Gặp gỡ 12 – Chúa Giê-su lập bí tích Thánh tẩy

 

Gặp gỡ 12 – Chúa Giê-su lập bí tích Thánh tẩy

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Có người hỏi một cụ già : Cụ được bao nhiêu tuổi rồi ạ ? Cụ trả lời : Năm nay tôi được hai tuổi ! Mọi người ngạc nhiên, tưởng cụ nói đùa. Cụ giải thích : Tôi mới được hai tuổi, bởi vì tôi mới được Thánh Tẩy cách đây hai năm.

Lời cụ già nói thật ý nghĩa : Ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là ngày chúng ta được sinh ra để tiếp nhận sự sống mới của Đức Ki-tô Phục Sinh, như Lời Chúa nói sau đây.

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Ga 3, 1-7) :

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an :

“Khi ấy Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô : “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”.

Đó Là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

A/ Thiết lập bí tích Thánh Tẩy :

  1. Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Tẩy :
    • Người báo trước về bí tích Thánh Tẩy ban ơn tha tội khi khiêm tốn đến chịu phép rửa của ông Gio-an tại sông Gio-đan.
    • Người thiết lập bí tích Thánh Tẩy trong mầu nhiệm Phục Sinh: Máu và nước, chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thấu của Người, khơi chảy nguồn nước của bí tích Thánh Tẩy đem lại sự sống mới. Chính từ đây, chúng ta được “Sinh ra bởi nước và Thánh Thần” để vào được Nước Thiên Chúa (Ga 3, 5).
    • Người truyền cho các môn đệ “Anh em hãy làm Phép Rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). 
  1. Bí tích Thánh Tẩy trong Hội Thánh :
  • Ngay trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh đã cử hành và trao ban bí tích Thánh Tẩy[1].
  • Các Tông Đồ và những người cộng sự cũng ban Thánh tẩy cho những người tin[2].

B/ Sự cần thiết của bí tích Thánh Tẩy :

1/ Thánh Tẩy bằng nước và Thánh Thần :

  • Chúa Giê-su đã xác định với ông Ni-cô-đê-mô về sự cần thiết phải chịu Thánh Tẩy bằng nước để được cứu độ : “ Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”.
  • Tuy nhiên, ngoài việc chịu Thánh Tẩy “bằng nước”, Giáo lý còn dạy chúng ta về hai hình thức ngoại thường sau đây :

2/ Hai hình thức Thánh Tẩy ngoại thường :

Thánh Tẩy bằng máu : Đó là những người đã chịu chết vì đức tin: tuy chưa được Thánh Tẩy bằng nước, nhưng đã được Thánh Tẩy bằng chính máu tử đạo của các Ngài (vd. các thánh Anh Hài: Mt 2, 16).

Thánh Tẩy bằng lửa (Lòng ước muốn) : Những người ước muốn được Thánh Tẩy, thực lòng sám hối và sống đức mến, dù chết chưa chịu Thánh Tẩy, vẫn được bảo đảm ơn cứu độ, vì họ được kể là đã chịu Thánh Tẩy bằng lòng ước muốn.

C/ Hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy :

  1. Ban ơn tha thứ tội lỗi : Các tội riêng, cũng như mọi hình phạt do tội đều được tha. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như đau khổ, bệnh tật, chết chóc, hướng chiều tự nhiên về điều xấu (Sự hướng chiều này không phải là tội…).
  2. Làm cho ta thành một thụ tạo mới : Nghĩa là cho ta đời sống mới, đời sống làm con cái của Chúa Cha, làm chi thể của Chúa Ki-tô, và làm Đền thờ Chúa Thánh Thần.
  3. Cho ta tháp nhập vào Hội Thánh, Thân Thể Chúa Ki-tô :
    • Từ những hiệu quả trên, Thánh Tẩy làm cho chúng ta trở nên những phần chi thể của Thân Thể Chúa Ki-tô. Như những nhánh cây gắn liền với thân cây, ta cũng được tháp nhập vào Thân Thể Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, làm thành một Thân Thể Duy Nhất là Hội Thánh Chúa Ki-tô.
    • Từ đó, mọi Kitô-hữu đều có những trách nhiệm và quyền lợi :

+ Những trách nhiệm :  

  • Tham gia vào chức vụ Tư Tế của Chúa Ki-tô : chức “tư tế cộng đồng” mà mỗi người Dân Chúa đã được thông ban qua bí tích Thánh Tẩy đòi ta phải siêng năng tham dự Phụng Vụ, nhất là các Bí Tích “một cách ý thức, chủ động và hữu hiệu”[3], và phải biến cuộc sống hằng ngày của ta thành của lễ sống động dâng lên Thiên Chúa.
  • Tham gia vào chức vụ Ngôn Sứ của Chúa Ki-tô : mỗi Ki-tô-hữu đều có trách nhiệm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, và cộng tác vào các hoạt động tông đồ, loan báo Tin Mừng.
  • Tham gia vào chức vụ Vương đế (làm vua, làm chủ) của Chúa Ki-tô : Ki-tô-hữu phải làm chủ thân xác, tinh thần, những tính mê nết xấu, đời sống của mình…

+ Những quyền lợi :  Kitô-hữu được hưởng nhận các Bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng Thánh Thể, được Hội Thánh nâng đỡ bằng những trợ giúp thiêng liêng khác.

  1. Bí tích Thánh Tẩy cho ta được in dấu ấn thiêng liêng không thể xóa bỏ :

Vì vậy, chỉ được nhận Thánh Tẩy một lần trong đời, và phải gìn giữ Ấn Tín này cho đến cùng, nghĩa là trung thành sống những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy cho đến chết.

D/ Cử hành bí tích Thánh Tẩy :

1/ Các nghi thức cử hành : Qua các cử chỉ và lời đọc khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, ta hiểu được ý nghĩa và những ân huệ mà bí tích đem lại.

  1. Ghi Dấu Thánh Giá : là dấu ấn chứng tỏ người được Thánh Tẩy thuộc về Chúa Ki-tô, được cứu chuộc nhờ Thánh Giá.
  2. Đọc Lời Chúa : Lời Chúa soi sáng người dự tòng và cộng đoàn tham dự, cũng chính Lời Chúa khơi dậy niềm tin để người dự tòng can đảm tin theo Chúa Ki-tô.
  3. Xức dầu dự tòng : để người chịu Phép được giải thoát khỏi tội lỗi và quyền lực ma quỷ.
  4. Làm phép nước : Hội Thánh nguyện xin Thiên Chúa ban quyền năng Thánh Thần xuống trên nước, để người chịu Thánh Tẩy “được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần”.
  5. Tuyên xưng đức Tin : trước khi được Thánh Tẩy, người dự tòng được mời gọi công khai tuyên bố từ bỏ ma quỷ, tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh Người.
  6. Đổ nước : là nghi thức chính yếu. Người chịu Thánh Tẩy được đổ nước ba lần kèm với lời đọc: “….Cha rửa con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.
  7. Xức dầu thánh hiến để được đón nhận Chúa Thánh Thần, và để người tân tòng cũng được tham dự chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Ki-tô.
  8. Trao áo trắng và nến sáng :

Trao áo trắng : người tân tòng “mặc lấy Chúa Ki-tô” (Gl 3, 27), được phục sinh với Người để “trở nên tạo vật mới” (2Cr 5, 14).

Trao nến sáng : được đốt từ  nến Phục Sinh, tượng trưng người tân tòng được Chúa Ki-tô soi sáng. Họ phải luôn “sống như con cái sự sáng” (x. Ep 5, 8), để rồi, trong Chúa Ki-tô, họ cũng là“ánh sáng trần gian” (Mt 5, 14).

  1. Kinh Lạy Cha và ban phép lành :

– Vì người Tân tòng đã trở nên con của Cha trên trời…

– Kết thúc là nghi thức ban phép lành trọng thể. Khi Thánh Tẩy cho trẻ mới sinh, Hội Thánh còn thêm những lời chúc phúc cho cha mẹ,  nhất là cho người  mẹ.

