Cha Sở Nào Vừa Ý Giáo Dân?

print

CHA SỞ NÀO VỪA Ý GIÁO DÂN?

http://www.giaophanvinhlong.net/

Dư âm ngày Quới Chức Giáo Phận

Trong giờ cơm trưa ngày Quới Chức của giáo phận, anh em hăng hái trao đổi nhau về những gợi ý thích hợp và những điều chưa hài lòng của ngày truyền thống nầy. Những câu chuyện đưa ra thường dựa vào thực tế của giáo xứ để nhận định những bài chia sẽ của các cha, đại khái như:

– Cha nói căng quá ai dám làm quới chức, kỳ nầy về nhà liệu không êm chắc xin nghỉ việc!

Người khác phản bác:

– Nếu nghỉ việc, là giáo dân ông vẫn phải điều chỉnh cuộc sống: thí dụ như rượu chè, bài bạc, tính hảo ngọt… phải cải thiện thôi dù là quới chức hay giáo dân.

– Nhưng nói như cha thì căng lắm. Cha phó tôi cũng cùng bàn với chúng tôi, có sao đâu…

Một anh có ý kiến:

– Cha sở, cha phó chúng tôi thì trái lại, có nâng ly chúc mầng nhưng chỉ nếm, không bao giờ chúng tôi mời ép các ngài, chúng tôi vẫn vui vẻ cộng tác, vấn đề xả giao không thấy mất mát chút nào.

Và thêm một đóng góp khác:

– Tôi nghĩ là bài nói chuyện hôm nay không hợp với chúng tôi về vấn đề hôn phối. Cha sở họ tôi có lần chỉ dạy giáo lý có ba giờ là chứng hôn nhưng chúng nó vẫn giử đạo tốt thôi. Tôi nghe nói có nhiều nơi bắt buộc học tháng nầy qua tháng nọ, phải thông cãm vì thời giờ là tiền bạc…

Câu chuyện đang tới hồi gay cấn thì một cha sở già đi thăm dân tình đến bàn cười chào anh em.

– Chào anh em. Vui không? Nhớ nhà chưa?

– Kính mời cha ngồi với chúng con.

Cha vui vẻ nhận lời mời, ngồi xuống tham gia. Một anh hỏi ngài:

– Chúng con bàn cải sôi nổi lắm, cha có nghe thấy không?

– Nghe hết rồi, cha đứng bên đây mà.

– Vậy cha cho chúng chúng con ý kiến và vài lời khuuyên.

– Anh em quan tâm đóng góp như vậy là tốt lắm. Việc đánh giá, cho ý kiến thì chúng ta đâu có nhiều giờ, đàng khác đó là chuyện riêng của mỗi giáo xứ, cha không dám đá lộn sân. Nhưng thôi cha xin tặng anh em câu chuyện xưa thế nầy để từ đó có thể suy nghĩ thêm.

– Hoan hô cha!

Và cha già bắt đầu câu chuyện: “Vạn Tư Đồng, nhân sĩ tỉnh Chiết Giang từng nói: tài lãnh đạo có hai điều khó, một là hiểu lòng dân ở các địa phương, hai là hiểu tính tình người coi sóc dân hầu bổ nhậm cho thích hợp.

Ông nêu ra một chứng lịch sử: Năm ấy, Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi cùng nhau kết nghĩa tại vườn đào, thề đồng sanh đồng tử, quyết dùng hết khả năng để lập lại bộ sử của nhà Lưu cho vẻ vang cùng đất nước. Sau những ngày chiêu tập anh hùng mở cờ khởi nghĩa, thế lực tung ra, bá tánh gần xa được an cư lạc nghiệp. Song gặp hai trở lực quá to, một bên là Đông Ngô, một bên là Bắc Ngụy, khó thế đánh bại để gồm thâu thiên hạ. Dầu vậy, cũng phải cố gắng để gìn giữ cõi bờ nếu không thể mở rộng thêm ra.

Ba anh em phải nhiều phen nhẫn nại đến cầu Khổng Minh ra giúp đại cuộc. Khổng Minh nhận biết tình thế chưa ổn định, song thấy tấm lòng biết trọng “nhân tài” của Lưu Bị, đành bỏ thảo liêu ra cầm binh khiển tướng.

