ANDRÊ NGAM, MA QUỶ QUẤY PHÁ ANH
Vài ngày sau cái chết của Giuse Ngui, ông anh Andrê đến gặp tôi vào sáng sớm. Vẻ mặt buồn khổ mấy hôm trước đã biến mất; nét mặt rạng rỡ vui mừng làm tôi ngạc nhiên. Anh nói:
– Ồ, thưa Cha, hôm nay con đã được an ủi. Hôm nay con sung sướng quá!
– Vậy thì điều gì đã làm con lài lòng đến thế?
– Đêm qua, con đã thấy em con! Ôi, nó đã đem đến cho con bao nhiêu điều tốt lành! Trong khi ngủ, con đã thấy Giuse từ trời cao thẳm đi xuống. Nó hết sức lộng lẫy! Đích thực là nó rồi. Dễ nhận ra nó lắm, toàn thân nó được trang hoàng một vẻ đẹp khác thường. Từ đàng xa, con đã thấy nó và nó đã gọi con về phía nó. Con cố sức lao đến, nhưng không thể được. Con mới nói với nó: “Ồ, em Ngui thân yêu của anh, anh không làm sao đến chỗ em được. Tốt hơn em hãy xuống đây với anh. Lúc ấy, nó đến tận chỗ con và nói: ‘Ước gì anh biết được ở trên kia sung sướng biết ngần nào! Anh hãy cố gắng đừng để mình không đến đó được!’ Vừa nói những lời ấy xong, nó xoay người lại và ra đi. Con đã muốn giữ nó lại nữa, nhưng nó nói: ‘Không, không, đừng giữ em lại: em đã cảm nhận được nỗi buồn phiền của trần thế rồi. Em phải về trời, kẻo trễ mất’. Em từ biệt con và hứa là sẽ còn trở lại. Con đã thức giấc, lòng vui mừng quá đỗi đến nỗi không cầm lòng được nữa, con đến trình cho Cha biết”.
Và sau giấc mơ đẹp ấy, Andrê Ngam luôn nghĩ đến em mình; ký ức này thay vì làm anh thêm phiền muộn thì lại rót đầy lòng anh niềm vui và hy vọng.
Điều tôi vừa thuật lại chỉ là trong một giấc mơ Chúa đã cho xảy ra để an ủi anh tân tòng trẻ tuổi này; điều mà tôi sắp kể sau đây thì không phải là mộng mị, đã xảy ra lúc Andrê hoàn toàn tỉnh thức. Nhưng, trước tiên tôi muốn nói đôi lời về những trò ma quái hiện hình và các kiểu quấy nhiễu mà ma quỷ thường dùng để hù nhát những người dân tộc tội nghiệp này.
Ở châu Âu, chuyện ma nhập quỷ ám đã trở nên hiếm hoi và thường thì chẳng mấy ai tin chuyện ấy nữa. Tôi không nói đến những kẻ theo chủ thuyết duy lý, chối bỏ siêu nhiên và tất cả những gì mà lý trí hay đúng hơn lòng kiêu ngạo khôn lường của họ không thể hiểu được. Những người này chối bỏ ngay cả các sự kiện đã được thuật lại trong Kinh Thánh. Những kẻ bất chấp lý trí và lương tri đích thực, từ chối không tin Chúa Thánh Thần đương nhiên là bị tố giác tiên phong trong việc loại bỏ mà không cần bàn luận và suy xét những gì ngược lại với chủ thuyết của họ. Nhưng có khá nhiều Kitô hữu, về điểm này, đã tỏ ra hoài nghi thái quá. Dĩ nhiên, khi một sự kiện chưa được Giáo Hội phê chuẩn thì ta được hoàn toàn tự do chấp thuận hay bác bỏ; và còn phải hành động cho hợp lý nữa. Trong sách Nghi Thức, Hội Thánh vẫn soạn ra nhiều kinh nguyện và kinh trừ quỷ để xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người cũng như đồ vật; điều đó chứng tỏ rằng, xét về mặt lý thuyết, Giáo Hội không những tin có những trường hợp bị quỷ ám, mà còn tin là trong thực tế thật sự đã xảy ra một số trường hợp. Ngày nay, tôi xin lặp lại, có rất nhiều người, ngay cả những Kitô hữu ngoan đạo và rất xác tín, đã nhầm lẫn về chuyện đó khi muốn mình khôn ngoan hơn và sáng suốt hơn Giáo Hội nữa.
