Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu Nhiệm Sáng (5): Là của lễ bẻ ra
- Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể
Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu
Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”. (Mt 26,26-29)
Suy niệm:
Cái gì rồi cũng phải đi đến hồi kết. Cuộc đời tại thế của Đức Giêsu đang đi đến những chặng cuối cùng. Hành trình rao giảng công khai cũng sắp gặp điểm dừng của nó. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi rong ruổi khắp nơi để truyền giảng Tin Mừng, Đức Giêsu được nhiều người yêu mến, nể phục, nhưng cũng gặp không ít chống đối từ giới lãnh đạo tôn giáo lẫn xã hội thời ấy. Vì mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ công lý và sự thật, Giêsu bị những người có thế lực rắp tâm bày kế hãm hại. Thực ra, những người này đã có ý định xấu xa này từ lâu, nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện. Đã không biết bao nhiêu lần, họ cử người theo dõi, lập mưu gài bẫy để đưa Đức Giêsu “vào tròng”. Nhưng vì “giờ của Ngài chưa đến”, nên họ không thể làm được gì hơn trước sự thông minh và lối hành xử khôn ngoan của Ngài. Giờ đây, khi mọi cái đã đi đến đỉnh điểm, Đức Giêsu biết rằng Ngài sắp bước vào cuộc khổ nạn, sắp phải ra đi, sắp phải chịu chết như một con chiên hiến tế đền tội cho muôn dân. Lòng Ngài ngổn ngang bao nhiêu tâm sự mà chẳng ai hiểu được. Nỗi lo lắng khi sắp phải chịu chết cách nhục nhã khiến Ngài nôn nao, nhưng sự ly biệt với các môn đệ cũng là điều làm con tim Ngài thổn thức.
Trong một bữa ăn tối, bữa ăn cuối cùng, Ngài đã dùng hết cảm xúc của mình để chia sẻ với các môn đệ những tâm tư tận đáy lòng sâu kín, những lời nhắn nhủ bảo ban, lời căn dặn, lời động viên. Những lời ấy hệt như một chúc thư tràn trề ý nghĩa đã được “người môn đệ Chúa yêu” nhạy cảm ghi lại. Cũng vào đêm hôm ấy, Đức Giêsu đã thực hiện hành vi của một người tôi tớ, hạ mình rửa chân cho các môn đệ để nêu cao bài học phục vu và yêu thương. Nhưng hơn hết, ngay trước hành trình thương khó, Đức Giêsu đã có một sáng kiến vô cùng táo bạo, thể hiện mạnh mẽ quyền năng cũng như tình yêu của Thiên Chúa. Ngài cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và bảo họ hãy cầm lấy mà ăn vì đây là thân mình của Ngài, một thân mình bị bẻ ra cho người thế. Ngài cũng cầm chén rượu, dâng lời chúc tụng, trao cho các môn đệ và bảo họ hãy uống vì đây là máu của Ngài, máu giao ước, máu đổ ra để giao hòa nhân thế với trời cao. Ngài còn truyền cho các ông hãy làm lại cử chỉ này để tưởng nhớ đến Ngài. Ngài ban cho các ông năng quyền biến bánh và rượu thành Mình và Máu cứu độ của Ngài.
Lúc trước, Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa bị vùi vào lòng đất, phải thối rữa, bị tiêu hủy để sinh ra những mầm sống mới. Giờ đây, Ngài đã dùng hình ảnh chiếc bánh bị bẻ ra để diễn tả chính mình. Một chiếc bánh mà không bị bẻ ra, không ai thèm đụng đến, không người nào muốn ăn, là một chiếc bánh vô dụng và chỉ đáng để vứt đi. Nó không còn là chiếc bánh theo đúng nghĩa của nó. Một chiếc bánh dù đẹp, dù lớn, dù cần rất nhiều công sức để làm, nhưng chỉ để trưng cho vui, chứ không được bẻ ra cho người ta thưởng thức, thì nó không là một chiếc bánh theo nghĩa trọn vẹn nhất mà chỉ là một vật để người ta ngắm nhìn. Đức Giêsu đã không sai khi dùng hình ảnh ví von này để chỉ về mình. Cả cuộc đời của Ngài luôn là một sự “bẻ ra” như thế. Ngài chưa bao giờ là một hình nộm đẹp mắt, lấp lánh lộng lẫy, đứng từ xa cho người khác ngắm nhìn rồi thán phục. Trái lại, Ngài đã trút bỏ tất cả, hòa đồng với người, trao ban chính mình đến không còn gì cả. Là thân phận Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hủy mình ra không, chịu biến mất, xuống dưới đáy cùng tận của mọi đau khổ và sỉ nhục để nâng tất cả mọi người lên. Chiếc bánh đời Ngài đã được “bẻ ra”, chia sẻ cho tất cả để những ai thưởng thức chiếc bánh ấy thì có được sự sống thần linh của Ngài.
