Giá Trị Của Xuôi Và Ngược Dòng

print

GIÁ TRỊ CỦA XUÔI VÀ NGƯỢC DÒNG

Khá lâu rồi không xem Tivi, nhưng hôm qua tôi mở lên xem kết quả bóng đá Euro 2024 như thế nào! Tôi nghe bình luận viên nói, đội bóng này đã lội ngược dòng ngoạn mục để thắng 2-1 và đội bóng kia cũng vậy, tận dụng những phút sau cùng để thắng kịch tính 3-2. Khi được nghe những lời bình luận như thế, tôi chợt có suy nghĩ về xuôi và ngược dòng của cuộc sống ngoài xã hội và trong Giáo hội ngày nay. Vì chủ đề khá rộng, nên tôi xin chia sẻ một chút về giá trị của dòng nước tự nhiên và “dòng nước siêu nhiên”.

 

Nhìn vào dòng nước tự nhiên, chúng ta dễ dàng nhận ra nước chảy từ cao xuống thấp. Vì thế, thông thường, khi lưu thông trên sông, trên kênh rạch hoặc trên biển, người ta tận dụng dòng chảy tự nhiên do sức gió hay sức nước, để đẩy nhanh tốc độ đi lại, tránh hao mòn sức lực vô ích, và nhất là tránh bị rủi ro khi vượt thác ghềnh. Vì vậy, chả mấy ai muốn làm công việc trái ngược này.

 

Tuy nhiên, có những lúc chúng ta chúng ta mạo hiểm phải lội ngược dòng để cứu người hoặc giúp thuyền hay trục vớt cái gì đó… Hơn nữa, hầu hết các loài cá, theo bản tính tự nhiên, chúng có thói quen lội ngược dòng nước trong mọi tình huống. Quan sát ở những nơi nước chảy, nhất là lúc trời đang mưa và sau mưa, mọi loài cá đều có thói quen bơi ngược về phía nước. Chúng lách qua mọi chướng ngại vật trên đường, như cây cỏ, gỗ đá, vật cản để tiến về nơi mà theo bản năng, chúng đoán sẽ có nước lớn, nước đầy và hứa hẹn điều mới mẻ cho một môi trường sinh sống tốt đẹp hơn tương lai.

 

Nhìn vào xã hội và Giáo hội hiện nay, hầu như con người thích xuôi theo dòng đời nhiều hơn là ngược dòng. Bởi vì, khi chúng ta xuôi dòng có nhiều lợi ích như: rảnh rỗi, tiện lợi, ít hao công tốn lực, cũng ít ai quan tâm để ý và cũng ít làm phiền lòng ai vì “ta sao tôi vậy”. Ngoài ra, nếu ta lội ngược dòng sẽ hao tâm, hao lực, có nhiều người quan tâm chú ý và thậm chí ai cũng thấy. Có những người thiện chí thì động viên, khích lệ nhưng cũng có những người không cùng quan điểm thì chỉ trích, phê bình và cười chê!

 

Trước tình cảnh như vậy, chúng ta sẽ làm gì? Mỗi người có quan điểm và chọn lựa khác nhau tùy theo chủ trương sống. Chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên lên người khác, nhất là trong môi trường xã hội hiện tại. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, cách riêng là những người dấn thân theo Chúa. Chúng ta cần noi gương theo Chúa Giêsu, dám lội ngược dòng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể, Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ đến thành Giêrikhô, và một đám người khá đông, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên là Batimê. Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi nhưng Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”  và Chúa chữa lành cho anh (Mc 10,46-52). Nếu Chúa Giêsu cũng “xuôi dòng” theo đám đông im lặng cho qua, hay im lặng bước đi thì anh mù này có được sáng mắt và nhìn thấy được ánh sáng ơn cứu độ của Đức Giêsu không?

 

Hơn nữa, khi Chúa Giêsu thông báo cho các Tông đồ, Ngài lên Giêrusalem, thì bị can ngăn, đặc biệt là Phêrô. Trước sự việc như vậy, Chúa Giêsu đã quở trách nặng Phêrô: “Sa tan hãy lui lại đằng sau thầy, vì tư tưởng của anh là phàm nhân” (Mt 16,21-23). Qua hình ảnh trên, có khi nào chúng ta theo Chúa nhưng ngại lội ngược dòng như Phêrô và các tông đồ. Nếu Chúa Giêsu nghe theo Phêrô mà không “lội ngược dòng” thì làm sao Ngài có thể kéo mọi người lên với Ngài (Ga 12,32).

 

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cần thích nghi môi trường xã hội và hoàn cảnh để chúng ta có thể xuôi hay ngược dòng. Tuy nhiên, với đời sống siêu nhiên, chúng ta cần can đảm lội ngược dòng để lôi kéo những ai đang “chìm” trong dòng nước của “thế gian”, nhất là các bạn trẻ dễ dàng chối bỏ đức tin, coi thường các Bí tích, sẵn sàng ly thân và ly hôn, dù luật của Giáo hội không cho phép!

 

Ngoài ra, chúng ta cần sức mạnh của Chúa Thánh Thần để lội ngược dòng trong việc giáo dục và đào tạo. Hầu hết các trường học ngoài xã hội đào tạo về kiến thức và kỹ năng để họ tìm được việc làm và thành công trong cuộc sống. Riêng những người dấn thân theo Chúa, chúng ta không chỉ đào tạo và tự đào tạo về kiến thức, kỹ năng mà còn trở thành những giáo sĩ và tu sĩ trẻ đạo đức, thánh thiện ở hiện tại và tương lai; hầu trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian; Từ đó có thể lôi kéo nhiều tâm hồn đang lầm lạc trong bóng tối trở về ánh sáng sự thật của Chúa Kitô (Mt 5,13-16).

 

Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những mẫu gương tuyệt vời của các thánh, các ngài đã hy sinh, dấn thân và hầu hết đều lội ngược dòng, thậm chí bị kết án, tù đày và kể cả cái chết như thầy chí thánh Giêsu. Nhờ kiên trì lội ngược dòng nước của thế gian, các ngài gặp được dòng nước trong lành của Đức Kitô; qua đó các ngài được dẫn tới suối nguồn yêu thương của Chúa Ba Ngôi trên trời.

 

Ngược dòng khó nhọc lắm thay

Người chê kẻ ghét tương lai mịt mờ

Nhiều người cảm nhận thờ ơ

Nhưng mà Chúa đã đợi chờ chúng ta.

 

Dấn thân tích cực thiết tha

Hy sinh thập giá miễn là nêu gương

Trần gian không phải thiên đường

Phao-lô nhắn nhủ quê hương trên trời.

 

Lm. Biển Xanh.