Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu Nhiệm Thương (1): Một nỗi cô đơn

Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu Nhiệm Thương (1): Một nỗi cô đơn

  1. Đức Giêsu trong Vườn Dầu

Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu

Bấy giờ Ðức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, trong lúc Thầy đi đến đàng kia cầu nguyện“. Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,nhưng thể xác lại yếu đuối”. Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện”. Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.  Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Ðứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!” (Mt 26,36-46)

 Suy niệm:

 Sau khi dùng bữa tối chia tay với các môn đệ, căn dặn các ông những điều cần thiết, Đức Giêsu và các ông đi đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Tại đây, Đức Giêsu đã có một kinh nghiệm đau buồn đến khủng khiếp. Nơi khu vườn vắng ngắt, một mình Ngài quỳ gối cầu nguyện cùng Cha. Những gì đang chờ đợi Ngài phía trước thật quá đỗi kinh hoàng. Là một con người, Giêsu cũng sợ bị bỏ rơi, sợ đau, không thích bị sỉ nhục, không muốn bị đem ra làm trò hề, lại càng không muốn chết. Gánh mà Ngài phải chịu quả thực rất lớn lao, chẳng ai có thể nghĩ tới mà không bàng hoàng kinh hãi. Một mình Ngài quỳ gối nơi đấy để nguyện cầu cùng Cha. Các môn đệ thì ngủ say như chết. Chẳng ai buồn bận tâm quan sát và đủ nhạy cảm để hiểu và san chia cùng Ngài những nỗi lòng đang quyện vào từng giọt mồ hôi sợ hãi có pha lẫn chút máu chầm chậm chảy ra ngoài.

Giữa đêm khuya, hòa lẫn với tiếng côn trùng kêu là một tâm tình da diết đến kỳ lạ. Một cuộc đấu tranh diễn ra trong tâm hồn Ngài. Ngài sợ, sợ vì biết là mình sẽ phải trải qua nhiều đau đớn và nhục hình. Nhưng trong chính lúc này đây, Ngài bỗng thấy sợ nhiều hơn cả vì thấy chẳng có ai, chẳng có gì ở chung quanh để chia sẻ bao nỗi niềm cùng mình. Có những tâm tư sâu kín mà Ngài không biết phải thỏ thẻ cùng ai, vì chẳng ai hiểu và đồng cảm với Ngài. Một nỗi cô đơn to lớn như bao phủ lấy Ngài, khiến Ngài cảm thấy như mình đang chơ vơ giữa dòng đời bạc bẽo. Suốt một đời thi ân giáng phúc, giúp đỡ người ta, giờ đây, cái mà Ngài nhận được chỉ là một sự bỏ mặc. Người ta có lúc cũng khen Ngài đó, cũng tung hô Ngài đó, nhưng rồi người ta cũng phải quay về với cuộc sống của họ, với những bận tâm của họ, chứ có ai đi theo Ngài đến cuối chặng đường đâu. Ngay cả các môn đệ, những người được cho là cận kề với Ngài nhất, cũng chẳng muốn biết là Thầy đang nghĩ gì, làm gì. Lúc này, họ chỉ muốn ngủ một giấc cho đã, cho sướng cái tấm thân. Rốt cuộc, cũng chỉ còn Ngài với Ngài, đối diện với chính mình, đối diện với nỗi lòng khó nói, đối diện với cây thập giá đang chờ Ngài vác trên vai.

Kinh nghiệm của Đức Giêsu trong Vườn Dầu nhắc nhở những người sống đời dâng hiến về một sự cô đơn mang tính hiện sinh của đời tu. Nỗi cô đơn là kẻ thù kinh khiếp nhất của con người. Nó không làm cho người ta chết ngay, nhưng nó cứ dày xéo họ, làm cho tâm hồn họ ngày một héo úa. Có một cái chết khác đang từ từ thấm vào họ, khiến họ chẳng thực sự là sống nữa, dù vẫn chưa hoàn toàn chết. Hơn ai hết, các tu sĩ là người nghiệm thấy điều này thật rõ ràng. Đằng sau tất cả những hào nhoáng của đời tu, cũng có một màn đêm của Vườn Dầu chờ sẵn. Vì không có một gia đình riêng, nên chẳng bao giờ họ có cảm giác của một con chim về tổ hay con chồn về hang. Cộng đoàn có thể là nơi họ sống và làm việc, nhưng không phải lúc nào đó cũng là nơi tràn trề hạnh phúc. Trời đã định rằng hai phái tính khác nhau phải kết hợp với nhau thì mới giúp cả hai kiện toàn. Những người tu sĩ, vì lời tuyên khấn của mình, đã không thể nào tìm thấy được sự kiện toàn theo kiểu như thế này. Họ “kết hôn” với Đức Giêsu, họ dâng hiến mình cho Chúa. Nhưng đâu phải lúc nào niềm tin cũng đủ mạnh để họ sống được “sự liên kết” này. Nỗi cơ đơn của hiện sinh con người vẫn còn đó, trong trái tim họ.

Huyền nhiệm về đời tu đúng là khó tả. Bản chất của đời tu, một đời sống độc thân vì Nước Trời, chính là lao mình vào cuộc chiến với sự cô đơn của phận người. Nơi đó, họ như thấy rõ ràng cái trần trụi mỏng manh của loài thụ tạo. Họ nhận ra sự yếu đuối và bất lực của mình trước sức tấn công như vũ bão của dòng đời đầy bất trắc. Nơi nào cũng là thánh giá, chỗ nào cũng đòi phải hy sinh. Và họ phải vui lòng vác hết tất cả những điều đó một mình mình mà thôi. Chắc chắn là Chúa giúp họ, nhưng Ngài ẩn mình đến độ họ chẳng thể nhận ra. Họ như thể đơn phương vác vũ khí đi chiến đấu với kẻ thù, mà thấy trong mình như chẳng còn sức gì nữa. Mọi thứ xung quanh chẳng ngó ngàng gì đến họ. Người ta không tin những gì họ chia sẻ. Người ta xem tâm tư của họ chỉ là chuyện bông đùa. Rồi người ta để mặc họ đó để đi tìm một giấc ngủ cho sảng khoái bản thân. Họ có khóc, có gào lên, có thổn thức, có đổ huyết lệ… cũng chẳng ai có giờ mà để ý. Người ta khen họ đó, nhưng chỉ ở ngoài kia thôi. Người ta tung hô họ đó, nhưng cũng chỉ một lúc thôi. Những thứ ấy rồi cũng qua đi hết. Người ta cũng phải về nhà mình và lo cho cuộc sống của mình chứ. Nơi góc phòng hay trên giường bệnh, rốt cuộc cũng chỉ có một mình họ mà thôi.

Kinh nghiệm nơi Vườn Dầu của Đức Giêsu cũng hệt như kinh nghiệm của những tu sĩ khi phải đối diện với những chọn lựa quan trọng của cuộc đời. Nơi đó, họ cảm thấy bối rối đến khôn cùng khi đứng trước hai chọn lựa. Một chọn lựa sẽ mang đến cho họ sự an nhàn, thoải mái. Và một chọn lựa khác đòi hỏi họ phải bỏ mình và hy sinh rất nhiều. Cái trớ trêu là họ ý thức rất rõ rằng, con đường nơi chọn lựa thứ hai chính là điều Chúa muốn. Ý mình hay ý Chúa? An phận hay chịu thiệt thòi? Cứ bình bình mà sống hay dấn thân không mệt mỏi? Con người như xé ra làm đôi vì hệt như có một cuộc chiến cam go đang diễn ra trong mình. Khi chọn đời tu, người tu sĩ đã đi vào trong sự căng thẳng giữa cái tự nhiên của mình – tìm thoải mái cho thể xác, với cái siêu nhiên – hướng về sự từ bỏ liên lỉ với tình yêu. Có những người đã chọn đứng lên và tiếp tục hành trình thập giá. Nhưng cũng có người đã không muốn nhận lấy Thánh Ý Cha trao. Những người này sống đời tu của mình một cách vật vờ, sống cho qua ngày đoạn tháng, chứ chẳng sinh được ích lợi thiêng liêng gì.

Ngay tận sâu trong cuộc chiến trong đời tu ấy, người tu sĩ được mời gọi có một thái độ và tâm tình như Giêsu. Nơi góc nhỏ của nhà nguyện là nơi mà họ tìm đến gặp Chúa để xin được nâng đỡ. Nơi ấy, có thể có những giọt nước mắt đổ ra, những câu hỏi không ngừng vang lên chất vấn Chúa. Có thể sẽ có những giằng co trong tâm hồn. Nhưng cái kết của tất cả lời cầu nguyện ấy là một tiếng xin vâng thật mạnh mẽ và kiên cường. Bản chất của đời tu hệ ở việc xin vâng vác thập giá dù có khi chẳng hiểu tại sao Chúa muốn mình làm thế. Và cái thập giá đầu tiên mà mình phải vác trong đời tu chính là sự cô đơn của mình, là cuộc nội chiến diễn ra trong mình. Có thể vượt qua được đêm tối Vườn Dầu này, họ mới đủ sức lên đồi để thực hiện cuộc hiến tế chung cuộc. Kinh nghiệm của Giêsu tại Vườn Giếtsêmani đã nói lên điều đó.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

print