Cứ mỗi khi dâng thánh lễ, tham dự thánh lễ hay ngồi một mình nguyện cầu trước Thánh Thể, người tu sĩ được mời gọi để chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa cao cả đang ẩn mình trong tấm bánh nhỏ xíu trên bàn thờ hay trong nhà Tạm. Hình ảnh một tấm bánh nhỏ xíu, nằm bất động, chẳng có gì đẹp mắt và khác thường, đối với bao nhiêu người khác thì cũng bình thường thôi, nhưng với những ai có lòng tin, đặc biệt là những tu sĩ, thì đó là cả một huyền nhiệm chất chứa bao yêu thương từ trời cao gửi xuống. Nó nhắc nhớ họ về một con người đã hiến tế chính mình làm lễ dâng đền tội cho nhân thế. Nó gợi lên trong họ hình ảnh một con người đã suốt một đời chịu hy sinh, chịu thiệt thòi để trao ban cho người khác những giáo huấn khôn ngoan, tình thương yêu nồng ấm, những an ủi xoa dịu tâm can. Hôm qua, hôm nay hay mai sau, Ngài vẫn cứ im lìm, hiền hòa, nhẹ nhàng ở đó, trong dáng vẻ bên ngoài hết sức bình dị và gần gũi để chờ người ta chạy đến mà tìm kiếm sự đỡ nâng. Hy sinh là chết, nhưng là chết để được sống, nên hy sinh cũng là sống, sống một cách sung mãn và tràn trề hơn. Nghịch lý của Giêsu là vậy: khi ta hy sinh, ấy là ta đang sống cách hoàn hảo nhất.
Đức Giêsu đã truyền dạy bí quyết hạnh phúc này cho các môn đệ của Ngài. Nó đi ngược lại với những gì thế gian vẫn hay quan niệm và làm theo. Người tu sĩ vẫn thường được gọi là người sống đời dâng hiến. Dâng hiến nghĩa là không còn giữ lại cho mình nữa. Dâng hiến là dành tặng trọn vẹn con người mình vì lợi ích của tất cả. Dâng hiến là trao phó mình cho Chúa, để Ngài biến mình thành của ăn, của uống cho người ta. Bởi thế, sống đời dâng hiến cũng có nghĩa là không ngừng “bẻ mình ra” liên tục để mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Người tu sĩ đánh đổi niềm vui và sự sống cho người khác bằng chính sự hy sinh của mình. Họ hy sinh để người khác được no, được vui, được cười, được bình an. Họ hy sinh để người khác có được những điều kiện thuận lợi để vun đắp cho cuộc sống của mình. Đây là điều mà chẳng mấy người thích thú, nhưng đó thực sự là điều mà Thầy Giêsu mong mỏi nơi các môn đệ của mình.
Hy sinh để được sống thường bị cho là đi ngược lại với tự nhiên, nhưng thực ra nó là một nguyên lý rất tự nhiên. Một tương quan mà không có sự hy sinh sẽ không bao giờ bền vững. Tình cảm gia đình có trở nên ấm nồng cũng là nhờ có những sự hy sinh âm thầm của cha mẹ. Đời sống của cộng đoàn, của giáo xứ sẽ không bao giờ thăng tiến, nếu không có ai đó chấp nhận hy sinh. Nhìn trên phương diện rộng lớn của xã hội, nơi diễn ra biết bao điều bất trắc, tai ương, ta thấy cần biết bao những con người dám quên đi chính mình và lợi ích của cá nhân để mưu cầu niềm vui cho người khác. Có những công việc chẳng ai muốn động vào, có những con người bị bao đắng cay vùi dập đến rách nát tả tơi mà chẳng ai muốn để ý tới… Họ cần một bàn tay, một con tim, một tấm lòng để giúp họ đứng dậy và làm lại cuộc đời. Người tu sĩ “bẻ đời mình” ra, chính là để “nuôi sống” những con người đó bằng sự phục vụ của mình. Chính khi hy sinh như thế, họ thấy mình sống cuộc sống dâng hiến của mình thật ý nghĩa. Họ thấy có một niềm hân hoan tràn ngập trong cõi lòng. Họ có thể bị thiệt thòi nhiều điều, nhưng chưa bao giờ họ thấy mình sống mỹ mãn đến như vậy.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