Từ khi được Khổng Minh giúp, thanh thế Lưu Bị ngày một to lớn, chiếm đất Tây Thục làm căn cứ. Khổng Minh là một quân sư rất tinh thông binh pháp, thiên văn và thời thế, song tài hay đặc biệt là dùng người, dùng tướng rất khéo. Trước kia, quân sĩ đều ngán cái ngọn xà mâu của Trương Phi, hở ra là chém đầu, đập chết. Trái lại, Khổng Minh biết lựa chỗ dùng người, từ quân sĩ đến thường dân đều được xếp đặt phân công có trật tự, đến những dân mới chinh phục, những tướng giặc mới hàng đều được trọng dùng phải chỗ, không bỏ rơi một người nào cũng như không giết một ai. Nhờ đó, mà khối đoàn kết Tây Thục rất chặt chẽ, đến nổi một mình đã làm cho Bắc Ngụy ê đầu và Đông Ngô cũng ghê răng.

Cách dùng tướng của Khổng Minh là một chiến thuật rất khéo mà xưa nay ít có tướng lãnh nào sánh bằng. Lưu Bị là một danh tướng có tánh rất hiền hậu hay thương người. Làm tướng mà có tánh nhẹ dạ như đàn bà thì bao giờ cũng hư việc lớn. Cai trị dân mà hiền hậu hay cảm động mau nghe lời tha thiết thì thế nào cũng bị dân xỏ mũi. Cho đến người đời còn nhắc: khóc như Lưu Bị, để chỉ cái ông tướng nhân đức quá, thấy dân khóc là khóc theo.

Trái lại, Trương Phi là một danh tướng có tánh nóng nảy hơn Thiên Lôi, dữ hơn cọp rừng, gặp chuyện là hét lên, chém giết, ba quân đã khiếp vía kinh hồn. Làm tướng mà có tánh nóng nãy dữ tợn thì bao giờ cũng thất nhơn tâm, làm cho kẻ ở gần thêm ghét, kẻ ở xa không ưa, việc lớn bao giờ cũng tan rã. Cai trị dân mà nóng nãy như thế thì không bao giờ kết quả, kẻ hiền trốn đi, kẻ dữ âm mưu phản động. người đời còn nhắc: nóng như Trương Phi.

Còn Quan Công, một danh tướng có tánh ôn hòa, việc gì cũng cân nhắc từ ly tấc. Làm tướng mà ôn hòa mặc dầu đặng lòng dân chúng nhưng đối với nhiều trường hợp xâm lăng, giặc giả phải thất bại. Cai trị dân mà ôn hòa làm cho kẻ gian giảo dể ngươi, bọn phá hoại lừa thế ngụy biện, để bênh vực lập trường của chúng.

Khổng Minh đứng giữa ba đại tướng đều có ba tánh nết khác nhau, đối với việc dụng binh đều khó cho trôi chảy, chạy việc. Khổng Minh dùng tướng như chị đàn bà khéo dùng nhiều thứ cay đắng, mặn lạt, ngọt béo để làm một miếng đồ ăn ngon. Như thế đứng giữa Lưu Bị, Quang Công và Trương Phi phải rất tài tình mới cất đặt, bổ nhậm đâu vào đấy cho ăn khớp tùy trường hợp, thì việc lớn mới nên,

Vùng nào mà dân nhu nhược yếu hèn, nên để lưu Bị trấn là thất sách vì dân như thế mà gặp ông hiền thì thành ra liệt nhược mà lại còn thêm làm biếng là khác. Vì thế mà Khổng Minh sai Trương Phi ra cai trị, nhiều phó tướng thấy vậy can Khổng Minh. Nhưng bị quân sư sáng suốt ấy lại cười trả lời:

– Các bạn mười phần chỉ biết được năm. Phàm chỗ này dân sự nhu nhược nếu để Lưu Bị là người hiền quá thì sẽ làm cho dân dể ngươi và thêm làm biếng không thể nào được việc. Cần phải để Trương Phi đi trước làm cho dân hoảng hốt, đứng dậy bỏ những sự nhu nhược yếu hèn, lẹ làng làm việc kiến thiết xứ sở.

Vùng nào dân chúng nghèo khổ, đau đớn quá nhiều, nếu để Trương Phi thì thất sách, cần phải để Lưu Bị, vì nhờ đó tinh thần dân chúng đặng an ủi và nhẹ lo phận mình nên cố gắng làm việc.

Còn xứ nào trình độ dân chúng đã cao biết lẽ tiến triển của xã hội thì nên để Quan Công trấn nhậm mới thích hợp, nếu để Lưu Bị thì bọn gian xảo nịnh nọt mọc lên, nếu để Trương Phi thì bọn trí thức càng ghét, sanh ra phản động. Vậy cần nhất là để Quan Công là người có chính sách ôn hòa biết sử dụng nhơn tình, không yếu mà không mạnh, thích hợp với mọi người mới chắc phần thắng lợi. Còn tiến lên bước nữa, ở những vùng dân chúng dữ tợn cướp bóc kiêu căng, không biết gì liêm sỉ, chỉ biết có võ lực giết người thì phải đặt ai?

