Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ V
Lúc 10 giờ sáng, Chúa nhật 14 tháng Mười Một, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ, tại Đền thờ thánh Phêrô, nhân dịp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ V, với chủ đề: “Người nghèo các con luôn có với các con” (Mc 14,7).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đồng tế với Đức Thánh cha, có 16 hồng y, giám mục và gần 100 linh mục, trước sự tham dự của hơn 3.000 người, trong đó có khoảng 2.000 người nghèo cùng với những người thiện nguyện.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Trong bài giảng, Đức Thánh cha nhắc đến những tình thế đen tối và đau khổ của nhiều người trong thế giới ngày nay, nhưng ngài nhấn mạnh đến những tia sáng hy vọng và mời gọi các tín hữu góp phần xây dựng hy vọng.
Dựa vào những hình ảnh Chúa Giêsu dùng trong bài Tin mừng (Mc 13,24-25) của Chúa nhật thứ XXXIII thường niên năm B, như mặt trời sẽ tối sầm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao băng và quyền lực của bầu trời bị đảo lộn, nhưng ít lâu sau đó, Chúa mở cho chúng ta niềm hy vọng: chính trong lúc đen tối hoàn toàn ấy, Con Người sẽ đến (v.26), và trong hiện tại, ta đã có thể chiêm ngắm những dấu hiệu Chúa đến… Từ những hình ảnh đó, Đức Thánh cha mời gọi mọi người đọc lịch sử và nhận ra hai khía cạnh: đau khổ ngày nay và hy vọng ngày mai.
Đau khổ ngày nay
Đức Thánh cha nói: “Chúng ta đang ở trong một lịch sử mang đậm những buồn sầu, bạo lực, đau khổ và bất công, trong khi chờ đợi một sự giải thoát dường như không bao giờ đến. Nhất là khi những người nghèo, những người mong manh, yếu đuối nhất trong số các nạn nhân bị thương tổn, bị đè nén, và đôi khi đè bẹp. Ngày Thế giới Người nghèo chúng ta đang cử hành đòi chúng ta đừng ngoảnh mặt đi nơi khác, đừng sợ nhìn thẳng vào đau khổ của những người yếu nhất, đối với họ, Tin mừng ngày hôm nay rất thời sự: mặt trời trong cuộc sống của họ thường bị che tối vì cô đơn, mặt trăng của họ tắt lịm. Tất cả những điều ấy là vì nghèo đói mà họ thường phải chịu, nạn nhân của bất công và chênh lệch trong một xã hội gạt bỏ, tiến nhanh mà không nhìn thấy họ và bỏ mặc họ cho số phận không chút tiếc thương.
Niềm hy vọng ngày mai
“Nhưng đàng khác, có khía cạnh thứ hai, là niềm hy vọng ngày mai. Chúa Giêsu muốn mở cho chúng ta một niềm hy vọng, cứu chúng ta khỏi lo âu và sợ hãi trước đau khổ của thế giới. Vì thế, Chúa khẳng định rằng chính trong lúc mặt trời tối sầm và mọi sự dường như sụp đổ, Chúa trở nên gần gũi. Trong tiếng kêu của lịch sử đau thương chúng ta trải qua, có một tương lai hy vọng bắt đầu manh nha. Hy vọng ngày mai nở tươi trong đau khổ của hôm nay. Đúng vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa không phải chỉ là một lời hứa mai hậu, nhưng đã tăng trưởng trong lịch sử bị tổn thương của chúng ta, nó tiến qua những áp bức và bất công của thế giới”.
Nuôi dưỡng hy vọng
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nuôi dưỡng hy vọng bằng cách chữa lành đau khổ ngày nay. Thực vậy, hy vọng nảy sinh từ Tin mừng không hệ tại thụ động chờ đợi cho một ngày mai, trong đó mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp hơn, nhưng là làm cho lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trở nên cụ thể, ngày hôm nay, mỗi ngày. Quả thế, niềm hy vọng Kitô không phải là sự lạc quan của người hy vọng những sự việc thay đổi và trong khi đó họ tiếp tục sống như thường, nhưng là mỗi ngày xây dựng bằng những cử chỉ cụ thể Nước tình thương, công lý và tình huynh đệ mà Chúa Giêsu đã khởi sự. Chúng ta được kêu gọi trở thành những người xây dựng hy vọng không biết mệt mỏi giữa những đổ vỡ hằng ngày; trở thành ánh sáng trong khi mặt trời trở nên u tối; thành những chứng nhân về lòng cảm thương trong khi quanh chúng ta có sự lơ đãng, trở thành những người chăm chú hiện diện trong sự dửng dưng của nhiều người”.
Đức Thánh cha nhắc lại lời một vị giám mục gần gũi người nghèo, Đức Cố giám mục Tonino Bello, thường nói: “Chúng ta không thể chỉ giới hạn vào sự hy vọng, chúng ta còn phải tổ chức sự hy vọng”. Nếu niềm hy vọng của chúng ta không được diễn ra qua những chọn lựa và những cử chỉ cụ thể quan tâm, công bằng, liên đới, chăm sóc căn nhà chung, thì những đau khổ của người nghèo sẽ không thể được thoa dịu, nền kinh tế gạt bỏ buộc họ phải sống ngoài lề sẽ không được cải biến, những mong đợi của họ sẽ không được triển nở. Đặc biệt các tín hữu Kitô chúng ta có nhiệm vụ “tổ chức hy vọng”, biểu lộ nó qua đời sống cụ thể hằng ngày, trong các tương quan giữa con người với nhau, trong sự dấn thân xã hội và chính trị”.
Tiến triển trong dịu dàng, thanh lọc ô nhiễm
Đức Thánh cha dùng hình ảnh những lá cây vả Chúa Giêsu dùng trong Tin mừng: chúng âm thầm lớn lên, báo hiệu mùa hè đến gần. Những lá cây ấy xuất hiện khi cành cây trở nên mềm dịu (Mc 13,28) và ngài nói: “Anh chị em thân mến, lời làm cho hy vọng nảy sinh trên thế giới, thoa dịu đau khổ của người nghèo, đó là sự dịu dàng. Chúng ta có nhiệm vụ vượt thắng sự khép kín, sự cứng nhắc trong nội tâm, cám dỗ chỉ lo cho những công việc của mình, để trở nên dịu dàng, mềm lòng trước những thảm trạng của thế giới, để cảm thông đau khổ. Như những lá cây, chúng ta được kêu gọi hút sự ô nhiễm bao quanh, và biến nó thành điều tốt: nói về những vấn đề, tranh biện, tỏ ra bất mãn chẳng ích gì, ai cũng biết làm như thế; cần bắt chước những lá cây, ít được để ý đến, nhưng mỗi ngày chúng biến không khí ô nhiễm thành không khí trong sạch. Chúa Giêsu muốn chúng ta “là những người biến cải thành điều thiện”: là những người ở giữa bầu không khí nặng nề mà mọi người hít thở, đáp lại sự ác bằng sự thiện (xc Rm 12,21).
Trong những năm đầu trước đại dịch, sau thánh lễ, khoảng 1.500 người nghèo được mời ở lại dùng bữa trưa, tại khu vực Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican, nhưng lần này vì đại dịch vẫn còn phần nào nên những người nghèo tham dự được trao tặng các túi đựng đồ ăn trưa, trong đó có cả phần đồ ăn nóng.
Thánh lễ kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Đức Thánh cha còn dừng lại chào thăm các anh chị em nghèo, khuyết tật ngồi trên xe lăn.