Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 21 Mùa Quanh Năm

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần 21 Mùa Quanh Năm

 

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Lc 13,22-30

A. Hạt giống…

  1. c.23 : Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu. 

Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp : nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại ; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.

  1. c.24 : Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.

– “Đi qua” : Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái cửa hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đổi cách sống) thì mới vào nhà được. 

– “Cửa hẹp” diễn tả sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim : xem Mt 19,24 ; Mc 10,25 ; Lc 18,25).

B… nảy mầm.

  1. “Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ : nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (…) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ : trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn… Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả phân ly, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục v.v. bị coi là chói tai nên không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua : để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện. 
  3. Chúa Giêsu nói với dân chúng : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào…” (Lc 13,24).

Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng : “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải giã từ cả sân cỏ : không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.

Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lựa chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.

Lạy Chúa ! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)

 

Thứ Hai :

Mt 23,13-22

A. Hạt giống…

Tin Mừng của 3 ngày liên tiếp (hôn nay, thứ ba và thứ tư) ghi 7 lời khiển trách nặng nề của Chúa Giêsu nhắm vào giới luật sĩ và biệt phái vì thói giả hình của họ. Đoạn hôm nay gồm 3 lời :

  1. Khóa cửa Nước Trời (c13)

– “Các ngươi khóa cửa Nước Trời… Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không cho vào” : các kinh sư và pharisêu là những người hiểu luật và giải thích luật nên thực sự họ là những người nắm giữ chìa khóa “Nước Trời”. “Nước Trời” ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa : a/ Đó là Giáo Hội thập niên 80 : nhiều người do thái muốn gia nhập Giáo Hội nhưng bị các kinh sư và pharisêu ngăn cấm ; b/ đó là Giáo Hội cách chung : những luật lệ do các kinh sư và pharisêu đặt ra quá khắt khe tỉ mỉ làm cho người ta khó mà giữ nổi nên không thể vào Giáo Hội (CGKPV). Chính họ không muốn vào Giáo Hội, còn những người khác muốn vào thì họ cũng ngăn cản không cho.

  1. Làm hại việc Truyền giáo (c 15)

– “Khốn… Các ngươi rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo ; nhưng khi họ theo rồi các ngươi lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các ngươi” : những người do thái, đặc biệt là các kinh sư và pharisêu, rất nhiệt thành truyền giáo. Nhưng họ không đưa người tân tòng đến với Thiên Chúa mà lại đưa vào não trạng hẹp hòi và lối sống hình thức của họ.

  1. Dẫn đường mù quáng (cc 16-22)

– “Khốn… những kẻ dẫn đường mù quáng…” : Những người do thái lo cho đám dân ngoại trở lại tự cho mình là “kẻ hướng dẫn những người mù” (x. Rm 2,19). Chúa Giêsu nói chính họ cũng mù không kém gì những người ngoại mới trở lại ấy. Họ là những người mù dắt người mù ! Để lấy một bằng chứng về sự dẫn đường mù quáng, Chúa Giêsu đề cập đến các lời khấn hứa có kèm theo lời thề.  Những kẻ hướng dẫn ấy bám lấy những lời thề. Mà những thứ lời thề này đã bị bài giảng trên núi bác bỏ (x. 5,33-37). Hơn nữa, do bị thúc đẩy bởi lợi nhuận của hệ thống kinh tài Đền thờ, họ lại đưa ra nhiều cách giải thích theo ý muốn của họ. Vì thế chuyện thực hiện và giữ những lời khấn hứa trở thành một thứ đạo đức giả. Chính những người dẫn đường mà đã đi lạc như tế thì những kẻ được họ hướng dẫn cũng sẽ lạc theo.

B…. nẩy mầm.

  1. Khóa cửa Nước Trời : Luật của Chúa Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng vì cốt lõi là tình thương. Thế nhưng nếu kẻ có quyền mà không có tình thương khi áp dụng luật thì thay vì luật dẫn người ta đến gần Chúa, lại đẩy người ta xa Chúa.

