Cầu Khẩn Nguyện Xin Cùng Thiên Chúa

print

Cầu Khẩn Nguyện Xin Cùng Thiên Chúa

Chúa Nhật 17 Thường Niên C 24.07.22

 ​​vo ha

I.  Trong phạm vi nhỏ bé thân thương của gia đình,  với những con em có tâm trí bình thường, khi biết nói thì hầu hết những câu thường xuyên hằng ngày, không chỉ  là  hỏi  xin cha mẹ những thứ cần thiết cho hiện tại, mà còn nói ra nhiều thứ khác, gọi là mơ ước  xa hơn cho thời gian tới nữa.
 
Trong phạm vi tôn giáo, những tâm tình bên trên được gọi là cầu nguyện hay cầu xin. Cầu xin với ai?
 
Xin thưa, cầu xin với Vị Giáo Chủ quyền năng của Đạo mình. Kitô Giáo gọi Ngài là Thiên Chúa. Thời Cựu Ưóc, dân chúng nhìn Người là Thượng Đế toàn năng qua hình ảnh của những đại vương đầy dư quyền lực, nhiều lúc còn thêm độc tài, độc  đoán, dễ lên cơn giận, thường hay giáng xuống nhiều hình phạt mỗi khi dân chúng sai phạm. 
 
Tới thời Tân Ước, trong những năm tháng Chúa Giêsu còn tại thế, mỗi sáng sớm Người thường ra giữa thiên nhiên cầu nguyện cùng Cha là Thiên Chúa toàn năng, đồng thời cũng dạy con người gọi Vị Thiên Chúa cao cả đó là Cha. Người cha nào, tại thiên thượng hay trên trần thế, cũng đều tượng trưng cho tình yêu sung mãn và kỷ luật với mục tiêu giáo hóa.
 
Những bài Lời Chúa trong Chúa Nhật 17 TN C nầy không ngoài hai mục đích trên. Ông Abram (Abraham) cách đây 4000 năm, đã  kiên nhẫn nài xin Thiên Chúa đừng phạt thành Sôđôma.  Còn Chúa Giêsu thì dạy kiên trì cầu nguyện, thì sẽ được nhận lời. Vậy ta cùng đọc những dòng chính văn lời Chúa cùng xin ơn thêm soi sáng. 
 
II.  Lời Chúa
 
BÀI ĐỌC I: St 18, 20-32 “Lạy Chúa, nếu con nói, xin Chúa đừng nổi giận”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa phán: “Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay không, để Ta sẽ biết rõ”.

Các vị ấy bỏ nơi đó, đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại gần Người và thưa:

 “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. 

Chúa phán cùng Abraham rằng: “Nếu Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ cho cả thành”. Abraham thưa lại: “Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói, nên con xin thưa cùng Chúa. 

Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn thiếu năm người thì sao? Vì bốn mươi lăm người công chính, Chúa có tàn phá cả thành không?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ cả thành”. 

Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: “Nhưng nếu có bốn mươi người thì Chúa sẽ làm gì?” Chúa phán: “Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả thành”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận.

 Nếu ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không phạt”. Abraham nói: “Vì con đã trót nói thì con sẽ thưa cùng Chúa: 

Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: 

Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”.

 

BÀI ĐỌC II: Cl 2, 12-14 “Người đã khiến anh em chung sống với Người và tha thứ mọi tội lỗi”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôssê.

Anh em thân mến,

Nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Đức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.

 Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, nhưng Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ bản văn tự bất lợi cho chúng ta, vì làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

 

PHÚC ÂM: Lc 11, 1-13 “Các ngươi hãy xin thì sẽ được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.

 Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: ‘Lạy Cha, nguyện xin danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ’”. 

Và Người còn bảo các ông rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: ‘Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy’. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: ‘Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được’. 

Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

 “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. “Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá, lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư?

 Vậy, nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

III.  Đôi Dòng Ghi Chú Và tâm Tình
Trước hết, bài đọc 1 từ Sách Sáng Thế, đề cao quyền năng Thiên Chúa trên toàn cầu. Qua câu truyện, chính Thiên Chúa,  đã tiết lộ cho Abaham ý định phạt hai thành Sôđôma và Gômêra do tiếng kêu trách quá lớn vì tội lỗi của nặng nề của dân hai thành nầy, sau khi gởi hai thiên sứ đi kiểm coi đúng hay không. Rồi Abraham thương lượng có tính mặc cả, van xin Thiên Chúa tha phạt, không phải cho ông hay dòng tộc ông, mà  cho dân hai thành trên. 
 Theo nhiều nhà chú giải, thiên tai địa họa kể cả nhân họa giết hại lẩn nhau, đã xảy ra trong lịch sử trái đất và của loài người không ít. Câu truyện hai thành trên bị phạt,  được đúc kết lại và qui chiếu vào chủ đề tôn giáo có ý đề cao sự công bằng của Thiên Chúa (Rm 3: 4) cùng với lòng thương xót của Người và cũng thêm làm vẻ vang tính cao thượng thương người của Abraham, dù ông chỉ là khách lạ ngoại kiều tới trọ trong thành.
Nếu phạt người tốt chung với kẻ xấu, thì đó là vấn nạn muôn đời mà sách Gióp đã đặt ra. Ông Abraham cũng đã tỏ ra đức tính hào hiệp kiêm ái, khi  can thiệp vào việc của Thiên Chúa để chuyển cầu cho dân chúng Sôđôma.
Bài đọc 1 kết thúc với mặc cả van xin cuối cùng là nếu đủ 10 người công chính, Chúa cũng chịu tha phạt cho cả thành. Coi như Chúa nhân nhượng hòa diệu tới giá chót, nếu đủ số người công chính, vì phạt vài người vô tội sống chung, vẫn bất công hơn tha cho muôn kẻ có tội (x. Rm 3:6). 
Qua chương 19 kế tiếp, cho thấy Chúa cứu người ngay chính, là số còn sót lại, mà nhiều ngôn sứ đã nói tới,  như gia đình ông Lót.  Những lời van nài cầu xin Thiên Chúa  của Bậc điển hình tiên tiến như Abraham xưa kia, đã vẽ ra nẻo thần vững vàng, dẩn đưa  dân Chúa tới lối cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy khi xuống thế làm người.
Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy kinh nguyện mà ngày nay gọi là Kinh Lạy Cha. 
Trong kinh căn bản nầy của Kitô Giáo, chính Chúa Giêsu dạy hướng lên phần tinh thần, đối với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Cầu cho danh thánh Cha rạng ngời trong mọi người. Bên dưới, với mình, về phần thân xác, cầu xin của ăn hằng ngày. Hướng ra với tha nhân là tha thứ lỗi lầm xúc phạm như Chúa đã tha cho mình. Sau hết,  xin Chúa hướng dẫn tránh sa cám dỗ. 
Khi cầu nguyện thì phải kiên trì, như câu truyện một người  đêm khuya tới nhà người bạn, vay ba chiếc bánh, thết đãi bạn khác từ phương xa lỡ đường. 

 
Người bạn chủ nhà bèn lên tiếng: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được”. 
 
 Chúa cho biết thêm: chủ nhà nếu không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.
 
Thiên Chúa còn hơn người cha tốt lành trên thế gian, biết rõ nhu cầu của con cái và sẽ ban cho tuỳ lúc, tùy thứ. Như trong thực tế đời người, không phải ước vọng nào của con cũng được cha mẹ thỏa mãn. Vì cưng chiều con quá lẽ, có khi là làm hại con chăng?
 
Gọn lại,  Đức Thánh cha Bênêđictô XVI trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, 7 tháng 12,  2005 đã kết thúc lời giáo huấn  trong Thánh vịnh  137: 3a:  Lạy Chúa, khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con    
“Chúng ta cần luôn xác tín rằng cho dù chúng ta có phải vất vả khó nhọc, phải đối diện nhiều thử thách gian nan, chúng ta đừng ngã lòng và đừng giải quyết vấn đề một mình. Có Chúa luôn nâng đỡ che chở chúng ta. 
 
Chúng ta không bao giờ phải rời xa bàn tay của Chúa, bàn tay đã tạo dựng nên chúng ta và luôn gìn giữ chúng ta trên hành trình cuộc đời, như lời thánh Phaolô tâm sự:
 

 ‘Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành’ (Pl 1,6)”.

 
IV.  Xin Dâng Lời Cầu
 
Cầu nguyện hay cầu xin là phương cách cũng là  con đường huyền diệu để liên kết với Thiên Chúa vô hình. Cầu nguyện ngày đêm như đài phát tuyến gởi đi “niềm ước vọng dâng lên Thiên Chúa” (1 Tx). 
 
Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội thánh, biết chăm lo cầu nguyện ngày đêm, như dưỡng khí cần cho sự sống.
 
Xin cho mọi người trong Họ Đạo chúng con mỗi ngày nhớ đọc Kinh Lạy Cha, đồng thời cũng biết suy niệm và sống với lời chỉ dạy cao quí của Chúa.
 
 Xin cho chúng con ý thức thêm rằng Chúa đã tạo dựng xác hồn chúng con và cũng thêm biết cộng tác với Chúa giữ gìn cho mình khỏi sự dữ.
 
Chúng con chắc chắn sẽ được ban cho những nguyện vọng chính đáng, vì thực hành lời Chúa dạy, cùng van xin Chúa khẩn thiết, tìm kiếm Chúa khắp nơi, thêm gõ mạnh cửa Chúa ngày đêm. Amen.