CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
“CHỈ THIẾU MỘT ĐIỀU…”
Lm. Giuse Nguyễn
Đôi khi chúng ta bỏ những thứ cũ kỹ hoặc không cần thiết nữa cho căn phòng sạch đẹp: một đôi giày, một cái bàn, một cái tủ, một vài bộ quần áo… Một lần đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện ông A bị tim mạch, thế là ông phải bỏ thuốc lá, rượu bia. Tai nạn giao thông làm đứa bé văng khỏi bụng mẹ, nó được cứu sống nhưng phải tháo bỏ một cẳng chân… Có những điều con người phải bỏ đi để “được” lại những thứ quý giá hơn. Phụng vụ lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta điều gì cần thiết và điều gì phải bỏ đi để có được điều quý giá nhất chính là “một kho tàng trên trời”.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
- Bài Đọc I: Kn7,7-11
Tác giả sách Khôn Ngoan cho chúng ta thấy đâu là tài sản quý giá nhất trong đời sống đức tin. Trong khi người đời yêu chuộng tiền bạc và sự giàu có, thì người công chính xem sự Khôn Ngoan quan trọng hơn tất cả những điều đó. Khôn Ngoan quan trọng hơn vàng bạc, kim cương, đá quý. Khôn Ngoan hơn cả sức khỏe và mạng sống. Sự Khôn Ngoan mà các bậc hiền triết muốn nói tới chính là Thiên Chúa. Vì vậy khôn ngoan đích thực của con người là tìm kiếm Chúa và những gì thuộc về Chúa.
- Đáp Ca: Tv.89
Ý thức được điều đó nên tác giả thánh vịnh 89 đã không xin cho mình được sống lâu, vì lâu đến đâu cũng sẽ có ngày chết. Tác giả cũng không xin cho mình được giàu có, vì giàu có đúng là có lợi, nhưng thường dẫn đến những nguy hiểm, và nhất là giàu có chết cũng không mang theo được gì. Nhưng tác giả chỉ: “Xin cho con sớm được đầy no những ân tình Ngài, để lòng trí con luôn được vui sướng hân hoan”. Tác giả Thánh vịnh này khôn quá sức! không xin gì hết, mà chỉ xin cho mình được “no đầy ân tình của Chúa”. Mà khi có ân tình của Chúa thì có tất cả. Vì vậy, nếu khôn ngoan, chúng ta cũng hãy xin cho mình được “no thỏa ân tình của Chúa” hơn là no thỏa những thứ khác.
- Tin Mừng: Mc 10, 17-30
Anh thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay giàu có, nhưng của cải vật chất và mọi thứ vinh hoa ở đời này vẫn không thể làm cho anh ta thỏa mãn. Vì vậy anh đã quyết định đi tìm “một thứ gì đó” có thể làm cho anh ta được thỏa mãn. Khi nghe nói đến ông Giêsu “đầy quyền năng trong lời nói và việc làm”, anh liền chạy đến để xin cho mình được “cái gọi là hạnh phúc đời đời”. Anh ta chưa ý thức đủ về hạnh phúc đời đời. Anh chỉ thấy có một cái gì đó hấp dẫn, là lạ nên muốn có được nhằm bổ sung vào mớ tài sản của mình, vì cái gì anh cũng đã có hết rồi, kiếm cái lạ cho nó vui vậy! Nếu người ta ý thức đủ về sự sống đời đời, thì người ta sẵn sàng bỏ tất cả để đổi lấy. Còn anh thanh niên này khi nghe Chúa đòi hỏi về bán của cải, bố thí cho người nghèo rồi theo Chúa, thì anh ta “sa sầm nét mặt và bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.
Như vậy anh thanh niên này cũng có thiện chí để tìm kiếm Nước Trời, tìm kiếm hạnh phúc đời đời, nhưng có một thứ anh không thể nào từ bỏ được chính là tài sản của mình nên anh không thể có được hạnh phúc đó. Anh ta chỉ còn thiếu một chút nữa thôi!
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp tôi suy nghĩ về hai điều:
II. GIÁ TRỊ CỦA ĐỒNG TIỀN
Trước hết tiền là yếu tố quan trọng làm cho cuộc sống chúng ta sung sướng. Điều này không bàn cãi, vì ai trong chúng ta cũng biết. Đến nổi người ta đặt thành bài thơ vui: ‘Tiền là tiên là phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là tiếng cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, có tiền là hết ý!”
Nhưng nó cũng làm cho con người trở nên mệt mỏi để kiếm tiền. Nhìn lại cuộc sống chúng ta, chúng ta thấy vấn đề ưu tư hàng đầu của một số người là làm sao để có tiền. Chính ưu tư đó làm cho họ trở nên mệt mỏi, thậm chí có người trở nên điên dại vì tiền.
Đồng tiền cũng là yếu tố làm cho con người trở nên xấu. Vì tiền nên người ta trở nên tham lam, muốn vơ vét tất cả, kể cả của người khác. Vì tiền nên người ta gian lận để có tiền. Vì tiền nên người ta lỗi đức công bằng: mua thừa bán thiếu, mua đồ thiệt bán đồ giả. Vì tiền nên người ta sẵn sàng lòn cúi, tình nguyện trở thành nô lệ về nhiều mặt cho người khác…
Nhưng ai cũng biết một điều: tiền không bền vững; nay có mai không; nay nhiều, mai ít; đang giàu sụ bỗng trở thành tay trắng…
Và nhất là khi chết chúng ta không mang tiền theo được, người nhà có nhét vào quan tài cũng chẳng ích lợi gì cho chúng ta.
III. SỬ DỤNG ĐỒNG TIỀN
Suy nghĩ thứ hai là sử dụng đồng tiền cho đúng đắn.
Tolstoi kể rằng: Có một gã tham lam tìm cách có thật nhiều đất để anh bán lấy tiền. Anh nghe nói có một bộ lạc có rất nhiều đất, họ sống rất thoải mái. Người đàn ông này đến xin gặp tộc trưởng, vị tộc trưởng nói “Anh chỉ cần trả 1000 rúp thì có thể sở hữu được một vùng đất mà anh đi được trong một ngày. Nhưng cần nhớ là anh phải trở lại đúng nơi điểm xuất phát cũng trong ngày đó. Nếu về không kịp thì kể như mất tiền vô ích”.
Vừa rạng sáng hôm sau anh nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu bước đi. Càng đi anh càng sung sướng vì thấy đất của mình càng rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên mất thời gian. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh mới hốt hoảng quay về. Nhưng vì anh đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Đến điểm mốc, anh ngã gục xuống.
Vị tù trưởng đến chúc mừng : “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân không đứng dậy được nữa để nhận lấy tài sản của mình, vì anh đã chết !
Cho nên chúng ta đừng tham lam, vì tham lam khiến chúng ta vất vả để kiếm đồng tiền mà chẳng sử dụng được. Chi bằng chúng ta cứ làm việc vừa phải, đừng để mình quá mệt mỏi vì kiếm tiền. Có bao nhiêu xài bấy nhiêu, vì có bao nhiêu tiền cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của con người.
Chúa Giêsu muốn người thanh niên bán tài sản của mình mà cho người nghèo rồi đến theo Chúa. Nghĩa là Chúa muốn chúng ta sống bác ái, yêu thương. Chỉ có đồng tiền cho đi mới là đồng tiền có giá trị, còn đồng tiền gom vào là đồng tiền vô dụng. Chúng ta biết sử dụng đồng tiền để vừa đem lại lợi ích ở đời này, mà còn đem lại cho chúng ta sự sống đời đời.
Có người ví von chúng ta có 3 người bạn thân nhất. Người bạn thứ nhất chúng ta rất quý, đi đâu cũng mang theo. Người bạn thứ hai làm cho chúng ta trở nên được trọng vọng. Riêng người bạn thứ ba ít khi chúng ta để ý tới.
Ngày chúng ta chết, ai sẽ là người theo chúng ta? Người bạn thứ nhất là tiền bạc, nó chỉ đưa chúng ta đến cửa nhà, ra khỏi cửa là không còn gì hết. Người bạn thứ hai là công danh sự nghiệp, nó chỉ đưa chúng ta đến nghĩa trang, vì người ta thường đọc điếu văn để đưa tiễn những người có công danh sự nghiệp. Riêng người bạn thứ tư, chính là những công đức chúng ta lập được khi còn sống, nó sẽ theo chúng ta.
Qua phụng vụ lời Chúa hôm nay, Chúa muốn nhắc nhở chúng ta về giá trị của đồng tiền. Nó không xấu vì nó giúp ích rất nhiều cho cuộc sống chúng ta, nhất là để chúng ta sử dụng mà sống tình bác ái yêu thương.
Nhưng Chúa cũng cảnh báo chúng ta đừng để đồng tiền trở thành vật cản duy nhất: “Chỉ còn thiếu một điều…” để được lên thiên đàng. Chúng ta sẵn sàng từ bỏ tất cả, chỉ riêng đồng tiền là không dám.
Xin Mẹ Maria giúp chúng con dám từ bỏ mọi sự để sống cho thánh ý Chúa, và dám hy sinh tất cả để đem đến niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác.