Từ Ngữ Kinh Thánh Chúa Nhật Mùa Chay III A

print

TỪ NGỮ KINH THÁNH 

CHÚA NHẬT MÙA CHAY III A, GA 4:5-42

https://giaophanphucuong.org/


NGƯỜI SAMARIA

Người Samaria | Chúa Nhật Mùa Chay III A (Ga 4:5-42) | Từ ngữ Kinh Thánh | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Đức Giêsu phải băng qua xứ Samaria” (Ga 4,4)

Người Samaria là dân chúng sống ở vương quốc miền bắc Israel. Họ được gọi theo tên thành phố được vua Omri thành lập. Thời Tân Ước, người Samaria bị người Do thái khinh miệt, vì quan hệ hôn nhân của họ với dân ngoại, sau khi vương quốc bị thất thủ năm 721 trước công nguyên. Tuy nhiên, Tân Ước cho thấy họ thường có thiện cảm với Tin Mừng.

Samaria là tên của vương quốc miền bắc. Theo 1V 21,1 toàn vương quốc phía bắc được gọi theo tên của thủ đô, giống như Giêrusalem với vương quốc Giuđa (x. 1V 18,1-6 2V 17,24 23,19 Gr 31,5).

Sự sụp đổ của Samaria (2V 17,3-5).

  • Dân Samaria bị bắt đi lưu đày (2V 17,6-8). Vua Atsua II hoàn tất việc chiếm đóng đã bắt đầu từ đầu từ vua Sanmanese V, đày 27.000 dân Samaria (theo niên giám của họ ghi lại) (2V 18,11-12).
  • Samaria bị các dân khác định cư (2V 17,24). Việc định cư này là một trong các nguyên cớ, dân tới quan hệ hôn nhân hỗn hợp. Thời Tân Ước, nhiều người coi họ là nguồn gốc của người Samaria. (x. Er 4,2.9-10).

Tôn giáo ở Samaria sau khi vương quốc sụp đổ :

  • Một tổng hợp tại Samaria. Theo 2V 17,25-41 dân đến định cư mang theo các thần của riêng họ, nhưng cũng thờ Chúa như thần của miền đất. Sau cùng họ cũng sẽ bỏ đa thần và chấp nhận luật Môsê.
  • Một số người ở Samaria vẫn trung thành và hành hương về Giêrusalem (2Sb 30,10-11 x. 2Sb 30,1 34,9 Gr 41,4-5).

Những người Samaria và việc tái thiết Giêrusalem :

  • Người Samaria dâng cúng để tái thiết đền thờ nhưng bị khước từ. Bị khước từ dẫn tới sự chống đối của người Samaria, đối với việc tái thiết đền thờ của những lưu dân trở về (Er 4,6.7-23 Er 4,1-5).

Bối cảnh tôn giáo ở Samaria thời Tân Ước :

  • Người Samaria xây dựng đền thờ riêng của họ trên núi Garizim (Ga 4,20). Sau này người Do thái đã phá hủy đền thờ này, khiến thái độ và chống đối giữa hai nhóm nên cứng rắn hơn.
  • Thánh Kinh người Samaria chỉ có Ngũ thư (Ga 4,22). Vì vậy, họ biết ít về Đấng Cứu Thế mà họ trông đợi.
  • Những thái độ nghi kỵ giữa người Samaria và người Do thái : Người Samaria bị coi như sống buông thả, vì vậy người Do thái không muốn sống chung với họ (Ga 4,9). Vào thời Tân Ước, hố phân cách còn cay đắng và rộng lớn hơn (x. Lc 9,51-56).

Người Samaria và sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô :

  • Lúc đầu Chúa Giêsu Kitô dạy các môn đệ đừng đến với người Samaria (Mt 10,5-6)
  • Chúa Giêsu Kitô bị một số người Samaria chống đối (Lc 9,51-56).
  • Chúa Giêsu tác động tới một phụ nữ Samaria và nhiều người khác tin Ngài (Ga 4,4-20.39-42)
  • Chúa Giêsu chữa lành người Samaria mắc bệnh phong (Lc 17,11-19).
  • Chúa Giêsu dạy dụ ngôn người Samaria nhân hậu (Lc 10,30-37).

Samaria và sứ vụ của Giáo Hội thời sơ khai.

