Baruc: Đức Chúa Khích Lệ Một Viên Thư Ký Ngã Lòng Chán Nản

print

Baruc: Đức Chúa Khích Lệ Một Viên Thư Ký Ngã Lòng Chán Nản

 Philip Nunn

https://xuanbichvietnam.wordpress.com/

 Toàn cảnh thời Baruc, bạn và là thư ký của tiên tri Giêrêmia:

Vương quốc Giuđa rơi vào việc thờ lạy bụt thần và suy đồi đạo đức luân lý. Trong hơn 40 năm (627 – 586), Giêrêmia cảnh báo người Do Thái rằng nếu họ không ăn năn thống hối, thì thiên Chúa sẽ nghiêm khắc  trừng phạt họ. Trong quảng thời gian nầy, ba quốc gia hùng mạnh giành nhau quyền thống trị thế giới : Assyri, Babylon và Ai cập. Juđa không thể tránh xung đột, vì về mặt địa dư, nó nằm ở giữa ba cường quốc nầy.

Tâm hồn những người đàn ông và phụ nữ của Juđa đã nên chai cứng với Đức Chúa và sự trừng phạt dường như không thể tránh khỏi được. Đó là một thời kỳ đáng buồn. Giêrêmia than van ai oán và thường khóc lóc.

Thế nhưng Thiên Chúa đặc biệt để mắt tới một người rất ngã lòng chán nản, BARUC, thư ký và trợ lý cá nhân cho tiên tri Giêrêmia. Ông đã làm việc cật lực và trông đợi một điều gì tích cực xảy đến,nhưng nay thì ông tự nhủ :” Khốn cho tôi! Vì Đấng Vĩnh Cửu thêm sầu phiền vào đau khổ của tôi; tôi kiệt sức vì thở than và tôi không làm sao tìm được nghỉ ngơi” (Gr 45,3).

Những nhật báo và tạp chí quan tâm hết sức đặc biệt tới những người giàu sang, quyền thế,các minh tinh…Còn Thiên Chúa chúng ta lại biểu lộ một sự quan tâm đầy tình yêu thương không chỉ đối với các tôi tớ được biết đến nhiều của Người,mà Người luôn để mắt đến cả đối với mỗi một người trong các tôi tớ đông đảo và không trông thấy được: những kẻ làm việc trong những hậu trường, những người đang cầu nguyện, đang cho, đang chùi rửa, đang sửa soạn, đang nâng đỡ, đang phục vụ, đang tổ chức, đang dịch, đang giúp đỡ, đang sử chữa, đang truyền bá sứ điệp mà Thiên Chúa đã ban cho những người khác… Nhìn thấy Baruc thất vọng chán nãn, Thiên Chúa đã ban cho Giêrêmia một lời tiên tri đặc biệt dành cho Baruc :” Thiên Chúa của Israel, Đấng Vĩnh Cửu, nói thế nầy về ngươi, hỡi Baruc…”(Gr 45,2).

 TẠI SAO BARUC NGÃ LÒNG CHÁN NẢN?

Các bạn đã tứng cảm thấy thất vọng chán nản chưa? Thỉnh thoảng sự chán nản thâm nhập dần dà vào trong ta, khi những thách đố mới cứ lập đi lập lại, khi những cố gắng của chúng ta vấp phải sự thờ ơ lãnh đạm hoặc khi chúng ta bắt đầu thấy nghi ngờ giá trị của những việc chúng ta làm. Thỉnh thoảng sự chán nản còn rơi xuống trên chúng ta và ngự trị tận sâu thẳm tâm hồn,khi chúng ta đối diện với những trở ngại nghiêm trọng, những chuyện bất trắc gây bực dọc hoặc một sự chống đối mạnh mẽ. Chúng ta nhận thấy rằng những niềm hy vọng lớn lao của chúng ta sắp không thành hiện thực và có thể sẽ chẳng bao giờ còn được hiện thực nữa! Đâu có thể là những nhân tố khiến Baruc chán nản ngã lòng?

  1. SỨ ĐIỆP

Về sự việc bất tuân cứng đầu cứng cổ của Giuđa, các lời tiên tri mà Baruc phải viết,chủ yếu nói về sự phán xử và sự trừng phạt (x. 32,5; 36,8.29). Thật là một niềm vui khi đem được một thông điệp tán thành và chúc lành từ phía Thiên Chúa,Nhưng thỉnh thoảng,nếu chúng ta muốn được nhìn thấy là những người trung tín, chúng ta cần truyền đi sự phản đối chê trách hoặc sự phán xét của Thiên Chúa và đó không hề là một nhiệm vụ dễ dàng gì!

