Thiên Chúa vẫn không ngừng làm nên những việc lạ lùng và tuyệt vời vượt qua trí hiểu của con người. Thật vậy, với những nét cong cuộc đời, Ngài đã khéo léo vẽ nên những con đường thẳng; với những chỗ trống, chỗ khuyết trong lịch sử dân thánh, Ngài lại nhẹ nhàng lấp đầy bằng những chọn lựa nhiệm màu.
Vào lúc tòa nhà Giáo hội được khởi công xây dựng trên nền móng là các tông đồ, thì chính nền móng ban đầu ấy lại bị “một chỗ lỗi.” Giuda Itcariôt đã phản bội khiến nền móng ấy thiếu vắng sự trọn vẹn, tạo ra một vị trí còn trống – vốn là “một chỗ lỗi” cần được củng cố và thay thế. Giữa bối cảnh đó, đoàn trưởng Phêrô đã nêu ra điều kiện: phải chọn một người “đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.” 2 Khi ấy, người môn đệ nhiệt thành, thánh thiện là Matthia đã được nhắc tên, được trúng thăm và được kể vào nhóm 12 tông đồ, tiếp tục sứ mạng của Chúa nơi trần gian.
Matthia được biết đến như một người Chúa chọn cách gián tiếp để thế vào “chỗ lỗi,” và nhờ đó “chỗ lỗi” giờ đây không còn bị “lỗi” nữa. Ngày hôm nay, khi cùng nhau chiêm ngắm mẫu gương sống động của thánh Matthia, chúng ta, nhất là các bạn trẻ được mời gọi sống tinh thần dấn thân vô vị lợi, can đảm gửi trao cuộc đời mình vào bàn tay quan phòng của Chúa, để được Ngài dẫn dắt theo những lối đi riêng, sẵn sàng lấp đầy một chỗ trống nào đó như những Matthia khác.
Âm thầm dõi bước và được Chúa thu hút, Matthia đã để cho dấu ấn của Chúa lưu lại đậm nét nơi cuộc đời mình. Thế nhưng, khi nhắc đến Matthia, có lẽ chúng ta ít biết, ít quan tâm hoặc có ít điều để nói về ngài, ngay cả khi ngài đã đồng hàng với các thánh tông đồ. Bởi trước đó, cuộc đời ngài mang dáng vẻ là những chuỗi ngày đầy thầm lặng khi không được Chúa chọn gọi một cách chính thức, không nhận được một lời hứa hẹn nào về lợi ích, danh vọng… Tuy nhiên, ngài vẫn một lòng trung thành truyền rao, theo sát và quy hướng về Chúa Kitô.
Hai tiêu chí mà Phêrô niên trưởng nêu lên trong cộng đoàn về những yêu cầu và những điều kiện cần có để trở nên một vị tông đồ của Chúa là: đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta và phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh. Thánh Matthia đã thực hiện một cách sâu đậm.
Có lẽ nhiều người cho rằng Matthia thật may mắn khi được chọn thay vào “chỗ lỗi ở giờ thứ 11.” Hãy nhớ, Matthia đã theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống với các tông đồ, khoảng thời gian rất dài đủ để minh chứng và làm lộ rõ tâm hồn tông đồ chân chính của ngài. Vì thế nên, sau khi được gọi làm tông đồ, cuộc sống của Matthia không đổi thay, vì ngài chỉ tiếp tục cuộc sống ấy trong một danh nghĩa mới và cuối cùng khép lại tất cả với cái chết như một vị thánh tử đạo.
Sống giữa cuộc đời nhiều bon chen và đề cao chủ nghĩa cá nhân như hiện nay, đối diện với thực tế còn nhiều vị trí lỗi tương tự như đoàn tông đồ đầu tiên, sự non yếu trong tuổi đời vẫn thường làm cho các bạn trẻ lúng túng, tính toán hơn thiệt nên mãi theo đuổi những mục tiêu ảo ngoài Chúa. Nhưng khi những trống rỗng trong tâm hồn được phủ đầy, khi ý thức sống thánh trong từng khoảnh khắc được lưu tâm thì ngày ấy, bạn và tôi mới sẵn sàng để Chúa thay thế vào những chỗ lỗi khác.
Lạy Chúa, chiêm ngắm cuộc đời thánh Matthia tông đồ. Con cũng ước mong được thế vào “một chỗ nào đó bất hảo” trong tập thể. Tuy nhiên, con vẫn thường đặt thêm điều kiện và thường do dự, “nếu chỗ lỗi” ấy không đưa con đến vinh dự – thành công – được người khác thừa nhận; hoặc nếu chỗ lỗi ấy đòi hỏi con phải từ bỏ mình, phải chịu những gian khó, sỉ nhục vì Chúa. Xin kéo con thoát ra khỏi xu hướng bằng lòng với những suy nghĩ tầm thường kém cỏi, để con hăng hái và không quay mặt làm ngơ vì sự ích kỷ, an toàn của chính con. Xin mặc cho con một tâm hồn khiêm nhường và đủ yêu mến, để dù cho hoàn cảnh có bất lợi, con luôn miệt mài dõi theo Đấng Phục Sinh và tìm được niềm vui bên Chúa khi con dấn thân với niềm xác quyết: “Tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức K-tô Giêsu chiếm đoạt.” (Pl 3,12)