Chúa Giêsu Phục Sinh kể Samaria vào sứ mệnh của Giáo Hội (Cv 1,8)

  • Giáo Hội mang Tin Mừng đến Samaria (Cv 8,1.4-13.25).
  • Các tông đồ cầu xin ơn ban Thánh Thần cho những người Samaria trở lại đạo (Cv 8,14-17).
  • Giáo Hội Samaria lớn mạnh (Cv 9,11).

GIẾNG

Giếng | Chúa Nhật Mùa Chay III A (Ga 4:5-42) | Từ ngữ Kinh Thánh | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Ở đấy có giếng của ông Giacob” (Ga 4,6)

Giếng được đào sâu xuống đất để lấy nước. Nó rất quan trọng trong đời sống và việc sử dụng nó làm biểu tượng trong Thánh Kinh chứng tỏ điều đó.

Tầm quan trọng của giếng nước trong cuộc sống đô thị : “Họ chiếm các thành trì kiên cố và đất đai mầu mỡ phì nhiêu, rồi họ còn chiếm đoạt những ngôi nhà của cải dư đầy, những hồ chứa nước đã đào sẵn, …” (Nkm 9,25 x. Đnl 6,10-11).

Các phụ nữ kín được để dùng trong gia đình, như trong câu truyện tìm vợ cho ông Isaac, người lão bộc phục sẵn ở bờ giếng và gặp được bà Rebecca tại đó khi bà đi kín nước (x. St 24,11-20 và 1Sm 9,11 : ông Saul đi tìm lừa và đã được các cô gái kín nước chỉ đường đến gặp tiên tri Samuel; Ga 4,7-9 : Chúa Giêsu gặp phụ nữ Samaria bên bờ giếng).

Gia súc được uống nước tại giếng : “Ông Giacob” nhìn và thấy một cái giếng ở ngoài đồng. Ở đó có ba đoàn chiên đang nằm gần giếng, vì người ta cho các đàn vật uống nước giếng này …” (St 29,2-3 x. St 29,7-10 Xh 2,12-17).

Giếng nước thỉnh thoảng trở thành nguyên cớ gây tranh chấp : “Ông Abraham trách vua Avimeléc về chuyện giếng nước và những đầy tớ vua Avimeléc đã chiếm đoạt …” (St 21,35 x. St 26,12-22 Ds 20,17 21,22).

Giếng làm mốc ranh giới : “Sứ thần Chúa gặp nàng (Hagar) gần một suối nước trong sa mạc, suối ở trên đường đi Sua” (St 16,7). “Người ta gọi giếng đó là giếng Lakhai Rôi giếng ấy ở giữa Cađê và Bêrét (St 16,14) (x. St 21,31 : Boe Seva có nghĩa là “giếng thề” vì tại đó hai người đã thề”; St 26,20-22 những giếng nước ở giữa Gơra và Bơe Seva; Ga 4,6 : giếng của ông Giacob).

Giếng được dùng làm biển tượng :

  • Mối liên kết với Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Ngài : “các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3). “Lạy Đức Chúa niềm hy vọng của Israel là Ngài, hết những ai lìa bỏ ngài sẽ phải xấu hổ, … vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17,13 x. Gr 2,13 Ga 4,14 Kh 7,17).
  • Mối liên kết với tình yêu nhân loại : “Con hãy uống từ bồn nước của con, từ giếng của con, hãy uống nước tuôn trào” (Cn 5,15). Bồn nước, giếng nước ở đây, anh em nhà Hurault chú thích là sự chung thủy.
  • Những cảnh báo chống lại và kết án tội lỗi : “Như nước tràn miệng giếng thế nào, gian ác của nó cũng tràn ra như vậy” (Gr 6,7 x. Cn 23,27 Gr 51,36).

MẠCH NƯỚC

“Nước tôi cho … một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,

Những mạch nước rất quan trọng đối với cuộc sống dân Israel. Nó cung cấp nước sạch cho dân. Cả Thiên Chúa lẫn Tin Mừng thường được sánh như những mạch nước ban sự sống.

