Thua để thắng, mất để được

print

THUA ĐỂ THẮNG, MẤT ĐỂ ĐƯỢC

 Lm Xuân Hy Vọng

Chuyện kể rằng: Phan-xi-cô xuất thân từ một gia đình quý tộc danh giá ở thành Át-si-si. Lúc còn thanh thiếu niên, ngài hay đi lễ muộn. Khi trưởng thành, trong một buổi lễ, tình cờ nghe cha quản xứ giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô hết sức tâm đắc với câu nói của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 2). Từ hôm ấy trở đi, ngài luôn suy nghĩ xem mình phải sống thế nào để trở thành một người nghèo thực sự theo lời Chúa dạy? Rồi một ngày nọ, ngài đi đến quyết định sống cuộc đời từ bỏ mọi sự để hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Chúa quan phòng. Ngài đã bán gia sản của cha mình và đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha, khiến ông nổi cơn giận kinh hoàng. Ông liền đến tịch thu tất cả những gì còn sót lại của Phan-xi-cô và tuyên bố từ mặt, không nhận ngài làm con nữa. Ngày hôm ấy, Phan-xi-cô đã can đảm bỏ lại tất cả quần áo, giày dép sang trọng để ra khỏi nhà với đôi bàn tay trắng. Trong nhật ký, ngài có viết: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ ngày đó, ngài được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã chọn “từ bỏ tất cả mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”.

Quả thật, đây chính là nghịch lý của Ki-tô giáo: “thua để thắng, mất để được” mà chúng ta bắt gặp ngang qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 5, 1-12a) đề cập đến Tám mối Phúc Thật.

Thánh Phao-lô đã nghiệm ra và quả quyết: “…cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 25). Dĩ nhiên, khi chúng ta đặt Tám mối Phúc Thật theo lối suy nghĩ và tiêu chuẩn của xã hội trần thế, hoặc của con người, thì có lẽ chúng ta bị khinh miệt, chê bai, chứ chẳng thể nào là phúc thật! Thế nhưng, Tám mối Phúc Thật (Bát Phúc) chính là chuẩn mực của Thiên Chúa dành cho những ai dám chấp nhận ‘nghịch lý’ này: tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại vì sống công chính (x. Mt 5, 3-10). Và Bát Phúc cũng được gọi là Hiến chương Nước Trời, nghĩa là hết thảy những ai khao khát được vào Nước Trời, đều hân hoan sống trọn Tám mối Phúc Thật ngay đời này.

Thánh Phan-xi-cô Át-si-si đã dám chịu mất tất cả để đạt được hạnh phúc thật. Thánh Ma-xi-li-a-nô Kol-bê đã hy sinh mạng sống cho người tử tù để đạt sự sống đời đời, hưởng phúc thật viên mãn. Thánh Đa-mi-en đã bỏ hết những tiện ích, tiện nghi trần thế, mà chăm lo cho người phong hủi đến cuối đời, hầu sống trọn Bát Phúc. Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta đã dám bỏ sự an vị, cất bước lên đường đến Ấn Độ để khởi sự chặng đường chăm lo cho những người cùng khốn, những người thiếu vắng tình thương, những người đang hấp hối, v.v…cũng chỉ vì thánh nhân sống trọn vẹn Tám mối Phúc Thật! Còn rất nhiều thánh nam thánh nữ khác đã kết thúc cuộc hành trình lữ khách nơi trần gian này với tinh thần Bát Phúc, hầu được hưởng hạnh phúc đích thật viên mãn muôn đời.

Vì thế để đạt hạnh phúc này, chúng ta nên phân biệt hai loại hạnh phúc chính: hạnh phúc tự nhiên khả giác và hạnh phúc siêu nhiên tinh thần. Ai trong chúng ta đều rõ: hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên nơi con người, muốn được thoả mãn các như cầu cả về thể xác lẫn tâm hồn. Về hạnh phúc tự nhiên như: được có nhiều tiền của, được chung sống với người mình yêu, được khen tặng, được thi đậu hay được cấp vi-sa nhập cảnh nước ngoài, được thăng tiến…, con người sẽ cảm thấy vui sướng khi được thoả mãn điều mình khát vọng. Tuy nhiên, loại hạnh phúc này thường không bền lâu, dần dần phai mờ theo thời gian, và có khi hạnh phúc hôm nay lại trở thành nguyên nhân gây ra bất hạnh sau đó. Về hạnh phúc siêu nhiên mà Tin Mừng đề cập là “Tám mối Phúc Thật”. Đây là những tiêu chuẩn cho hết thảy mọi người muốn được ơn cứu độ, muốn được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cụ thể, chúng ta hoan hỷ thực hành xuyên suốt trong cuộc sống Ki-tô giáo:

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Người có tâm hồn nghèo khó là người không tham lam tiền tài, không tranh giành địa vị chức quyền, nhưng luôn sống đơn sơ, tín thác và khiêm nhường phục vụ noi gương Đức Giê-su, nên họ sẽ được ban thưởng Nước Trời.

Phúc thay ai hiền lành: Người hiền lành là người có lòng từ bi nhân ái, không cố tình làm hại ai, nhưng luôn biết nhẫn nhịn, chịu đựng những xúc phạm của tha nhân vì lòng mến Chúa, nên họ sẽ được Chúa bù đắp các thiệt thòi bằng hạnh phúc đất hứa Thiên Đàng.

Phúc thay ai sầu khổ: Người sầu khổ là người ý thức giá trị thanh luyện của đau khổ, nên sẵn sàng chịu đựng mọi gian nan gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, nên họ sẽ được Chúa đoái thương ‘lau khô lệ rơi’ và được động viên an ủi bằng hạnh phúc Thiên Đàng.

Phúc thay ai khao khát nên người công chính: Người công chính luôn hướng thượng, muốn trở nên hoàn thiện noi gương Cha trên trời, nên họ sẽ được thỏa lòng mong ước nhờ tin vào Chúa Giê-su và ăn ở công minh, chính trực giống như Người.

Phúc thay ai xót thương người: Người biết xót thương luôn cảm thông chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân như thánh Phao-lô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15), nên họ sẽ được Chúa xót thương và ban ơn tha thứ trước tòa phán xét.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Người có tâm hồn trong sạch là người có nếp sống lành thánh trong tư tưởng, lời nói và hành động, nên đôi mắt tâm hồn của họ trở nên trong sáng để có thể nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi anh chị em, đặc biệt những ai đang đói khổ bất hạnh (x. Mt 25, 40), và sau này được “mặt giáp mặt” diện kiến với Chúa trên Thiên đàng (x. 1Cr 13, 12).

Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Người xây dựng hòa bình luôn nhẫn nhịn, kiên trì vun xới tình huynh đệ, biết ứng xử, sống hòa thuận với tha nhân, nên họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (x. Mt 5, 45) và trở nên môn đệ đích thật của Đức Giê-su (x. Ga 13, 35).

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Người bị bách hại vì sống công chính là người can đảm sống đức tin, sống chứng nhân cho Đức Giê-su, nên bị ghen ghét, bắt đạo, cấm cánh, có thể bị giết chết thân xác, nhưng họ sẽ được Thiên Chúa thưởng ban ơn cứu độ là hạnh phúc Thiên đàng đời đời.

Sau hết, noi gương các Thánh nhân đã sống trọn vẹn Bát Phúc ngay ở đời này, chúng ta cùng nhau chung tay, chung lòng cất bước trên con đường nên Thánh qua việc đón nhận Tám mối Phúc Thật là kim chỉ nam của đời mình. Xin Chúa trợ lực cho mỗi người chúng ta. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng