Bài 77: Kinh nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Kinh Thánh

print

Bài 77: Kinh nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Kinh Thánh 

 

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật XVI Thường niên, năm B, sắp tới, thánh Mác-cô ghi nhận rằng : “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34). Kinh Thánh nhiều lần cho thấy Thiên Chúa chạnh lòng thương con người, dân Ít-ra-en hay những cá nhân cụ thể.

Lòng thương xót của Thiên Chúa còn được diễn tả cách sống động và tuyệt vời hơn nữa nơi Đức Giê-su là “dung mạo về lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm xem Kinh Thánh nói sao về lòng thương xót của Thiên Chúa và nhất là kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa qua một số nhân vật trong Kinh Thánh.

1. Thuật từ Cựu Ước diễn tả “lòng thương xót của Thiên Chúa”

Trong Kinh Thánh Híp-ri (tức là Kinh Thánh Cựu Ước của chúng ta) có một số từ ngữ được dùng để chỉ đến “lòng thương xót của Thiên Chúa”, như : “a-ha-vah” (אַהֲבָה)“ra-kham” (רחם), và “khe-sed” (חֶסֶד).

+ Thuật từ a-ha-vah có nghĩa là “tình yêu”. Từ ngữ này được dùng để trình bày tình phụ tử (x. St 22,2), tình phu thê (x. St 24,67 ; 1 Sm 18,20), tình bạn tri kỷ (x. 1 Sm 20,17), và thuật từ “a-ha-vah” này đã được các tác giả Sách Thánh dùng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người, chẳng hạn như :

Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má ; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn (Hs 11,4).

Hoặc :

Từ xa ĐỨC CHÚA đã hiện ra với tôi : Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương (Gr 31,3).

+ Thuật từ ra-kham nghĩa là “chạnh lòng thương”“lòng trắc ẩn” cùng gốc với từ “rechem” nghĩa là “tử cung” hay là dạ mẹ” và được các tác giả Sách Thánh dùng để diễn tả “tình mẫu tử” giữa Thiên Chúa với con người.

    Như người Cha chạnh lòng thương con cái,

    Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn (Tv 103,13).

+ Thuật từ khe-sed nghĩa là “lòng thương xót”“lòng nhân nghĩa”“lòng nhân hậu”“lòng nhân từ”… và thuật từ “khe-sed” này thường đi kèm với thuật từ “e-met” nghĩa là “trung tín” (x. Tv 85) làm nên thành ngữ diễn tả “lòng nhân nghĩa” và “sự thành tín”. Thành ngữ đó được áp dụng cho Thiên Chúa nhằm trình bày Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa “nhân nghĩa và thành tín”.

Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương (Gr 31,3).

Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ,

thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu (Hs 6,6).

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136,1).

Ngoài ra thuật từ “khe-sed”, tức là “lòng nhân nghĩa” còn gắn liền với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân Ít-ra-en, qua đó diễn tả mối tương quan của Chúa với dân Người về cơ bản là mối tương quan chứa chan lòng nhân từ, thương xót và tốt lành của Thiên Chúa dành cho dân Ít-ra-en, bất chấp việc Ít-ra-en thường xuyên tỏ ra rằng họ không xứng được như thế. Trên phương diện này, thuật từ “khe-sed” còn diễn tả “lòng thương xót” và “sự tha thứ” của Thiên Chúa như là những yếu tố làm nên “sự trung tín” của Thiên Chúa đối với dân của Người.

Sau này, các dịch giả bản Bảy Mươi đã sử dụng từ Hy-lạp “e-le-os” (ἔλεος) có nghĩa là “lòng trắc ẩn” (x. Lc 1,78), hay là “lòng thương xót” (x. Rm 11,31) để diễn tả “lòng nhân nghĩa” này (x. Lc 1,78), còn trong Bản Phổ Thông (Vulgata) thì thánh Giê-rô-ni-mô dùng từ ngữ La-tinh “misericordia” có nghĩa là “lòng thương xót”. Tất cả các từ ngữ trên đều được dùng để diễn tả các khía cạnh tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân Người.

Tuy nhiên, mặc dù Thiên Chúa là “Đấng giàu nhân nghĩa và thành tín”, nhưng điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa thờ ơ, hoặc dung túng cho những gì bất chính, trái lại Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự công chính và yêu cầu chúng ta sống công chính (xin xem bài số 18 của chương trình).

2. Lòng thương xót trong Tân Ước

Có thể nói một cách mạnh mẽ rằng điểm kết nối giữa Cựu Ước và Tân Ước chính là “lòng thương xót của Thiên Chúa”, và Chúa Giê-su chính là “khuôn mặt lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Sở dĩ chúng ta có thể khẳng định như vậy là vì “lòng thương xót của Thiên Chúa” chính là bối cảnh nền tảng cho các giáo huấn của Chúa Giê-su. Chẳng hạn như trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su đã kể câu chuyện về “Người Đầy Tớ Không Biết Xót Thương” đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc như thế nào khi không biết xót thương người đồng loại (x. Mt 18,23-35). Qua đó, Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải tha thứ cho người khác, vì chính chúng ta cũng đã được Thiên Chúa thứ tha. Vì thế trong bài giảng khai mạc sứ vụ tại thế của mình (Bài Giảng Trên Núi), Chúa Giê-su đã đúc kết bài giảng đó bằng lời giáo huấn được xem là khuôn vàng thước ngọc :

Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó (Mt 7,12),

và Chúa Giê-su cũng nói :

Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9,13).

