Nhờ bác nông dân không chuyên

print

Nhờ bác nông dân không chuyên

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Đã là một người nông dân thực thụ thì trước khi xuống giống, họ phải chọn hạt giống tốt, chọn đất tốt để gieo hạt, rồi cần mẫn từng ngày chăm sóc cho đến mùa thu hoạch với kết quả mỹ mãn nhất có thể được.

Tuy nhiên, khi chúng ta nghe đoạn Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên dường như không ai trong chúng ta không khỏi thắc mắc: người gieo hạt giống trong đoạn dụ ngôn không phải là người nông dân chuyên nghiệp, cũng không thể nào là bác nông dân có kinh nghiệm trồng trọt được! Bởi chưng hạt giống tuy nhiều nhưng không rẻ chút nào nên không thể nào gieo rải tuỳ tiện được; thêm nữa, người gieo lúa này sao không gieo vào đất tốt để nắm chắc phần thắng bội phần vào mùa thu hoạch! Và một khi đã biết hạt giống mà gieo trên vệ đường, trên đá sỏi, trong bụi gai thì sẽ không đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái, nhưng vẫn gieo là thế nào!

Đây chỉ là một loạt câu hỏi trong tâm trí của chúng ta khi được nghe hoặc đọc đoạn Tin Mừng này. Chắc chắn lời giải thích dụ ngôn của Chúa Giê-su ở đoạn cuối Tin Mừng quá ư rõ ràng, dễ hiểu hơn mọi cách chú giải khác, cho nên thay vì chúng ta giải thích nữa, thì chúng ta thử nhìn lại thuở ruộng tâm hồn bản thân, và thái độ cũng như tâm thế của ta khi đón nhận hạt giống ra sao.

Như đã nói trên, Thiên Chúa chính là người gieo giống trong đoạn dụ ngôn, và dĩ nhiên Ngài không phải là người nông dân chuyên nghiệp! Tuy vậy, nhờ lí do Ngài không là bác nông dân thực thụ cho nên tất cả mọi ruộng đất, muôn loại đất trồng đều được Ngài gieo hạt mầm. Vì lẽ, hình ảnh mảnh đất chính là tâm hồn chúng ta, chính là cuộc đời, chính là chặng đường đời chúng ta; và hạt giống Ngài gieo không khác hơn là sự sống, ơn sủng, Lời Chúa, ý định, đặc sủng, hồng ân, cơ hội, các giá trị Nước Trời như bình an, công bình, chân lý, thiện hảo, tốt lành…Chính vì thế, Ngài không loại bỏ những thuở ruộng cằn cỗi, khô cháy; Ngài cũng không khước từ những mảnh đất hoang tàn, bị bỏ quên; Ngài càng không chê bai vùng đất chẳng có một chút tiềm năng đơm hoa kết quả. Ngài vẫn gieo, vẫn ban phát, vẫn trao ban tất cả hạt giống cho mọi tâm hồn dẫu như là vệ đường rực nóng vào mùa nắng, dù là sỏi đá trơn nhẵn chen chúc, dù là bụi gai khát cháy, dành giật dinh dưỡng từ khí trời, mưa rơi, “như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 10 – 11).