  1. Thêm sức và Thánh Thể : khi Thánh Tẩy người lớn, thì việc khai tâm Ki-tô giáo được hoàn chỉnh qua việc ban bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cho người chịu Thánh Tẩy.

2/ Những người được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy :

Tất cả những ai chưa được Thánh Tẩy đều có thể lãnh nhận bí tích này, vì đây là ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không :

  1. Thánh Tẩy người lớn :

Ban đầu, Hội Thánh chỉ Thánh Tẩy cho người lớn.

  1. Thánh Tẩy trẻ em : vì sao cần Thánh Tẩy trẻ em ?

– Vì cho dù các em chưa phạm các tội riêng, nhưng các em được sinh ra với bản tính con người đã sa ngã và hoen ố do tội  tổ tông, cần được sinh lại trong đời sống mới.

– Vì Thánh Tẩy chính là ân huệ nhưng không, cho ta được làm con cái Chúa, nên là những người thay quyền Chúa nuôi dưỡng sự sống, cha mẹ càng sớm lo cho con cái lãnh nhận ân huệ này càng tốt.

c/ Đức tin và bí tích Thánh Tẩy :

Bí tích Thánh Tẩy là bí tích đức tin. Đức tin của ta gắn liền với đức tin của Hội Thánh, trước  nhất, vì đức tin này đã được đón nhận từ Hội Thánh,  như  trong lời khởi đầu nghi thức tiếp nhận, Chủ Sự hỏi: Con xin gì cùng Hội Thánh? Người chịu Phép : Thưa, con xin Đức tin. Sau nữa, vì đức tin của người tân tòng phải được tiếp tục lớn lên, qua việc dạy dỗ, nâng đỡ của Hội Thánh, qua vú bõ, qua tất cả cộng đoàn Dân Chúa.

3/ Những Thừa Tác Viên cử hành Thánh Tẩy : 

  • Thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Tẩy là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.
  • Trong trường hợp khẩn cấp (như nguy tử) thì bất cứ ai, dù chưa có đạo Công Giáo, cũng có thể cử hành, miễn là làm theo ý muốn và cách thức Hội Thánh dạy. Hội Thánh chấp nhận như vậy, vì bí tích Thánh Tẩy cần thiết để được cứu độ, mà Thiên Chúa lại muốn cho mọi người đều được cứu độ.

IV. NÓI VỚI CHÚA

Đọc kinh Lạy Cha và kinh Sáng Danh, để tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi (Trang 155 và 156).

V. NHỚ LỜI CHÚA

1. H. Bí tích Thánh Tẩy là gì ?

T. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập, để làm cho chúng ta được sinh lại làm con cái Thiên Chúa, trong đời sống mới bởi nước và Thánh Thần.

2. H. Hội Thánh đòi hỏi gì nơi người lãnh bí tích Thánh Tẩy ?

T. Hội Thánh đòi hỏi người lãnh bí tích Thánh Tẩy phải tuyên xưng đức tin.

3. H. Bí tích Thánh Tẩy  ban cho chúng ta những ơn nào ?

T. Bí tích Thánh Tẩy  ban cho chúng ta những ơn này :

– Một là được tha tội Tổ tông và các tội riêng ta phạm.

– Hai là được làm con cái Thiên Chúa.

– Ba là được tháp nhập vào Đức Ki-tô và Hội Thánh.

– Bốn là được ghi vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không bao giờ xóa được.

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Tôi sẽ chăm chỉ học giáo lý và đổi mới đời sống, để dọn mình xứng đáng lãnh nhận ơn làm con Chúa nhờ Thánh Tẩy.

[1] x. Cv. 2, 38-41: 3.000 người được Thánh Tẩy sau bài giảng của Thánh Phê-rô.

[2] x.Cv 2, 41; 10, 48; 16, 15: Phao-lô Thánh Tẩy cho bà Ly-đi-a và cả gia đình.

[3] X. Hiến chế “Phụng vụ thánh”, s. 11.

print