Chứng tá của thánh Gioan Vianney trong cách ứng xử với những người khó gần

print

Chứng tá của thánh Gioan Vianney trong cách ứng xử với những người khó gần

Chắc hẳn rằng trong cuộc sống, tất cả chúng ta đã từng gặp phải những người khiến chúng ta cảm thấy khó gần với nhiều lý do khác nhau. Có thể họ đã từng làm tổn thương chúng ta hoặc những người thân yêu của chúng ta. Hoặc có lẽ do tính cách cá biệt của họ làm chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu. Có thể là họ kiêu căng và thiếu ý thức về bản thân. Thậm chí, có thể là họ có những tật xấu hoặc khuyết điểm về tính cách tương tự như chúng ta, và trong trường hợp này, họ đóng vai trò như tấm gương phản chiếu chính mặt trái của chúng ta. Dù nguyên nhân là gì đi nữa thì việc đối mặt với những người mà chúng ta thấy khó chịu là một phần của cuộc sống trong thế giới khắc nghiệt này. Ngay cả các thánh cũng phải đối mặt với những người mà các ngài xem như là một nguồn thử thách đầy gian nan, nhưng các ngài đã biết đón nhận những người đó như một cơ hội để trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng.

Ở tuổi 59, thánh Gioan Vianney đã nổi danh khắp nước Pháp nhờ sự thánh thiện, những buổi giải tội, và tình phụ tử thiêng liêng sâu xa của mình. Chẳng còn điều gì nghi hoặc về việc nên thánh của ngài. Ngài phục vụ với sức mạnh và tình yêu siêu nhiên. Những sự hy sinh, những buổi giải tội nhiều giờ, và những lời nài xin tha thiết cho các linh hồn hoán cải đã làm thay đổi bộ mặt xứ Ars. Những niềm tin nguội lạnh cằn cỗi khi gặp ngài đã được ngài làm bừng cháy nên ngọn lửa đức tin lớn mạnh.

Thiên Chúa đã dùng những cách thế nhiệm mầu để thử thách tất cả chúng ta. Thánh Gioan Vianney được biết đến với đức tính khiêm nhường, nhưng điều này cũng đặt ngài vào cảnh chịu thử thách. Khi ngài đã không gắng gượng được với thời gian làm việc lâu dài và liên tục, giáo phận đã gửi cha phó M. Raymond đến phụ giúp ngài. Vị linh mục này đã nghe về tấm lòng quảng đại của cha thánh Gioan Vianney, người đã giúp đỡ mình trong quá trình tu học tại chủng viện. Ngài cảm thấy có trách nhiệm đáp trả tấm lòng cao cả này, nhưng cha M. Raymond đã đánh giá quá cao về bản thân và năng lực của mình. Đời sống của ngài hoàn toàn trái ngược với thánh Gioan Vianney.

Thánh Gioan Vianney biết những thiếu sót của mình trước mặt Chúa và những phép lạ phi thường xảy đến xung quanh ngài cũng không nằm trong ý muốn của ngài. Ngài cũng chẳng dành nhiều thời giờ để suy ngẫm về khả năng và kế hoạch của mình. Ngài luôn chú tâm vào việc cứu rỗi các linh hồn và lòng ăn năn thống hối tội lỗi. Còn cha M. Raymond, cha đã nung nấu những kế hoạch riêng và mong chờ ngày đến xứ Ars sẽ kế nhiệm mọi việc vì cha cho rằng thánh Gioan Vianney không còn khả năng coi sóc xứ này. Cha chỉ nhìn thấy nơi thánh Gioan Vianney hình ảnh của một vị cha già bị quấy rầy và làm việc quá sức đang cần đến sự trợ giúp của một linh mục trẻ hơn.

