CHƯƠNG BẢY
THA THỨ
MỘT CUỘC PHIÊU LƯU NHÂN BẢN VÀ THIÊNG LIÊNG
- Sự tha thứ bắt đầu bởi quyết định không trả thù.
- Tha thứ đòi hỏi một sự trở về với chính mình.
- Tha thứ trên đường tìm kiếm một cái nhìn mới về các mối tương quan giữa người với người
- Tha thứ tin vào giá trị của người gây nên xúc phạm.
- Tha thứ phản ánh lòng thương xót của Chúa.
Từ ngữ “tha thứ” như quen dùng trong đời sống hằng ngày hình như luôn đánh lừa chúng ta. Nó không diễn tả đúng thực tại phức tạp mà nó phải thể hiện. Ða phần nó nói đến một hành vi ý chí tức thì và biệt lập với bối cảnh của nó. Nhưng sự tha thứ đích thực còn hơn thế nữa! Một đàng, nó còn hơn là một hành vi cố gắng của ý chí ; qui trình của tha thứ kêu gọi đến tất cả các quan năng khác của con người. Ðàng khác, không phải là một hành vi trong chốc lát, sự tha thứ được xây dựng trong thời gian và chia từng chặng đường dài hay ngắn. Nó bao gồm một thời gian trước, một thời gian trong và một thời gian sau.
Hành động tha thứ đòi hỏi cả một lô điều kiện cần thiết liên quan đến nhau : thời gian, nhẫn nại với chính mình, kìm nén ước muốn hiệu quả, kiên trì trong quyết định đi cho tới cùng. Khi tìm kiếm những lối diễn tả thích hợp nhất thì những thành ngữ này liền đến trong đầu óc tôi : hoán cải nội tâm, hành hương tâm hồn, đi vào tình yêu kẻ thù, tìm kiếm tự do nội tâm… Tất cả những thành ngữ này phản ánh sự cần thiết của một cuộc hành trình.
Và đây là những nét lớn những thành phần cấu tạo chính yếu của sự tha thứ :
1. Sự tha thứ bắt đầu bởi quyết định không trả thù
Một ngạn ngữ nói : “Con đường dài nhất bắt đầu từ bước đầu tiên”. Bước đầu tiên phải làm trên đường dài tha thứ là quyết định không trả thù. Không phải là một quyết định lấy theo đà hưng phấn nồng nhiệt của duy ý chí, mà là được viết nên bởi ý muốn chữa lành và lớn lên.
Không cần trở lại với mọi nỗi thất vọng và khốn khổ mà sự trả thù sản sinh ra. Chúng nghiêm trọng đến độ chẳng ai muốn, dù bản năng mời gọi. Jean Delumeau nói: “Ðối với ông, tha thứ chính là bẻ gãy mối bạo lực chằng chịt, là từ chối chiến đấu với những khí giới hận thù của đối phương, là vẫn cứ tự do hay là trở nên tự do ngay cả khi bị xiềng xích”. Trong cùng tâm trạng đó, Jean Marie Pohier viết : “Tha thứ hệ tại cái gì ?- Không bắt phải trả giá”. Dù định nghĩa này có tiêu cực, thì quyết định không trả thù vẫn là điểm khởi hành của mọi tha thứ đích thực.[1]
Cách đây vài năm, một bé gái bảy tuổi tên Susie bị bắt cóc ngay trong lều của mình trong chuyến cắm trại, sau đó bị giết chết. Bà Marietta Jaeger, mẹ cô bé, đã thuật lại:
“…Tôi nói với chồng trong lo lắng và tuyệt vọng: “Dù tên bắt cóc có đem con bé về nguyên vẹn và lành lặn, em cũng sẽ giết chết hắn”. Tôi tin là mình dám làm điều đó chỉ bằng đôi tay trần, chỉ cần tôi biết hắn là ai. Tuy nhiên, khi vừa mới thốt ra những lời lẽ ấy thì bản chất uỷ mị trong con người tôi lại trỗi dậy, khiến tôi nhận ra rằng suy nghĩ của mình thật xấu xa. Ngoài ra, việc tiếp thu kiến thức của môn tâm lý đủ để tôi hiểu rằng, tức giận không có lợi cho sức khoẻ… Thế nhưng, nó vẫn cứ bùng phát. Tôi tự tìm cách bào chữa cho khát khao trả thù của mình… Trong thâm tâm, tôi muốn hắn phải lên ghế điện, dù biết hắn có thể không phải chịu án tử hình. Susie chỉ là một đứa bé ngây thơ, mỏng manh, tôi được quyền trả thù nếu có điều gì xảy ra cho con bé. Và cứ thế, cái ác và cái thiện trong tôi cứ đấu tranh mãi.
Nhưng cuối cùng, tôi cũng phải “đầu hàng” vì những bài học về lương tâm mà tôi đã lĩnh hội. Tôi quyết định sẽ tha thứ cho người này, dù hắn có là ai đi nữa. Nhưng rất khó làm được như ý muốn. Khi đó, tôi chỉ kêu gọi lương tâm của chính mình. Bằng cách này, tôi đã dẹp bỏ được gánh nặng trong tôi, và ngủ yên giấc cho đến sáng, sau bao ngày trăn trở…”.
Marietta đã quyết định tha thứ cho tên bắt cóc kia. Thông thường, khi tha thứ khó thực hiện thì cần phải có những “cuộc đấu tranh lương tâm” như thế. Quyết định được đưa ra thường dựa vào các hệ thống luân lý hay tín ngưỡng nào đó. Kỳ lạ thay, hận thù cũng lại bắt nguồn từ cái gốc như thế. Không hẳn phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo hay Do Thái Giáo, ta mới có thể tha thứ; không cứ phải tuân thủ răm rắp các luật lệ, ta mới có thể khoan dung.
Yêu cầu của Marietta được mọi người tôn trọng. Kẻ bắt cóc đã được tha mạng và bị tống vào ngục.
Vậy ai là kẻ “được” trong chuyện này? Tên sát nhân, tôi nghĩ thế, vì hắn được tha mạng, còn cuộc đời của hắn sẽ ra sao trong ngục, ta không cần bận tâm đến.
Ai nữa “được” trong chuyện này? Susie đã chết, gia đình cô bé sẽ phải sống cả đời trong đau khổ. Không phải họ sẽ thấy thoải mái hơn nếu tên sát nhân kia bị tử hình sao? Marietta đã trả lời câu hỏi đó như sau:
“Ý nghĩ đầu tiên trong tôi là giết hắn đi, nhưng vào thời điểm mà bản án cho tội ác của hắn chưa kịp đưa ra thì tôi đã chọn được điều cần thiết: tha thứ cho hắn. Hai mươi năm trôi qua kể từ ngày mất đi con gái, tôi đã tiếp xúc với nhiều nạn nhân và gia đình họ, tôi thấy lại được những điều mình từng trải. Gia đình nạn nhân có quyền phẫn nộ, nhưng những ai cứ ôm mãi hận thù sẽ lại tạo ra một nỗi đau mới. Cay đắng, đau khổ, bị trói buộc bởi quá khứ, cuộc sống của họ chẳng còn nhiều ý nghĩa. Tha thứ sẽ cứu rỗi chúng ta. Tôi tin rằng cách khiến ta có thể sống vui khoẻ và yêu đời trở lại là biết tha thứ. Tuy không muốn nói nhưng sự thật là từ cái chết của con gái tôi, chính tôi nhận được một bài học quý giá về sự tha thứ”.[2]
2. Tha thứ đòi hỏi một sự trở về với chính mình
Như đạp chân vào tổ kiến, sự xúc phạm gây nên rối loạn và kinh hoàng. Sự hòa điệu an bình của người bị thương tổn vì thế mà bị xáo trộn, sự thanh tĩnh bị đảo lộn, sự toàn vẹn nội tâm bị đe dọa. Những mặt yếu cá nhân cho đến đó được che đậy nay tức khắc lộ diện. Những lý tưởng, nếu không muốn nói là những ảo tưởng về từ tâm và quảng đại bị thử thách. Bóng tối nhân cách lộ ra. Những cảm xúc tưởng là đã trị được giờ hoảng loạn và nổi lên dữ dội. Người ta đành bất lực và nhục nhã trước sự xấu hổ của mình. Những vết thương cũ không được chữa lành đúng cách góp tiếng lạc điệu với những âm hưởng xấu.
Bấy giờ cơn cám dỗ từ chối ý thức về sự nghèo nàn nội tâm và chấp nhận nó thật là lớn lao. Nhiều thủ đoạn đánh lạc mục tiêu vào cuộc để ngăn cản làm việc đó : chối bỏ, trốn chạy vào duy hoạt động, cố quên đi, đóng vai nạn nhân, tiêu phí nghị lực để tìm lại thủ phạm, tìm một trừng phạt tương xứng với điều lăng nhục, tự cáo buộc mình đến suy sụp tinh thần, làm cho mình cứng rắn lên hay đóng vai anh hùng không thể lay chuyển và hào hiệp…
Nhượng bộ cho những thủ đoạn như thế sẽ làm phương hại đến sự thành công của tha thứ, là cái đòi hỏi giải phóng chính mình trước khi giải phóng kẻ gây nên xúc phạm. Khuyên nên lặng lẽ tha thứ mà không bận tâm chi đến việc trở lại với các trạng thái tâm hồn của mình là một lời khuyên không hiệu quả, bởi vì sự tha thứ tất yếu phải ngang qua sự ý thức về mình, và bởi sự khám phá ra sự nghèo nàn nội tâm của mình: hổ thẹn, gạt bỏ, bạo lực, trả thù, ước muốn dứt đi cho xong. Một cái nhìn trong sáng và đúng đắn hơn về chính mình là một dừng chân bó buộc trên con đường khúc khuỷu của tha thứ. Thoạt đầu một cái nhìn như thế gây sợ hãi, ngay cả dẫn đến thất vọng. Giai đoạn khó khăn nhưng không thể thiếu, bởi vì sự tha thứ cho kẻ khác nhất thiết phải đi qua sự tha thứ cho chính mình. [3]
Câu chuyện mẹ là người tôi ghét nhất của Lưu Chấn: Lời của mẹ giống như ánh mặt trời ấm áp, làm chảy tan những tảng băng đang đè nặng trong lòng tôi. Tình mẹ cũng cần đến lòng dũng cảm…
Mái tóc và quần áo của mẹ đã bị mưa bết dính vào người, mẹ thu đôi vai gầy guộc, đứng dưới mái nhà dột nát, trong tay cầm những quả dâu tây định cho chúng tôi.
Trước khi tôi 30 tuổi, người tôi ghét nhất trên đời đó là mẹ.
Khi tôi chưa hiểu biết gì, mẹ tôi đã bị mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt nặng. Để cho tôi có được môi trường trưởng thành tương đối an toàn, cha đã đưa tôi về Thượng Hải sống nhà ông bà.
Từ lúc sinh ra đến khi tốt nghiệp trung học, tôi chẳng hề có chút tình cảm với mẹ, thậm chí rất xa lạ. Trong đầu óc non nớt của tôi, ấn tượng về mẹ là một người phụ nữ chỉ nhìn là đã thấy sợ, cả ngày nói năng lảm nhảm, một người mà mỗi khi phát bệnh thì hai mắt đằng đằng sát khí.
Khi tôi lên bẩy tuổi, vì muốn tôi có thể sớm hoà nhập vào cuộc sống gia đình và có chút tình cảm thân thuộc với mẹ, nên cứ cách một năm rưỡi cha tôi đến Thượng Hải một lần, đón tôi về sống ở Nam Kinh một thời gian. Cha tôi không ngờ rằng, mỗi lần về Nam Kinh, không những không thể làm cho tôi có suy nghĩ tốt về mẹ, ngược lại càng làm tôi căm ghét mẹ hơn.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên khi tôi về Nam Kinh năm bẩy tuổi là vào mùa hè. Một hôm, mẹ bảo giúp tôi tắm, bà đổ hai bình thuỷ đầy nước nóng vào một cái chậu, nhưng chỉ thêm một chút nước lạnh, rồi lột hết quần áo của tôi, ấn tôi vào chậu, nước nóng khiến tôi la hét dữ dội. Tôi hết sức vùng vẫy khỏi đôi bàn tay mẹ, chẳng quần áo gì chạy bán sống bán chết trên đường phố đông đúc. Tôi tìm đến một góc tường, vừa lấy tay xoa những vết phỏng sưng phồng đỏ mọng, vừa khóc thảm thiết.
