Bài Học Cho Giáo Hội Nhìn Từ Xã Hội

print

Bài Học Cho Giáo Hội Nhìn Từ Xã Hội

Có thể nói sau những năm tháng phòng chống đại dịch Covid 19, hầu hết các quốc gia trên thế giới nhìn lại đều có ưu và khuyết điểm. Việt Nam chúng ta cũng vậy, có rất nhiều gương sáng, sự hy sinh thầm lặng cũng như tình nguyện viên của đủ mọi ngành nghề trong Giáo hội và ngoài xã hội… để giúp nhau và cùng nhau vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này.

Tuy nhiên, dịch bệnh đi qua nhưng một cơn ‘đại dịch’ khác xuất hiện và nó lây lan khắp các tỉnh thành trong cả nước đó là dịch ‘Kit test Việt Á’ và đỉnh điểm là những quan chức cao cấp trong ngành Y tế và những ngành liên quan vừa bị nhà chức trách bắt tạm giam, theo báo chí chính thống của nhà nước Việt Nam đưa tin.

Sau khi nhiều quan chức cấp cao bị bắt, có nhiều bài viết đặt vấn đề là: Ai đề cử và tiến chức cho những người này vào vị trí trọng yếu để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và của; về tinh thần và thể xác; về niềm tin và cuộc sống của mọi thành phần trong xã hội…

Nhìn từ viễn cảnh xã hội đang xải ra, chúng ta có rút ra được bài học gì cho Giáo hội hiện tại và tương lai! Có nhiều nguyên nhân xảy ra, xin gợi lên vài nguyên nhân sau đây:

Nguyên nhân sâu xa nhất là do nền tảng giáo dục lệch hướng, thiếu trung thực, chạy theo thành tích. Giáo dục nhưng thiếu tâm và tầm, xem nhẹ về nhân bản, đạo đức, luân lý và những điều tích cực khác; nhưng lại quá ‘bội thực’ về dối trá, giả hình, ít kỷ, hơn thua, ganh ghét v.v.

Nguyên nhân tiếp theo là đôi bên cùng có lợi qua việc gửi gắm, quà cáp hay những mối tâm giao, thậm chí có cả quy luật ngầm thỏa thuận với nhau. Tôi sẽ giúp anh chị đạt điều này thì anh chị cũng sẽ giúp tôi, hoặc con cháu tôi đạt được điều kia. Một khi cả hai đạt được thỏa thuận thì họ tìm mọi cách để thu lợi cho bản thân, gia đình và dòng họ mà không quan tâm đến dân tộc, đất nước hay những thành phần khác, đặc biệt là những người thấp cổ bé họng.

Nguyên nhân kế tiếp là lợi ích nhóm, điều này quá rõ ngoài xã hội. Tuy nhiên, gần đây trong bài viết Hiệp Hành cấp hạt có đề cập đến tránh lợi ích nhóm. Cụ thể như nhóm linh tông, nhóm vùng miền, nhóm thân tộc, nhóm kết nghĩa, nhóm sở thích, nhóm hưởng thụ, nhóm bao che và bảo vệ lẫn nhau… một cách vô tình hay cố ý, và thậm chí xuất hiện tại môi trường giáo dục và đào tạo, dẫn đến những hệ lụy sau này…

Sau cùng là nguyên nhân sứ giả hòa bình – nghĩa là biết mà không dám nói; biết mà không lên tiếng, vì sợ liên quan, vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi và danh dự, nên giữ nguyên tắc ‘im lặng là vàng’ để trở thành sứ giả bình an. Nguyên nhân này thoáng qua không có gì lo ngại nhưng thực tế rất có hại. Bởi vì, khi chúng ta im lặng trước những bất công, vô tình làm cho sự sai trái, dối trá, giả hình lên ngôi dẫn đến biết bao tệ hại cho xã hội và Giáo hội như thầy sợ trò; sự thật sợ gian giối, ngay thẳng sợ quanh co…

Khi còn ở trần gian, Chúa đã từng khuyên dạy các Tông đồ làm chứng cho sự thật: “Ta là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6); Làm chứng cho đời: “Anh em là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian…” (Mt 5,13-16). Ngoài ra, Chúa Giê-su là vua hòa bình nhưng Ngài dám nối lên những điều bất bình và thậm chí đánh đuổi những người làm hoen ố đền thờ (Ga 2,13-16). Chúa Giê-su lập nhóm 12 (Mc 3,13-19) nhưng để rao giảng lời Chúa, phục vụ… hầu đem ơn cứu độ cho mọi người chứ không phải một ít người… Lời mời gọi và làm chứng của Chúa Giê-su năm xưa rất có giá trị ở hiện tại và tương lai vì: xã hội và Giáo hội một cách nào đó đang thiếu ‘ánh sáng’ và ‘nhạt nhòa’. Cụ thể, có nhiều dòng tu nhưng thiếu người đi tu; nhiều người được phong chức nhưng thiếu ý thức dẫn đến như ‘công chức’; nhiều người khấn dòng nhưng lại thích ‘lòng vòng’ v.v.

Để tóm kết bài viết xin mượn lời cầu nguyện của Thánh nữ Têrêsa Calcutta dâng lên Chúa tâm tình thiết tha:

“Lạy Chúa Giêsu,

Xin dẫn dắt con từ cõi chết đến cõi sống,

Từ lầm lạc đến chân lí.

Xin dẫn đưa con từ tuyệt vọng đến hi vọng,

Từ sợ hãi đến sự thật,

Xin dẫn đưa con từ ghen ghét đến yêu thương,

Từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin đổ đầy bình an nơi tâm hồn chúng con,

Để thế giới và chúng con,

Luôn được hoan lạc và bình an trong Chúa Amen”.

Lm. Biển Xanh.