Tình Yêu Hiệp Thông

print

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B

TÌNH YÊU HIỆP THÔNG

Lm. Giuse Nguyễn

Có một thời VTV3 của đài Truyền hình Việt Nam phát sóng những chương trình rất ý nghĩa, đầy tính nhân văn, coi mãi, coi hoài mà không chán. Ví dụ chương trình: “Vượt lên chính mình”, “khát vọng sống”, “như chưa hề có cuộc chia ly”… Những chương trình này hấp dẫn, xúc động vì nó chạm đến trái tim người ta, nó làm cho người xem thấy được tình yêu trong cuộc đời; tình yêu nơi những con người dù sống trong đau khổ vẫn luôn hướng về phía trước, tin tưởng vào tương lai, và sống hết mình cho hiện tại; tình yêu nơi những con người biết cảm thông, chia sẻ với người khác cả vật chất lẫn tinh thần, để cho những người kém may mắn thấy rằng tình người vẫn còn chan hòa trong cuộc sống, thấy rằng mình vẫn được yêu thương. Đó chính là một tình yêu hiệp thông.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: 2 V 4, 42-44

Trong bài đọc 1, sách Các Vua kể lại cho chúng ta vào khoảng những năm 850-840 TCN, lúc Israel đang gặp nạn đói, có một người đem đến cho ông Êlisa, người của Thiên Chúa 20 chiếc bánh. Đang lúc gặp nạn đói mà có bánh ăn, có thể người ta sẽ cất giấu rất kỹ để thủ thân. Còn ở đây, người của Thiên Chúa sai đệ tử “Phát cho người ta ăn”. Từ sự rộng rãi, quên mình của Êlisa mà Thiên Chúa đã làm dấu lạ từ 20 chiếc bánh cho cả trăm người ăn.

  1. Bài Đọc II: Ep 4, 1-6

Thánh Phaolô đã kêu gọi giáo dân thành Êphêxô hiệp nhất:“Anh em hãy ăn ở thuận hòa, gắn bó với nhau”. Muốn được như vậy, ngài dạy họ:“Hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.”  Lý do để Phaolô kêu gọi con cái mình hiệp thông là bởi vì:“Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha”.

  1. Tin Mừng: Ga 6, 1-15

Liên tục trong những tuần gần đây, bài Tin Mừng trong các Chúa Nhật cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc dân Người. Còn hôm nay, Chúa Nhật 17 TN, khi thầy trò lên núi cầu nguyện, ngước mắt lên, CG ngỡ ngàng vì dân chúng đông đảo kéo đến với Ngài. Lúc đó con tim yêu thương tự nhiên đã thúc bách khiến Ngài cảm thấy bổn phận phải lo cho dân chúng. Ngài hỏi Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Ngài hỏi như vậy không phải vì Ngài bế tắc, không có hướng giải quyết, nhưng để khơi lên cho các môn đệ cũng biết đi vào mối bận tâm của Ngài. Sau khi Anrê giới thiệu cho Chúa một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá. Với số lượng tượng trưng đó, CG đã làm một phép lạ vĩ đại, phép lạ mà cả 4 tác giả Tin mừng đều thuật lại, riêng Matthêu thuật đến 2 lần. Từ năm chiếc bánh và hai con cá cho 5 ngàn người đàn ông, chưa kể đàn bà và con nít (chắc chắn phải đông hơn) được ăn no nê mà vẫn còn dư tới 12 thúng đầy. Qua những hành động đó, cho chúng ta thấy Thiên Chúa rất giàu có, nhưng không phải keo kiệt, mà Ngài sẵn sàng ban phát một cách dư thừa. Điều chúng ta cần để ý trong bài Tin mừng hôm nay là tình yêu của Thiên Chúa mang tính cách hiệp thông. Ngài làm phép lạ cho tập thể và trong tập thể. Phép lạ đó chỉ được thực hiện khi có sự quan tâm trong cộng đoàn, và khi cộng đoàn đó biết cho đi dù là phần bé nhỏ của mình như em bé hôm nay.   