Tầm quan trọng biểu trưng của những mạch nước đối với Israel:

  • Nước ban sự sống là dấu chỉ của niềm hy vọng và sự thịnh vượng : “ngày ấy, nước mạch sẽ chảy ra từ Giêrusalem; một nửa chảy ra biển Đông, một nửa chảy ra Biển Tây; sẽ xảy ra như vậy trong cả mùa đông lẫn mùa hè” (Dcr 14,8). “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3). “Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào” (Is 49,10). “chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã” (Gr 31,9).
  • Nước ban sự sống là nguồn sinh ra sự phì nhiêu : Người đặt niềm tin vào Chúa được ví : “như cây trồng bên dòng nước, đêm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,9 x. Tv 1,3).
  • Nước ban sự sống là dấu chỉ sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa, như khi Chúa làm cho nước phun ra từ tảng đá tại Maxa và Mơriva (Xh 17,1-7 Ds 20,1-11).

Thiên Chúa như là mạch nước. Phản bội Chúa quả là tai hại, “chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh, để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước” (Gr 2,13). “Hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi đất, vì họ đã lìa bỏ Đức Chúa là mạch nước trường sinh” (Gr 17,13).

Tin Mừng là mạch nước : Chúa Giêsu phán : “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi Người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14). Vì vậy, “như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv 42,2). Thiên Chúa luôn mời gọi : “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !” (Is 5,1). Chúa Giêsu cũng lên tiếng : “Ai khát, hãy đến với Tôi, ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38-39). Trong trời mới đất mới, Chúa phán : “chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền” (Kh 21,6 x. 22,17).

Các ứng dụng của Kinh Thánh theo hình ảnh mạch nước :

  • “Nước bị đục, suối bị dơ, chính nhân bị kẻ gian ác làm nghiêng ngửa” (Cn 25,26).
  • Miệng lưỡi được ví như mạch nước (Gc 3,9-11).
  • Mạch nước khô cạn là hình ảnh của sự khô chồi : “Họ là suối không có nước, là mây bị bão cuốn đi, u ám tối tăm là nơi dành cho họ” (2Pr 2,17).

NƯỚC

Nước | Chúa Nhật Mùa Chay III A (Ga 4:5-42) | Từ ngữ Kinh Thánh | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14)

Nước là nguồn mạch và tiềm năng của sự sống. Nước cũng có thể gây cảnh chết chóc. Trong đời sống thường ngày, nước thanh tẩy người và vật. Làm sống động hay gây kinh hoàng nhưng luôn thanh tẩy, nước hòa vào đời sống con người và lịch sử của dân giao ước.

Theo khái niệm của Babylon xưa, dân Israel phân chia nước thành hai khối “nước trên bầu trời” (St 1,7 Tv 148, 4 Đn 3,60) và “nước dưới đất” (St 7,11 Đnl 8,7 33,13 Ed 31,4) Thiên Chúa làm chủ nước và thiết lập trật tự cho nước trên bầu trời lẫn nước dưới đất. Ngài tuôn mưa xuống (G 5,10 Tv 104,10-16) điều hòa “đúng thời hạn” (Lv 26,4 Đnl 28,12) đảm bảo cho xứ sở được phồn thịnh (Is 30,23tt). Ngài còn tùy ý sắp xếp vực thẳm (Tv 135,6 Cn 3,19t), làm cho khô cạn sông suối ( Am 7,4 Is 44,27 Ed 31,15) hay làm cho giòng sông cuồn cuộn chảy khiến ven bờ xum xuê thảo mộc (Ds 24,6 Tv 1,3 Ed 19,10) Tv 104 tóm lược chủ quyền của Thiên Chúa trên nước.

Thiên Chúa không điều khiển nước cách độc tài võ đoán. Vì thế, nước là dấu chỉ phúc lành cho dân trung thành (St 27,28 Tv 133,3). Trái lại khô hạn là kết quả lời chúc dữ đối với quân vô đạo (Is 5,13 19,5tt Ed 4,16t 31,15 1V18,18). Bàn tay Đấng sáng tạo cũng không hoạt động mù quáng : tận diệt thế giới vô luân (2Pr 2,5) trận lụt vẫn để Noe công chính sống sót (Kn 10,4), sóng Biển Đỏ biết chọn dân Thiên Chúa và loại trừ dân thờ ngẫu tượng (Kn 10,18t)

Nước giận dữ gắn liền với khía cạnh thi ân, nghĩa là thanh tẩy đối với thể xác (St 18,4 19,2 Lc 7,44 1Tm 5,10) và vì vậy tượng trưng cho sự thanh tẩy tâm hồn (Tv 50,4) có những nghi thức thanh tẩy, nhung nước tự nó không tạo nên sự tinh sạch tâm hồn. Đức Kitô thành lập một cách thanh tẩy mới (Ga 15,3).

