Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm Chúa Nhật 2 MV C

print

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG – C

Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3.1-6

Chủ đề: DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

Lời Chúa: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 2 mùa vọng hôm nay cho chúng thấy, Thánh Gioan tiền hô đã được Thiên Chúa sai đến để kêu mời toàn dân dọn đường Chúa đến, nhờ đó mọi người sẽ đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Gio-an cất tiếng kêu mời:

Nắn đường, lấp trũng, san đồi cho nhau.

Hận thù, ích kỉ, tự cao,

Diệt trừ tất cả nêu cao hãm mình.

Canh tân sám hối chứng minh,

Dọn đường Chúa đến, tâm tình đợi trông.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết uốn nắn lòng trí, đổi mới tâm hồn và phục vụ nhau trong tình yêu thương để đón Chúa đến. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta  hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy vững tin vì Chúa sẽ đến cứu vớt dân Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Lạy Chúa Kitô, Gioan tiền hô Chúa đã được sai đến để hướng tâm hồn chúng con về Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Lạy Chúa, Chúa kêu mời chúng con tỉnh thức sẵn sàng trong tinh thần phục vụ bác ái yêu thương. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Bước vào chúa nhật 2 mùa vọng, phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta: Thiên Chúa sẽ đến, hãy dọn đường cho Ngài. Công cuộc chuẩn bị đón chờ Chúa đến không làm chúng ta quên thực tại. Trái lại, chính ý hướng mong chờ Chúa đến đòi hỏi con người phải tỉnh thức ngay trong giây phút hiện tại. Trước tâm trạng đó, ngôn sứ Baruc đã củng cố niềm tin, an ủi và loan báo niềm vui ngày cứu độ, hãy tin tưởng vì Thiên Chúa sẽ đến và cứu vớt dân Ngài. Ngôn sứ Baruc đã kêu gọi những người dân sống tại Giêrusalem rằng: “hãy cởi áo tang chế sầu khổ, thay vào đó hãy mặc lấy áo vinh quang và đội vương niệm vĩnh cửu vì Thiên Chúa đã nhìn đến Giêrusalem”. Thiên Chúa còn ra lệnh triệt hạ mọi núi đồi, lấp đầy những hố sâu, dọn đường cho Israel vững vàng bước đến ánh vinh quang.

Thưa anh chị em, nhìn lại lịch sử cứu độ, cuộc sống lưu đày của dân Do thái ở Babylon vào khoảng năm 587 trước công nguyên tưởng chừng như muốn xoá bỏ dân tộc và đất nước Do thái khỏi bản đồ thế giới, thành Giêrusalem cùng với đền thờ đã bị xâm chiếm và tàn phá, vua và dân bị bắt đi lưu đày nhưng đến gần 50 năm sau, một vị ngôn sứ (Isaia) đã xuất hiện và loan truyền sứ điệp cứu rỗi: “Hỡi dân ta, hãy an tâm, thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá”. Ông đã mời gọi mọi người sửa lại mọi con đường cho ngay thẳng để đón ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Hãy dọn đường Chúa, hãy san bằng mọi con đường. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, núi đồi hãy bạt xuống; đường quanh co hãy sửa cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Lời loan truyền sứ điệp cứu rỗi ấy giới thiệu con người và sứ mạng của vị tiền hô của Đấng cứu thế. Công cuộc dọn đường Chúa đến nay được thánh Gioan Tẩy giả mượn lời ngôn sứ Isaia mà rao giảng Tin Mừng cứu độ và kêu gọi mọi người tỏ lòng sám hối: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. Lời kêu gọi này cho thấy xác tín ngày Chúa đến thôi thúc người tín hữu phải dọn đường Chúa đến bằng thái độ sám hối và canh tân đời sống.

Có câu chuyện kể lại rằng: Một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi. Cũng vậy, tâm hồn con người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng thái độ sám hối và canh tân đời sống. Chính tội lỗi đã đẩy dân tộc Israel vào cảnh mất nước, nô lệ. Chính tội lỗi đã gây bao tai họa chiến tranh. Vì thế, chúng ta cần nhìn ra nguyên nhân đích thực và sâu thẳm này của các tai họa trong quá khứ và hiện tại để sám hối: nhìn nhận mình đã phạm tội và chính tội mỗi người đã là nguyên cớ cho những thảm họa vật chất, tinh thần, cá nhân, tập thể … Thái độ sám hối này được biểu lộ rõ nét khi mỗi người biết khiêm tốn thú nhận tội lỗi mình qua bí tích Hoà giải. Hơn nữa, công cuộc dọn đường Chúa đến, được hiểu và thực hiện cách cụ thể: xóa bỏ đi khỏi lòng mình những giận hờn, tị hiềm và những vực thẳm làm ta không thể tiếp đón Chúa và anh em; bạt đồi núi kiêu căng, ích kỷ trong tư tưởng và hành động; uốn ngay lòng người khỏi mọi quanh co nhưng hết lòng suy phục Thiên Chúa.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết vun xới và tưới tâm hồn chúng ta bằng thái độ sám hối và canh tân đời sống mình để chúng ta xứng đáng đón rước Chúa đến. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.