Sách Thủ Lãnh (Thẩm Phán, Quan Án)

print

Sách Thủ Lãnh (Thẩm Phán, Quan Án)

https://tinmungmoingay.com/

 

Thủ Lãnh bởi động từ “shâphât”, có nghĩa là sửa trị, gần với cai trị hay cầm quyền, nhằm chỉ các vị anh hùng trong cuốn sách, họ là những người được Thiên Chúa sai đến cầm đầu các cuộc giải phóng rồi làm người xét xử mọi việc trong dân. Thủ lãnh theo tiếng Híp-ri, có nghĩa là quan tư pháp hay lãnh tụ một nhóm đô thị hoặc bộ lạc, vì thế cũng dịch là “quan án” – “thẩm phán” – “xét xử”, ở nền văn hoá này đồng nghĩa với cai trị. Về một số vị, sách chỉ nêu tên và số năm “xét xử” chứ không kể một hành động giải phóng nào. Mười hai vị này chẳng bao giờ “xét xử” toàn thể Ít-ra-en mà chỉ giới hạn trong từng bộ lạc. Thủ lãnh đôi khi còn được gọi là “cứu tinh’, từ ngữ theo văn mạch, chỉ vị lãnh tụ quân sự trong một cuộc chiến đấu tự vệ. Để hoàn thành sứ mệnh, vị thủ lãnh sau khi giải phóng đã kiêm nhiệm những chức vụ chính trị, quân sự và tư pháp. Họ chỉ còn thiếu chức vụ lập pháp để trở thành một ông vua, nhưng đối với dân Do Thái lúc bấy giờ, quyền đó chỉ dành cho Thiên Chúa.

Sách Thủ Lãnh đã biến họ thành những anh hùng giải phóng hoặc cai trị toàn thể Ít-ra-en, những vị anh hùng của vài chi tộc được phóng đại và được đưa lên hàng quốc gia điều khiển thánh chiến cho cả Israel. Các “Thủ Lãnh nhỏ” phát xuất từ một truyền thống khác. Không thấy các Thủ Lãnh nhỏ này có hoạt động giải thoát nào. Người ta chỉ cho biết qua về gốc của họ, về gia đình và nơi chôn cất họ, và nơi họ đã làm “Thủ Lãnh” trên Israel trong một số năm nhất định. Sách cũng đồng thời phân bổ số năm hoạt động của mỗi vị theo những con số ước lệ: 20, 40, 80 để có được con số bốn trăm tám mươi năm tính từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến khi xây đền thờ (x. 1V 6,1).

Sách Thủ Lãnh hầu như là nguồn duy nhất cho chúng ta biết về thời đại các Thủ Lãnh, nhưng không thể dựa vào đây để viết một lịch sử liên tục về thời này. Niên biểu đưa ra trong sách có tính cách giả tạo. Những cách áp bức cũng như các cuộc giải phóng chỉ liên quan tới một phần đất đai.

Các biến cố chính và ký ức còn giữ lại chỉ có thể được định thời gian một cách phỏng chừng. Cuộc toàn thắng Tanak dưới thời Đê-bô-ra và Ba-rắc (4-5) có thể xảy ra vào khoảng giữa thế kỷ -XII, trước khi quân Mađian xâm nhập (Ghít-ôn) và trước khi dân Philitin bành trướng ra ngoài phần đất của họ (Sam-son). Và có thể rút ra kết luận là trong giai đoạn lộn xộn này, người Israel đã phải chiến đấu không chỉ với dân cư Canaan, như các dân trong đồng bằng Izrơel bị Đê-bô-ra và Ba-rắc đánh bại, mà còn phải đương đầu với cả các dân xung quanh: Moab (Ê-hút) Ammon (Gíp-tác) Mađian (Ghít-ôn) và Philitin mới kéo tới (Sam-son). Trước sự đe dọa đó, mỗi nhóm lo bảo vệ lấy phần đất của mình, thường thì liên minh với nhóm bên cạnh, 7,23, nhưng cũng có trường hợp một chi tộc hùng mạnh có thể phản đối vì đã không được mời chia chiến lợi phẩm, 8,1-3; 12,1-6. Bài ca Đê-bô-ra (ch.5), chế diễu các chi tộc đã không đáp lại lời kêu gọi, nhưng điều đáng chú ý là Giu-đa và Si-mê-on đã không được nhắc đến tên.

Hai chi tộc này sống ở phía Nam, cách biệt với phía Bắc bởi các thành Gabaôn và Giêrusalem không thuộc Israel và tình trạng cô lập này là mầm mống cho sự ly khai sau này. Ngược lại cuộc toàn thắng trên Tanak đã đem về cho Israel cánh đồng Izrơel và nối liền nhà Giuse với các chi tộc phía Bắc. Nhưng sự thống nhất giữa các thành phần khác nhau ấy được bảo đảm trước tiên bởi sự thống chia cùng một lòng tin : tất cả Thủ Lãnh là những kẻ tin nơi Gia-vê và đền thờ hòm bia ở Silô đã thành trung tâm qui tụ mọi nhóm. Mặt khác, các cuộc đấu tranh này rèn luyện nên tinh thần quốc gia và chuẩn bị cho giờ phút, trước một đe dọa chung, tất cả sẽ hợp lực lại, dưới thời Samuel.

 

I. Xuất xứ.

Các Thủ Lãnh là những người đã đóng vai trò hướng dẫn Dân Chúa trong suốt 150 năm sau ông Giôsuê (1200-1050 trước CGS). Tuy nhiên sách Thủ Lãnh đã chỉ được biên soạn trong thời lưu đày, nghĩa là sau đó khoảng 400-500 năm. Như thế, sách được biên soạn không chỉ nhằm mục đích ghi lại những sự kiện lịch sử nhưng còn trình bày một cái nhìn thần học về lịch sử.

Trải qua nhiều lần biên soạn, hình thức hiện nay là của các soạn giả thuộc trào lưu Đệ Nhị Luật. Caùc nhaø soaïn thaûo naøy coù nhöõng hieåu bieát ñích xaùc veà caùc Thuû Laõnh, nhöng ñaõ phóng đại quyền hành của các Thủ Lãnh Israel và đã xếp đặt cho họ theo Đệ Nhị Luật trong niên biểu. Các soạn giả đã đem gắn danh hiệu Thủ Lãnh lên trên các vị ạnh hùng trong “sách các anh hùng Giải phóng” và các vị anh hùng này do đó trở  thành những “Thủ Lãnh của  Israel”. Lấy chỗ nọ đắp chỗ kia, người ta đã đạt được con số mười hai Thủ Lãnh, tượng trưng cho tất cả mười hai chi tộc của Israel.

Và cũng chính việc soạn tác đã tạo ra khung cảnh thời gian có trong sách. Soạn tác Đệ Nhị Luật, tuy duy trì những hiểu biết đích xác về Thủ Lãnh nhỏ, nhưng đã cắm chặng các trình thuật bằng những mốc thời gian giả tạo với các con số ước lệ  là bốn mươi năm — một thế hệ — hay gấp đôi lên là tám mươi năm, hoặc chỉ có một nửa là hai mươi năm, cố làm sao để, cộng với các dữ kiện khác của Thánh Kinh, có thể có một tổng số là bốn trăm tám mươi năm, phù hợp với khoảng cách, theo nhãn giới Đệ Nhị Luật, giữa thời Xuấât Hành khỏi Ai Cập và lúc xây dựng Đền Thờ (1V 6,1). Trong khoảng cách đó, lịch sử các Thủ Lãnh lấp đầy giai đoạn từ khi Giôsuê chết tới lúc Samuel khởi đầu sứ vụ của ông.

Truyện về các Thủ Lãnhï, trước tiên được truyền khẩu dưới nhiều hình thức khác nhau, rồi dần già, nhiều yếu tố khác nhau được thêm vào. Cuối cùng, các truyện này được gom vào làm thành một cuốn sách, “sách các người giải phóng” được soạn trong vương quốc phía Bắc vào buổi đầu thời quân chủ. Sách gồm truyện về Ê-hút, về Ba-rắc và Đê-bô-ra, có lẽ đã chịu ảnh hưởng của trình thuật Giô-suê 11 về Giabin tại Khaxor, truyện Ghít-ôn, Giê-rúp-ba-ben, truyện Gíp-tác, hai bài thơ cổ, ca vịnh Đê-bô-ra ch.5, và lời kêu gọi của ông Giô-tam 9,7-15.