Các vị phó tướng nghe Khổng Minh hỏi lại, ai nấy làm thinh, Phụng Sồ đứng lên trả lời:

– Phải đặt Quan Công.

Khổng Minh ôn tồn đáp:

– Như thế là thất bại, dân chúng đã hư rồi: hung dữ, gian hùng, nếu để Lưu Bị thì dân không sợ, thêm khinh dể pháp luật. Nếu để Trương Phi thì mắt thay mắt răng đền răng, cuộc tàn sát và loạn lạc càng thêm nặng nề. Còn để Quan Công thì sẽ sanh ra bè đảng, kẻ thuận người nghịch khó lòng cho việc trị an. Vậy tôi đề cử Phụng Sồ nên đến đấy.

Ai nấy đều làm thinh. Khổng Minh mời riêng Phụng Sồ vào phòng nói chuyện. Dân chúng đã hư hoại cang thường luân lý, đã thành bọn người rừng rú, dã man thì không thể hiền lành như Lưu Bị, không ở ôn hòa như Quan Công, không thể dữ như Trương Phi, vậy ông cần đến đó, vì ông vốn đa mưu xảo kế, nói đông làm tây, nói hiền làm dữ, nói ác làm lành… làm cho dân chúng không thể lượng đặng thái độ của mình, thành hoảng sợ, buộc lòng phải ở đứng đắn, nếu ở lưng chừng, đi nước đôi thì chết. Chừng nào dân chúng đổi cách ở tôi sẽ liệu người thay thế.

Nhờ cách biết dùng tướng cai trị dân, mà Khổng Minh đã thành công khiến Châu Do phải tức mình hộc máu, vì không theo kịp. Người xưa đã làm được nhiều trang sử vẻ vang là nhờ cách biết sử dụng việc đời, ngày nay có tiếng là văn minh, nhưng đối với việc dùng người rất xa chánh trị và thất nhơn tâm.

Bổ nhậm người coi sóc dân chúng ở địa phương nào mà không phù hợp với nhân tâm, có thể đi đến một tai hại lớn, chẳng những làm ngăn trở việc sinh hoạt ở địa phương ấy mà còn gây lên những bất mãn càng lúc càng nhiều. Có thể ví như người đầu bếp vụng về không hiểu rõ thức ăn, đã vô tình để thực phẩm khắc kỵ nhau, chẳng những khó ăn mà còn sinh nên thuốc độc cho mạng sống con người.

Ở đây người công giáo cần nhận rõ đường lối Chúa Cứu Thế, khi cao siêu với ánh sáng mặt trời như Phượng Hoàng, khi gánh vác nặng nhọc như con Bò, khi quyền oai mạnh mẽ như Sư Tử, và khi nhân đạo, hiền lành như một thánh nhân… đó là biểu tượng của bốn vị thánh sử. Đời sống người giáo dân khi cương nhu, khi khôn ngoan như rắn, khi thật thà như bồ câu, mới có thể ứng phó với sự đời thiên biến vạn hóa

Thông thường chọn cha sở cho giáo xứ, ít khi chọn giáo xứ cho cha sở. Mỗi giáo xứ có tính đặc thù: nhu cầu vật chất và tinh thần, thiêng liêng khác nhau. Giáo dân ở mỗi vùng, mỗi địa phương cũng khác nhau nên khi chọn cha sở Bề Trên cân phân và suy tính rất cẩn thận, dù vậy cũng không đáp ứng được trăm phần trăm.

Do đặc tính phong phú của Mục Vụ mà các giáo xứ có những tổ chức khác nhau và cách điều hành cũng khác nhau. Tất cả tùy ở sự khôn ngoan của từng cha sở. Chuyện đánh giá đúng sai, tốt xấu thường do cãm tình và tập quán và rất chủ quan. Những gì không giống thói quen của tôi, những gì tôi không thích đều cho là không theo thời thì không được. Chẳng những không nên phê phán mà trái lại chúng ta còn phải vui, hảnh diện vì tính đa dạng nầy trong Giáo Hội.

Ngoài ra chúng ta còn phải tin vào ơn Chúa Thánh Thần như lời Chúa Giêsu hứa “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Phải chân nhận rằng có nhiều giáo xứ rối beng, nhiều cha sở không vừa lòng giáo dân và Bề Trên, nhưng có giáo xứ nào mất đâu, trái lại qua thời gian tạm gọi là thứ thách đó giáo xứ đã tăng triển và mạnh mẻ trong đức tin. Nhiều cha sở khi tại vị thì bị thưa kiện đủ điều nhưng lúc ngài được thuyên chuyển giáo dân mới thấy luyến tiếc! Chuyện thường ngày trong các giáo xứ!