Thú thật là, trước kia, ít nhiều tôi cũng thuộc về hạng người này, và khi tôi đến miền dân tộc, mỗi lần nghe họ kể chuyện bị bóng ma nhát, hoặc đã nghe tiếng rên rỉ khác thường hay tiếng động không rõ nguyên do thì tôi chỉ mỉm cười. Nhưng ít lâu sau, tôi nhận thấy rằng sự cứng tin của tôi chỉ làm cho họ ngạc nhiên một cách vô ích và chỉ làm cho họ càng khó tin hơn vào các chân lý siêu nhiên mà tôi có phận sự loan truyền. Từ đó, thay vì bài bác, tôi tìm cách giảng giải. Mỗi khi có người dân tộc nào đó nói đến chuyện ma, chuyện linh hồn người chết lảng vảng trong rừng, … thì tôi giải thích cho họ điều mà đức tin dạy chúng ta về kết thúc tối hậu của con người, về thiên đàng, hỏa ngục và luyện ngục. Tôi khắc sâu vào tâm trí họ chân lý này là ngay khi chết đi, linh hồn buộc phải đến một trong ba nơi đó, và tôi kết luận bằng lời giải đáp như sau: “Nếu những điều con vừa kể lại là có thật, nếu nó không phải do trí tưởng tượng của con, thì đó phải là việc làm của ma quỷ.” Bằng cách này tôi đã sửa lại định kiến của anh em dân tộc mà không làm tổn thương họ khi thẳng thừng bác bỏ những điều họ nói là chính họ chứng kiến, và cũng không hề làm hại đến chân lý. Vì, một khi đã nhìn nhận các sự kiện ấy là có thật, thì chẳng còn tác giả nào khác ngoại trừ đó là kẻ thù của Chúa và của loài người.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi nghĩ những con người đáng thương này chỉ là nạn nhân của những ảo tưởng kỳ dị và thật ra, họ chưa hề nghe, thấy gì cả ngoại trừ sự tưởng tượng của họ. Mãi sau này, các sự kiện như thế càng xảy ra dồn dập, tôi mới bắt đầu hoài nghi, và cuối cùng khó lòng phủ nhận thực tế hiển nhiên, tôi buộc phải tin ở một chừng mực nào đó. Ai nghĩ sao tùy ý, nhưng giờ đây, tôi tin chắc ma quỷ thỉnh thoảng vẫn quấy nhiễu anh em dân tộc khốn khổ. Ý đồ của ma quỷ, theo tôi, thật rõ ràng là nó muốn duy trì trong tâm trí người dân tộc ý nghĩ rằng sau khi chết linh hồn vẫn còn lưu lại nơi trần thế này, cốt để ngăn cản họ tin vào những hình phạt đối với kẻ có tội và phần thưởng dành cho người công chính trong một cuộc sống khác.
Thông thường sự quấy nhiễu mà tôi đã nói đến xảy ra trong dịp có người chết hoặc trong vài ngày sau đó. Người ta nghe nhiều tiếng động quái lạ, hoặc ở gần nhà hoặc bên mộ của người vừa mới qua đời. Rồi tiếng nói phát ra, bóng ma xuất hiện; và những tiếng nói giả mạo đúng giọng người chết, khuôn mặt, dáng đi, quần áo và tất cả dáng vẻ bên ngoài đều giống y như người đã khuất. Đôi khi, nhưng rất hiếm, những trò ma quái này xảy ra gần nhà một người dân tộc ít lâu trước khi người này qua đời. Do đó, những người chứng kiến các trò ấy tiên đoán rằng ít ngày nữa trong nhà ấy sẽ có người chết, và điều đó xảy ra đúng như thế. Thật vậy, ma quỷ rất có thể thấy và nhận ra trong thân xác của con người một dấu hiệu báo trước cái chết nhưng chưa biểu lộ ra bên ngoài, và ngay cả một người rành nghề cũng không thể làm được. Cuối cùng, có nhiều người mà theo tôi, họ không hề nghĩ đến những trò lừa đảo. Họ đã quả quyết với tôi là chính họ đã mắt thấy tai nghe rất nhiều sự kiện tương tự như vậy. Trong số này có ông Hmur và anh Ngam cùng với nhiều tân tòng khác; sau khi lãnh nhận phép Rửa, họ cũng đã bị ma quỷ đeo đuổi, có lẽ nó giận dữ vì họ đã dứt khoát từ bỏ những cám dỗ của nó. Trong số này cũng có các anh em người Kinh giúp việc cho chúng tôi. Theo lời mời của những người dân tộc đã từng bị ma quái hiện hình làm cho khiếp sợ, những người này cũng muốn chứng thực sự việc, nên liền đi đến nơi ma hiện, với ao ước tìm cho ra sự giả dối, và khi trở về họ đã khuất phục trước sự việc thực tế.