Ta hãy cầu nguyện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đoàn chúng ta…

  1. Truyền giáo là một việc khó, nhưng giữ những người tòng giáo trong nhiệt tình theo Chúa là việc khó hơn nhiều. Nhiều người lương hăng hái theo đạo vì thấy đạo dạy bác ái yêu thương. Nhiều người gia nhập cộng đoàn vì nghĩ cộng đoàn có tình yêu thương huynh đệ. Nhưng khi đã vào Giáo Hội hoặc cộng đoàn rồi, nhiều người ê chề thất vọng vì thấy thực tế ngược hẳn những điều họ đã nghe “quảng cáo”.
  2. Dẫn đường mù quáng : con đường chính của Đạo là mến Chúa yêu người. Thế nhưng nhiều người không lưu ý tới điều đó mà chỉ chăm chú vào những nố tỉ mỉ của luật. Chẳng hạn khi ăn chay kiêng thịt thì món nào được ăn, món nào không được ; trước giờ dự lễ, lỡ uống nước trà có được rước lễ không v.v. Nhiều người khác còn giải thích đạo một cách mê tín dị đoan…
  3. Sau khi li hôn, người chồng dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Đứa con gái hỏi mẹ

– Sao mẹ đuổi bố ?

– Tại bố hư.

Để nó khỏi vặn vẹo lôi thôi, người mẹ mua cho nó cái bánh. Thằng anh từ đâu phóng tới bẻ của em một miếng bánh bỏ ngay vào mồm. Con bé khóc thét bắt đền. Người mẹ dỗ :

– Anh con hư quá. Nhưng thôi nín đi con, bỏ qua cho anh một lần đi.

Đứa bé phụng phịu :

– Thế mẹ có bỏ qua cho bố đâu ?

Người mẹ nhìn xa xăm :

– … Ừ, mẹ cũng hư… (Góp nhặt)

  1. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! Các ngươi khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào các ngươi cũng không để họ vào.” (Mt 23,13)

Chúa muốn con yêu mến mọi người mà không giữ lấy riêng ai… Chúa muốn con nắm chặt bàn tay thân tình mà không giật lại cho mình.

Thế mà hình như con lại toàn làm những điều ngược lại. Con có thể yêu người khác và sẵn sàng làm tất cả cho họ ; thế nhưng kèm theo đó là gì ?

– Là những đòi hỏi, những điều kiện mà con muốn người khác phải trả cho con xứng với cái mà con đã cho họ. Hoặc giả như có một ai khác đến và chiếm lấy chỗ đứng của con trong tâm hồn họ, thì con lại tỏ ra ganh tỵ, hiếm khích và hơn thế nữa con có thể nêu tiếng xấu cho người đã cướp đi vị trí của con.

Vâng, con là thế đó. Con thường nghe người ta nói : mình không ăn được thì nên phá đi, đừng để kẻ khác chiếm lấy. Và con cũng thế.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng vá nắm chặt bàn tay thân tình, để con được đón nhận và cho đi những gì có thể. (Hosanna)

Thứ Ba :

Mt 23,23-26

A. Hạt giống…

Lời khiển trách thứ tư và thứ năm :

  1. Về việc nộp thuế thập phân (cc 23-24)

– “Khốn… các ngươi nộp thuế thập phân về… mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề luật…” : để tỏ ra mình thông thái và nhiệt tình với Lề luật, các kinh sư vá pharisêu buộc người ta những cái tỉ mỉ thật phụ thuộc mà luật không hề nói đến (chẳng hạn bạc hà, thì là, rau húng… so sánh với Lv 24,30-33 Đnl 14,22 tt) ; trong khi đó lại không quan tâm gì đến những điều căn bản và chính yếu của Luật, đó là Công bình, lòng nhân và thành tín.

  1. Về việc rửa sạch bên ngoài chén đĩa (cc 25-26)

– “Khốn… các ngươi rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ” : các kinh sư và pharisêu rất coi trọng việc rửa tay chân chén đĩa… và đã từng tranh luận với Chúa Giêsu về vấn đề này (x. 15,10-20). Chúa Giêsu nói điều quan trọng là phải tẩy rửa nội tâm khỏi sự ham hố (“trộm cắp và vô độ”) là những chướng ngại khiến người ta mất tự chủ và chỉ lo tới cái bên ngoài.

B…. nẩy mầm.

  1. “Những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín” : nhiều người nước ngoài đã nhận xét rằng giáo dân VN rất siêng đọc kinh dự lễ nhưng sống với người khác thì thiếu những đức tính vừa kể. Đạo ở VN là đạo nhà thờ chứ chưa phải đạo của cuộc sống.