Dưới cái nhìn cánh chung, chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống của loài người (Gr 2,13 17,8). Đức Kitô đến mang cho loài người nước ban sự sống. Từ cạnh sườn Người (Ga 19,34) nước chảy ra đủ sức làm giảm khát dân lữ hành (1Cr 10,4 Ga 7,38). Người cũng là đền thờ (Ga 2,19tt) bởi phát sinh giòng sông tưới gội Giêrusalem mới (Ga 7,31t Kh 22,1-17 Ed 47, 1-12) một địa đàng mới. Nước đây chính là Thánh Thần ban sự sống (Ga 7,39).

Tính cách biểu trưng của nước được thực hiện đầy đủ trong phép rửa kitô giáo, một phép rửa tái sinh và canh tân trong Thánh Thần (Tt 3,5 Ga 3,5).

KHÁT

Khát | Chúa Nhật Mùa Chay III A (Ga 4:5-42) | Từ ngữ Kinh Thánh | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Ai uống nuớc này sẽ lại khát.Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa” (Ga 4,13-14).

Nước là cái cốt yếu của đời sống con người. Trong Thánh Kinh, nhu cầu thể lý phải uống thường được dùng làm hình ảnh biểu trưng cho nhu cầu thiêng liêng của con người mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn được.

Cơn khát thể lý giày vò dân Chúa khi ra khỏi đất Ai Cập khiến họ kêu trách ông Môsê. Thiên Chúa đã làm cho nước vọt ra từ tảng đá. Nơi xảy ra phép lạ ấy được đặt tên là Maxa và Mơriva (Xh 17,3-6 Ds 20,2-11 Đnl 8,15 Nkm 9,15-20 Tv 78,15-16 105,41 107,4-9.33.35 Is 48,21). Tại Rama Lêkhi ông Samson dùng hàm lừa đánh chết cả ngàn người, nhưng “lại phải chết khát” và Thiên Chúa đã làm cho nước vọt ra từ khe đá để cứu ông (Tl 15,18-19).

Cơn khát thiêng liêng và sự no thỏa :

  • Sự giãn khát và no thỏa chỉ tìm được nơi Thiên Chúa : “Người đưa tôi tới dòng nước trong lành” (Tv 23,1-2 x. Is 12,2-3 35,6-7 41,17-18 58,11).
  • Người ta cảm nghiệm được sự no thỏa này qua Đức Giêsu Kitô : “Tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng … từ tảng đá linh thiêng … là Đức Kitô” (1Cr 10,4 x.Ga 4,7-14 6,35).
  • Sự no thỏa nhận biết nhờ có Chúa Thánh Thần ở trong lòng : “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38-39)
  • “Chúa Giêsu muốn nói về Thánh Thần mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,39). Như vậy, qua các tín hữu, các phúc lành sẽ được thông chuyển đến những người khác. (Ga 7,38 x. Is 32,2).

Tách lìa xa Chúa sẽ không thể có được sự no thỏa thiêng liêng : “chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nước nứt rạn, không giữ được nước” (Gs 2,12 Is 65,13 Gr 2,17-18). Các thầy dạy mạo danh hứa hẹn nhiều, nhưng “họ là suối không nước, là mây bị gió cuốn đi” (2Pr 2,17).

Bởi vậy, có những lời mời gọi tìm giãn khát nơi Thiên Chúa “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây” (Is 55,1). Chúa Giêsu cũng lên tiếng : “Ai khát, hãy đến với tôi” (Ga 7,37 Kh 22,17).

Có những người tìm giãn khát thiêng liêng nơi Thiên Chúa.

  • “Họ như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong…” (Tv 42,1-2. X. Tv 38,9 63,1 143,6 Is 26,9).
  • Họ “sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6).
  • Thiên đàng là phần thưởng cuối cùng của họ : “họ sẽ không còn phải đói, phải khát … vì Con Chiên … dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,16-17 Ed 47,1-2 Dcr 14,8-9 2Cr 5,2 2Tm 4,8 Dt 11,16 Kh 21,6-7 22,1-3).

LOẠI TRỪ, RIÊNG BIỆT, ĐỘC QUYỀN

Loại trừ, riêng biệt, độc quyền | Chúa Nhật Mùa Chay III A, Ga 4:5-42 | Từ ngữ Kinh Thánh | hiệp thông Loan bao Tin mừng

“Người Do thái không được giao thiệp với người Samari” (Ga 4,9)

Loại trừ là giữ tính chất của một nhóm riêng biệt, khi vẽ ra đường ranh giới rõ rệt phân biệt người trong nhóm với người ngoài mà họ không muốn tiếp xúc.

Việc thực hiện sự loại trừ dựa trên đòi hỏi của Thiên Chúa để có được sự tôn thờ riêng biệt : “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3 x. Xh 34,14 Đnl 6,14-15 2V17,35-39 Is 42,8).

Tính loại trừ trong Israel là cách diễn tả thực tiễn vì là dân riêng :

  • Tách biệt ra cho Chúa : “Các ngươi phải thuộc về Ta … Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26 x. Lv 15,31 20,23-24 Đnl 7,1-6)
  • Một diễn tả sự tách biệt khỏi người khác : “Con cháu họ (người Êđom và Ai Cập), sẽ sinh ra, đến đời thứ ba sẽ được vào đại hội của Đức Chúa” (Đnl 23,9 x. Gs 23,7 Er 6,21 Nkm 13,1-3 Ed 44,9).

Thực hành việc loại trừ :

  • Tránh không được kết nghĩa thông gia với các dân nơi miền đất chiếm được. (Đnl 7,3-4 x. Er 9,1-4 Nkm 10,9-17 Nkm 10,30 13,23-27).
  • Từ khước không ăn uống với người ngoài : “… những người Pharisêu nói với các môn đệ Chúa Giêsu rằng : Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy …” (Mt 9,10-11 // Mc 2,15-16 // Lc 5,29-30 Lc 5,1-2 Gl 2,12).

Các biểu hiệu của tính riêng biệt của người Do thái :

  • Việc cắt bì : “… mọi đàn ông con trai của ngươi sẽ phải cắt bì …” (St 17,9-14 x. Xh 12,48 Lv 12,3 Cv 7,8).
  • Việc tuân giữ các ngày lễ : “Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này : đó là luật qui định cho đến muôn đời …” (Xh 12,14-16 x. Xh 12,17-20 Lv 23,26-29 Ds 9,13).
  • Giữ các luật về ăn uống : “… tại khắp nơi các ngươi ở, tất cả những gì là mỡ và huyết, các ngươi không được ăn” (Lv 3,17 Lv 7,22-27 11,1-47 17,10-14)
  • Các giới hạn về giới tính : “không người nào trong các ngươi được đến gần một người bà con ruột thịt để lột trần chỗ kín của nó” (Lv 18,6 x. Lv 18,7-30 20,10-21 Đnl 27,20-23).

Các hiệu quả của việc loại trừ nơi người Do thái :

  • Sự chia rẽ giữa người Do thái và Samari : “người Do thái không được giao thiệp với người Samari” (Ga 4,9 x. Er 4,1-3 Mt 10,5-6 Lc 9,51-53).
  • Sự chia rẽ giữa người Do thái và dân ngoại : “Quý vị thừa biết : giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do thái. Nhưng tôi thì Thiên Chúa …” (Cv 10,28 x. Mt 10,5 15,21-28 // Mc 7,24-30 Ga 18,28).

Vấn đề về tính loại trừ của người Do thái giữa các kitô hữu tiên khởi :

  • Sự lượng giá tiêu cực về dân ngoại. Nhưng ông Cornêliô đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo : hãy sai người đi Giaphô mời ông Simon cũng gọi là Phêrô … và ông Phêrô “vừa bắt đầu nói thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ …” (Cv 11,1-18 x. Gl 2,11-13.15).
  • Đòi buộc các tín hữu gốc dân ngoại phải chịu cắt bì : “có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng : nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ” (Cv 15,1 x. Cv 15,5 Gl 5,2-6 6,12 Tt 1,10)

Tính loại trừ của Do thái bị đảo lộn :

  • Bởi Thiên Chúa ban Thánh Thần Ngài cho dân ngoại không chịu phép cắt bì : “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Ngài chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta’ (Cv 15,8 x. Cv 10,44 1Cr 12,13 Gl 3,2-5).
  • Bởi lập luận về sự công chính do đức tin : “ … con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Kitô Giêsu …” (Gl 2,15-16 x. Cv 15,9-11 Rm 3,28-30 4,9-12).