Cha M.Raymond muốn tổ chức và kiểm soát những đoàn hành hương, các trại trẻ mồ côi và giáo xứ, thậm chí là cả đời sống của thánh Gioan Vianney. Ngài cho rằng giáo dân cần một vị lãnh đạo mạnh mẽ để dẫn dắt mọi thứ theo trật tự. Tuy nhiên, ngài hoàn toàn quên mất một điều rằng chính sự thánh thiện của thánh Gioan Vianney là cầu nối để Thiên Chúa tuôn đổ những ân sủng cao cả cho những người hành hương đến xứ Ars. Chính vì điều này mà ngài đã mắc phải sai lầm như chúng ta thường phạm phải khi nghĩ rằng mọi thứ nằm trong kế hoạch của chúng ta vạch ra mà không do bởi Thiên Chúa.

Cha M. Raymond có thể nhận ra thánh Gioan Vianney là một vị thánh qua nhiều cách thức, nhưng tính hiếu danh đã khiến cha tin rằng cha có thể thay thế vị trí của thánh Gioan Vianney. Cha còn hành động thái quá khi chiếm lấy phòng ngủ của thánh Gioan Vianney trong nhà xứ và đề nghị thánh nhân xuống một căn phòng nhỏ hơn ở tầng dưới. Cha cũng dần ký tên vào các văn bản với tư cách của một cha sở thay vì là cha phó. Điều này dẫn đến sự phản kháng của những người thân cận nhất với thánh Gioan Vianney. Về phần thánh Gioan Vianney, ngài luôn khiêm tốn đón nhận trước những tình huống khó khăn mà ngài gặp phải.

Trong suốt 8 năm ròng rã, thánh Gioan Vianney phải sống chung với một con người hoàn toàn đối lập với mình. Dường như Thiên Chúa muốn thử lòng khiêm nhường của ngài đến tột cùng. Thánh nhân đã thành công, và giống như bao vị thánh khác, ngài nói với mọi người xung quanh rằng Cha M. Raymond đã giúp ngài tiến đến gần Chúa hơn. Thậm chí ngài còn bảo vệ cha phó và nói với người dân trong thị trấn đó rằng ngài sẽ bỏ lại xứ này nếu có ai đó tìm cách khiến cha M. Raymond rời đi.

Vào thời điểm gần kết thúc 8 năm, cha M. Raymond nhận thấy những việc ngài làm không được như lòng giáo dân mong đợi và xin được chuyển đến xứ đạo khác. Theo Henri Gheon trong cuốn The Secret of the Cure D’ Ars ( Bí mật của cha sở Họ Ars), thánh Gioan Vianney đã viết cho cha M. Raymond khi vị linh mục này rời đi rằng: “Cha đã giúp ích nhiều cho tôi. Cha đã làm quá nhiều việc khiến trái tim tôi hằng luôn ghi nhớ”.

Thánh Gioan Vianney hiểu rằng những việc cha M. Raymond làm đã giúp ích nhiều cho ngài trên con đường nên thánh. Vì ví như sắt mài nhọn sắt, cha đã nhận thấy cách thức Thiên Chúa hoạt động, qua những khó khăn mà ngài đã gặp phải nơi cha phó kiêu căng này, để dẫn dắt ngài đến những bậc cao hơn. Sự triển nở trên con đường nhân đức của ngài được thúc đẩy nhanh hơn khi cha phó quyết làm mọi thứ theo ý cha ấy muốn. Thánh Gioan Vianney cần đến thử thách để ngày càng lớn lên.

Đây là một bài học quý giá cho tất cả chúng ta. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta muốn mọi thứ dễ dàng hơn. Giá mà chúng ta có thể hoà hợp với bất cứ ai chúng ta gặp gỡ. Giá mà mọi người đều thân thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng trong cuộc sống, chúng ta cần đến những thách thức và những người khó tính để phát triển về mặt nhân đức. Chính những người thử thách chúng ta nhiều nhất sẽ là những người cho ta thấy những điều chúng ta còn thiếu sót nhất. Những người này phản chiếu những góc khuất âm u nơi sâu thẳm tâm hồn chúng ta, bao gồm cả sự kiêu ngạo, nóng vội, giận dữ, không tha thứ, và quyền lực. Đôi khi họ dạy chúng ta cần đứng lên để bảo vệ bản thân và có lúc họ dạy chúng ta cách im lặng trước sự bất công như khi xưa Chúa Giêsu chịu sự phán xét trước tòa Philatô.

