Cuộc Sống Mới Sau Cái Chết Chúa nhật 32 Thường Niên C 06.11.2022

print
Cuộc Sống Mới Sau Cái Chết
Chúa nhật 32 Thường Niên C 06.11.2022
 
vo ha
 
I.  Nhìn chung, cách tổng quát con người sống ở đời nầy, đều phải tuần tự trải qua bốn giai đoạn “sinh lão bệnh  tử”. Có người chỉ được sinh ra, rồi liền bị bệnh tật hay tai họa đưa đến tử vong rất mau hay trong một thời gian dai dẳng, mà chưa tới cao niên 50. Rõ hơn,  gọn hơn, một khi được “có sanh” ra trên cỏi đời, thì  đoạn cuối đường đời là “có tử”  chắc chắn phải tới, không một chúng sanh nào tránh khỏi.
 
 Thêm nữa, theo Kitô Giáo, con người được sanh ra giống hình ảnh Chúa, là Ông  Trời hay thượng Đế (St 1: 26-30) với thân xác và bộ óc tinh anh hơn vạn vật thể lý, cộng thêm đời sống tinh thần, nên thường hay đưa tới suy tư. Như tôi từ đâu đến? –  Được sinh ra ở đời nầy để làm gi? –  Tại sao lại phải lìa bỏ cuộc đời mình đang muốn sống? – Sau khi chết rồi, sẽ đi đâu hay còn có  gì nữa sau khi chết? 
 
Để trả lời mấy câu hỏi trên, những dòng Lời Chúa được gom góp cho những tuần cuối của năm Phụng vụ, là   những giải đáp rõ ràng nhất,  hướng về cuộc sống thường hằng và sung mãn đời sau, khi đã qua những cảnh sống vô thường của cõi đời nầy. 
 
Nói cách khác, những Bài Đọc trong Phụng Vụ Thánh Chúa Nhật nầy mời gọi dân Chúa suy tư về đời sống mới, có thật, tạo ra niềm tin vững chắc, thêm mối hi vọng lớn lao, nhất là qua Lời  khai thị và  Chúa Giêsu. Tới đây ta cùng đọc nguyên văn những Lời của Chúa bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng. 
 
II. Lời Chúa
 

BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 7, 1-2. 9-14 “Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Bài trích sách Macabê quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, có bảy anh em bị bắt làm một với mẹ mình, và bị vua cho đánh bằng roi da và roi gân bò, bắt ép ăn thịt heo mà lề luật đã cấm. Nhưng người anh cả của chúng tâu vua rằng: “Bệ hạ còn hỏi han và muốn dò xét chúng tôi làm chi? Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi”.

Khi sắp thở hơi cuối cùng, người con thứ hai tâu vua rằng: “Hỡi vua độc ác kia, vua chỉ cất mất mạng sống chúng tôi ở đời này, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi, là những kẻ đã chết vì lề luật của Người, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.

Sau khi người con thứ hai chết, thì đến người con thứ ba chịu cực hình, tên lý hình bảo cậu le lưỡi, cậu liền le lưỡi, dõng dạc giang hai tay ra và nói một cách tin tưởng rằng: “Tôi được Trời ban cho các phần thân thể này, nhưng giờ đây vì lề luật của Thiên Chúa, tôi khinh chê chúng, bởi tôi trông cậy rằng Người sẽ ban lại cho tôi các phần thân thể ấy”. Nhà vua và những kẻ tuỳ tùng của ông lấy làm bỡ ngỡ thấy lòng mạnh bạo của cậu trẻ coi các cực hình như không.

Người con thứ ba chết rồi, thì người ta bắt người con thứ tư chịu cùng một cực hình. Lúc sắp chết, cậu nói rằng: “Thà chịu chết do tay người đời mà trông cậy Thiên Chúa sẽ cho sống lại thì hơn: Phần vua, vua sẽ không được sống lại để sống đời đời đâu”.

 

BÀI ĐỌC II: 2Tx  2: 16 – 3: 5 “Chúa làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, nguyện xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng đã thương yêu chúng ta và dùng ân sủng của Người mà ban cho chúng ta sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, xin Người khuyên bảo và làm cho lòng anh em bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Anh em thân mến, ngoài ra, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Thiên Chúa chóng lan tràn và được vinh hiển như việc đã thể hiện nơi anh em, và để chúng tôi thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc và xấu xa: vì không phải hết mọi người đều có lòng tin. Nhưng Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ làm cho anh em được kiên vững và gìn giữ anh em khỏi sự dữ. Chúng tôi tin tưởng anh em trong Chúa: những điều chúng tôi truyền dạy, anh em hiện đang thi hành và sẽ còn thi hành. Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Đức Kitô.

 

PHÚC ÂM: Lc 20, 27-38 “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. 

Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”.

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. 

Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

III.  Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình

Trước hết Bài Đọc 1 trong sách Macabê. Sách nầy gồm 2 cuốn, chỉ được Công Giáo thừa nhận là Sách tải Đạo Lời Chúa và đưa Sách vào Thánh Kinh Cựu Ước.   Bài đọc được  trích ra bên trên, được đọc  một lần trong Thánh Lễ Chúa Nhật của chu kỳ 3 năm Lịch Phụng Vụ.  Nhân đây, cũng là cơ hội tốt để tìm hiểu Sách nầy tổng quát đôi dòng 

Sách xuất hiện chừng năm 100 TCN, trình bày tình cảnh dân Chúa bị cai trị do chính quyền Hi lạp phân chia thành xứ quân địa phương tại  miền  Syria chừng năm 168 TCN. Chính quyền nầy từ thời Alexan Đại Đế  (356-323) TCN đã muốn lấy văn hóa Hi Lạp đồng hóa các sắc dân bị trị về  mọi mặt, cách  riêng   phương diện tinh thần là văn hóa và tôn giáo.

Người Do Thái cũng như dân Việt Nam, một khi bị xâm lăng thì liên tiếp nổi lên nhiều phong trào trường kỳ kháng chiến liên tục nhiều thời. Tới khi vua Atiôkhô  mạnh tay bách  hại người Do Thái và xúc phạm đền thờ Giêrusalem, thì phong trào kháng chiến bùng lên mạnh mẽ, mà nổi danh nhất là anh em nhà Macabê. Ba anh em  nầy dẩn đầu không những chống ngoại xâm vì lý do chính trị, mà còn do động lực mạnh nhất là tôn giáo, để bảo vệ Đạo Chúa qua việc tuân giữ Lề Luật của Môsê đã ghi trong Ngũ thư, 5 sách đầu của  Cựu Ước và  cũng qua lời dạy các bậc Tiên Hiền. 

 

Bài đọc 1 bên trên ghi lại cái chết oai hùng để bảo vệ Đạo Chúa của 4 anh em cùng với người mẹ, khi đó  có 7 con cùng bị bắt. Tất cả bị điệu ra trước mặt vua, rồi bị đánh đòn, bị bắt ép ăn thịt heo mà lề luật cấm. 

Thế hệ hôm nay có thể đặt nhiều câu hỏi với Bài Đọc trên. Nhưng xin đừng quá chú tâm đến tiểu tiết mà quí vị ký lục trình bày theo nhãn quan của thời đại 2000 năm trước. Ý nghĩa chính ở đây là 4 anh em rất trẽ, mà dám chết để bảo vệ Đạo của Giavê, bằng niềm tin và hi vọng về sự sống vĩnh cửu, qua những lời lẽ lịch sự lễ phép của từng người con trai. 

Tại sao 4 anh em nầy dám coi cái chết vì Chúa rất là nhẹ nhàn như vậy? – Nói gọn, trong bài đọc trên, niềm tin vững chắc và hi vọng tràn đầy vào sự sống đời sau của 4 trẽ trên, cũng đại diện cho niềm tin Kitô giáo.

 Người thứ nhất thà chết hơn vi phạm luật Chúa. Người thứ hai tin sự sống lại sau cái chết. Người thứ  ba tin khi sống lại những phần thân thể sẽ được đền bù do chết vì chúa. Người thứ tư tin mình sẽ sống lại vì làm điều công chính, còn nhà vua thì không vì ông làm điều ác xấu. 

Niềm hi vọng vào sự sống đời sau của con cháu Macabê 100 năm trước, trong bài đọc 1, giúp đưa dẩn con dân Chúa hôm nay qua bài Phúc Ngôn trong phần Tân Ước.

 

Qua bài Phúc Âm,  thời Chúa Giêsu, niềm tin vào sự sống sau cái chết, được đa số chấp nhận do đức tin mà nhà Macabê đã mở ra thành lối rộng trăm năm trước. Nhưng riêng phái Sađốc thì chỉ tin có một cuộc sống trên đời nầy mà thôi. 

Nên họ tạo ra câu truyện khá khúc mắc phức tạp để giăng bẫy Chúa Giêsu, dựa vào 1 luật lệ của Mosê trong Cựu Ước: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng.

Nhưng khổ nỗi, câu truyện được thêu dệt hơn là thực tế.  Nhà kia có 7 anh em trai – 7 là con số nhiều của người Do thái –  cùng tiếp theo lần lượt cưới chỉ 1 người vợ, vì người lớn hơn chết theo thứ tự. Cuối cùng tất cả đều chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ của ai trong các người ấy khi mà  tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ”?.

Chúa Giêsu trả lời cách dễ dàng, vì người từ “Cõi Trên” mà xuống: có cuộc sống đời sau và tình cảnh của cuộc sống đó, là khi sống lại, con cái của Chúa không còn chết nữa, nên không cưới vợ lấy chồng, vì là con cái của sự sống lại, 

Chúa Giêsu thêm khai thị cho nhóm Sađốc bằng những chứng cứ trong sách Xuất Hành (3: 1-6): Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa”.

Niềm tin của Công Giáo là linh lồn người công chính, sẽ có cuộc sống mai hậu sau cái chết nầy, kể cả xác loài người ngày sau sẽ sống lại nữa trong Kinh Tin Kính, cũng dựa vào Bài Đọc 1,  câu 11 trên đây.

 Ngày đó, khi Chúa đến hoặc khi ta đi gặp Chúa, người công chính sẽ vào trời mới và đất mới (Khải Huyền, ch 21-22). Từ ngữ Trời Đất mới ở đây là tượng trưng cho cảnh giới mới, mà những ai tin tưởng vào Chúa, và thực hành kính Chúa yêu người, thì sẽ được sự sống đời sau dưới quyền phép của Chúa.

 Gói lại, chúng ta là dân Á Đông, trong thực tế, cũng nên sử dụng  ba  bước đầu đơn giản, mà ai muốn trở nên công chính để được sự sống đời sau, thì làm theo lời dạy của Bậc Hiền Sĩ Đông Phương là Đức Khổng Tử (551-479) TCN: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Tu thân là dành một số thời giờ nào đó cho riêng mình, dựa vào mối đạo mà mình được duyên lành  dẩn dắt, để rèn luyện tu tập tâm trí thể. 

Hai là cũng để thời giờ chu toàn bổn phận vợ/chồng với nhau và với con cái. 

Ba là ra khỏi nhà, làm việc nuôi thân theo bổn phận công dân. Khi nào được  lên hàng lãnh đạo lớn nhỏ cao thấp, thì giúp đời theo tôn chỉ “nội thánh ngoại vương”: áp dụng luật lệ có lý có tình. Ghi nhớ, lúc nào tình thương cũng hóa giải hận thù. Cùng thêm chia sẻ tài lực Trời ban cho mình, tuỳ khả năng hoàn cảnh, cho những ai cần được giúp đỡ. 

Quí bậc thầy luôn dạy: khi đã là thánh ở trần gian nầy rồi, mới tiến lên làm thánh  trên nước Chúa được. 

 

Trở lại bài đọc 2, 

Thánh Phaolô viết cho tín hữu Thêxalônica trong tình cảnh có  kẻ  tung tin đồn giả, có kẻ mạo danh thánh Phaolô về ngày tận thế sắp đến, làm cho có tín hữu nản lòng rủn chí chẳng muốn làm thêm một cái sự gì, có người thì ăn chơi thoải mái kẻo bỏ của dư thừa lại uổn phí.

Nên Thánh Phaolô cầu xin Chúa Giêsu ban cho tín hữu sự an ủi đời đời và lòng cậy trông tốt lành, cũng như khuyên bảo và giúp thêm bền vững trong mọi việc làm và lời nói tốt lành.

Người cũng xin tín hữu cầu nguyện cho Người và cho  Lời Chúa chóng lan tràn thêm được vinh hiển như  đã thể hiện nơi tín hữu,  để thoát khỏi tay những kẻ lầm lạc xấu xa.

Xin Chúa hướng lòng mọi người đến tình yêu Thiên Chúa và lòng kiên nhẫn của Đức Kitô.

 

 IV. Xin Dâng Lời Cầu.

Chúng con tin rằng khi sống ngay chính hôm nay,  thì sẽ có cuộc sống trường cửu lâu dài sau kiếp đời tạm bợ nầy. 

Xin cho chúng con biết dùng tài vật và thời gian, mà đầu tư công đức khi còn ở đời nầy, để nhận được cả vốn lẫn lời cho cuộc sống đời sau.

Xin giúp chúng con biết sống như Ý Chúa muốn, để được Chúa đón nhận, khi chúng con phải lìa khỏi cõi tạm nầy. 

Xin giúp mọi người trong Họ Đạo chúng con xác tín rằng số mệnh ngày mai, tuỳ thuộc vào lối sống hôm nay, mà luôn tuân giữ lề luật thân thương của Chúa, để  được chung phần với Ngài trên nước trời. Amen.