Năm tôi tám tuổi, vào một buổi chiều, mẹ lại phát bệnh. Hai tay mẹ cào cấu vào tường, mắt đỏ long sòng sọc, dường như dùng hết những từ ngữ bẩn thỉu, tục tĩu nhất trên đời để chửi nhà hàng xóm. Thật ra, người hàng xóm đó cũng chẳng làm gì mẹ cả, mẹ chỉ vì bệnh tâm thần nên không thể khống chế được mình mà thôi. Chửi chán, mẹ vẫn không chịu thôi, đi lấy hộp giấy đựng phân gà ném sang nhà họ. Người hàng xóm không chịu đựng được nữa, tức giận xông vào, đánh mẹ tới tấp. Chỉ một cú đánh, mẹ đã nằm lăn xuống đất. Lúc này, mẹ nhổ ra một ít máu tươi, trong máu có hai chiếc răng. Nói thực tình, lúc đó tôi rất giận người hàng xóm, nhưng đồng thời, tôi cũng căm ghét mẹ vô cùng.
Tốt nghiệp trung học xong, cha đón tôi về Nam Kinh ở, tôi bắt đầu chính thức sống với mẹ, do tôi và mẹ có một khoảng cách lớn về tình cảm, nên mẹ tôi rất khó chấp nhận tôi. Khi tôi cầm bát cơm lên chuẩn bị ăn, khi tôi chuẩn bị lên giường ngủ, mẹ thường nói những câu đại loại: “Mày là ‘đứa con hoang’ nào đến đây, sao lại ngủ ở nhà tao, sao cứ ăn chực uống chờ nhà tao, cút ngay cho tao nhờ!”. Những lời như thế này, mẹ không phải chỉ nói một hai lần, mà là mười lần, một trăm lần, tôi đâu được ngủ trên giường mà là đệm gai, cơm tôi ăn như có sạn mắc vào cổ không sao trôi được.
Tôi kết hôn, có gia đình riêng, rồi có con. Thời gian trôi đi thật nhanh, được sự chăm sóc chu đáo của cha, và nhờ có thuốc điều trị lâu dài, mẹ đã dần dần hồi phục. Cha thường đưa mẹ đến nhà tôi, tôi cũng thường cùng vợ bế con đến thăm cha mẹ. Dần dần, quan hệ tôi và mẹ được cải thiện rất nhiều. Khi bệnh của mẹ thuyên giảm, có lần mẹ đến gần nói với tôi: “Con trai, lúc trước đầu óc mẹ hồ đồ, mẹ biết mẹ sai rồi, con có tha thứ cho mẹ không?” Mỗi lần mẹ nói câu này, thái độ của bà rất thành khẩn. Lời của mẹ giống như ánh mặt trời ấm áp, làm chảy tan những tảng băng đang đè nặng trong lòng tôi. Tôi còn có lý do gì mà giận dỗi, ghét bỏ mẹ cơ chứ? Tôi bắt đầu thầm gọi tên mẹ trong lòng.
Một ngày mưa mùa hè năm ngoái, cha điện thoại nói mẹ xách một ít dâu tây đến thăm chúng tôi. Tôi đặt ống nghe xuống, đợi mẹ. Đợi mãi mà chẳng thấy mẹ đâu, mấy lần tôi thò đầu nhìn xuống dưới, nhưng vẫn không thấy mẹ. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, tôi lo lắng, bắt đầu nghĩ ngợi lung tung. Càng nghĩ càng sợ, tôi bèn mở cửa, bước ra ngoài.
Mưa như trút nước, những cơn gió đầu mùa thổi giật từng cơn, tôi đạp xe trong thị trấn nhỏ nơi chúng tôi sống, bắt đầu hết con đường này đến con hẻm nọ để tìm mẹ. Một tiếng đồng hồ, hai tiếng đồng hồ, tôi dường như đã đi qua hết các hang cùng ngõ hẻm. Trời đã dần tối, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi nhấn mạnh bàn đạp, cất tiếng hát một bài hát về mẹ trong mưa gió, vừa hát nước mắt tôi vừa chảy ròng ròng. Lúc đó, tôi chỉ có một quyết tâm là phải tìm cho được mẹ, tôi không thể mất mẹ được!
Ông trời quả thương tôi, khi rẽ vào một con hẻm nhỏ, tôi chợt nhìn thấy mẹ. Đầu tóc và quần áo của mẹ bị mưa bết dính vào người, mẹ thu đôi vai gầy guộc, đứng dưới một mái nhà dột nát, trong tay là những quả dâu tây định cho chúng tôi. Tôi không biết mẹ đứng đợi ở đó đã bao lâu rồi, tôi cũng không biết tôi nhảy hay lăn từ xe xuống và đến được trước mặt mẹ. Mẹ trông thấy tôi, khoé mắt lăn xuống hai hàng nước, mẹ mỉm cười, giơ chiếc túi nilon cầm trong tay, nói với tôi: “Cho con này, dâu tây đấy, loại dâu tây mà các con thích ăn nhất đấy!”. Lúc này, tôi không còn nén tình cảm của mình trong lòng được, ôm chặt lấy mẹ mà nước mắt tuôn rơi.[4]
3.Tha thứ trên đường tìm kiếm một cái nhìn mới về các mối tương quan giữa người với người
Ðối với Christian Duquoc, tha thứ là lời mời đến với trí tưởng tượng. Chúng ta không biết nói gì tốt hơn, dù điều đó gây ngạc nhiên. Quả thực trí tưởng tượng đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình tha thứ. Chính tác giả nầy cũng viết : “Sự tha thứ diễn tả sự đổi mới nầy : nó tạo nên một không gian trong đó cái luận lý nội tại đòi phải có những tương đương pháp lý không thi thố được. Tha thứ không phải là quên đi quá khứ, nó là may rủi của một tương lai khác với cái tương lai được áp đặt bởi quá khứ hay ký ức“. Vậy để dấn thân vào con đường tha thứ, điều quan trọng là phải ước mơ một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó công lý và cảm thông ngự trị. Tất cả công cuộc sáng tạo nên một thế giới mới phải chăng không bắt đầu bởi những tưởng tượng ngông cuồng nhất ?
Như vậy sự tha thứ về phe với tưởng tượng. Nó bao gồm một ý muốn sáng tạo, hay đúng hơn là tái tạo. Miguel Rubio nói lên tất cả cái độc đáo : “Tha thứ không phải là một cử chỉ của thói quen phổ biến nhất, cũng không phải là một tập quán thường ngày. Ðúng hơn đó là một cánh hoa giấu kín, độc đáo, nở ra mỗi lần trên một nỗi đau và chiến thắng chính mình“.
Sáng tạo không phải là làm nên một cái gì đó từ không có gì sao ? Cái không có gì từ đó phát xuất sự tha thứ, chính là cái thiếu thốn hay cái trống rỗng mà lầm lỗi đã đem vào trong các mối tương quan giữa con người với con người. Sự tha thứ đảo ngược tình thế và tạo nên một tương quan mới với người phạm lỗi. Ðược giải thoát khỏi những ràng buộc đau đớn với quá khứ, người tha thứ có thể cho phép mình sống tròn đầy cái hiện tại và tiên liệu cho tương lai những tương quan mới với kẻ gây nên xúc phạm đến mình.
Bây giờ y tập được thôi nhìn với “con mắt xấu” oán giận và bắt đầu thấy với đôi mắt mới mẻ. Lúc ấy, trong tâm lý trị liệu, người ta nói đến “đặt khung lại”. Như từ ngữ chỉ định, đó là nhìn thấy biến cố đau thương trong một khung cảnh mở rộng. Cho tới lúc này, người ta bị giới hạn nơi thương tổn, không thể nhìn thấy cái gì khác, trái tim đầy oán giận. Bây giờ người ta ngẩng đầu lên để phê phán mọi sự trong một viễn ảnh đúng hơn và rộng lớn hơn. Tầm mắt rộng lớn và mở ra trên một thực tế rộng lớn hơn và đẩy lui những giới hạn của chân trời. Sự xúc phạm đã chiếm một chỗ xâm lấn bắt đầu mất đi tầm quan trọng trong cái nhìn của những khả thể hiện hữu và hành động mới mẻ, nhưng công cuộc không dừng lại ở đó.[5]
Câu chuyện xảy ra tại hải đảo Italia, dân chúng quy định: Nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc cổ người đàn bà ấy vào một tảng đá lớn, và quăng xuống biển cho chết chìm.
Vào một ngày nọ, có người đàn bà bị bắt quá tang về tội ngoại tình, bà sẽ bị xử theo quy định. Nhưng đến ngày thi hành án mà người chồng vẫn còn đang đánh cá ngoài khơi, cho nên dân làng đành gia hạn thêm vài ngày nữa. Người ta đã gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không thấy người chồng trở về. Cuối cùng, họ phải đưa người đàn bà ấy đến một vùng biển sâu, cột một tảng đá lớn vào cổ bà, rồi đẩy bà xuống nước.
Nhưng lạ lùng thay, hôm sau mọi người đều kinh ngạc thấy người đàn bà ấy xuất hiện trong làng.
Thì ra người chồng đã hay biết tất cả những gì xảy ra cho vợ mình. Thay vì trở về chứng kiến bản án khắc nghiệt, ông ta tìm cách ở lại ngoài khơi, với hy vọng kéo dài cuộc sống cho vợ. Và đến ngày xử án, ông đã đến núp sau một gềnh đá lớn, khi người ta vừa ném bà xuống biển, ông đã đến đón lấy bà, tháo tảng đá ra và đưa bà về nhà.
Câu chuyện này cho chúng ta nhớ lại phiên tòa xét xử người phụ nữ ngoại tình trong Phúc Âm mà chúng ta biết rõ đó là cái bẫy của những người Biệt Phái và Luật Sĩ muốn gài Chúa Giêsu. Họ vừa tố cáo vừa hạch hỏi: “Thưa Thầy, thiếu nữ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisê hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao? ” (Ga 8.4-5).
Tất cả đều yên lặng chờ đợi sự thất bại của Chúa Giêsu, còn người phụ nữ thì lo âu chờ thần chết đến. Nhưng Chúa Giêsu vẫn bình thản lấy ngón tay viết trên đất. Đừng tò mò muốn biết Ngườì viết những gì, Người chỉ muốn người ta im lặng và suy nghĩ, tự vấn lương tâm. Nhưng đâu có ai hiểu ý Chúa, và có lẽ họ cũng không muốn hiểu, họ sợ lương tâm tố cáo tội lỗi của họ. Cho nên họ thúc giục Chúa phải trả lời. Bình thản, Người nói: “ Ai trong các ngươi vô tội cứ ném đá người này trước đi ” (Ga 8,7b).
Thật bất ngờ, một câu trả lời làm đảo lộn tất cả. Những kẻ đang chờ chiến thắng thì tíu nghỉu, bối rối ra về trong áy náy với một lương tâm tội lỗi. Giờ chỉ còn lại người phụ nữ, chị không lợi dụng lúc dân chúng rút lui thì chị cũng chuồn êm. Nhưng không, chị can đảm ở lại để chịu sự phán quyết của Chúa. Chị chấp nhận mình tội lồi và tin vào quyền xét xử của Chúa như một tiên tri, một Đấng Cứu Độ. Người đã củng cố niềm tin của chị bằng một câu mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần được nghe như cho chính mình: “Ta không kết án chị đâu. Chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa ” (Ga 8,1 lb). Khác với Biệt Phái và Luật Sĩ, chị ra về trong hân hoan, chị đã được cứu độ, được thứ tha. Niềm vui lớn lao của chị không phải là thoát khỏi “trận mưa đá” nhưng là cuộc đời chị từ nay đã được đổi mới.[6]
4. Tha thứ tin vào giá trị của người gây nên xúc phạm
Ðể đạt tới tha thứ, điều thiết yếu là phải tiếp tục tin tưởng vào phẩm giá của kẻ đã gây ra thương tổn, bách hại hay phản bội. Ngay lúc đó thì chắc chắn là rất khó thực hiện. Kẻ gây ra lầm lỗi xuất hiện như một tên độc ác mà ta kết án. Nhưng một khi được chữa lành thì cái nhìn tác hại về người khác có thể được thay đổi. Ðàng sau con quái vật, người ta khám phá ra một hữu thể dòn mỏng và yếu đuối như chính mình, một con người có khả năng thay đổi và thăng tiến.