– Công bình : trộm cắp của công và của riêng, gian lận v.v.

– Lòng nhân : chửi rủa nhau, lên án nhau, nói hành nói xấu v.v.

– Thành tín : lường gạt, không giữ lời hứa, bất trung, bất tín v.v.

  1. Tại cửa hàng một thị trấn nhỏ, một thanh niên cao lớn, nhanh nhẹn đứng bán hàng. Ngày nọ, có bà già nhà quê vào mua hàng. Cậu trao cho bà món hàng và lấy tiền. Tối hôm đó, khi kiểm tiền, cậu thấy dư ra vài xu. Cậu cố nhớ lại những người mua ngày hôm đó, và thấy số tiền dư đúng là của bà già nọ. Cậu đặt mấy xu đó vào túi, lấy mũ, đóng cửa và đi bộ tới nhà bà già cách đó 3 dặm. Cậu thiếu niên đó chính là Abraham Lincoln, sau làm Tổng thống Hoa kỳ (Góp nhặt)
  2. Chúng ta có quan tâm nhiều đến những vấn đề sống đạo trong cuộc sống sau đây không : giúp đỡ những người nghèo khổ, che chở bênh vực những kẻ yếu đuối và bị chèn ép, công bình xã hội, lương tâm nghề nghiệp, chung thuỷ trong hôn nhân… ?
  3. Một số người vẫn còn tranh cãi nhau về vấn đề rước lễ trong miệng và rước lễ trong tay, cách rước nào sạch hơn. Có mấy ai lưu ý tới sự thanh sạch trong lòng khi rước Chúa !
  4. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình, các ngươi nộp thuế thập phân, về thì là bạc hà rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia.” (Mt 23,23)

Một người Do Thái nọ qua đời. Giữa lúc đang chuẩn bị hạ huyệt, người ta nghe có tiếng kêu lên trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi người nhạc nhiên khi thấy kẻ chết còn sống. Vị giáo trưởng chủ  trì buổi lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng và nói : “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của bác sĩ, ông quả thực đã là người chết…”

Tôi cũng đã giữ luật như vị giáo trưởng đó : đi lễ hàng ngày, xưng tội hàng tháng, ăn chay kiêng thịt ngày thứ sáu… Nhưng tôi lại không biết quan tâm đến người khác, thờ ơ trước những người nghèo khó, thiếu nụ cười cảm thông hay khích lệ anh em…

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi tôi giữ cả hai điều : Trung thành giữ luật Chúa  và đồng thời yêu thương anh em mình.

Lạy Chúa ! Xin cho con biết tuân giữ luật pháp của Chúa trong công bình, lòng nhân và thành tín. (Hosanna)

Thứ Tư :

Mt 23,27-32

A. Hạt giống…

Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy :

  1. Những mồ mả tô vôi (cc 27-28)

– “Khốn… các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy dẫu xương người chết và đủ mọi thứ ô uế…” : Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần đại lễ Vượt qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. Ds 19,16). Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ”.

  1. Xây mồ cho các ngôn sứ (cc 29-32)

– “Khốn… các ngươi xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính…” : Một mặt họ xây mồ cho các ngôn sứ để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên” họ vì tổ tiên họ chỉ giết các ngôn sứ, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia (CGKPV).

B…. nẩy mầm.

  1. Thành ngữ VN có một câu tương đương với câu “mồ mã tô vôi” của Tin Mừng, đó là “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm”.

Con rất dễ phạm phải sự giả hình này. Xin Chúa giúp con thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong.

  1. Những người biệt phái trách cha ông họ đã xử tệ với các ngôn sứ. Thế nhưng chính họ còn tệ hơn nữa khi bách hại Chúa Giêsu. Trách người thì dễ, sửa mình mới khó. Tôi cũng rất nhanh miệng phê phán chê trách người khác….
  2. Một bà già tốt lành, hơn 40 năm sinh sống bằng nghề giặt ủi tầm thường, nhưng lại được mọi người quí mến, tín nhiệm. Khi được hỏi bí quyết, bà đáp : “Tôi có một qui luật sống là không mách lẻo chuyện nhà này cho nhà khác nghe.” (Góp nhặt)
  3. Mỗi người đều mang hai túi  : một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.

Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của anh em. (Góp nhặt)

  1. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)

Như một qui luật của sự sống, con người luôn muốn tự khẳng định mình, đôi lúc trở nên phô trương, lố nghịch và vô nghĩa. Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.

Như tôi chẳng hạn, luôn chuẩn bị cho mình một cách chu đáo trong ngày lễ hội, đại lễ : nào là quần áo giầu dép và cả đi xưng tội nữa ! Nhưng kết quả thì sao ? Cuộc sống chẳng khá hơn, con người vẫn cứ cũ mèm ! Khi “lớp vỏ” được bóc ra thì tôi vẫn là tôi ngày nào, trước sao thì nay vẫn vậy ! Tôi chỉ là một con người hay ganh tỵ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, và là một kẻ hèn nhát không dám nói về đạo nơi tôi đang sống ! Tôi có còn là một kitô hữu thật sự hay không ? Không lý nào chỉ là kitô hữu được “quét vôi” !

Lạy Chúa, Chúa biết con sống như thế nào. Xin thêm sức để con có thể canh tân cuộc sống của chính mình. (Hosanna)

Thứ Năm :

Mt 24,42-51

* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :

Hai chương 24-25 (Từ hôm nay đến Thứ Bảy) là bài giảng về thời cánh chung. Ý chính của bài giảng này là ngày tận thế và việc Đức Kitô quang lâm. Ý tưởng đi liền với ý tưởng trên là những biến cố vô cùng hệ trọng này buộc người ta phải chọn lựa dứt khoát hoặc đón nhận hoặc từ chối Đức Kitô. Nhưng không phải chờ tới lúc đó mới chọn, mà phải chọn ngay từ bây giờ. Do đó những biến cố ấy và sự chọn lựa ấy có ảnh hưởng tới cách sống hằng ngày trong hiện tại.

A. Hạt giống…

Hai dụ ngôn về tên trộm và người quản gia :

– Dụ ngôn tên trộm : vì không ai biết giờ nào trộm sẽ đến, do đó lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.

– Dụ ngôn quản gia : người quản gia trung tín làm việc theo tinh thần trách nhiệm, lúc nào cũng chu toàn những việc được giao, chứ không phải lúc có mặt chủ thì làm tốt còn khi vắng mặt chủ thì bê tha.

B…. nẩy mầm.

  1. Áp dụng bài học của dụ ngôn tên trộm : ta biết luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.
  2. Ta cũng có thể áp dụng bài học của dụ ngôn người quản gia trong hai bình diện :

– Đối với bề trên : cách tôi làm bổn phận khi có mặt và khi không có mặt bề trên có khác nhau không ?

– Đối với Chúa : phải chăng khi gặp nguy hiểm, khi đau yếu, khi đụng chuyện khó khăn… tôi mới cư xử đàng hoàng với Chúa ?

  1. Trách nhiệm : “Con người là tạo vật duy nhất gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên nhiên và trước mặt Thiên Chúa” (Chờ đợi Chúa)
  2. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một công nhân xây dựng ngôi trường đó nói : trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề.

– Cái gì ? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống dẫn khí có vấn đề ?

– Đúng vậy.

– Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không ?

– Không.

– Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó, chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt)

  1. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau : người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hoả hoạn, người ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng của mọi người.

Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một người dân thành thị giải thích : Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt ngọn lửa ư ? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt đâu.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi. (“Mỗi ngày một tin vui”)

Thứ Sáu :

Mt 25,1-13

A. Hạt giống…

Dụ ngôn một cô phù dâu tiếp tục dạy về sự tỉnh thức :

– Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô (chàng rễ) đến.

– Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng nào Đức Kitô đến.

– Tỉnh thức là lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng (như đèn đầy đủ dầu).

– Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.

B…. nẩy mầm.

  1. 5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu toàn trách nhiệm : khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong rồi thì có quyền ngơi nghỉ.
  2. Cách sống của 5 cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu hay tới đó”, là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.
  3. Dầu mà tôi phải luôn chuẩn bị đầy đủ cho cây đèn linh hồn tôi là những gì ?
  4. Trong bài Tin Mừng này có một chi tiết hơi lạ là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không ? Thưa nếu là chuyện dầu đèn bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho phần rỗi đời đời nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bời vì đối với phần rỗi đời đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết, tôi thương anh tôi lắm nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san xẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội lỗi của anh.