  1. CỬ TỌA.

Những người nghe cự tuyệt Thiên Chúa, sứ điệp và các sứ giả của Người. Baruc,cùng với tiên tri Giêrêmia đã bị đe doạ giết chết (x. Gr 36,26). Những động cơ thúc đẩy của sứ điệp nầy thỉnh thoảng bị đặt lại vấn đề, ông bị kết án sai lầm (x. Gr 38,4)

  1. LOẠI CÔNG VIỆC

Công việc của người thư ký rất khó khăn,chậm chạp và tỉ mỉ.” Baruc viết vào trong một cuốn sách, – những gì Giêrêmia đọc cho viết,-  tất cả những lời mà Đấng Vĩnh Cửu đã nói với Giêrêmia”( Gr 36,4). Vậy mà, sau nhiều tháng cặm cụi viết Baruc đọc sứ điệp nầy trong đền thờ; một ai đó mang cuộn sách đến cho nhà vua và ông vứt bản chép tay qúy giá nầy vào lửa (Gr 36,23).. Baruc đâu có giữ lại bản sao. Bấy giờ,”Giêrêmia lấy một cuốn sách khác đưa cho Baruc” (Gr 36,32) và họ bắt đầu lại tất cả. Đối với Baruc thì thật chán nản! Hoa trái lao công của chúng ta không phải luôn đem lại những gì chúng ta trông đợi và còn có thể có vẻ như vô dụng,nhưng vì thế, chúng ta hãy dè chứng việc phục vụ mà chúng ta đã nhận lãnh(Cl 4,17)

  1. THIẾU LÒNG BIẾT ƠN.

Thời bấy giờ, rất ít người biết đọc biết viết. Điều đó do vậy đã có thể mở toang cánh cửa để có được những chỗ làm hái ra tiền và có thế lực. Gemaria, Elishama hoặc Jehudi (x. Gr 36,12-21) có được những chức vụ chính thức quan trọng. Còn Baruc? Sau những năm tháng học tập và làm việc cật lực nầy, ông mãi vẫn chỉ là thư ký của một tiên tri u sầu và không được ưa chuộng! Dường như chẳng có ai cám ơn hay biểu lộ thán phục ông vì việc làm tận tâm của ông. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng có thể quên đi rằng “anh em phục vụ Chúa Kitô” (Cl 3,23). Đó chính là điều duy nhất đem ý nghĩa và phẩm giá cho tác vụ Kitô giáo.

  1. TƯƠNG LAI ẢM ĐẠM.

Baruc là một thị nhân phục vụ Thiên Chúa,song vẫn mơ những điều to lớn cho chính mình (Gr 45,5). Ông sẽ có được một tương lai rực rỡ của Gioduê sau Môsê hoặc của Êlidê sau Êlia chăng? Các lời tiên tri của Giêrêmia mô ta một tương lai tập thể buồn thảm và gây sầu não. Không một công việc quan trọng, được kính nể hay ổn định nào mà Baruc có thể tham vọng! Tại sao tương lai của Baruc lại tối tăm như thế? Đức Chúa có một nhiệm vụ,một công tác hoặc một tương lai khác nhau cho mỗi một trong các tôi tớ Người. Chúa Giêsu nói: “Việc gì đến con! Phần con,hãy theo Thầy” (Ga 21,21)

  1. HY SINH

Việc phục vụ của Baruc dẫn ông tới việc đi theo tiên tri Giêrêmia trong nhiều tình huống vừa khó khăn vừa đau thương: cả hai cùng bị chế diễu và cự tuyệt. Cả hai từng cùng chịu đói rét. Cả hai từng cùng nhau bị tố cáo sai và bị đe doạ (Gr 36,26). Con đường vâng phục có những niềm vui của nó – và cả những vất vả cực nhọc của nó. Sự chịu đựng đau khổ phi lý hết sức khó chấp nhận, kể cả cho rằng nó đáng được ca ngợi (x. I Pet 2,19). Công việc phục vụ của chúng ta thỉnh thoảng có thể đòi hỏi chúng ta bị lấy đi những ơn lành hợp pháp,chẳng hạn như Thiên Chúa yêu cầu Giêrêmia đừng lập gia đình (Gr 16,2).Nhưng Đức Chúa nhìn thấy và luôn thưởng công cho một hy sinh quảng đại và được thực hiện hết tình (x. Mt 19, 27 – 29).

