Có Xe Mới, Bán Xe Cũ

print

Có Xe Mới, Bán Xe Cũ

 

Khi về già, tâm tư hay cảm thấy mình vô dụng, không làm mà vẫn ăn. Có đôi lúc bệnh tật tới, nó trở thành gánh nặng cho gia đình. Thế nên, người già thường buồn tủi, và khóc mỗi lúc nghĩ về một thời tươi đẹp như “hoa mười giờ nở”.

Đời linh mục đến tuổi cao niên còn nhiều tâm tư hơn thế. Nhớ một lần tại giáo xứ nọ đón một cha sở mới. Khi ngài bước xuống xe, tiếng sù sì: Lại nữa rồi, mới tiễn cha già xong, giờ lại cha già khác.

Mới đây trong một dịp các tân chức về tạ ơn tại một xứ có cha già đau yếu, tôi kể một câu chuyện:

Những năm 1990, khi gia cảnh còn nghèo, ông cậu bòn tiền mua chiếc xe Cup 78 để chạy xe ôm và đi lại buôn bán. Nhờ có nó mà ông bôn ba nuôi được bầy con ăn học thành tài. Số tiền chạy xe ôm và đi buôn bán sau 31 năm, ông cũng mua được thêm nhiều đồ đạc, xây sửa lại ngôi nhà. Mới đây nhất, ông cậu mua cho mình thêm một chiếc SH chạy lên đời.

31 năm ròng rã, chiếc xe Cup-78 “cày” ngày đêm nên đã cũ kỹ, chay ra khói đen, bóng đèn thì mờ, “dè bửng” sứt mẻ, bình thì yếu, chạy hao xăng. Bà vợ đổi tên xe Cup-78 thành xe “Wê-kỳ”. Chạy thì “wê” với bạn bè và thấy kỳ cục, hay đổ bệnh giữa đường.

Vì vậy, bà vợ cứ nằng nặc đòi bán: mình có xe SH mới, anh bán chiếc Cup-78 cho rồi để chật nhà, vô tích sự.

Thôi em ơi, gia đình mình nhờ có nó mới được như ngày hôm nay. Nó”Wê-kỳ” nhưng nuôi cả bầy con ăn học và đẻ được thằng SH đó. Có xe SH mới, nhưng anh không thể bán xe cũ, nó hiện diện trong nhà là kỷ niệm và để dạy con mình về lòng biết ơn, trân trọng quá khứ.

Ngắm nhìn đời thường, tôi thấy:

Các tân linh mục là người trẻ nên năng động, và nhiều khả năng, có thể ví như chiếc SH, rất hợp thời nên được ưa chuộng!

Nhưng rồi người linh mục già chậm chạp, đau yếu, nói không ra hơi, như chiếc Cup-78 lỗi thời, không bắt mắt!

Từ đó tôi nói với mình 2 điều:

– Dù là tân linh mục nhưng tôi phải biết cảm thương và quý mến các cha cao niên đau yếu. Các ngài đã sống một đời quên mình phục vụ. Những lúc cuối đời, các ngài rất đáng hưởng lòng biết ơn, sự trân trọng, đón nhận từ người giáo dân và thế hệ linh mục tiếp nối.

– Cha mẹ cũng thế đó, người sinh ra tôi và cho tôi cuộc đời trẻ khỏe, cho tôi được ăn học nên người. Cả một đời cha mẹ “sứt dè, mẻ bửng, đèn mờ, máy yếu, ra khói đen…” gồng gánh cho tôi tất cả.

Tôi không thể nhìn cha mẹ, và những người cha thiêng liêng già nua tuổi tác như một chiếc xe “Wê-kỳ”, chật chỗ và tốn kém; để rồi mãi hăm he đòi bán, đòi đổi.

“Quá khứ làm nên hiện tại”. Vì thế tôi không thể bán quá khứ đã làm nên cuộc đời tôi. Rồi sẽ có một ngày, tôi cũng là quá khứ.

Hiên Vắng 10.11.2021