Tôi đã mở đầu câu chuyện hơi xa đề. Và đây là câu chuyện của Andrê Ngam theo như lời anh kể lại với tôi. Ít lâu sau khi Giuse Ngui qua đời, vào mùa lúa chín, ông Lam đi ra rẫy canh giữ lúa. Ban ngày, Ngam bận làm việc chỗ khác, nhưng chiều tối anh cũng muốn ra rẫy để ở bên cạnh cha và cùng cha trông chừng vụ mùa khỏi thú rừng đến quậy phá. Khi đến đây, Ngam lại gặp bố đang trở về. Anh ta nói:
– Ủa sao bố về? Bố không định ngủ lại đêm ở đây sao? Con đến để qua đêm với bố cho vui đây.
– Mày thích ngủ lại thì cứ ngủ, còn tao, tao không muốn nữa.
– Tại sao vậy bố?
– Tại vì ma quỷ đã làm tao khiếp đảm, giờ vẫn còn run đây nè.
– Ma quỷ à? Con tưởng bố can đảm lắm chứ. Dù sao một người canh cũng đủ rồi. Bố về nhà đi, còn con, chấp tất cả bọn ma quỷ, con sẽ ngủ tại rẫy.
Nói xong, cha con họ chia tay nhau, và ông Lam trở về làng. Giữa rẫy có cái chòi cao, cách mặt đất khoảng tám bước, làm nơi ẩn trú cho người gác đêm. Hai, ba thân cây lớn được chặt đến tận ngọn dùng làm cột chắn đỡ căn chòi canh chơ vơ trên không, để từ đài quan sát cao vút đó, người gác có thể bao quát cả cánh đồng và làm cho thú rừng sợ mà không việc gì phải sợ chúng. Tôi cần phải cảnh báo trước rằng Ngam là một trong những người dân tộc gan dạ nhất mà tôi đã từng quen biết, và lòng can đảm của anh có vẻ lớn mạnh thêm kể từ ngày anh trở thành Kitô hữu. Lúc anh leo lên chòi thì mặt trời đã khuất núi. Trước hết, anh nghĩ đến việc bật lửa để đốt tẩu thuốc hút. Anh đang thổi lửa, thình lình anh nghe tiếng đập phá ầm ĩ ngay dưới chòi. Anh liền nói :
– Thế đấy, bố đã nói đúng! Vậy thì chờ tao nhóm lửa xong, tao sẽ tiếp mày.
Nói xong, Ngam nghe như có tiếng ai nôn mửa. Anh nói tiếp:
– Đồ tham ăn, tại mày đã ăn no quá. Nhưng không đùa giỡn nữa, mình cầm cây thánh giá và dây chuỗi, rồi xông vào!
Vừa nói anh vừa đeo thánh giá và tràng chuỗi vào cổ, tay cầm dao và tuột xuống đất. Đặt chân xuống đất, anh nghe sau lưng như có tiếng động như lúc nãy. Anh quay phắt lại: không có gì. Tiếng động lại gõ sau lưng và cứ tiếp tục bốn năm lần như thế.
– Nếu tao thấy đứa nào là tao đâm ngay một dao, nhưng gã này thì chỉ có lời kinh dâng lên Thiên Chúa mới xua đuổi nó chạy được thôi. Đồ khốn nạn. Thế là anh ta chửi. Mày hãy biết rằng tao hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa của tao, và tao đã dứt khoát từ bỏ mày từ ngày tao chịu phép Rửa. Mày cứ việc mửa hết trong bụng mày ra; còn tao, tao đọc kinh tối rồi đi ngủ.
Thế là xong, suốt đêm đó, không có gì đến quấy rầy giấc ngủ của anh nữa.
(Còn tiếp)