Hơn nữa, tha thứ không phải chỉ là được giải thoát khỏi gánh nặng đau đớn của mình, nhưng cũng chính là giải thoát người khác khỏi gánh nặng phán đoán ác ý và nghiêm khắc mà ta có về họ, chính là khôi phục người khác trước mắt mình trong phẩm giá con người của họ. Jean Delumeau đã tìm được những lời lẽ hạnh phúc để nói lên điều đó : “Tha thứ là tự do, giải phóng và tái tạo. Nó làm cho chúng ta nên mới. Nó mang lại niềm vui và tự do cho những ai bị đè bẹp dưới gánh nặng lỗi lầm của mình. Tha thứ chính là một hành động tín nhiệm đối với một hữu thể người, chính là nói “vâng” với người anh em của chúng ta”.
Trong cùng hướng ấy, Jon Sobrino nhìn thấy trong sự tha thứ một hành động yêu thương đối với kẻ thù, một hành động có khả năng hoán cải chính kẻ thù đó : “Tha thứ cho kẻ xúc phạm chúng ta là một hành động yêu thương đối với người có tội mà chúng ta muốn giải thoát khỏi nỗi bất hạnh riêng của họ, là hành động yêu thương kẻ mà ta không muốn vĩnh viển đóng cửa tương lai“.
Tất cả những cái đó thật đẹp đẽ, nhưng có liều lĩnh không khi muốn đi xa như thế ? Kẻ gây nên xúc phạm có gồng mình lên và từ chối sự giải thoát mà người ta hiến dâng cho y ? Ta có để làm cho mình bị tổn thương lần thứ hai vì sự từ chối được tha thứ của y ? Sự liều lĩnh là chắc chắn. Có đáng chịu như vậy không ? Sự tha thứ đích thực đòi hỏi một sự chiến thắng trên nỗi sợ bị sỉ nhục thêm một lần nữa. Chính điều đó khiến Jean Marie Pohier viết : “Chính vì thế mà tha thứ thật khó, bởi vì người ta sợ”.
Ðến đó, ta có lý do không để tự hỏi là hành động tha thứ có vượt quá sức riêng con người không? Để thực hiện được điều này, chúng ta phải tin vào giá trị của người gây nên xúc phạm.[7]
Câu chuyện “Tên trộm trong đền” kể rrằng: “Trong túi ông nội tôi lúc nào cũng có vài đồng tiền xu. Đó vốn là thói quen của ông. Một lần lúc còn bé, tôi theo ông vào đền cầu nguyện. Khi ông quỳ xuống cúi lạy, mấy đồng tiền trong túi áo rơi xuống nhẹ nhàng trên tấm chiếu. Có lẽ vì chúng chẳng gây ra tiếng động nào hay vì quá tập trung nên ông nội tôi không hề hay biết. Tuy nhiên, người đàn ông quỳ gần đấy thì lại khác. Ông này nhanh như chớp đưa tay lấy vội mấy đồng tiền xu rớt trên tấm chiếu rồi lẩn vào đám đông đằng xa, trước khi tôi kịp phản ứng.
Chờ cho ông cầu nguyện xong, tôi vội kể lại toàn bộ sự việc và hăng hái bảo sẽ chỉ mặt người ấy cho ông. Tuy nhiên, trái với vẻ hùng hổ của tôi, ông chỉ từ tốn nói:
“Nếu người đàn ông ấy phải ăn trộm ở nơi thờ cúng tôn nghiêm này thì chắc hẳn ông ấy phải túng thiếu cùng cực lắm. Ta không nên vội kết án”
Dạo ấy, gia đình tôi có một cửa hàng rau quả nên ông tôi nảy ra một ý định.
Ông bảo tôi: “Mỗi tháng, chúng ta sẽ gói một ít thức ăn, rau quả và cháu sẽ gửi cho ông ấy nhé! Đó sẽ là món quà bí mật mà chúng ta dành cho ông ấy”[8]
5. Tha thứ phản ánh lòng thương xót của Chúa
5.1.Tha thứ phản ánh lòng thương xót của Chúa
Quả thực, tha thứ thuộc về hai lãnh vực : lãnh vực của con người và lãnh vực của Thiên Chúa. Trong ý niệm về tha thứ, có hai sai lầm lớn cần phải tránh. Sai lầm thứ nhất hệ tại việc giảm trừ tha thứ vào một ứng xử thuần túy và đơn giản mang tính chất con người, được tác động bởi sợ hãi hay thương hại. Một nhà tâm lý đồng hóa tha thứ với một hình thức của thủ đoạn tự vệ. Ðối với ông, sự tha thứ giữa con người với nhau được điều khiển bởi sợ trả đũa và hủy diệt lẫn nhau. Triết gia Hy Lạp Sénèque thấy trong sự thương hại động lực chính của tha thứ. Ông tóm tắt tư tưởng của mình trong một công thức bất hủ : “Con hãy tha thứ cho người yếu hơn con vì thương hại y, và con hãy tha thứ cho người mạnh hơn con vì thương hại con“.
Sai lầm kia là coi tha thứ như là đặc quyền của chỉ một mình Thiên Chúa. Khi ấy người ta để ít chỗ cho sáng kiến của con người. Họ khẳng định : “chỉ một mình Thiên Chúa có thể tha thứ” hoặc “tha thứ là việc của Thiên Chúa”. Ðó là những công thức để ít chỗ cho trách nhiệm của con người. Dĩ nhiên đó là việc của Thiên Chúa, nếu người ta hiểu rằng Thiên Chúa là nguồn tối hậu của sự tha thứ đích thực, như truyền thống Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo dạy. Nhưng sự tha thứ không được thực hiện mà không có sự hợp tác của con người.
Sự tha thứ nằm ở giữa bản lề nhân loại và thần linh. Ðiều quan trọng là phải tôn trọng hai yếu tố cấu thành này, nếu không sẽ cắt xén sự tha thứ khỏi yếu tố chính yếu nầy hoặc yếu tố kia. Cũng về điểm này, Jean Delumeau đã tìm được những từ ngữ chính xác. Ông khẳng định rằng sự tha thứ “thiết lập nên gạch nối duy nhất có thể có giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa. Cái cầu vồng giữa Thiên Chúa và con người, chính là sự tha thứ”.
Cho đến đây, chúng ta đã khảo sát phần của con người trong vấn đề tha thứ : quyết định không báo thù, trở về với chính mình để tự chữa lành, sáng tạo nên một trật tự mới, và cuối cùng là giải phóng người anh em hay người chị em của mình. Tất cả những phận vụ đó xem ra hầu như ở bên kia sức người. Có lý, bởi chữ “tha thứ”, như nghĩa từ nguyên của nó gợi lên, có nghĩa là cho cách sung mãn, cũng như “làm hoàn hảo” nghĩa là làm cách sung mãn. Vậy tha thứ mang ý tưởng sung mãn này, bởi vì nó diễn tả một hình thức tình yêu đưa tới thái cực, tức yêu mến bất chấp sự xúc phạm phải gánh chịu. Ðể kiện toàn, điều đó đòi hỏi những sức mạnh thiêng liêng vượt quá sức con người.
Kinh nghiệm sống thiêng liêng trong tiến trình tha thứ được đặt vào trong một bộ ghi khác của hiện hữu và hành động. Ở mức độ nầy, cái tôi cá vị bỏ rơi sự kiểm soát cá vị trên hoàn cảnh. Nói cách khác, nó làm cho mình trở nên dễ cảm thụ với người vô danh và với cái bất ngờ, nếu nó muốn đi vào pha cuối cùng của sự tha thứ.
Chính là nhờ một “thụ động tích cực” mà nó trở nên chăm chú với hoạt động của Thần Khí, thổi ở đâu và khi nào Ngài muốn. Lúc đó, công việc nhẫn nại và tự ý của tâm lý nhường chỗ cho sự chờ đợi cởi mở và tràn đầy hy vọng của một tha thứ, không đến tự mình nhưng từ một Ðấng Khác.
Sự từ bỏ ý muốn quyền lực, nghĩa là muốn là tác nhân duy nhất của tha thứ, sẽ đi xa hơn người ta nghĩ. Các nghiên cứu trên quả quyết rằng nếu muốn thành công trong hành động tha thứ thì phải từ bỏ cả ý muốn tha thứ của mình. Thỏa lòng biết bao khi có thể khẳng định với vẻ chiến thắng “Tôi tha thứ cho anh”. Nhưng sự tha thứ trong pha cuối cùng không hề biết đến một tự phụ như thế. Nó được thực hiện kín đáo, khiêm tốn, lặng lẽ. Nó không phát xuất từ cảm tính hay cảm xúc, nhưng bộc lộ sâu xa từ con người và con tim được Thần Khí tác động. Nó có một cái gì độc đáo, không có gì chung với tính đa cảm. Lewis Smedes khẳng định : “Sự tha thứ có một tình cảm, một màu sắc, một khí hậu đặc biệt, khác với mọi hành động sáng tạo khác trong danh mục các tương quan nhân bản“.
Như chúng ta nhận định, sự tha thứ đặt ra một thách đố có thực. Thách đố duy trì mối căng thẳng giữa tâm lý và thiêng liêng. Vậy một sư phạm tha thứ đầy đủ và được soi sáng phải lưu ý điều đó và chính đó là cái mà tôi muốn phân bố tiến trình tha thứ ra thành mười hai giai đoạn.
Tôi không muốn kết thúc chương nầy mà không trích dẫn bản văn của Philippe Le Touzé mô tả cách tuyệt vời hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa trong việc tha thứ. Ðây là điều ông nói về các nhân vật của Bernanos, biệt danh là ngôn sứ của tha thứ : “Các thánh của Bernanos xuống tận vực thẳm của “lòng thương xót dịu dàng” này. Tha thứ là chính Thiên Chúa, người cha nhân hậu của đứa con trai hoang đàng, Tình Yêu nhưng không thuần túy. Tình Yêu là sáng tạo, tràn trào ra khỏi mình, và tha thứ là khí cụ của công cuộc sáng tạo được tiếp nối, phục hưng, làm mới. Ở đâu con người làm phát sinh chết chóc thì tha thứ lại tung toé ra sự sống“.[9]
5.2. Câu chuyện về lòng thương xót của Chúa
Vị Ẩn Sĩ hôm ấy xuống làng. Ông dừng chân trước một mái nhà tranh đã bạc màu vì mưa và tuyết. Qua khu vườn nhỏ bé trồng đủ thứ hoa sặc sỡ trông thật vui mắt, ông phải cúi khom lưng xuống mới qua được cánh cửa.
Phía bên trong thật lạnh lẽo. Ánh nắng vàng nhạt của buổi chiều tà không đủ sưởi ấm căn phòng. Trong lò, không một ánh lửa. Trên đống tro, một cái nồi treo lủng lẳng trên móc, ám khói đen kịt. Đồ đạc nghèo nàn và căn phòng không có gì là hấp dẫn. Gần khung cửa sổ nhỏ hẹp, một người đàn bà ngồi lặng yên, hai bàn tay để bên nhau. Bà ta không làm gì cả mắt đang ngó nhìn ra ngoài.
Thầy Ẩn Sĩ vào, bà quay về phía cửa.
– Người là ai? Bà cất tiếng hỏi, không buồn đứng dậy.
– Một ông lão cô độc, đạo sĩ trả lời.
Và không đợi mời, ông ung dung tiến vào ngồi đối diện với người đàn bà gần cửa sổ. Chỗ đó nhìn bao quát cả dưới lòng thung lũng. Bà ta đăm đăm nhìn Ẩn Sĩ một cách ngạo nghễ.
– Có phải ông là cụ già trên núi không? bà hỏi.
Ẩn Sĩ gật đầu, và nói:
– Tư tưởng bà đã kêu gọi ta. Bà đang có điều phiền muộn.
– Đúng vậy, người đàn bà đáp lại với giọng đùng đục. Con trai tôi chết rồi.