  1. SỰ IM LẶNG CỦA THIÊN CHÚA.

Baruc cảm thấy mình hoàn toàn tuyệt vọng ( Gr 45,3). Đã quá đủ rên rỉ,cảm thấy kiệt sức, muốn nỗi loạn. Nhưng nỗi thất vọng bắt đầu níu lấy linh hồn chúng ta khi chúng ta nuôi dưỡng suy nghĩ rằng Thiên Chúa lạnh lùng, xa cách và thụ động. Và tệ hơn nữa là khi chúng ta bằt đầu kết luận từ đó, rằng Thiên Chúa thật sự thêm sự buồn sầu vào nỗi cực nhọc của chúng ta và rằng cuộc đời của chúng ta có lẽ sẽ khá hơn nếu không có Người. Những suy nghĩ như thế có nguồn gốc từ ma qủy và có mục đích làm cho chúng ta nghi ngờ quyền năng, sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Cha chúng ta ở trên trời. Nếu cứ giữ mãi những suy nghĩ ấy, thì vòng xoáy làm suy nhược chắc chắn sẽ tăng nhanh. Khi chúng ta mệt mỏi hoặc buồn sầu, tâm hồn chúng ta bị suy yếu và dễ bị tổn thương hơn trước những tấn công của Satan. Chúng ta phải nhận diện cho ra nguồn gốc của những lời dối trá như thế về Thiên Chúa và bác bỏ chúng quyết liệt nhân danh Chúa Giêsu. Chúng ta hoàn toàn có thể không hiểu được thời khắc Thiên Chúa chọn lựa, hoặc tại sao Người lại cho phép như thế,hay là vì sao Người lại làm (hoặc không làm) điều nầy điều nọ. Nhưng mong sao sự hạn chế riêng của chúng ta không đặt nghi nan về quyền năng,sự khôn ngoan hoặc lòng nhân từ của Đức Chúa (Ez 26,3).

 CÂU TRẢ LỜI CỦA THIÊN CHÚA CHO SỰ NGÃ LÒNG CHÁN NẢN CỦA BARUC.

Cha chúng ta ở trên trời, Đấng yêu thương chúng ta, nhìn thấy những hoàn cảnh,những hành động và những động cơ thúc đẩy của chúng ta. Người nghe thấy những lời chúng ta nói và những suy nghĩ trong lòng của chúng ta. Người hiểu hết những cảm xúc của chúng ta. Thật là an ủi khi biết rằng “mọi sự đều trần trụi và lộ ra” trước mắt Người (Dt 4,13)như lời ca của David :” Chúa vào sâu trong tư tưởng của tôi” (Tv 139,2). Tâm trạng u buồn và sự thất vọng chán nản của Baruc bắt nguồn từ những suy nghĩ không đúng. Bằng một sứ điệp ngắn gọn, thẳng thắn và cá nhân, Đức Chúa khích lệ Baruc hãy tin vào thực tại như thật sự chính nó :”Nầy đây, những gì Ta đã xây dựng nên, Ta sẽ phá hủy nó; những gì Ta đã trồng lên, Ta sẽ bứt phá nó,trên toàn đất nước nầy. Còn ngươi, ngươi còn tìm kiếm những điều lớn lao nữa không? Vì nầy đây, Ta sẽ khiến cho bất hạnh đến trên mọi xác thịt, – Đấng Vĩnh Cửu phán – và Ta sẽ cho ngươi cuộc sống ngươi làm chiến lợi phẩm, trong mọi nơi mà ngươi sẽ đi đến” (Gr 45, 4 – 5). Sứ điệp nầy gồm 3 phần:

  1. ĐỨC CHÚA CHỈNH SỬA CÁI NHÌN CỦA BARUC VỀ THỰC TẠI

 Những nỗ lực và hy sinh của Giêrêmia và của Baruc cho những kết quả đáng thất vọng. Chúng chẳng làm  thay đổi được gì thế giới chung quanh họ. Có đáng để họ tổn hao công sức như thế chăng? Đức Chúa nhìn thấy sự rối loạn trong tâm hồn Baruc, sự thương cảm bản thân, cuộc đấu tranh nội tâm của ông và Người bắt đầu hướng cái nhìn của viên thư ký ra bên ngoài mình.