II. GIÁO HỘI LÀ CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG

Thực vậy, hiệp thông là một trong những sự thật về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông được mặc khải qua hành động của Chúa Ba Ngôi. Vì vậy khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng muốn Giáo Hội và từng người trong Giáo Hội sống hiệp thông. Muốn như thế thì mỗi người phải biết hiệp thông với Thiên Chúa, để từ nền tảng căn bản đó dẫn đến sự hiệp thông với Giáo Hội và tha nhân.

  1. Với Thiên Chúa:

Đời sống người kitô hữu chỉ thực sự có giá trị khi họ biết gắn bó với nguồn cội của mình là chính Chúa. Con người được Thiên Chúa dựng nên, nên họ phải hướng về Chúa. Những ai không hiệp thông, không gắn bó với Chúa thì giống như xác không hồn, chỉ là xác chết; họ cũng làm việc, cũng hoạt động, nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa, không có giá trị, có chăng chỉ là những giá trị tạm bợ ở đời này thôi. Còn những ai biết hiệp thông, biết gắn bó với Chúa thì không quan trọng họ làm gì, bởi vì bất cứ điều gì họ làm cũng là để hiệp thông với Chúa.

Phải gắn bó, hiệp thông với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và mọi việc. Nói như vậy coi bộ khó! Nhưng khi đã tập cho mình một thói quen, làm bất cứ việc gì cũng nói với Chúa một tiếng: con đi làm, con đi đám tiệc, con đi lễ, con đi chơi… thì đó là đã hiệp thông với Chúa rồi, vì mình ý thức có Chúa cùng làm với mình trong mọi việc. Mà khi ý thức như vậy sẽ tránh cho mình những chuyện sai trái, bởi vì mình luôn sống dưới cái nhìn của Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả là hiệp thông với Chúa trong Thánh lễ, trong các Bí tích và trong cầu nguyện.

  1. Với Giáo Hội, với tha nhân:

Khi đã có được nền tảng căn bản là sự hiệp thông với Chúa, từ đó sẽ dẫn đến mọi sự hiệp thông khác: với Giáo Hội, với tha nhân.

Không lạ gì khi những người thường xuyên lui tới nhà thờ là những người yêu mến Chúa. Họ xem nhà thờ, nhà xứ, giáo hội là con tim của họ. Họ yêu mến Đức Thánh Cha, yêu mến Đức Giám Mục của mình, yêu mến cha sở, cha phó, quý dì, quý thầy, những con người dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Họ sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ trong khả năng có thể… Còn tâm lý chung, những người không gắn bó với Chúa, cụ thể là bỏ đạo lâu năm, khi đến nhà thờ họ cảm thấy lạ lẫm, thậm chí là sợ nữa; gặp các cha, các dì, các thầy, họ ngại ngùng, những sinh hoạt trong họ đạo, trong giáo phận họ không hay biết gì… Điều đó thể hiện họ không có sự hiệp thông với Giáo Hội bởi vì họ chưa có sự hiệp thông với Chúa.

Sau cùng, tình yêu với Thiên Chúa không bao giờ là một tình yêu ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, người ta càng yêu thương anh chị em của mình. Chính sự yêu thương đó thúc bách mình quan tâm đến người khác,  sống cho người khác, san sẻ với người khác nhất là những con người bé mọn; chúng ta gọi là hiệp thông với tha nhân. Sự hiệp thông không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ, chia sẻ vật chất. Nếu hiệp thông chỉ là giúp đỡ, chia sẻ vật chất thì rất rất nhiều người không thể sống hiệp thông, bởi vì họ rất nghèo. Nhưng hiệp thông còn là và phải là quan tâm đến phần hồn, phần rỗi của anh chị em mình, nhất là những người thân trong gia đình.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương và chăm sóc con người, không phải vừa đủ, mà một cách dư dật. Điều đó thể hiện Thiên Chúa luôn muốn hiệp thông với con người. Phần chúng ta muốn được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc, thì chúng ta phải hiệp thông với Chúa trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm; trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Đồng thời cũng biết hiệp thông với anh chị em của mình, nhất là trong đời sống đức tin. Cầu chúc mọi người và từng người luôn thể hiện được sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với chúng con trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân như Mẹ đã từng gắn bó với Chúa và để được thôi thúc lên đường thăm viếng người chị họ của mình.