Hai Quà Quý Bình An và Thánh Thần Của Chúa Giêsu Phục Sinh

print

Hai Quà Quý Bình An và Thánh Thần Của Chúa Giêsu Phục Sinh

Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm C  22.05.22

vo ha

 I. Chúa Nhật thứ 6 sau Lễ Phục Sinh, trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu vẫn còn xuất hiện đó đây hữu hình, để dạy dỗ thêm cho các môn đệ theo cách mà những vị Thầy Á Đông gọi là “giáo ngoại biệt truyền”. Những điều răn dạy nầy, đặc biệt ngoài sách vỡ  hay những điều đã được dạy trước kia  và Chúa Thánh Thần sẽ nhắc lại  theo cách đổi mới khi Người tới. 

Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, trích thêm đoạn Di Chúc khác của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Chúa Giêsu khuyên các Tông Đồ tuân giữ Lời Người dạy, để làm bằng chứng lòng trung thành và yêu mến Thầy, qua đó sẽ được biến đổi nên một trong Chúa Ba Ngôi.

Thêm nữa, Chúa Giêsu cũng hứa ban bình an cho các Tông Đồ, một thứ bình an thực sự nội tâm, hơn là tình cảnh  không gươm đao bên ngoài. Do đó, các ông đừng bối rối sợ hãi khi thấy bắt bớ xảy ra.  Chúa Giêsu cũng hứa ở lại với Các Tông Đồ, đại diện cho dân Chúa ở trần gian, mãi mãi. 

Nói rõ cách xác tín hơn,  Chúa  Giêsu ban món quà bình an đặc biệt cho các môn đệ, giúp các ông không sợ hãi bất cứ đi-gì, lại vững lòng tin và phó thác vào sự trợ giúp đầy yêu thương của Người Thầy đã chiến thắng tội ác và tử thần.  Kế tiếp là thời kỳ của Chúa Thánh Linh, Người sẽ ban mọi ơn cần thiết cho con dân mới của Thiên Chúa.

Vậy ta cùng đọc những dòng chính văn Lời Chúa cùng xin ơn thêm soi sáng.

II. Lời Chúa

Bài Ðọc I: Cv 15, 1-2. 22-29 “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này.

Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau:

“Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

 

Bài Ðọc II: Kh 21, 10-14. 22-23 “Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.

 

Phúc Âm: Ga 14, 23-29 “Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. 

Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. 

Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con.

 Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”.

 

III.     ĐÔI DÒNG GHI CHÚ VÀ TÂM TÌNH

Trước hết, bài đọc 1 trong sách Công Vụ Tông Đồ do Thánh Luca ghi lại những nét chính trong sinh hoạt Đạo Chúa Giêsu thời sơ khai, thế kỷ I Công Nguyên. 

Đạo Mới của Chúa Giêsu được rao giảng cho người Do Thái trước tiên, vì là nhịp cầu thuận lợi, trước khi đi xa hơn tới những vùng đất mới. Trong số những người Do Thái tin nhận Chúa Giêsu, có anh chị em Biệt Phái còn gọi là cánh Pharisiêu mà phần lớn nệ cổ và chấp nhất hơn 600 lề luật cũ,  như điều kiện ắc có và đủ để được làm con dân của thời Tân Ước. Những người trên, có thể do tự phát, vì lòng nhiệt thành thái quá, nhưng chưa lãnh hội đủ hoặc chưa ngộ được tinh thần kiện toàn luật cũ của Chúa Giêsu.  Tuy vậy, tất cả đều chấp nhận Nghị Quyết của Công Đồng Giêrusalem thứ nhất chừng năm 48 hay 49, vì không thấy có ai cứng lòng cố chấp sau đó, theo như sách vỡ ghi lại.

Trong những lề luật trên,  có một luật lệ,  mà bản văn Anh Ngữ gọi là  “custom of Moses” thói quen hay tập tục, tập quán cắt bì circumcision theo Môsê – cắt da qui đầu của bé trai vào ngày thứ 8 sau khi sinh. Chúa Giêsu cũng tuân giữ lề luật nầy trong phép hay lễ cắt bì ( Lc 2: 21).

Tiện đây, xin học thêm từ ngữ chuyên biệt nầy. Tiếng Âu Tây cũng đã dùng từ bóng gió thêu dệt cho lễ nghị trên là “Circumcise”. Circum có gốc Latin là vòng quanh và cise do ceadere là cắt. Việt ngữ ta, Nhà Đạo từ xưa đã dịch ra là “Cắt Bì”. Mà bì có gốc Hán Việt hay Việt Nho là “da”. Mà nữa, thân thể mọi loài hữu hình, kể cả tế bào  đều có da bọc. Nên phải coi lại định nghĩa từ ngữ trên trong tiếng Anh:  surgical removal of the skin covering the tip of the penis. The procedure is fairly common for Jewish newborn boys, according to the Bible: bỏ hay cắt da bao bọc qui đầu nam. Phương thức nầy áp dụng chung cho bé trai Do Thái, theo Thánh Kinh.

 Theo nhiều vị chuyên môn  giải thích, có tập quán cắt bì là vì lý do “lợi ích hơn” cho vệ sinh thể lý  cá nhân nam và cả khi thông truyền mầm sống khi lớn đủ. Tập tục nầy đã có từ thời xa xưa tại nhiều dân tộc vùng Trung Đông. Tới thời Abraham chừng 4000 năm trước, là thuỷ tổ của dân Do Thái, đã tuân giữ và lưu truyền tới nay, coi như chỉ thị của Chúa trong Cựu Ước.  Nhiều dân Âu Tây, hôm nay còn  cắt bì cho bé trai mới sinh.

Trong khi nhà thông thái Phaolô sinh trưởng tại Tarsê phần đất thuộc Hi Lạp và Tông Đồ Barnaba  thấy rõ tập tục trên không cần thiết cho thể lý của dân không  gốc Do Thái – dân ngoại – mà nhất là không tối cần  cho ơn cứu rỗi.

Vụ việc trên được đưa tới cuộc hội thảo chuyên đề của “Jerusalem Council” Công Đồng Chung thứ nhất tại  Giêrusalem, để tìm cách giải quyết. Kết quả đồng thuận là: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này, là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm”.

Đến nay, đã có 22 Công Đồng (Vatican 2 là cuối nhất, 1963-65). Xin Chúa soi sáng thêm cho chúng con biết yêu mến Giáo Hội Chúa bằng cách nghe theo và tuân giữ những điều Thánh Thần soi chiếu cùng hướng dẩn qua các kết quả đồng thuận của Công Đồng.

 

Qua phần Lời Chúa trong  Phúc Âm hôm nay, không khó hiểu. Dân gian Việt Nam có câu: “yêu ai yêu cả đường đi. Yêu nhau trái ấu cũng tròn”. 

Nên khi yêu mến Chúa Giêsu, thì phải yêu cả Lời dạy chân thật của Người. Mà Lời của Chúa Giêsu cũng là Lời đến từ Chúa Cha. Tóm gọn đơn giản lắm: mến Chúa và yêu người như chính mình. 

Thực sự, yêu tha nhân như chính mình, không dễ. Đó là chưa nói tới việc yêu kẻ ghét mình và làm ơn cho kẻ làm khốn mình. Xin Thánh Thần giúp chúng con hiểu biết và thực hành từng bước.

Ý thứ hai là Chúa Cha sẽ nhân danh Chúa Giêsu sai Thánh Thần tới nhắc nhớ và dạy dỗ các tông đồ những gì phải làm và phải nói, dù trước mặt những kẻ làm khó các ông. Ở đây Chúa Giêsu cũng thêm mạc khải  Chúa Ba Ngôi cho nhân loại. Nên đừng xao xuyến và sợ hại, vì có Chúa luôn ở cùng. 

Ý thứ ba là món quà bình an của Chúa Giêsu. Nhân loại có cùng nguồn gốc, đáng lẽ phải chung sống hoà bình và yêu thương nhau như trong một nhà. Nhưng hậu quả của tội, làm cho con người mọi thời luôn tranh danh đoạt lợi. Con người luôn mơ ước bình an không chiến tranh.  Thứ bình an bình thưòng nầy, con người cũng chưa làm được cho nhau, như Nga đối xử qua lại với nước Ukraine trong hơn hai tháng qua, từ 4/02/22.

Thứ Bình An Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Đó là bình an thật trong tâm hồn dù phải sống trong hoàn cảnh bất lợi như chiến tranh Việt Nam dai dẳng 30 năm trước kia hoặc trong những môi trường bất như ý.

 Thử xem lại những ngày  ở tù được ghi lại trong Nhật ký Truyền Giáo và Như Trái Mắm của Cha Piô Ngô Phúc Hậu, có thể hiểu thêm ít nhiều thứ bình an mà Chúa ban. Bình an nầy là thành quả của người hầu việc Chúa tân tâm tận lực. Người đời chỉ trói buộc giam cầm thân xác, nhưng tâm hồn kẻ được  ở tù vì Chúa, bay bỏng muôn phương với hoan lạc không bút mục nào tả hết. 

Nói cách khác, thứ bình an siêu phàm trên, sẽ có được  khi biết chọn Chúa làm gia nghiệp. Tin rằng sống chết với lương tâm trong sáng và ngay thẳng. Chẳng thứ sống chết nào, có sao. Thí dụ, khi có nói có, không nói không. Đó là có vậy. Có cái gì? Có sự thật mà thời nay khó có.  Cầu nguyện với Chúa, quyết định với Người, không hối tiếc, dù dòng đời có đưa dẩn tới những nơi mà người ta cho là lỗi tại bạn, ngu ngốc cũng tại bạn. Nhưng bạn được bình an thật của Chúa, thì còn gì quí bằng. 

Tới đây, xin cùng chậm rãi vừa đọc vừa hòa mình vào  kinh cầu của Thánh Inhaxiô:

Mạng người công chính ở trong tay Chúa

Không khổ hình nào lay chuyển họ đâu

Trước mắt thế gian, họ như đã chết

Nhưng họ vẫn sống trong cảnh Thanh Nhàn – 

Thứ Bình an mà Chúa ban trong bài Phúc âm hôm nay, các thánh tử đạo ngày xưa “đã thành” –  gặp bình an –  tại pháp trường. Chúng con hôm nay, nguyện “sẽ thành” trong mọi hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi của cuộc đời dương thế.  Xin giúp chúng con. 

III. Xin Dâng Lời Cầu

Chúng con chạy tới với Chúa, như  bé thơ, chỉ tìm gặp bình an khi cậy dựa vào cha mẹ. Xin Thánh Thần Chúa ngự đến soi đường chỉ lối cho chúng con, như phần mềm nhu liệu của chiếc máy tính. 

Xin Thánh Thần Chúa hướng dẩn những Vị Lãnh Đạo Tinh Thần các cấp trong mọi hoàn cảnh, để Hội Thánh Chúa vượt lên và trường tồn qua mọi gian nan thử Thách.

Xin uốn nắn con tim những quyền lực trần thế, giúp Các Người biết cùng nhau xây dựng an bình hoà thuận, cho nhân loại thoát mọi đao binh chinh chiến.

Xin cho mọi thành phần trong Họ Đạo chúng con chịu cộng tác với nhau và cùng với những tâm hồn thiện chí,  chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh về vật chất cũng như tinh thần.

 Xin cho chúng con bình an thật trong tâm hồn, sẳn sàng chấp nhận chỉ dạy của Thánh Linh, qua  Hội Thánh Chúa và cũng qua những lời hay ý đẹp xây dựng tình người trong thế giới hôm nay. Amen.