  Đức Chúa có thể xây dựng nên và trồng lên cùng với hoặc không có Baruc. Đó là điều rõ ràng. Đó là thực tế. Đức Chúa có thể mời gọi chúng ta tham dự vào một phần trong kế hoạch vĩ đại của Người,nhưng đó vẫn là kế hoạch của Người. Con người không phải là trung tâm của vũ trụ. Chúa Cha trên trời của chúng ta yêu thương chúng ta,chăm sóc chúng ta, và mừng vui trong chúng ta,nhưng “chúng ta” và “những nỗ lực của chúng ta” không phải là trung tâm các chương trình của Thiên Chúa. Trung tâm mọi sự,chính là Đức Chúa Giêsu Kitô, công trình của Người, vinh quang của Người ( x. Cl 1,16 1- 18). Hỡi bạn cùng phục vụ, hãy lùi lại và hãy nhìn thực tại với cặp mắt của Thiên Chúa’ Hãy hiểu rằng bạn, công việc và những hy sinh của bạn chỉ là một phần nhỏ bé trong chương trình vĩnh cửu và bao trùm của Thiên Chúa. Đến lúc thích hợp, vào thời khắc được chọn, Thiên Chúa sẽ thực hiện các ý định của Người.

  1. THIÊN CHÚA CHỈNH SỬA CÁI NHÌN CỦA BARUC VỀ SỨ MỆNH CỦA CHÍNH ÔNG.

Sự vỡ mộng của Baruc, phát xuất từ việc không thấy những kết quả cụ thể, đã đẩy ông tới chỗ mơ đến những công việc có ý nghĩa hơn,những cách thức hiệu nghiệm hơn để có được sự biết ơn và thoả mãn. Đức Chúa đã thấy những ý hướng trong tâm hồn bồn chồn rối ren của Baruc và đã hỏi ông :” Còn ngươi, ngươi vẫn còn tìm kiếm những điều lớn lao nữa sao?”. Thỉnh thoảng, Đức Chúa kêu gọi, chuẩn bị và giao phó cho những đàn ông và phụ nữ một nhiệm vụ lớn lao  – “lớn lao” theo quan điểm của Thiên Chúa. Nhưng khi ,giống như Baruc, chúng ta nhìn vào chính mình và tìm những điều lớn lao cho mình, thì sứ điệp của Thiên Chúa rõ ràng :” Đừng tìm kiếm chúng”, Với tư cách là Kitô hữu, Đức Chúa gọi chúng ta hãy suy nghĩ ‘lớn lao’ và hãy thu tích những kho tàng ‘lớn lao”, nhưng là làm điều đó ở trên trời (Mt 6, 20 – 21).

Những tài năng và những khả năng nào đã được trao cho bạn? Đâu là lời kêu gọi bạn? Sứ mệnh của bạn là gì? Một khi bạn biết rằng Đức Chúa đã cho bạn làm,thì hãy bám chặt vào. Cho tới khi Đức Chúa chỉ cho bạn thấy rõ rệt rằng bạn phải thay đổi về điều đó, hãy hết lòng vì công trình của Thiên Chúa (I Cr 15,58). Thỉnh thoảng, chiến lược hoặc phương pháp ứng dụng có thể phải thay đổi dưới ánh sáng những kết quả đạt được, nhưng tâm hồn chúng ta không cố định trên những con số thống kê. Trước hết, chúng ta ước ao lắng nghe Thầy chúng ta nói với chúng ta :” Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi” (Mt 25,20. Có phải đó luôn là khát khao của tâm hồn bạn không?

  1. THIÊN CHÚA CHỈNH SỬA CÁI NHÌN CỦA BARUC VỀ TƯƠNG LAI.

Một trong những nhân tố góp phần vào những suy nghĩ gây suy sụp tinh thần nơi Baruc,là ở chỗ ông không nhìn thấy chút hy vọng gì cho tương lai. Những nhà lãnh đạo Giuđa tiếp tục không biết đến sứ điệp của Thiên Chúa và Thiên Chúa chẳng lâu nữa sẽ dùng quân đội Babylone để xâm lăng,chém giết , hủy diệt và kiểm soát Giuđa. Đức Chúa đã phần nào xác nhận quan điểm ảm đạm của Baruc :”Nầy đây, Ta sẽ khiến bất hạnh đến trên mọi xác thịt” (Gr 45,5)

Sự việc Thiên Chúa quyết định ngừng lại một kế hoạch, gián đoạn một công việc phục vụ hoặc kể cả ra kỹ luật dân Người, không có nghĩa là Người bỏ đi,hoặc làm tiêu tan mọi hy vọng. Trên thực tế, chính những hành vi lật đổ và lấy đi là những chỉ dẫn rõ rệt rằng Thiên Chúa luôn liên can, chủ động và cầm lái. Bao lâu chúng ta còn ở trên thế gian, những thay đổi đau đớn như thế và những bất trắc hiển nhiên như thế đều có một mục đích. Và thật hạnh phúc vì luôn có một cái ‘nhưng” của Thiên Chúa.

Đức Chúa đã chúc phúc cho Baruc với việc ban cho ông lời hứa cá nhân nầy :”Nhưng Ta sẽ ban cho ngươi cuộc sống của ngươi làm chiến lợi phẩm,trong tất cả mọi nơi ngươi sẽ đi đến”. Lời hứa nầy xét về mặt lịch sử nằm ở giữa những biến cố nói đến trong chương 36. Sau khi nhà vua đốt cuộn sách (do tiên tri Giêrêmmia đọc cho Baruc ghi) và hạ lệnh bắt Baruc và Giêrêmia, thì xảy đến một “cái nhưng” nữa từ Thiên Chúa: NHƯNG Thiên Chúa đã che dấu họ” (Gr 36,26). Baruc được an toàn; Đức Chúa đã bắt đầu giữ lời Người hứa.

Bạn có sợ tương lai không? Nhãn quan của bạn có bị lu mờ vì những suy nghĩ u ám của bạn chăng? Đức Chúa chưa bao giờ hứa với chúng ta trên trần gian nầy, rằng chúng ta sẽ chỉ biết đến duy nhất sự tăng trưởng không ngừng và  thành công trông thấy. Nhưng Người đã nói với chúng ta :” Hãy đi. Nầy đây Thầy sẽ ở cùng các con luôn mãi” (Mt 28,19 – 20). Đối diện với một cuộc tấn công thiêng liêng,chúng ta biết rằng những lời hứa tốt lành của Đức Chúa chúng ta trải rộng vượt xa  cuộc lữ hành ngắn ngủi trên trần thế của chúng ta, cho đến ngày Người trở lại đón chúng ta về bên cạnh Người (x. Ga 14, 1 – 3)

Sau khi đã nhận lãnh bằng lời hứa sự bảo đảm ông sẽ có sự sống an toàn,Baruc còn sợ bị bắt và giết chết chăng? Có thể, nhưng ông đã không phải làm như thế.Chúng ta chỉ có thể vui hưởng những lời Thiên Chúa hứa ban, nếu chúng ta biết và tin theo. Chúng ta có thật sự tin những lời Thiên Chúa hứa chăng?

 KẾT LUẬN.

Chúa Cha của chúng ta ở trên trời nhìn thấy tất cả những gì đang diễn ra trong nội tâm của mỗi người trong chúng ta. Người luôn quan tâm lo lắng đến chúng ta. Cũng như Baruc, nhiều người trong chúng ta thấy mình được trao phó một vài bổn phận nho nhỏ. Cũng như Baruc, chúng ta cũng có thể thỉnh thoảng cảm thấy mệt lả và thất vọng chán nản. Chúng ta không nhìn thấy những kết quả mà chúng ta mong muốn và có thể bắt đầu cho rằng việc chúng ta làm chẳng nên tích sự gì. Đức Chúa nhìn vào điều gì nơi tất cả những kẻ phục vụ Người? Chỉ có hai tiêu chuẩn mà Người dùng để định giá thực tế của mỗi cuộc sống trên trần gian là VÂNG LỜI và TRUNG TÍN. Vậy chúng ta hãy tiếp tục lắng nghe,vâng phục và tiến bước.

 BARUC : LE SEIGNEUR ENCOURAGE UN SECRÉTAIRE DÉCOURAGÉ.

Philip Nunn,

Promesses số 173 (tháng 7-8-9. 2010)

Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