Hạt Giống Nảy Mầm Chúa Nhật 15 TN Năm A

print

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN A

Mt 13,1-23

A. Hạt giống…

  1. Dụ ngôn người gieo giống. Ta hãy chú ý một số chi tiết :

– Người gieo giống này rất phung phí, gieo hạt giống ở khắp nơi, kể cả những nơi mà hy vọng nảy mầm không bao nhiêu : Thiên Chúa rất quảng đại trong việc ban Lời Ngài cho chúng ta.

– Có 4 loại đất nhưng 3 loại đã thất bại : Lời Chúa có kết quả hay không còn tùy vào cách đón nhận và đáp ứng của con người.

  1. Những câu 11-17 gây không ít thắc mắc cho người đọc vì nó khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu để người ta không hiểu được và không được cứu rỗi.

Thực ra ở đây Chúa Giêsu trích một câu của ngôn sứ Isaia. Mà Isaia nói đến một thực tế (chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa) là sự cứng lòng của dân, đến nỗi dù họ có tai có mắt mà cũng như điếc như mù, cho họ nghe và xem cái gì cũng vô ích. Một số người thời Chúa Giêsu cũng thế.

Bởi vậy, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta : “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là ai cũng có khả năng hiểu dụ ngôn (ai cũng có tai), nhưng điều quan trọng là dùng khả năng đó để thực hiện những điều mình đã nghe. Càng thực hiện thì càng hiểu Nước Trời hơn, càng sống Lời Chúa thì càng hiểu Lời Chúa hơn.

B… nảy mầm.

  1. Chúa Giêsu đã dùng việc gieo giống, tức là một sinh hoạt rất bình thường và gần gũi, để trình bày giáo lý của Ngài. Muốn thế, Ngài phải có một cái nhìn và sự suy nghĩ rất sâu sắc về những việc bình thường ấy.

Tất cả những việc bình thường hằng ngày đều có thể trở thành đề tài cho tôi chiêm ngưỡng và rút ra những bài học bổ ích. Xin Chúa cho con có cái nhìn chiêm ngưỡng và thiện chí muốn học hỏi từ những việc bình thường.

  1. Người gieo giống đã gieo hạt giống khắp nơi, một cách có thể nói là phung phí. Hằng ngày và hằng tuần, Chúa cũng ban Lời Chúa cho tôi một cách rất là quảng đại: khi tôi dự Thánh Lễ, khi tôi nghe giảng, khi tôi đọc Sách đạo đức, khi tôi nguyện gẫm, khi tôi nghe huấn đức, khi tôi học v.v.

Cám ơn về lòng quảng đại của Chúa.

  1. Dụ ngôn đầu tiên trong loạt dụ ngôn về Nước Trời là một dụ ngôn về Lời Chúa. Lời Chúa rất quan trọng, cần thiết và hữu ích cho đời sống thiêng liêng. Tôi có ý thức điều này không ?
  2. Trong vườn, một gốc nho héo úa giữa bao cây xanh tươi mơn mởn. Tưới bao nhiêu phân cũng chẳng thấy khá hơn. Cuối cùng, người chủ đào gốc lên xem, thì thấy có miếng gỗ nằm chắn ngang gốc nho.

Có lẽ đời ta cũng vậy. Nếu không đâm rễ sâu vào lòng đất là Lời Chúa, đời ta cũng sẽ tàn úa. (Góp nhặt)

  1. “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. (Mt 13,8)

Trong Tin Mừng, các thánh sử chẳng bao giờ nói đến Chúa cười. Tuy nhiên con vẫn thầm nghĩ rằng Chúa biết cười. Chúa đã cười khi còn là con trẻ ở Nagiarét. Chúa đã cười khi còn là một thiếu niên nghịch ngợm. Chúa đã biết cười rất hân hoan trong lời tạ ơn Cha, và có lẽ trong tiệc cưới rộn rã cùng với các môn đệ. Chúa đã hát, đã vỗ tay, đã chúc mừng…Con cũng bắt gặp nụ cười kín đáo của Chúa trong hình ảnh người gieo giống hôm nay. Cho dù có hạt bị chim trời ăn mất, có hạt bị héo khô, có hạt bị chết nghẹt…nhưng người gieo giống vẫn đầy lạc quan hy vọng để nhìn thấy, để mỉm cười trước đồng lúa chín vàng.