Thông thường, sự đáp trả của chúng ta đối với những người khiến ta khó chịu là tìm cách tránh mặt, cô lập hoặc chỉ trích họ. Thay vào đó, nhờ lời cầu nguyện và ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể đón nhận những đau khổ mà những người đó gây ra hầu giúp chúng ta phát triển những phương diện cần thiết. Thậm chí, Thiên Chúa sẽ đặt những người đó vào trong cuộc sống của chúng ta khiến chúng ta không thể nào tránh né được, dù chúng ta có khẩn cầu tha thiết cho được thoát khỏi họ, điều này chính xác là do trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa, con đường nên thánh của chúng ta gắn liền với họ. Như cha M. Raymond cần đến sự thánh thiện của thánh Gioan Vianney để trưởng thành trong ơn gọi linh mục, còn thánh Gioan Vianney cần đến cha M. Raymond để kiểm chứng lòng khiêm nhường và sự nhẫn nại, và qua đó giúp ngài tiến tới những bậc thánh thiện cao hơn.

Chúng ta cũng học cách Thiên Chúa mời gọi mình đón nhận thập giá từ anh chị em mình. Có thể những người khó tính mà chúng ta gặp đang phải đối mặt với những nguy hiểm thiêng liêng lớn lao. Họ cần đến sự cho đi vô vị lợi của chúng ta. Chúng ta phải tìm cách yêu thương như Chúa Kitô yêu thương. Những hy sinh thầm lặng trong mối tương quan với những người khó gần có thể được Thiên Chúa dùng để tuôn đổ ân sủng vào đời sống của họ, giúp họ hoán cải hoặc dẫn dắt họ nên thánh. Nhờ việc sẵn sàng âm thầm chịu đựng đau khổ vì họ, chúng ta cũng được biến đổi. Đây chính là bí mật mà cha thánh Gioan Vianney đã khám phá ra trong những năm sống chung với cha M. Raymond. Những người khó gần lại được Chúa gửi đến để biến đổi chúng ta theo một cách nào đó.

Điều này không có nghĩa là chúng ta cần phải bước ra khỏi con đường của mình để thường xuyên đối diện với những người khó gần này, đặc biệt nếu tinh thần chúng ta không đủ lớn mạnh để làm điều đó. Thời gian chúng ta gặp họ thường cũng đủ để giúp chúng ta trưởng thành và tạo nên nhiều cơ hội để chịu đựng đau khổ nội tâm thay cho họ. Những cuộc gặp gỡ này nên được thực hiện trong lời cầu nguyện.

Khi nhớ đến họ trong lời cầu nguyện chúng ta dễ dàng khám phá ra rằng Chúa ban thêm sức mạnh ngày càng lớn hơn qua mỗi cuộc gặp gỡ mới. Chúng ta lớn lên trong một tình yêu vô vị lợi và không dính bén, và chúng ta ngày càng thoát ra khỏi lòng kiêu ngạo của chính mình. Sau cùng, chúng ta nhận ra rằng việc tương tác cách thường xuyên lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Một trong những bài học lớn nhất mà chúng ta nhận được từ những người khó gần trong cuộc sống là chính chúng ta lại trở thành người khó gần đối với người khác. Những sai lầm, những thói hư tật xấu, những điểm yếu và thất bại của chúng ta là thử thách đối với người khác. Thậm chí là đối với những người xa lạ với chúng ta. Sống sự hiệp thông là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần được lớn lên về mặt nhân đức và sự thánh thiện.

Thánh Gioan Vianney là người bầu cử tuyệt vời để chúng ta chạy đến xin giúp mỗi khi gặp những người khó gần trong cuộc sống hàng ngày. Ai là người bạn cần phó dâng cho Chúa trong ngày hôm nay? Ai là người được Chúa sai đến với bạn để giúp bạn lớn lên trên đường nhân đức? Đâu là những con người khó gần trong cuộc sống của bạn, những người đang gặp nguy hiểm về mặt thiêng liêng và cần đến sự hy sinh của bạn? Chúng ta là người khó gần với người khác như thế nào? Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương những người khó gần mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Tác giả: Constance T.Hull

Chuyển ngữ: Vũ My