Tạ ơn Chúa vì Ngài không chỉ gieo vào những thuở đất tươi tốt, có tiềm năng đơm hoa kết trái cho vụ mùa thu hoạch, mà Ngài đón nhận hết tất cả các mảnh đất tâm hồn của chúng con! Vì vậy, chúng ta cùng thử nhìn lại tâm hồn, cuộc đời của bản thân, cũng như thái độ, tâm tình hay tâm thế của chúng ta mỗi khi được đón nhận ‘hạt giống’ từ việc Chúa gieo trồng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua Giáo Hội, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua các biến cố trong đời…! Nhưng trước đó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một câu mà mỗi khi Chúa kết thúc chuyện dụ ngôn  đều được thuật lại: “ai có tai thì hãy nghe” (Mt 13, 9). Đây dường như là một lời nhắc nhở không quá dư thừa vì trong thời Cựu ước tiên tri I-sai-ah cũng đã tuyên sấm: “các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Vì lòng dân này đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa lành cho chúng” (Mt 13, 14 – 15; x. Is 6, 9 – 10). Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta khi nghe câu nhắc nhở đại loại thế này thì thường phản hồi: ‘biết rồi khổ lắm nói mãi!’ hoặc ‘bổn cũ nghe mãi chán lắm rồi’, còn có nhiều câu hồi đáp ngây ngô như ‘ai mà chẳng có tai, mà đã có lỗ tai rồi thì nghe là chuyện miễn bàn. Cho nên không cần nhắc thế đâu hic hic’. Đúng thật, khó cho người giảng dạy và cũng không dễ dàng cho thính giả và học viên! Dù vậy, điều mà Chúa nhắc nhở mỗi người chúng ta ở đây là: không chỉ nghe bằng hai chiếc lỗ tai được gắn trên khuôn mặt cho cân, mà mỗi khi nghe thì hãy chú tâm (cho con tim tham gia), lắng đọng tâm hồn, chăm chú nghe hầu lãnh hội – đón nhận – thực hành, chứ không ‘nghe suông, nghe lấy lệ, nghe cho xong, nghe cho có, nghe từ tai này chạy qua tai kia rồi chạy mất không ngày gặp lại’. Hơn nữa, việc chú tâm lắng nghe này dường như nghe dễ dàng, nhưng thật sự lại gian nan, vất vả, cần rèn luyện nỗ lực mãi liên như thể cách diễn đạt “các đau khổ đời này có ghê gớm đến đâu, cũng chẳng thể nào sánh với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (x. Rm 8, 18).

Sau cùng, chúng ta tự hỏi và xem xét tâm hồn bản thân đang thuộc loại đất nào, có tâm tình, thái độ nào khi được ‘gieo hạt giống vào lòng’? Phải chăng ‘đất vệ đường’: nghe rao giảng Nước Trời mà không hiểu, không chịu tìm hiểu, không đâm rễ sâu trong lòng, dễ dàng để mất đi (x. Mt 13, 19); hay thuộc dạng ‘đá sỏi’: nghe Lời Chúa và vui vẻ đón nhận, nhưng đòi ‘tốt nghiệp sớm’, không đâm rễ sâu, lại nhất thời nữa, đặc biệt lúc gặp gian nan hoặc bị ngược đãi, bị bắt bớ vì Chúa thì vấp ngã và bỏ cuộc ngay? (x. Mt 13, 20 – 21). Nếu không rơi vào hai trường hợp trên, thì chúng ta có thể đang ở tình trạng ‘bụi gai’ chăng? nghĩa là được nghe Lời Chúa, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì (x. Mt 13, 22). Trái lại, loại đất tâm hồn ai cũng trông mong, ai cũng muốn trở thành, chính là thuở đất tốt tươi mầu mỡ, cụ thể: nghe Lời Chúa, hiểu và đón nhận hầu đem ra sống hằng ngày, nên đơm bông kết trái và được thu nhận bội phần khi đến mùa (x. Mt 13, 23). 

Giờ đây, chúng con đặt mình trước Chúa mà cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho tâm hồn chúng con luôn trở nên mảnh đất tốt tươi để khi Chúa gieo hạt giống vào lòng, được trổ sinh hoa trái. Cho dẫu dòng đời cứ đổi thay, mọi thứ bị cuốn trôi để lại lo toan, khó khăn thử thách như thể không vượt qua nỗi, thì cho chúng con luôn biết mở rộng tâm tư, có thái độ khiêm nhu, chú tâm lắng nghe, khắc ghi trong lòng, hầu làm lẻ sống đời chúng con.

Tạ ơn Chúa vì không hề chê bỏ

Tâm hồn con dù bé nhỏ mong manh

Dù thuở ruộng đất trồng chẳng tươi xanh

Chúa vẫn gieo, trông thức canh đêm ngày

Mãi vun trồng, hằng tra tay chăm bón

Cho tới khi hạt chồi non mơn mởn

Cây trổ sinh hoa trái, vươn cao lớn

Mùa thu hoạch bội phần, ơn siết bao. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng