Hãy can đảm lên! – Chúa nhật XXIII Thường niên – Năm B
Một tác giả nào đó đã nói, đại ý: điểm khác biệt nổi bật nơi con người là có ý chí. Không có ý chí, con người chỉ là khúc gỗ buông trôi theo dòng chảy cuộc đời. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, dù ở bất kỳ bậc sống nào, chúng ta cũng cần có ý chí và nghị lực để vươn lên. Thời nào cũng có những cậu ấm cô chiêu cậy vào cha mẹ có chức có của, ỷ nại người khác. Những người này, dù có được nâng đỡ cũng không thể thành nhân và thành đạt, nếu bản thân không có ý chí. Vì thiếu nghị lực, một số người, trong đó có những người còn rất trẻ, đã dễ dàng quyên sinh khi gặp bế tắc. Giữa dòng đời ngược xuôi bôn ba, đầy những cạm bẫy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy can đảm lên!
Bài đọc I đưa chúng ta về lại thời lưu đày của dân Do Thái. Họ bị bắt đi đày ở Ba-by-lon vào năm 587 trước Công nguyên. Vua nước Giu-đa và các quan lại và hầu hết dân chúng đều phải rời quê cha đất tổ, sống cảnh tha hương nhục nhã ê chề. Họ thường hướng về quê hương, tưởng nhớ quá khứ hào hùng của dân tộc. Họ cầu nguyện xin Chúa giải thoát. Và, Chúa đã báo tin vui qua môi miệng ngôn sứ I-sai-a. Vị ngôn sứ khẳng định: “Can đảm lên đừng sợ! chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em”. Thực vậy, vào năm 538 trước Công nguyên, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư là Ky-rô cho người Do Thái hồi hương để phục hồi xứ sở. Thiên Chúa đã giải phóng dân Ngài. Nhờ quyền năng của Ngài, sa mạc sẽ nở hoa, miền khô cạn sẽ thành ao hồ. Con người sẽ được tự do.
Sống trên trần gian, hết thảy chúng ta đang là những người lữ hành. Theo nhãn quan Ki-tô giáo, đích điểm của cuộc lữ hành này là Quê Trời, hay còn gọi là Thiên Đàng. Người Ki-tô hữu tin rằng, họ không đơn lẻ trong hành trình này. Họ luôn có Chúa đồng hành để nâng đỡ chở che. Lịch sử cuộc đời cá nhân mỗi người ít nhiều đã chứng minh điều ấy. Thiên Chúa không để con người ngã quỵ trên dòng đời. Ngài nâng đỡ những ai kêu cầu và tín thác vào Ngài.
Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để khẳng định: con người là tạo vật được Chúa yêu thương. Ngài săn sóc họ chu đáo, đến nỗi mọi sợi tóc trên đầu đã được Ngài đếm cả (Lc 12,7). Trong Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô kể lại việc Đức Giê-su làm phép lạ cho người vừa điếc vừa ngọng nói được. Phép lạ của Chúa Giê-su đã ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a trong Bài đọc I: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”.
Tại sao đôi khi trong Tin Mừng, Chúa Giê-su lại cấm không cho mọi người kể lại? Các chuyên viên chú giải Kinh Thánh gọi đây là “Những bí mật thiên sai”. Đức Giê-su không muốn cho công chúng biết rộng rãi về Người, vì chưa đến thời của Người. Hơn nữa, Người không muốn cho người ta nghĩ Người như một nhà ma thuật phù phép, cũng không muốn cho họ mang quan niệm trần tục về sứ vụ Thiên sai. Người muốn dần dần mạc khải cho công chúng, để họ đón nhận sứ điệp của Người và để họ nhận biết Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến trần gian.
Qua phép lạ Chúa Giê-su đã làm, người bệnh được giải phóng khỏi mọi ràng buộc. Thánh Mác-cô đã nói đến việc anh này được chữa khỏi, giống như có một sợi dây vô hình nào đã buộc lưỡi anh ta lại, và nay lưỡi được mở ra. Cách nói này muốn diễn tả Đức Giê-su là Đấng đến để giải thoát con người. Người dẫn đưa họ không phải chỉ thoát khỏi bệnh tật, mà còn thoát khỏi tội lỗi, khỏi những đam mê lôi cuốn và ràng buộc con người trong vòng cương tỏa của quyền lực ác thần.
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Ki-tô hữu cùng chết và phục sinh với Đức Giê-su. Bí tích này làm cho Ki-tô hữu trở thành tạo vật mới, thoát khỏi hậu quả của tội Nguyên tổ. Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, Đức Giê-su là người chỉ đạo, người Thầy và người Bạn hướng dẫn chúng ta. Tin vào Đức Giê-su, chúng ta phải thực hành lời Người giáo huấn. Thánh Gia-cô-bê (Bài đọc II) đã khuyên các tín hữu: anh chị em đã tin vào Đức Giê-su thì đừng đối xử thiên tư, trọng người này và khinh người nọ. Những gì thánh Gia-cô-bê viết trong thư phản ánh cho thấy vào thời của ngài, đã có sự chia rẽ phân biệt giữa người giàu và người nghèo ngay trong các cộng đoàn đức tin. Ngày hôm nay, trong xã hội và trong các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta, sự phân biệt ấy vẫn tồn tại. Những chia rẽ và ghen tỵ này làm ảnh hướng không tốt đến hình ảnh của Giáo hội. Đức tin vào Chúa Giê-su phải giúp chúng ta đối xử thân thiện với hết mọi người, vì tất cả là anh chị em của cùng một Cha trên trời, như Chúa Giê-su đã nhiều lần khẳng định.
Giữa cuộc sống còn nhiều âu lo trăn trở trước những khó khăn, thất bại và lo toan cơm áo gạo tiền, xin cho chúng ta biết can đảm phó thác vào Chúa, là Đấng Quan phòng yêu thương chúng ta. Hãy can đảm lên! Chúa Giê-su đã dạy: Cha trên trời quyền năng và nhân ái vượt xa những người cha trần thế. Ngài sẵn sàng lắng nghe và phù trợ chúng ta (x. Mt 7,7-12).
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên