Chúa ở trong chúng ta

print

Chúa ở trong chúng ta – Chúa nhật XXII thường niên – Năm B

 

Giáo Hội tại miền Bắc Việt Nam đã trải qua nhiều thập niên thiếu linh mục, tu sĩ và giáo lý viên. Vì thế, nơi một số lớn tín hữu, sự hiểu biết về đức tin còn mờ nhạt. Những kiến thức giáo lý mà họ được nhận khi còn nhỏ là những kiến thức sơ sài. Một khi những phụ huynh kém hiểu biết về giáo lý, làm sao họ có thể giáo dục con mình về đức tin? Ngay cả những kiến thức căn bản về Thiên Chúa là Đấng người tín hữu tôn thờ, nhiều người cũng mơ hồ. Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: Thiên Chúa không phải là một ý niệm mơ hồ mà là một Đấng, một “Ai đó” Ngài cũng không phải một vị thần khắt khe nghiêm nghị chỉ chờ con người phạm lỗi để phạt, nhưng luôn yêu thương và chúc phúc cho con người. Ngài cũng không cách xa con người, nhưng luôn đồng hành và sẻ chia những vui buồn của kiếp nhân sinh. Nói tóm lại, Chúa ở trong chính tâm hồn chúng ta. Đạt tới sự thánh thiện là khám phá, gặp gỡ Ngài trong tâm hồn và trong cuộc đời.

Nếu Chúa hiện diện trong tâm khảm con người, thì con người lại không ngừng tìm kiếm Ngài ở bên ngoài. Thánh Au-gus-ti-nô, trong cuốn “Tự thuật” đã thốt lên: Con đã yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là Đấng Tuyệt Mỹ từ đời đời đến đời đời; con đã yêu Chúa quá muộn màng. Và xin Chúa hãy nhìn xem, Chúa chờ đợi con ở bên trong cõi lòng con, nhưng con lại ở bên ngoài cõi lòng mình, và con kiếm tìm Chúa tại đó.“ Vị Giám mục thành Hippo Regius trước khi trở lại đã có những năm tháng hoang đàng, và sau này, ông coi đó là những thời gian vô ích, vì ông đi tìm Chúa ở bên ngoài con người ông, trong khi Chúa lại ngự trong tâm hồn ông.

Bài sách Đệ Nhị luật vừa là lời giáo huấn, vừa là tâm sự của ông Môi-sen. Cùng với dân Do Thái, ông cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa giữa những thử thách gian truân, nhất là trong hành trình về Đất hứa. Hành trình này phác họa đời sống Giáo Hội cũng như đời sống cá nhân mỗi chúng ta. Đó là sự đan xen giữa trung thành và phản bội, giữa thánh thiện và tội lỗi. Trên tất cả, Thiên Chúa vẫn hiện diện gần gũi Dân Ngài, đến nỗi ông Môi-sen, cũng như bất cứ người Do Thái nào, có thể thốt lên: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?”.

Khi ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và trong cuộc đời, chúng ta cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và vinh dự của người Ki-tô hữu. Hành trình đức tin là hành trình không ngừng khám phá. Mục đích của những khám phá này là chính Thiên Chúa. Bởi lẽ, chúng ta không thể hiểu hết về Thiên Chúa. Qua những nỗ lực cố gắng của bản thân, mỗi ngày chúng ta nhận ra hình ảnh Thiên Chúa cách rõ nét hơn, đến mức chúng ta có thể tâm sự với Người như với một người Bạn. Người hiểu ta, ta hiểu Người, ý chí của ta nên một với ý chí của Người. Sẽ không còn than van buồn phiền lo lắng nữa, vì Chúa đang ở với ta. Còn hạnh phúc nào lớn hơn nữa.

Trở lại điều đã nói ở trên, nhiều Ki-tô hữu tin Chúa nhưng không cảm nhận được sự hiện diện của Người. Đây cũng là tình trạng của nhiều người Do Thái thời Chúa Giê-su. Điển hình là những người Pha-ri-siêu và một số kinh sư. Họ là những người có học và có địa vị trong dân chúng. Chúa Giê-su đã trích dẫn Ngôn sứ I-sai-a để phê phán thói giả hình của họ. Những người này chỉ bận tâm đến những điều bên ngoài mà coi thường tình thương và lòng bác ái. Đức Giê-su khẳng định: Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật và những lời xung tụng ngoài môi miệng. Ngài ưa thích tấm lòng chân thành và thiện chí của con người.

Nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được vinh dự gia nhập vào dân Is-ra-en mới, là dân riêng của Thiên Chúa, được Ngài luôn che chở phù trì. Thánh Gia-cô-bê khuyên chúng ta: Đừng giả hình, nhưng hãy sống thật với nhau. Hãy nhận ra giá trị của Lời Chúa, để đón nhận và phục thiện. Thiên Chúa là Đấng đang quan sát lối sống, suy nghĩ và những cử chỉ của chúng ta. Khiêm tốn và bác ái luôn phải là những nhân đức hàng đầu đối với những ai xưng mình là môn đệ Đức Giê-su.

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với thánh Au-gus-ti-nô: “Lạy Thiên Chúa, con chỉ yêu mến một mình Ngài, con chỉ đi theo có mỗi mình Ngài, và con chỉ muốn phụng sự một mình Ngài, vì chỉ một mình Ngài là có Đức Công Chính, Ngài là Thiên Chúa, và con không muốn nấp dưới bất cứ sự công chính nào khác”.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên