Gặp gỡ 22 – Điều răn thứ ba

print

 

Gặp gỡ 22 – Điều răn thứ ba
Chúa Giê-su dạy ta: Giữ ngày Chúa nhật

I. DẪN VÀO LỜI CHÚA

– Cầu nguyện đầu giờ.

– Sách Ma-ca-bê thuật lại : Trước lệnh truyền “phải bỏ đạo” của vua An-ti-ô-cô, những người Do Thái yếu lòng đã tuân theo. Còn những người khác quyết tâm : chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa… Họ xuống ở tại hoang địa. Khi được tin báo quan quân nhà vua đến tấn công vào đúng ngày Sa-bát. Vì là ngày nghỉ lễ, nên họ nhất quyết không đánh trả ! Thế là cả ngàn người đã chấp nhận cái chết để trung thành với luật giữ ngày Sa-bát (x. 1 Mcb 2, 29-38).

II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA (Mc 2. 27-28) :

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô :

“Ngày Sa-bát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày Sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát”.

Đó là Lời Chúa (Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa).

III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA

A. Ý nghĩa ngày sa-bát của Dân Do-thái từ Cựu Ước :

  • Điều Răn thứ ba nhấn mạnh : thánh hóa ngày Sa-bát “để dâng cho Thiên Chúa” (Xh 31, 15).
  • Ngày Sa-bát là để tưởng nhớ công trình sáng tạo của Thiên Chúa lúc ban đầu (Xh 20,11).
  • Và còn tưởng nhớ biến cố giải phóng, “vượt qua” của Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập (Đnl 5, 15).
  • Như vậy, Sa-bát là thời gian để Dân Chúa chúc tụng, ca ngợi công trình sáng tạo và những kỳ công Người đã thực hiện để cứu họ.
  • Sa-bát cũng chỉ về ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi tạo dựng muôn loài (Xh 31,15), nên Dân Chúa cũng cần ngưng làm việc để nghỉ ngơi lấy lại sức (Xh 23,12). Như vậy, Sa-bát giải phóng con người khỏi bị nô lệ những công ăn việc làm, khỏi thái độ ham hố tôn thờ tiền bạc.

B. Ý nghĩa ngày Chúa Nhật của Công Giáo :

  Chúa Nhật, Ngày Chúa Ki-tô Phục Sinh, công trình sáng tạo mới : ” Chúa Ki-tô đã Phục sinh vào ngày thứ nhất trong tuần, nên nhắc đến cuộc sáng tạo mới, là công trình cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Vì thế, đối với Ki-tô-hữu, Chúa Nhật trở thành: Ngày Của Chúa.

Chúa Nhật là ngày giải phóng mới: Chúa Ki-tô phục sinh vào Chúa Nhật  để giải phóng con người khỏi tội lỗi, cho ta được  phục hồi quyền làm con Thiên Chúa, được tái tạo hình ảnh cao đẹp nguyên thuỷ của con người lúc được Thiên Chúa sáng tạo, đã bị mất vì tội Tổ tông.

Chúa Nhật là ngày hồng ân, ngày lễ nghỉ mới : Chúa Ki-tô phục sinh để đem lại niềm vui, sự nghỉ ngơi; Chúa Nhật báo trước sự nghỉ ngơi đời đời cho con người trong Nước Chúa.

C. Những việc làm để thánh hóa ngày Chúa nhật :

 1/ Tham dự Thánh Lễ :

a. Theo truyền thống Tông Đồ : cử hành Thánh Thể là trung tâm đời sống Hội Thánh, nên “từ thời các Tông Đồ, Chúa Nhật phải được giữ như ngày lễ buộc”[1]. Vì vậy, các Ki-tô-hữu đã có thói quen tập họp vào Chúa Nhật để tham dự Phụng Vụ Thánh (x. Dt 10, 25).

b. Nơi nhà thờ Họ đạo : Nhà thờ họ đạo chính là nơi mọi tín hữu có thể tập họp để cử hành Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật: “Ở nhà riêng, bạn không thể cầu nguyện như ở Nhà Thờ được, vì ở Nhà Thờ mới có đông người cùng chung tấm lòng khẩn cầu Thiên Chúa…hơn nữa, còn có dây liên kết đức mến và kinh nguyện của các Linh Mục”[2].

c. Những hiệu quả : Khi chúng ta cùng tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật cách tích cực, ý thức, sinh động và đầy đủ[3] thì sẽ đạt được những hiệu quả thiêng liêng:

. Minh chứng sự hiệp thông gắn bó và trung thành với Đức Ki-tô và Hội Thánh.

. Cùng nhau làm chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa và cho niềm hy vọng vào Ơn Cứu Độ.

. Nâng đỡ nhau, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2/ Nghỉ việc xác :

a. Vì cũng như Thiên Chúa “đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy sau khi hoàn tất sáng tạo” (x. St 2,2), nên con người cũng cần có những thì giờ nghỉ ngơi, giải trí, bù lại những ngày lao động vất vả.

b. Vì Chúa Nhật là Ngày vui, mừng Chúa Phục Sinh, nên phải tránh những việc lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, cũng như ngăn cản niềm vui riêng trong Ngày của Chúa.

c. Vì ta cũng cần nghỉ việc xác để có thời gian :

. Lo cho người nghèo.

. Lo cho người già yếu, đau bệnh, tàn tật, neo đơn…

. Lo cho gia đình, vì những ngày khác ít có thời giờ…

. Lo cho đời sống nội tâm: dành thời giờ để hồi tâm, suy niệm Phúc âm…

IV. NÓI VỚI CHÚA

Tập làm quen với “Kinh Nghĩa Đức Tin”, vẫn được đọc tại nhà thờ vào Lễ Chúa Nhật :

“Ngày Chúa Nhật hôm nay…chúng con hợp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, khong khen cảm tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa : thì chúng con dám xin Chúa hãy khứng ban những ơn cần kíp cho chúng con được rỗi linh hồn…Amen”.

V. NHỚ LỜI CHÚA

1. H. Điều Răn thứ ba dạy ta sự gì ? (c.497)

T. Điều Răn thứ ba dạy ta phải thánh hóa Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

2. H. Chúa Nhật là ngày gì ? (c.498)

T. Chúa Nhật là ngày của Chúa theo hai nghĩa này:

– Một là nhắc nhở việc sáng tạo mới, được thực hiện nhờ cuộc Phục Sinh của Chúa Ki-tô.

– Hai là hoàn tất ý nghĩa ngày lễ nghỉ của dân Do Thái và loan báo sự nghỉ ngơi muôn đời nơi Thiên Chúa.

3. H.  Chúng ta phải làm gì để thánh hóa Chúa Nhật và ngày lễ buộc ? (c.499)

T. Chúng ta phải tham dự Thánh Lễ, tránh mọi hoạt động làm ngăn trở việc thờ phượng Chúa hay làm mất đi niềm vui trong Ngày của Chúa, cũng như làm mất sự nghỉ ngơi cần thiết cho tinh thần và thể xác. 

VI. SỐNG LỜI CHÚA

Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Tôi không bao giờ bỏ lễ Chúa Nhật.

[1] X. Giáo luật, điều 1246.1.

[2] Thánh Gio-an Kim Khẩu. SC 28bis, 218 (PL 48, 725). GLHTCG 2179.

[3] Xem Hiến Chế “Phụng Vụ Thánh”, số 14.