Chỉ Có Một Điều Cần – Chương 8:  Dạn dĩ đối thoại với Thiên Chúa

print

Dạn dĩ đối thoại với Thiên Chúa

Nếu cầu nguyện nghĩa là không ngừng nghĩ tới Thiên Chúa, thì việc cầu nguyện không ngừng, như thánh Phaolô xin ta, sẽ không khi nào có thể thực hiện được…. Cầu nguyện, theo tôi nghĩ, không có nghĩa là nghĩ về Thiên Chúa hệt như nghĩ về những thứ khác, hoặc dành thời gian để ở với Thiên Chúa thay vì ở với người khác. Nhưng, cầu nguyện có nghĩa là suy nghĩ và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Bao lâu ta còn chia suy nghĩ của ta thành những suy nghĩ về Thiên Chúa và những suy nghĩ về người khác và những biến cố khác, thì bấy lâu, ta còn đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống hằng ngày của ta vào một trong những chỗ làm việc đạo đức nào đó, nơi ta có thể suy nghĩ những tư tưởng đạo đức và kinh nghiệm về những tình cảm đạo đức.

Tuy điều quan trọng và không thể thiếu đôi với đời sống thiêng liêng là phải dành giờ cho Thiên Chúa và chỉ cho một mình Ngài thôi, nhưng cầu nguyện chỉ trở thành việc cầu nguyện không ngừng khi mọi tư tưởng của ta — đẹp hay xấu, cao hay thấp, đáng hiên ngang hay làm ta phải hổ thẹn, vui hay buồn – ta đều có thể suy nghĩ trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Như thế, biến suy nghĩ không ngừng của ta thành việc cầu nguyện không ngừng cũng sẽ đưa ta từ cuộc độc thoại tập trung vào mình tới cuộc đối thoại tập trung vào Thiên Chúa…

Cầu nguyện không ngừng là đưa mọi suy nghĩ của ta ra khỏi sự cô lập đáng sợ của chúng vào trong cuộc đốì thoại dạn dĩ với Thiên Chúa. Cuộc sống của Đức Kitô là một cuộc sống luôn được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Cha Ngài. Chúa Giêsu không giấu Cha điều gì, tuyệt đối không. Niềm vui, nỗi sợ, niềm hy vọng và nỗi thất vọng của Ngài bao giờ cũng được Ngài chia sẻ với Cha.

Clowning in Rome.

Cầu nguyện không phải là việc tự xem xét nội tâm mình, không phải là việc nhìn vào mình để phân tích kỹ lưỡng những suy nghĩ và tình cảm của ta nhưng là qui hướng trọn vẹn về Đấng đang mời ta không ngừng đôi thoại với Ngài. Cầu nguyện là sự bày tỏ mọi suy nghĩ của ta – những suy nghĩ có tính phản hồi cũng như những mơ mộng và chiêm bao – cho người Cha yêu thương đến độ Thiên Chúa có thể thấy được chúng và đáp lại chúng bằng lòng thương xót của Ngài. Cầu nguyện là vui mừng khẳng định rằng Thiên Chúa biết rõ tâm hồn và trái tim ta và ta không gì có thể che giấu Thiên Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh 139 viết :

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ

Biết cả khi con đứng con ngồi

Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa

Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét

Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả (1-3).

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con.

Xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ

Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

Thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời (23-24).

Cầu nguyện là sự hoán cải triệt để của mọi tiến trình tinh thần của ta, vì trong cầu nguyện, ta đi ra khỏi con người ta – những lo toan, vướng bận và tự thoả mãn – và qui hướng mọi sự ta nhận ra là của ta về cho Thiên Chúa vì tin rằng nhờ tình yêu Thiên Chúa mọi sự sẽ được đổi mới.

Nhưng việc biến đổi từ việc suy nghĩ không ngừng đến việc cầu nguyện không ngừng không dễ tí nào. Bao giờ cũng có sự phản kháng việc ta làm cho mình thành yếu đuối, trơ trụi, và hoàn toàn không được chở che. Thực ra ta muốn yêu mến Thiên Chúa và tôn thờ Ngài, nhưng ta cũng muốn giữ lại cho mình một góc nhỏ nào đó của đời sống bên trong của ta, nơi ta có thể ẩn núp và ấp ủ những suy nghĩ bí mật của ta, những mơ ước của ta và đùa nghịch với những thứ giả dối của tâm hồn ta. Ta luôn bị cám dỗ sàng lọc kỹ những tư tưởng ta sẽ đưa vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa.

Cái gì khiến ta bủn xỉn thế ? Có lẽ ta tự hỏi không biết Thiên Chúa có lấy hết tất cả những gl đang diễn ra trong tâm trí và cõi lòng ta không. Thiên Chúa có thể chấp nhận những tư tưởng hận thù, những tưởng tượng tàn bạo và những mơ ước đáng hổ thẹn của ta chăng ? Thiên Chúa có thể đụng đến những hình ảnh nguyên thuỷ của ta, những ảo tưởng đã bị lạm phát của ta và những lâu đài nội tâm kỳ lạ của ta chăng ? Hoặc ta có muốn nắm giữ những tưởng tượng có thể đem lại niềm vui của ta và những thứ khơi dậy mộng mơ, sợ rằng khi bày tỏ những thứ ấy cho Chúa, có thể ta sẽ phải từ bỏ chúng chăng ? Như thế, ta thường xuyên bị cám dỗ rơi vào tình trạng kiểm xét nội tâm vì sợ hãi hoặc vì tham lam, và muốn giấu Thiên Chúa những gì cần phải để Thiên Chúa đụng chạm và chữa lành nhất.

Clowning in Rome