Bởi vậy, mỗi người tự gánh tránh nhiệm về cuộc đời mình, tu thân tích đức thì mình nhờ, chuốc lấy tội lỗi thì mình chịu.

  1. Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình ; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. (“Mỗi ngày một tin vui”)

  1. “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)

“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ còn sống đúng một ngày nữa thôi ?” Đó là chính câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625 học sinh người Đức trong 12 trường và có kết quả :

20% được hỏi liền trả lời : “Chúng sẽ dùng thời gian còn lại để uống say sưa, hút ma túy và vui chơi cho thoả thích”.

Cuối cùng có một nữ sinh 18 tuổi trả lời : “Tôi sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành buổi tối cuối cùng để đến gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống hạnh phúc và đầy đủ”.

Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó ? Hay chúng ta chỉ mãi sống trong nếp sống cũ ? Hãy canh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.

Lạy Chúa Giêsu, bao giờ Chúa đến gọi con, hôm nay hay ngày mai ? mùa thu hay mùa xuân ? Xin Chúa giúp con để con luôn tỉnh thức chờ ngày đó. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Mt 25,14-30

A. Hạt giống…

Dụ ngôn các nén bạc :

– Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít.

– Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó. Bởi thế người đã lãnh 5 nén và người đã lãnh 2 nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ”.

– Cách xử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng sinh lời. Làm cho chúng sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ : người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

B…. nẩy mầm.

  1. 3 người đầy tớ trong dụ ngôn này không hề so đo phân bì với nhau vì tại sao kẻ thì được nhiều kẻ thì được ít. Họ chỉ khác nhau ở tấm lòng đối với chủ.

Tôi cũng đừng so đo với người khác về những khả năng Chúa ban cho tôi ; kiêu căng đối với kẻ ít khả năng và đố kỵ đối với kẻ nhiều khả năng hơn mình. Tôi chỉ nên nghĩ tới Chúa thôi : Chúa mong chờ gì nơi tôi khi trao cho tôi những khả năng đó ?

  1. Người đầy tớ thứ ba có nhiều điểm xấu : ít khả năng, lại không lo phát triển những khả năng ít ỏi đó, mà còn trách chủ keo kiệt. Hình phạt của hắn là một lời cảnh giác cho tôi.
  2. “Người có sẽ được cho thêm và sẽ được dư dật” : Lời hứa này là một sự khuyến khích rất lớn cho tôi. “Có” gì và “được cho thêm” gì ? Thưa : cầu nguyện, tinh thần kết hợp với Chúa, sức sống thần linh của Chúa, ơn Chúa v.v.
  3. Chúng ta cũng có thể hiểu nén bạc là đức tin. Đức tin được ban cho chúng ta một cách nhưng không, nhưng không bởi vì chúng ta có được đức tin mà không do bất cứ công lao nào của chúng ta. Một niềm tin được chia sẻ là một niềm tin sống động, trái lại một niềm tin chôn cất sẽ là một niềm tin bị mai một và chết dần. (Chờ đợi Chúa)
  4. Ông chủ nói với người đầy tớ : “Khá lắm ! Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,23)

Sau khi đến thăm gia đình của người bạn học vừa mất, cô bé trở về nhà.

Vẻ mặt giận dữ, cha cô bé hỏi :

“Tại sao con đến nhà người ta vào lúc này ?”

Cô bé trả lời : “Con đến để an ủi mẹ bạn ấy”.

– Nhưng con thì làm được gì ?

– Ba ơi con chẳng làm được gì, vì thế con ngồi vào lòng mẹ bạn ấy.

Lúc đó, cô bé chỉ biết khóc, nhưng đã an ủi lòng “người mẹ”.

Và tôi, trong cuộc sống, tôi cũng biết cười

để trao tặng “nụ cười hồng” cho mọi người.

Một miếng trầu tôi tiêm cho ngoại

Tách cá phê tôi pha cho bố mỗi sáng

Một chiếc áo dài tôi thêu cho mẹ

Và chiếc nơ hồng bắt bím cho chị

những bài học hay tôi mang đến với trẻ thơ

Tôi đã làm tất cả với hết khả năng và nhiệt huyết của mình.

Tôi vui vì đã góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm hương vị.

Lạy Chúa ! Xin giúp con biết sinh lợi những nén bạc Chúa trao, biết trung thành với bổn phận hằng ngày. (Hosanna)