Lạy Chúa, giữa những thành bại của cuộc sống, xin luôn khơi dậy trong con niềm hy vọng, lạc quan. (Hosanna)

  1. “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì” : rất nhiều lần tôi nghe Lời Chúa nhưng cũng như vịt nghe sấm. Lời Chúa được ban dư tràn cho tôi nhưng chẳng khác gì nước đổ lá môn. Tại vì tôi nghe mà không chú ý, không suy gẫm, không có thiện chí tìm lương thực thiêng liêng cho mình.
  2. “Vì lòng dân này đã ra chai đá” : muốn nghe Lời Chúa cho có hiệu quả thì phải nghe bằng tấm lòng, như đứa con nghe tiếng của cha mẹ, như những người yêu nhau lắng nghe tiếng của nhau.
  3. Có 3 cách đọc Lời Chúa :

– Coi Lời Chúa như dầu gió : Khi bạn nhức đầu nóng lạnh, bạn xức dầu vì biết nó tốt cho sức khỏe của bạn.

– Coi Lời Chúa như chiếc bánh bông lan : tuy khô khan khó nuốt nhưng cũng ngon và bổ.

– Coi Lời Chúa như quả đào, vừa mát vừa ngọt vừa bổ dưỡng. (Góp nhặt)

  1. Những lời được ghi lại trong các sách Tin Mừng không phải là lời của một nhân vật quá khứ, mà là của Chúa Giêsu phục sinh còn đang sống trong Giáo Hội và đang nói trực tiếp với tôi. Do đó tôi phải đọc hoặc nghe không như đọc và nghe một quyển tiểu thuyết, mà là đọc và nghe một bức thư hay một cuốn băng cassette của một người thân vừa viết hoặc ghi để gởi cho tôi.
  2. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích :

Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó. (United Presbyterian)

  1. Suy gẫm về loại đất có lẫn sỏi đá : Đó là người khi mới nghe Lời Chúa thì nhiệt thành muốn thi hành, nhưng vì không kiên trì nên khi gặp một số khó khăn thì chán nản bỏ cuộc.

Biết bao lần, nhất là trong những cuộc Tĩnh Tâm, tôi cũng quyết định sống theo một Lời Tin Mừng nào đó. Nhưng không bao lâu thì tôi bỏ. Xin Chúa giúp con kiên trì hơn.

  1. Suy gẫm về loại đất mọc đầy gai : Đó là người có thiện chí sống Lời Chúa, nhưng những lo lắng và những đam mê việc đời đã làm cho Lời Chúa bị chết ngạt.

Có nhiều khi đang lúc suy gẫm mà tôi cũng chia trí về những chuyện tôi đang lo hoặc đang say mê. Có những khi khác vì mải mê lo lắng một chuyện thế gian mà tôi bỏ không thực hiện chương trình đạo đức đã định. Tôi phải nhớ lời Chúa Giêsu dạy “Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác Ngài sẽ lo cho chúng con”.

  1. “Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả, và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”. (Mt 13,23)

Đọc báo, tôi bật cười vì chuyện nhảy dù của một Sơ đã già 75 tuổi. Bà mạo hiểm chỉ vì mục đích gây quỹ cho hội từ thiện.

Ngạc nhiên và thú vị, tôi chợt nghĩ đến một người khác. Chẳng hiểu sao mọi người rất yêu quý chị. Chị chẳng đẹp cũng không có địa vị. Chị chỉ là một con người bình thường như bao con người bình thường khác, nhưng nơi chị như có một sức thu hút khiến người ta thích đến tâm sự, chia sẻ. Và chị đã làm được bao điều tốt đẹp từ những việc hằng ngày nhỏ nhặt ấy. Trong một lần chia sẻ kinh nghiệm sống, chị đã giới thiệu với tôi người thầy, người bạn thân thiết của chị là Chúa Giêsu. Tôi tự hỏi phải chăng chính Lời Chúa Giêsu đã làm cho chị đẹp hơn, từ việc nhỏ đến việc lớn. Còn tôi, tôi đang là mảnh đất nào đây : vệ đường, sỏi đá hay bụi gai ?

Lạy Chúa, xin giúp con biết chăm sóc mảnh đất tâm hồn con mỗi ngày, để Lời Chúa đủ sức vươn lên và sống mạnh mẽ qua cách thức con sống cuộc đời Ngài đã tặng ban cho con. (Hosanna)

  1. “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe mà không được nghe”. (Mt 13,16-17)

Sau cơn hỏa hoạn thiêu rụi căn nhà của mình, ngôi sao bóng rổ Kareen Abdul-Jabbar nói với các phóng viên : “Toàn thể nhãn giới của tôi đã thay đổi…Tôi nghĩ rằng điều quan trọng cho tôi bây giờ là dành nhiều giờ hơn cho Amir con trai tôi và quý chuộng nhiều điều khác hơn nữa chứ không chỉ là bóng rổ”.

Kareen là một trong những người được Chúa Giêsu khen trong bài Tin Mừng này. Anh thật có phúc vì đã nghe được tiếng Chúa nói với anh qua những biến cố trong khi rất nhiều người khác không nghe được. (Mark Link, Vision 2000)

  1. “Chúa rất thường đến thăm chúng ta. Nhưng chúng ta rất thường vắng nhà”. (Joseph Roux)