Vậy, có lẽ điều quan trọng nhất đối với các Ki-tô hữu là Chúa Giê-su cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa có ý nghĩa dường nào khi Người chữa lành những kẻ bệnh hoạn tật nguyền, cho kẻ chết sống lại, tiếp đón người tội lỗi, tha thứ cho những kẻ bắt bớ và đóng đinh Người… Rõ ràng chúng ta là những người có được diễm phúc chiêm ngắm “khuôn mặt lòng thương xót của Thiên Chúa” nơi Chúa Giê-su, Chúa chúng ta.

3. Kinh nghiệm về “lòng thương xót của Thiên Chúa”

Có thể nói “lòng thương xót của Thiên Chúa” là một trong những chủ đề được nhấn mạnh nhất trong Kinh Thánh, và là một trong những sự thật mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, và Người như thế nào. Ngoài ra, nhờ “lòng thương xót của Thiên Chúa” mà chúng ta có thể nhận biết sự thật về chính bản thân chúng ta rằng chúng ta chẳng là gì nếu Thiên Chúa không thương xót chúng ta (x. Lc 1,78).

Kinh Thánh nhiều lần ghi lại những câu chuyện mà Thiên Chúa mặc khải về “lòng thương xót của Người” cho những người Chúa chọn, chẳng hạn như : ông Mô-sê, vua Đa-vít, ngôn sứ Giê-rê-mi-a, thánh Phao-lô,… qua đó muốn nói với chúng ta rằng mỗi người đều có thể nhận biết và đều có cơ hội để trải nghiệm “lòng thương xót của Thiên Chúa” một cách cá nhân như vậy.

a. Kinh nghiệm của ông Mô-sê

Kinh nghiệm về “lòng thương xót của Thiên Chúa” của ông Mô-sê được khởi đi từ việc ông được Thiên Chúa gọi và chọn ông làm người đưa dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập (x. Xh 3,7-10), và Đức Chúa đã thực hiện việc giải thoát dân Ít-ra-en như lời Người phán :

Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật (Xh 3,7-8).

Cuối cùng sau khi đưa dân ra khỏi Ai-cập và thiết lập giao ước với dân thì Đức Chúa là Thiên Chúa còn mặc khải cho biết Người là một vị Thiên Chúa “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (x. Xh 34,6b-7), và qua đó trình bày cho thấy “lòng thương xót của Thiên Chúa” cũng chính là vinh quang của Đức Chúa mà ông Mô-sê đã diễm phúc chiêm ngắm khi Người đi qua trước mặt ông. Từ đó, mặc khải về Đức Chúa là một vị Thiên Chúa nhân từ đã trở thành mặc khải quan trọng bậc nhất về Đức Chúa, và mặc khải đó luôn được nhắc đi nhắc lại cho Ít-ra-en : “CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145,8 ; xt. 1 V 3,6 ; 2 Sb 30,8 ; Nkm 9,17.25.31 ; Tv 23,6 ; 68,11 ; 73,1).

b. Kinh nghiệm của vua Đa-vít

Có thể nói rằng vua Đa-vít là vị vua đã phó mình hoàn toàn cho “lòng thương xót của Thiên Chúa”. Điều này được nhà vua trình bày qua các Thánh Vịnh, cụ thể là Thánh Vịnh 51 :

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền ;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe

tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm (Tv 51,3-4.9-11).

c. Kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a

Trong thời lưu đày ở Ba-by-lon, Ít-ra-en thực sự khủng hoảng mọi mặt, đến độ ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã phải thốt lên những lời than vãn đầy cay đắng tủi nhục. Tuy nhiên giữa những lời ai oán đó, vị ngôn sứ vẫn cho thấy lấp loé một tia hy vọng vào “lòng thương xót của Thiên Chúa”, khi ông nói :

Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con,

và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng.

Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng,

khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi.

Đây là điều con suy đi gẫm lại,

nhờ thế mà con vững dạ cậy trông :

Lượng từ bi ĐỨC CHÚA đâu đã cạn,

lòng thương xót của Người mãi không vơi.

Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới.

Lòng trung tín của Người cao cả biết bao !

Tôi tự nhủ : “ĐỨC CHÚA là phần sản nghiệp của tôi,

vì thế nơi Người, tôi trông cậy” (Ac 3,19-24).

Theo đó, vào chính thời điểm và chính nơi mà dân Chúa bị cám dỗ nhiều nhất để từ bỏ niềm hy vọng, thì vị ngôn sứ đã chỉ ra rằng “lòng thương xót của Thiên Chúa” vẫn tuôn tràn và mới mẻ mỗi ngày.

d. Kinh nghiệm của thánh Phao-lô

Đối với thánh tông đồ Phao-lô thì vinh quang của một vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu mà ông Mô-sê đã thấy, vua Đa-vít đã cảm nghiệm, và ngôn sứ Giê-rê-mi-a hằng trông cậy, tất cả đều được biểu lộ một cách hoàn hảo qua Đức Ki-tô. Và kinh nghiệm đó luôn được ông nhắc đi nhắc lại như một lời tạ ơn :

Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời (1 Tm 1,16).

Như vậy, “lòng thương xót của Thiên Chúa” được biểu lộ như là vinh quang của Thiên Chúa đã được Thiên Chúa mặc khải cho con người xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, đặc biệt nơi Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, hầu mỗi người có thể đón nhận mặc khải đó, và từ đó có thể đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa từ bi nhân hậu muốn ban cho nhân loại.

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,

con nguyện tán dương Chúa

và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương.

CHÚA nhân ái đối với mọi người,

tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,

kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.

Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,

và chính Ngài đúng bữa cho ăn.

Khi Ngài rộng mở tay ban,

là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.

CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,

đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,

chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh

đến muôn thuở muôn đời !

(Tv 145,1.8-9.15-17.21)