Sống Cuộc Đời Mình – Phần I – Sống Quân Bình – Lời Dẫn

print

PHẦN I

SỐNG QUÂN BÌNH

 

Lời dẫn

Quân bình là luật của trời đất. Luật quân bình chi phối mọi biến hóa của vũ trụ dù ở tầng vĩ mô trong thế giới của các thiên thể hay ở tầng vi mô trong thế giới nguyên tử. Luật quân bình chi phối mọi hành vi và hoạt động của con người. Ðằng sau mọi hiện tượng và mọi biến cố đều có sự hiện diện của luật quân bình.

Những ai quan tâm về cuộc sống tinh thần hiểu rằng, bất cứ điều gì xảy ra trong cõi trời đất bao la này đều được tạo bởi vô số yếu tố, mà dường như các yếu tố đều cần thiết cả, vì mỗi yếu tố có vai trò và chức năng riêng. Những yếu tố ấy như những sợi chỉ muôn màu, muôn sắc, được dệt chung để tạo nên một tấm thảm kỳ diệu của sự tồn tại. Sự quân bình là cách nắm giữ các sợi chỉ ấy lại với nhau một cách hài hoà. Có thể nói, thước đo sự thông tuệ của một người là khả năng giữ quân bình của người đó.

Hiểu được luật quân bình và sống quân bình sẽ giúp ta giải quyết được những vấn đề đa đoan và phức tạp của đời sống con người, để sống cuộc đời an lạc, và đạt đến cùng đích của đời mình.

Luật quân bình[1]

Người Ðông Phương đã sớm nhận ra được luật quân bình và gọi nó với nhiều tên khác nhau. Thời Hùng Vương, các Hiền giả gọi đó là Vuông Tròn, Tiên Rồng (tức Âm Dương); Lão tử gọi là Ðạo; Khổng tử gọi là Thái Cực; Phật gọi là Chân Như.

Người Tây phương phải mất 25 thế kỷ (kể từ thời Aristote tới bây giờ) mới tìm ra luật quân bình mà họ gọi là thực tại lượng tử. Một trong các thực tại lượng tử được diễn đạt như sau: “Thực tại gồm hai mặt, mặt tiềm ẩn và mặt thể hiện” (Reality is twofold, consisting of potentials and actualities). Ðây chính là điều mà Ðông phương gọi là Âm Dương.

Trong Hệ từ của Dịch Truyện có nói: “Nhất Âm nhất Dương chi vị Ðạo” – Một Âm một Dương là Ðạo Trời (hay nói một cách khác là đạo quân bình âm dương).

Quan sát thực tế thường ngày ta thấy, mỗi khi có một lực tác động liền có một phản động lực tương đương và ngược chiều để tạọ sự quân bình. Nhờ luật này người ta đã chế tạo ra hoả tiễn và máy bay phản lực, một yếu tố quan trọng của nền văn minh đương đại. Chúng ta nhận thấy rõ có hai loại thể hiện của luật quân bình trong thiên nhiên: thể tĩnh và thể động:

– Ở thể tĩnh, luật quân bình thể hiện ra sự đối xứng, thí dụ trên thân thể con người chúng ta thấy cái gì cũng đều có hai: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, hai tay, hai chân.

– Ở thể động, chúng ta thấy gió bão là hiện tượng không khí di chuyển từ chỗ áp suất không khí cao tới nơi có áp suất không khí thấp để quân bình lại.

Trong kinh tế, luật cung cầu là nguyên nhân và là chất xúc tác của sự phát triển. Ngay trong nhịp đập của trái tim cũng có hai thì: hít vô và thở ra để đem lại sự sống.

Quân bình – một triết lý sống nền tảng

Quân bình là nghệ thuật cao cấp nhất trong cuộc sống con người. Chính vì vậy mà Đông phương mới có thuyết “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” (trời đất và con người có chung một nguyên lý, một bản thể), đó là bộ ba của triết lý nhân sinh “Thiên – Địa – Nhân” (Tam Tài). Điểm thần học dân gian nổi bật lên ở đây là con người đứng giữa Trời Đất để nối kết đôi bờ Thiên Địa, được Trời che Đất chở, nên phải đắp đổi hai bên cho cân xứng. Con người vì thế phải làm tròn ba đạo: đạo Trời, đạo Đất và đạo Người, để phát triển một đời sống toàn diện.