Điều trước tiên các soạn giả theo khuynh hướng Đệ Nhị Luật đã đem lại sách Thủ Lãnh là cái ý nghĩa tôn giáo của nó: Ý nghĩa này được diễn tả trong phần nhập đề chung 2,6-3,6 và trong phần nhập đề riêng của truyện Ót-ni-ên, thuộc soạn tác Đệ Nhị Luật và được dùng để đóng khung các truyện tiếp theo sau : con cái Israel đã bất trung cung Gia-vê và đã bị Gia-vê phó nộp cho kẻ áp bức chúng. Con cái Israel đã kêu cầu danh Gia-vê và được Người đoái thương ban cho một vị cứu tinh, một Thủ Lãnh. Nhưng rồi dân lại ăn ở bất trung, rồi bị phạt… (có thể đóng khung trong một khung thần học của nhóm biên soạn thuộc trào lưu Đệ Nhị Luật này là: phạm tội kéo theo bị phạt, thống hối và được Chúa sai Thủ Lãnh đến cứu). Sách Thủ Lãnh này có ít là hai đợt ấn hành. Nhưng dấu chứng rõ rệt nhấât là: hai yếu tố nối tiếp nhau trong phần nhập đề 2,11-19 và 2,6-10 và 2,20-3,6 và hai kết luận cho truyện Sam-son 15,20 và 16,30, có nghĩa là ch. 16 đã được thêm vào.

Sách này chưa có các phụ chương 17-21. Các chương này không kể chuyện các Thủ Lãnh mà lại nói các biến cố xảy ra trước việc thiết lập thể chế quân chủ và do đó các chương này đã được đưa vào phần cuối sách, sau khi lưu đày về. Các chương này họa lại những truyền thống cổ xưa và đã có một quá trình văn chương dài hay tiền văn chương, trước khi được đưa vào đây. Các ch. 17-18 thuộc một truyền thống của nhóm Đan và các chương 19-21 thuộc về truyền thống khác có thể đã xuấât phát từ Benjamin và duyệt lại tại Giu-đa trong chiều hướng chống lại vương quyền Saul tại Gibơah.

 

II. Bố cục.

a, Nhập đề: 1,1 – 2,5: Nhắc lại tình hình sau ngày Giosuê qua đời.

b, Phần I:  2,6 – 3,6: nêu lý do tại sao Thiên chúa sai các thủ lãnh đến cứu dân tộc Israel khỏi thù địch.

c, Phần II:  3,7 – 16,31: Ghi lại hoạt động của mỗi thủ lãnh.

d, Phụ lục: Hai đoạn được thêm vào nói về cuộc di dân của nhóm Đan, với việc  thành lập đền thờ của họ (17-18) và trận chiến phạt tội con cái Benjamin  đã phạm tại Gibơah (19-21).

 

III. Nội dung.

Phần dẫn nhập, 1,1-2,5, trình bày một cách sơ sài việc các chi tộc lập cư ở Canaan. Các chi tộc này đã hoạt động một cách lẻ tẻ và thường xuyên gặp thất bại. Trong hình thức hiện tại, phần này muốn cắt nghĩa tình trạng bị đe dọa của Israel. Thời các Thủ Lãnh, bức tranh lịch sử này khác với bức tranh trong Giô-suê và được trình bày dưới nhãn giới của nhóm Giu-đa, nghĩa là không mặn mà ca ngợi gì với các chi tộc phía Bắc.

Phần chính 2, 6 – 16,31 đề cập đến lịch sử các Thủ Lãnh. Các học giả hiện tại phân biệt sáu khuôn mặt Thủ Lãnh “lớn”:

– Ót-ni-ên,

– Ê-hút,

– Ba-rắc (và Đê-bô-ra)

– Ghít-ôn,

– Gíp-tác

– Samson.

 

Hành động của các vị Thủ Lãnh này được kể một cách tỷ mỉ. Và sáu Thủ Lãnh nhỏ:

– Sam-ga,

– Tô-la,

– Gia-ia,

– Íp-xan,

– Ê-lôn

– Áp-đôn.

 

Những thủ lãnh nhỏ chỉ được nhắc qua. Bản văn thì không phân biệt theo kiểu này, nhưng cũng đã cho thấy có một sự khác biệt thâm sâu giữa hai nhóm, và danh hiệu Thủ Lãnh được đặt chung cho họ là do việc soạn thảo đã gộp các yếu tố không ăn nhằm gì với nhau. Các “Thủ Lãnh lớn” là những anh hùng giải phóng, tuy khác về gốc gác, về tính tình, về hành động, nhưng đều có một nét chung: họ đã lãnh nhận một ơn riêng, họ được Thiên Chúa chọn đặc biệt để sung vào sứ vụ giải thoát.

Dân Israel đã ký kết giao ước với Thiên Chúa, tuy nhiên họ đã không trung thành với giao ước. Họ bỏ Chúa để chạy theo các ngẫu tượng mà dân địa phương tin rằng mang lại sự thịnh vượng như Baal, Asherah, Astarte… Họ còn bắt chước cả những cách tế tự của dân địa phương như giết người để dâng hiến làm của lễ… Khi vào đất hứa họ nhận lệnh phải đuổi cho khuất mắt các dân ở đó, nhưng thực tế, người Philitinh và Moab vẫn hiện hữu. Họ như là những cây roi của Thiên Chúa dùng để sửa phạt Israel khi họ bất tín bất trung. Thiên Chúa sửa trị và huấn luyện dân cách tiệm tiến chứ không tiêu diệt. Dù dân có phản bội giao ước, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương họ bằng tình yêu trung tín. Nếu tội lỗi của dân dẫn đến án phạt thì cần nhìn những án phạt này trong viễn tượng của tình yêu trung tín đó, nghĩa là Thiên Chúa trừng phạt dân không phải vì căm thù mà vì tình yêu thương, để sửa dạy dân và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính.

Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa sử dụng cả những con người yếu đuối và tội lỗi, chẳng hạn những phụ nữ chân yếu tay mềm Đê-bô-ra, hay Sam-son nặng nề xác thịt; Người chọn đủ mọi thành phần trong xã hội: từ kẻ làm vườn Ghê-đê-ôn đến đứa giang hồ trộm cướp Gíp-tác… Nhất là việc chỉ dẫn cho ông Ghê-đê-ôn chọn 300 lính chiến trong 10.000 quân để đương đầu với 135.000 quân địch (sự kiện để nói lên tính sẵn sàng trong mọi lúc). Điều này cho thấy, sức mạnh và chiến thắng đến từ Thiên Chúa và con người chỉ cộng tác mà thôi, để không ai có thể tự hào về xuất xứ và công trạng của mình.

Sách Thủ Lãnh đưa vào gương mặt của Đê-bô-ra, một phụ nữ làm thủ lãnh Israel khoảng bốn mươi năm. Đó là một nữ tiên tri nhân danh Đức Chúa để thi hành công lý. Đây được xem là một trường hợp ngoại lệ, vì hồi đó trong Israel nam giới nắm mọi quyền hành. Bà Đê-bô-ra trở thành thẩm phán và khơi mào cho cuộc nổi dậy chống Giavin vua Canaan, đồng thời tiêu diệt tướng Sisera chỉ huy quân đội của vua Giavin (x. Tl 4) và hát lên bài ca chiến thắng (x. Tl 5). Bà Đê-bô-ra là tấm gương của lòng tin khi tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Đức Chúa và kêu gọi ông Ba-rắc cùng con cái Israel đặt niềm tin vào Người, bà còn tìm cách để cho các con (Israel) luôn luôn hướng bước đi của họ về con đường của Chúa.

Một trong những chương đẹp nhất của Cựu ước là bài ca chiến thắng (được coi là của bà Đê-bô-ra) trong chương 5 của sách Thủ Lãnh. Nội dung bài ca làm nổi rõ chiều kích vũ trụ trong hành động của Đức Chúa: Người không phải chỉ là một vị thần bộ tộc, như kiểu con cháu Abraham vẫn nghĩ từ trước cho đến bây giờ, nhưng Người là Thiên Chúa chủ tế trời đất vũ hoàn. Và để đáp lại sự che chở ưu ái mà “Thiên Chúa của Israel ở Xi-nai” dành cho Dân Người chọn, ít là cho ai kính sợ và tuân giữ Luật Người, thì ta còn thấy trong bài ca một tâm tình yêu mến được bộc lộ thật thống thiết.

 – Thần học căn bản về lịch sử mà tác giả muốn trình bày là: tội lỗi dẫn đến hình phạt, còn sám hối dẫn đến ơn tha thứ và giải thoát (x. 6,1-10; 10,6-16). Ý nghĩa thần học này rất quan trọng đối với dân lưu đày: họ đã mất quê hương vì tội lỗi của họ, nhưng nếu họ biết ăn năn hối cải thì Thiên Chúa sẽ tha thứ và giải thoát họ.

– Sách Thủ Lãnh dạy con cái Israel bài học này là, sự áp bức là hình phạt do lòng bất tín và sự chiến thắng là hậu quả của sự trở về với Thiên Chúa. Sách Huấn Ca ca ngợi sự trung thành của Thủ Lãnh (x. Hc 46,11-12). Họ trình bày các thành công như phần thưởng cho lòng tin của họ, họ thuộc về khối “đám mây nhân chứng” khuyến khích tín hữu bỏ tội lỗi và can đảm gắng chịu thử thách (x. Hc 11,32 – 34; 12,1).

****

TÌM HIỂU SÁCH THỦ LÃNH VÀ SÁCH RÚT

http://vietcatholicperth.org/

31.Tim-Hieu-Sach-Thu-Lanh-va-Sach-Rut