Bà không có vẻ ngạc nhiên trước sự viếng thăm đột ngột của Ấn Sĩ, và việc ông biết nỗi buồn của mình. Rồi bà lại quay đi ngó qua cửa sổ. Xem ra bà không nhìn thấy vẻ huy hoàng xán lạn của bầu trời hoàng hôn với những tia sáng muôn màu thay đổi luôn chiếu tỏa xuống cảnh vật chung quanh. Ngay chính lúc đó, ánh nắng xiên chiếu qua những thân cây và tắm trong ánh vàng rực rỡ.
Ẩn Sĩ nhìn người đàn bà: gương mặt bà ta bất động, đường viền nơi miệng bà ta rắn lại, đôi môi khô se, nước da sạm như chì.
Bà cất tiếng nói giọng đục ngầu:
– Biển cả đã cướp mất con tôi. Có sáu người tất cả. Con tàu bị chìm nghỉm. Họ chết đuối hết. Một người cha với hai con trai một nhà gần đây. Hai người nữa ở một làng ven biển. Và đứa con trai tôi.
Người đàn bà nói một cách khó khăn, từng câu một, nhát gừng và cụt ngủn. Tuy nhiên bà ta vẫn nói tiếp:
– Nó là đứa con trai độc nhất của tôi. Tôi không sinh được một đứa nào khác. Nó vắng nhà luôn không bao giờ quan tâm đến mẹ già của nó. Tôi sống cô độc ở đây, ngày đêm nghĩ tới nó, hy vọng một ngày kia nó trở về… và sẽ hồi tâm. Rồi bà nói tiếp, giọng thì thầm: Trong làng có một thiếu nữ và đứa con của nó. Nó đã làm cho nàng đau khổ rồi bỏ rơi cả hai mẹ con, trước sự khinh miệt của xóm làng. Mọi người gọi nó là quân vô lại. Quả đúng như vậy! Họ còn xì xào rằng: lính tuần canh đang ra công lùng bắt, vì nó có dính líu đến một vụ án mạng. Cũng có thể lắm. Tôi chẳng biết nữa, nhưng ý nghĩ đó làm cho tôi không yên tâm chút nào.
Bà ta ngồi đong đưa trên chiếc ghế, giọng run lên:
– Nó không bao giờ đi lễ. Cũng chưa bao giờ xưng tội với linh mục. Ông đừng tưởng nó làm dấu khi đi qua trước tượng Đức Mẹ. Đó là một đứa nghịch đạo. Bà ta càng hạ thấp giọng: Và trong những giờ phút đen tối, khi nó nổi cơn lôi đình – và điều đó thường xảy ra luôn
– Nó đã kêu cầu đến ma quỉ.
Người đàn bà đưa mắt nhìn quanh với vẻ lo ngại, như sợ rằng chỉ mới nhắc đến tên đầu mục của đêm tối cũng đủ khiến nó xuất hiện tức thì.
Rồi vẫn một giọng tắc nghẽn, bà ta tiếp:
– Đó, nó là như thế đó. Ma quỉ mang bao nhiêu tên… con tôi đều kêu gọi đến tất cả. Và giờ đây nó chết đi… không ăn năn, không xưng tội. Không đủ thì giờ để đền tội dù chỉ một chút cũng không. Nếu Thiên Chúa bắt nó ốm đau hay bắt nó bị tù đày như những người khác để đền tội, thì tôi còn hiểu được. Nhưng đằng này nó không kịp thì giờ chuẩn bị trước.
Trong lúc quá đau khổ, người đàn bà siết mạnh ngón tay đến nỗi mạch máu ngưng đọng, các ngón tay trở nên trắng bệch. Bà rên rỉ:
– Tôi đã cầu nguyện cho nó ngày đêm. Tôi đã bán tất cả đồ đạc, những gì đáng giá, để mang dâng Đức Mẹ. Có vị đan sĩ cho tôi tượng ảnh của một vị thánh, tôi đã may ngay vào áo cho nó. Và khi được tin nó chết, tôi đã mang đồng bạc cuối cùng đi xin linh mục làm lễ cho nó. Ngài nhận tiền nhưng xem ra ngài không tin rằng một thánh lễ có thể cứu được linh hồn nó. Dĩ nhiên, điều đó không thay đổi được gì cả. Ma quỉ đòi sự gì thuộc về nó.
Một lần nữa người đàn bà lại đưa mắt lấm lét nhìn quanh. Như khiêu khích, bà nhắc lại: “Ma quỉ đòi sự gì thuộc về nó!”
Từ nãy Ấn Sĩ lắng nghe không nói một lời. Đến đây, ông ngắt lời bà:
– Nếu con bà trở lại, thì bà đón tiếp nó như thế nào?
– Sao ông hỏi lạ vậy? Nó chết rồi.
– Nhưng nó trở lại thì bà có tha thứ cho nó không? Ẩn Sĩ gặng hỏi.
Người đàn bà nhìn Ẩn Sĩ, cái nhìn ngạc nhiên pha lẫn bất bình.
– Thật ông không biết gì nên mới đặt câu hỏi như vậy. Dĩ nhiên là tôi sẽ tha thứ cho con tôi, vì tôi là mẹ nó kia mà!
– Còn Thiên Chúa là Cha của mọi người, và Ngài cũng là Cha của con bà nữa.
Ngạc nhiên người đàn bà ngước nhìn lên mà không trả lời.
– Tại sao Thiên Chúa lại có thể kém lượng từ bi hơn bà! Ẩn Sĩ hỏi, bà biết tha thứ, tại sao Thiên Chúa lại không biết làm như vậy?
Một phút im lặng. Sau cùng, người đàn bà chậm rãi nói:
– Phải rồi. Có thể Ngài tha thứ, nếu nó biết hối cải, nếu nó đền tội. Nhưng bây giờ thì quá muộn, vì nó đã chết rồi.
– Nhưng Thiên Chúa thì vẫn là một, dù ở bên này hay bên kia sự chết. Ở mọi nơi mọi chốn, đâu đâu cũng vẫn là Ngài.
– Ông muốn nói…, bà ta nói với một giọng kém mạnh dạn hơn, ông tin là Thiên Chúa có thể tha thứ ở bên kia?… ở thế giới khác?
Ẩn Sĩ lặng lẽ gật đầu.
Một bầu khí yên tĩnh và bình an chiếm lấy căn phòng. Người đàn bà vẫn chắp tay đặt trên đầu gối.