Triết lý Âm Dương cũng đã diễn tả sâu xa đặc điểm trên. Đấng Tạo Hóa tức Ông Trời đã tạo dựng hai nguyên tố uyên nguyên là Âm Dương, để sinh hóa vạn vật trong vũ trụ: sáng-tối, ngày-đêm, nam-nữ, lành-dữ, sướng-khổ, vui-buồn, may-rủi, thăng-trầm, v.v… Hiểu như thế nên người Đông phương luôn chủ trương sống thuận theo ý Trời và luật thiên nhiên đã đặt để. Do đó, “Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân”. Hoàn cảnh nào cũng có thể sống trong an vui, bình dị, để triển nở đời sống mình.

Triết lý Âm Dương chính là nền tảng biểu hiện sự điều hòa trong trời đất để phát triển sự sống. Trong đó ta thấy không có gì thuần âm, cũng không có gì thuần dương. Nguyên lý Âm-Dương là biểu trưng cho tương đồng tương phản, nhưng tương nhập và tương tác của hai khí lực bổ túc cho nhau, diễn tả lẫn nhau và chuyển hóa thay nhau. Âm Dương tương đồng để sinh ra, và tương phản để biến hóa. Không thể chỉ có âm hay dương thôi.

Sự luân phiên của các tương phản trong vũ trụ tuần hoàn là điều mà chúng ta vẫn thấy: Có và không sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; trước và sau theo nhau… Trong đời sống con người cũng vậy, nếu nhấn mạnh tương đồng mà coi thường tương phản, thì ta rất sợ những quan điểm trái ngược, mà có khi ta đồng hóa với sự chống đối, và nghĩ rằng như thế là không còn sự hòa hợp. Nhưng nếu nhấn mạnh tương phản, ta trở thành người chỉ thích nói ngược, không góp phần xây dựng mà còn phá đổ.

Luật quân bình Âm Dương còn được ứng dụng cách triệt để trong Y đạo, Y lý, Y thuật, Y thể, để trị liệu vạn bệnh về thể chất cũng như tinh thần. Các khoa học khác như phong thuỷ, thiên văn, tử vi, dự đoán học…đều coi luật quân bình âm dương là luật căn bản. Ngay trong đồ ăn thức uống cũng có những thực vật nhiều âm hay nhiều dương, tác động lên sức khỏe của con người mà giáo sư Ohsawa bàn rất kỹ trong cuốn “Zen & Dưỡng Sinh”, và cuốn ‘Phương Pháp Thực dưỡng Ohsawa”. 

Trong đạo lý của các tôn giáo cũng vậy, người ta luôn hoàn chỉnh hai khía cạnh nơi con người là lý trí và con tim để hoàn thiện đời sống tâm linh. Triết học Tây phương cũng phân định rất rõ về lý tính và cảm tính. Luật quân bình âm dương chính là đạo sống Thái Hòa, tạo nên một tính cách sinh động, uyển chuyển và hòa hợp, khiến cho con người luôn an nhiên tự tại, làm chủ mọi sự trong mối liên thông với Trời đất, với tha nhân và vạn vật.

Riêng ngành y học và sinh học cũng đã khám phá ra luật quân bình của hai bán cầu não phải và trái, mỗi bên có một chức năng riêng để bổ sung cho nhau giữa suy luận và cảm xúc. 

Nói chung, trong mọi sinh hoạt của đời sống đều phải quan tâm đến hai mặt của một vấn đề là: trong cái thiếu có cái đầy, trong cái khuyết có cái ưu, trong cái nhu có cái cương, trong cái hay có cái dở, và ngược lại. Trong âm có dương và trong dương có âm.

Triết lý sống quân bình nằm ngay trong mọi diễn biến của đời sống, qua những họa phúc, vui buồn, sướng khổ hằng ngày. Sách Sử Ký đã ghi: “Họa hề phúc sở ỷ, phúc hề họa sở phục; ưu hỉ tụ môn hề, cát hung đồng vực” (Họa thì phúc nương theo đó, phúc thì họa nằm sẵn trong đó; buồn và vui cùng nhóm một cửa; may với rủi cùng ở một nơi). Câu chuyện “Tái ông thất mã” là một minh họa về triết lý sống quân bình.

Cuộc sống đích thực luôn nằm trong trạng thái dung hòa giữa mọi cảnh đời thuận lợi và bất lợi, ngang trái và êm xuôi… Dù trái nghịch nhau về cách thức và hệ quả bên ngoài, nhưng lại hòa hợp nhau về ý nghĩa và giá trị bên trong, giúp con người biết tương đối hóa mọi việc mình làm, hầu biết nuôi dưỡng đời sống tinh thần và hướng đến một chiều kích siêu việt.

— 

[1] Tống Hòang Nam, Luật quân bình và triết lý đại hòa, https://tonghoangnam.com/luat-quan-binh-va-triet-ly-ai-hoa, 25.10.2018.