Hạt Giống Nảy Mầm Chúa Nhật 14 TN Năm A

print

CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN A

Mt 11,25-30

A. Hạt giống…

  1. Đoạn này tiếp liền đoạn Chúa Giêsu khiển trách những thành ven Biển Hồ đã không tin Ngài vì cậy vào sự thông thái của mình (Mt 11,20-24). Sau khi than trách những kẻ cậy dựa vào sự thông thái của mình, Chúa Giêsu lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha vì đã mặc khải Tin Mừng cho những người bé mọn, tức là những người “nghèo trong tinh thần” mà Ngài đã nói trong Bát phúc (Tv 19,8 ; 116,6), những người tội lỗi, những kẻ ít học.

Ngài còn nói : “Vì ý Cha đã muốn an bài như vậy”. Nghĩa là những thái độ hoặc tin hoặc cứng tin mà Chúa Giêsu gặp chẳng phải là chuyện may rủi, cũng chẳng phải do tài năng hoặc bất tài của Ngài, mà là chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa là như vậy : Ngài luôn ưu ái những kẻ bé mọn và hạ bệ những bậc khôn ngoan.

  1. Tiếp đến Chúa Giêsu kêu gọi hãy mang lấy ách và gánh của Ngài. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “gánh” chỉ luật lệ, và “mang ấy ách” nghĩa là học với. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta học với Ngài và đón nhận luật của Ngài.

– Học với Chúa Giêsu là học được tính hiền lành và khiêm tốn.

– Luật của Ngài là luật yêu thương.

Bởi thế ai mang lấy ách của Ngài và học với Ngài thì tâm hồn người đó sẽ gặp được bình an.

B… nảy mầm.

  1. Chúa Giêsu là một con người lạc quan. Mặc dù vừa thất bại ở các thành ven Biển Hồ, Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan vì Ngài thấy được kế hoạch của Chúa Cha.

Sau khi bị thất bại, tôi dễ chán nản muốn bỏ cuộc. Xin Chúa cho con lạc quan như Chúa, để luôn tin tưởng vào thành công cuối cùng của việc loan Tin Mừng. Xin cho con lạc quan đến nỗi vẫn ca tụng tạ ơn Chúa vì những thất bại của con.

  1. Thiên Chúa giấu không cho những người khôn ngoan biết những mầu nhiệm của Ngài, mà lại mặc khải cho những người bé mọn biết những điều ấy. “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Ngài nâng cao những người phận nhỏ”.

Dù con có biết được điều gì đi nữa, dù con có thành công bao nhiêu đi nữa, xin cho con luôn khiêm tốn, tự biết mình chỉ là kẻ bé mọn trước mặt Chúa.

  1. Được Thiên Chúa mặc khải cho biết về Ngài, đó là một đặc ân cao quý. Biết bao người thông thái nhưng không có đức tin. Còn con, từ hồi mới sinh ra đã được ơn đức tin. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa.
  2. Niềm vui và sự phấn khởi là sợi chỉ xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh. Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu “Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại, anh em hãy vui luôn”. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh có là con đường tu đức của các Kitô hữu, thì Tin Mừng vẫn là tên gọi của Đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan. (Chờ đợi Chúa)
  3. Một hôm sói hỏi sóc :

– Vì đâu mà họ nhà sóc của mi luôn vui vẻ nhảy nhót còn bọn sói chúng ta luôn buồn rầu ?

– Ông buồn vì ông ác. Tính độc ác bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều ác cho một ai. (Tolstoð kể)

  1. “Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Mt 11,26)

Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả, và con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả: cặp mắt, đôi chân và đôi bàn tay. Vì con là phụ nữ, ưa ngắm nhìn mái tóc óng ả của con, ưa nhìn ngắm những ngón tay thon nuột xinh xắn của con. Thế mà giờ đây đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào, cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng hồng xinh xinh nữa, chỉ còn lại vài que củi khô nhám nhúa…Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn…Bởi vì, đời con đã được quá ư đầy tràn đến diệu kỳ. Sống đắm mình trong tình yêu, cuộc đời con đã được Chúa lấp đầy chan chứa.

Lời nguyện cầu của chị Véronique đẹp quá. Cứ dạt dào, bay vút, hòa quyện với lời tạ ơn của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết khám phá nơi con những khả năng Cha ban, biết trân trọng những tặng vật Cha ký thác, và tận dụng những cơ hội Cha gởi trao. (Hosanna)

  1. “Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng” : Ôi một lời kêu gọi xuất phát từ một tấm lòng yêu thương bao la ! Chúa rất quan tâm lo lắng khi thấy tôi khổ đau và mệt mỏi. Ngài rất muốn nâng đỡ và xoa dịu tôi nên mới lên tiếng kêu mời tôi. Lẽ ra tôi phải tìm đến Ngài trước, thế mà Ngài lại kêu mời tôi trước.

Mà sở dĩ Ngài kêu mời tôi là vì rất nhiều lần khi gặp khốn khổ tôi đã không chạy đến với Ngài, tôi chạy đến với ai khác, tôi ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa…

  1. “Ta hiền lành và khiêm tốn” : hẳn là 2 đức tính này quý giá đặc biệt lắm nên Chúa mới tự mô tả mình như thế.

Tôi có hiền lành không ? Tôi còn phải học gì thêm ở tính hiền lành của Chúa ?

Tôi có khiêm tốn không ? Tôi còn phải học gì thêm ở tính khiêm tốn của Chúa ?

  1. “Ách Ta êm ái” : Điều làm cho Luật của Chúa trở thành êm ái đó là tình yêu. Nếu tôi không yêu Chúa thì việc tôi giữ luật sẽ trở thành nặng nề. Nếu tôi không yêu thương anh chị em thì việc tôi sống chung với họ sẽ làm cho họ khổ sở. Xin giúp con ngày càng yêu thương nhiều hơn.
  2. Ở Á Đông, thương cho roi cho vọt. Nhưng câu nói này lại hoàn toàn vô nghĩa trong xã hội Mỹ. Mới đây một tòa án tại bang Dalas đã tuyên án phạt một ông bố 3 roi vì tội đánh con của mình. Vụ án trên là một minh họa cho vấn đề Luật và Tình thương. Một gia đình sung túc đến đâu mà trong đó không có tình thương thì cũng như một nghĩa địa. Một xã hội văn minh kỹ thuật đến đâu mà không có tình thương thì chỉ là một bãi sa mạc. (Theo “Chờ đợi Chúa”)
  3. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. (Mt 11,28)

Buồn và chán vì mọi người trong gia đình chẳng hiểu mình, tôi chạy đến những người bạn để mong trút hết bầu tâm sự. Nhưng đứa thì đi học, đứa đi làm, đứa đi chơi…Chiều muộn rồi, tôi chẳng biết đến với ai. Chạy lòng vòng ngoài phố càng khó chịu nặng nề thêm vì tiếng ồn, khói xe và bụi. Tới đường Tú Xương, bỗng nhiên tôi nghĩ đến nhà thờ Mai Khôi nhỏ bé, đơn sơ nhưng không khí yên tĩnh, thánh thiện. Tìm lấy một góc, tôi thầm kể cho Ngài tất cả. Tôi bỗng thấy nhẹ nhàng và bình an lạ lùng vì hình như có ai đó đã nghe tôi, hiểu tôi.

Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn Lời Chúa ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được : chỉ nơi Ngài con mới kín múc được niềm vui và sự bình an đích thực. (Hosanna)

  1. Tôn kính Trái tim Chúa Giêsu không phải là tôn kính một phần cơ thể của Ngài, cũng không phải là tôn kính một di vật của Ngài cho dù di vật đó quý giá bao nhiêu đi nữa. Trái tim là biểu tượng của tình yêu, cho nên tôn kính Trái tim Chúa là tôn kính Tình yêu của Ngài.

Tình yêu của Chúa Giêsu như thế nào ? Một tình yêu tự hiến, đến nỗi dám chết vì yêu, đến nỗi còn một chút máu và nước cuối cùng Ngài cũng cho đi. Yêu là tự hiến, yêu là cho đi.

  1. Khi tôn kính Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải noi gương yêu thương của Ngài. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã yêu thương đến mức tối đa không thể nào yêu thương hơn được nữa, và yêu thương tất cả mọi người: từ những người thân (Đức Maria, các môn đệ) cho đến kẻ xa lạ (hai tên tử tội) và cho đến kẻ hành hạ mình (quân lính)…
  2. Trong quyển nhật ký của ông, mục sư Martin Luther King, người đã hy sinh mạng sống để tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen, đã viết :

“Tôi rất hãnh diện nếu ngày tôi qua đời ai đó kể lại rằng Martin Luther King là người đã cố gắng sống vì yêu thương. Ngày đó tôi mong muốn các bạn sẽ có thể nói rằng tôi đã cố gắng sống cho công lý, rằng tôi đã đồng hành với những ai thực thi công lý, rằng tôi đã dấn thân để đem lại cơm bánh cho những người đói khổ, rằng tôi đã luôn luôn cho kẻ rách rưới ăn mặc. Tôi mong rằng ngày đó các bạn sẽ nói tôi đã xả thân để thăm viếng những người tù tội và yêu thương phục vụ mọi người…Còn tất cả những thứ khác, như giải Nobel hòa bình 1964 không có gì quan trọng…”

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh Chúa. Chúa đã phú bẩm cho chúng con một trái tim để yêu thương. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống trong yêu thương và phục vụ, nhất là yêu thương và phục vụ những người nghèo khổ chung quanh chúng con. (Chờ đợi Chúa)

  1. Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói : “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý : “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che giấu gì về mình cả”. (Onward)