Nhưng mắt bà ta không rời nhà Ẩn Sĩ đang ngồi đối diện.
Ông nói:
– Chúng ta là con người, chúng ta không thể hiểu được cái chết. Chúng ta cứ tưởng chết là thay đổi hẳn tất cả một trật. Nhưng không phải thế. Đó chỉ là một bước tiến trên con đường ta đang đi. Cho dù đã chết, con trai bà không khá hơn, không tệ hơn. Nó chỉ sống trong một hoàn cảnh khác, có thế thôi. Mà Thiên Chúa thì vẫn là một.
Ông ngừng lại một chút trước khi nói tiếp, như muốn để cho những lời nói của mình thấm nhập vào linh hồn người đàn bà.
– Khi một người chết đi, ta chỉ biết con người của họ như lúc họ từ giã cõi đời, nhưng chưa chắc đó đã là cái “tôi”đầy đủ của họ. Có thể có những biến cố cuối cùng của đời họ khiến ta tưởng họ hay hoặc dở, nhưng khác với con người thật của họ. Còn ở thế giới bên kia sự chết, cái “tôi”của họ tỏ lộ ra đầy đủ với tất cả những gì chúng ta chưa thấy hoặc chính họ cũng chưa nhìn rõ nơi chính mình. Khi ấy tất cả sự thật được phơi bày ra. Có lẽ nó sẽ đen tối hơn ta nghĩ, và cũng có thể tươi sáng hơn.
– Khi con tôi còn bé, người đàn bà thầm thì, khi tôi bồng nó trên tay… rồi sau đó nó là đứa trẻ tốt.
Bà ta bắt đầu kể lể. Từng nét, từng nét, bà tô điểm dần dần cho bức họa: Hồi con bà còn thơ ấu, lúc lớn lên dần dần thời thanh niên, cho đến những năm đầu của tuổi trưởng thành. Mọi sự đều êm đẹp, vô tội, thơ ngây với tất cả niềm hân hoan tươi tắn của người thanh niên với tính tình tốt lành, với tài khéo léo trong công việc, nhất nhất đều ghi sâu trong lòng bà. Và giờ đây bà ngồi lần giở cái kho kỷ niệm súc tích ấy ra vẻ cứng cỏi trên gương mặt bà, vẻ khắt khe khi nãy không còn nữa. Giờ đây bà trở nên hoạt bát. Tùy theo từng đoạn của câu chuyện, giọng bà thay đổi dần dần. Hơn một lần bà lấy tay quệt ngang mắt đẫm lệ.
Rồi bà ngưng bặt. Nhưng ta để ý thấy trong đầu bà còn thấm nhiễm bao kỷ niệm của đứa con yêu.
– Và tất cả những điều đó chỉ một mình bà biết mà thôi, Ẩn Sĩ nói, mọi người không ai hay biết, vì thế họ mới lên án con bà. Nhưng còn bà, vì biết rõ nó nên bà thương yêu nó. Thiên Chúa cũng thế, Người còn biết nó hơn cả bà nữa. Và cả những điều bà không thấy nơi con bà, những điều còn ở trong ao ước, trong hy vọng, trong tiếc nuối, Thiên Chúa đều biết hết. Và giờ đây tất cả những cái đó đều xuất hiện ở bên kia thế giới. Ở đó không còn vấn đề nữa sự thật như ở đây ta thấy nữa.
– Mọi điều đó đều xuất hiện, người đàn bà nhắc lại. Vậy ra con tôi không mãi mãi bị xa lìa khỏi thánh nhan Thiên Chúa sao? Ông có chắc không? Và bà hồi hộp chờ câu trả lời.
– Thiên Chúa là Cha còn hơn cả bà là mẹ nữa.
Người đàn bà yên lặng giờ lâu không nhúc nhích. Chỉ có đôi môi lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại như máy: Hơn cả ta là mẹ nữa!
Tuy nhiên chẳng mấy lúc, những ý tưởng cũ lại ám ảnh trong đầu. Bà ta nghĩ đến ma quỉ địa ngục và hình phạt đời đời. Bà vung tay qua trán như muốn xua đuổi tư tưởng hắc ám, nhưng vô ích.
– Ta phải tước bỏ sự dữ nơi ta, Ẩn Sĩ dịu dàng nói. Ngay từ đời này, việc đó không tránh khỏi đau khổ. Bên kia thế giới cũng vậy. Chính bà đã vừa nói là nếu con bà phải đau khổ thì còn có thể hiểu được. Người ta gặt cái gì mà người ta đã gieo: đó là luật chung, một điều luật tốt đẹp của Thiên Chúa dành cho con cái của Người. Nhưng nhờ đau khổ, chúng ta mới học biết nhiều. Và khi vượt qua được sự dữ đã từng đè nén ta, thì sự lành do Chúa đem lại sẽ lớn lên trong ta và sau cùng chỉ còn sự lành. Đó là cái “tôi”độc nhất và là cái tôi thật sự của mỗi người.
Người đàn bà uống lấy những lời đó như người đang cơn khát, và sau cùng thở hắt ra một hơi dài như trút được gánh nặng.
Hai tay vẫn chắp lại, bà ngồi yên lặng, cúi đầu. Giọng bà bỗng vang lên chứa chan hạnh phúc:
– Con xin tin vào lời cha. Phải con tin lắm! Và bây giờ, con lại có thể cầu nguyện cho con của con được. Vâng, con sẽ cầu nguyện cho nó đêm ngày![10]
—
[1] Jean Monbourqette, Comment pardonner?
[2] Edward M. Hallowell, M.D. Dare to forgive (Dám Tha Thứ) trg.210-212
[3] Jean Monbourqette, Comment pardonner?
[4] Trương Hiểu Phong & Lâm Thanh Huyền, 72 câu chuyện cảm động về mẹ trg.154-157
[5] Jean Monbourqette, Comment pardonner?
[6] Thiên Phúc, Như lòng Chúa khoan dung, trg.111-113
[7] Jean Monbourqette, Comment pardonner?
[8] http://rennhancach.blogspot.com
[9] Jean Monbourqette, Comment pardonner?
[10] Ebba de Pauli, L’Ermite (Vị ẩn sĩ khôn ngoan) trg.104-111