyến thương để lại. Có người hàng thập kỷ qua rồi, nhưng vẫn hiện diện trên bàn thờ tổ tiên hay nơi nấm mồ quen thuộc. Có người nằm đó gần ta, nhưng cũng có bao thân nhân yên nghỉ nơi xa xôi chưa một lần biết đến. Giáo hội mời gọi con cái nhớ đến các ngài, tri ân cùng với lời nguyện cầu. Thật ý nghĩa và giá trị dường bao!

Quên một người đã khuất là làm cho họ hai lần chết”. Còn nhớ đến các ngài? Ta không chỉ thể hiện tâm tình thảo hiếu “uống nước nhớ nguồn”, mà còn giúp đưa các ngài vào sự sống bất diệt qua ơn nghĩa của ta với Chúa trong lời kinh và việc hy sinh, nhưng hiến dâng hết cho các ngài. Và giá trị hơn tất cả, kính nhớ người đã khuất đó là biểu hiện của niềm tin chúng ta vào Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu đời sau.

Cần lưu ý trong việc tưởng nhớ các linh hồn. Người Công giáo đừng rơi vào quan niệm: Cầu xin cho các ngài để các ngài “độ” lại cho chúng ta. Sống trong một đất nước đa tôn giáo và văn hóa, ít nhiều chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi các hình thức cúng tế có hơi hướng mê tín dị đoan, cùng tư tưởng đánh đổi công đức để “xin ơn cầu lộc”, mà làm mất đi tính thánh thiêng cao cả của mầu nhiệm con người trong tương quan với Thiên Chúa.

Tôi nay ở trọ trần gian, mai kia về chốn xa xăm cuối trời” (Trịnh Công Sơn). Chẳng ai dám nói mạnh về tuổi đời của mình, nhất là thời dịch bệnh như bây giờ. Tâm tình tháng cầu cho các Đẳng giúp ta chiêm ngắm ý nghĩa sự chết để truy tầm sự khôn ngoan cho kiếp người.

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Thịnh