8 điều cần biết về Giáo xứ Công giáo duy nhất ở Gaza

8 điều cần biết về Giáo xứ Công giáo duy nhất ở Gaza

8 điều cần biết về Giáo xứ Công giáo duy nhất ở Gaza

TGPSG / NCRegister — Một vụ tấn công được cho là nhắm vào nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza đã khiến ba người thiệt mạng và chín người khác bị thương vào ngày 17-7-2025, theo tuyên bố của Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, OFM – Thượng phụ Công giáo Latinh tại Jerusalem. Trong số những người bị thương có cha sở của giáo xứ, Linh mục Gabriel Romanelli. Các bức ảnh cho thấy mái và cửa sổ nhà thờ đã bị hư hại.

8 điều cần biết về Giáo xứ Công giáo duy nhất ở Gaza

Giữa cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, giáo xứ này đã trở thành nơi trú ẩn cho cả người Công giáo lẫn không Công giáo. Dưới đây là tám điều cần biết về Nhà thờ Thánh Gia ở Gaza:

1) Đây là nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza

Giáo xứ Thánh Gia được xây dựng từ những năm 1960. Trước khi trở thành nơi trú ẩn, theo tờ National Catholic Register, chỉ có khoảng 130 người Công giáo ở Gaza.

Người Kitô hữu là thiểu số tại vùng lãnh thổ chủ yếu theo Hồi giáo này – theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2024 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Gaza chỉ có khoảng 1.000 Kitô hữu. Phần lớn người Kitô hữu Palestine là Chính Thống giáo Hy Lạp, tuy nhiên, cũng có sự hiện diện của người Công giáo Rôma, Công giáo Melkite Hy Lạp, và một số hệ phái Tin Lành ở Gaza và Bờ Tây. Theo trang web Tòa Thượng phụ Latinh, người Kitô hữu chiếm chưa đến 1% dân số Gaza.

Gaza là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới, với khoảng 5.000 người/km². Khu vực này cũng rất nghèo với tỷ lệ thất nghiệp cao. Trẻ em dưới 15 tuổi chiếm khoảng 50% dân số, theo báo cáo của Bộ Y tế Palestine năm 2022.

2) Giáo xứ đã cung cấp nơi trú ẩn cho hơn 500 người

Khuôn viên giáo xứ hiện đang là nơi ở tạm cho hơn 500 người – chủ yếu là Kitô hữu Chính Thống giáo, Tin Lành và Công giáo, nhưng cũng có cả một số gia đình Hồi giáo và trẻ em khuyết tật. Khuôn viên này đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn từ đầu cuộc chiến giữa nhóm khủng bố Hamas và Israel, bắt đầu từ ngày 7-10-2023, khi Hamas tấn công Israel, giết hơn 1.200 người và bắt giữ hơn 250 con tin. Hiện còn khoảng 20 con tin vẫn còn sống ở Gaza.

Giáo xứ đã cung cấp nơi trú ẩn cho hơn 500 người

3) Giáo xứ có một trường học thành công

Ngoài nhà thờ, giáo xứ còn có một trường học thuộc Tòa Thượng phụ Latinh, được xây dựng năm 1974. Trường Thánh Gia có hơn 600 học sinh, gồm cả Kitô hữu và không Kitô hữu. Theo trang web của Tòa Thượng phụ, đây được xem là trường học tốt nhất ở Gaza.

4) Cha sở là người gốc Buenos Aires

Cha Gabriel Romanelli, thuộc Tu hội Ngôi Lời Nhập Thể (Institute of the Incarnate Word), là cha sở của giáo xứ và sinh ra tại Buenos Aires, Argentina.

Cha bị thương ở chân do mảnh đạn trong một cuộc tấn công gần đây của Israel nhắm vào giáo xứ. Cha Romanelli đến Trung Đông theo ơn gọi truyền giáo khi còn là chủng sinh.

Sau khi chịu chức linh mục, vị linh mục người Argentina đã dành hai năm ở Ai Cập để học tiếng Ả Rập, rồi sang Jordan. Năm 2019, ngài đến Gaza để làm cha sở giáo xứ.

Năm 2023, khi chiến tranh giữa Israel và Hamas bùng nổ, cha được sơ tán đến Jerusalem, nhưng đã quyết định quay trở lại để chăm sóc đoàn chiên và nâng đỡ cộng đoàn tại đây.

5) Ba dòng nữ tu đang phục vụ tại giáo xứ

Các nữ tu Thừa sai Bác ái, do Mẹ Têrêsa sáng lập, đã có mặt ở Gaza từ năm 1973. Một số nữ tu chăm sóc người già và khuyết tật tại tu viện trong khuôn viên giáo xứ. Tháng 12-2023, tu viện của họ bị trúng tên lửa, gây hỏa hoạn khiến nơi này không còn ở được. Hai phụ nữ đã thiệt mạng trong vụ tấn công mà Tòa Thượng phụ cáo buộc là do Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) gây ra, nhưng IDF phủ nhận trách nhiệm.

Các nữ tu dòng Mân Côi cũng hiện diện tại khu Tal Al Hawa ở Gaza. Họ thành lập một trường học năm 2000 với hơn 800 học sinh, 10% là Kitô hữu. Tuy nhiên, ngôi trường đã bị phá hủy nghiêm trọng đầu cuộc chiến. Hai nữ tu hiện đang cư trú tại giáo xứ Thánh Gia.

Các nữ tu Nữ tỳ Thiên Chúa và Đức Mẹ Matará (SSVM), hay còn gọi là “Servidoras”, cũng đang phục vụ tại Gaza và nhiều nơi khác ở Trung Đông. Cùng với cha Romanelli, họ thuộc về đại gia đình Tu hội Ngôi Lời Nhập Thể. Hai nữ tu trong số họ là chị em sinh đôi và đã chọn ở lại Gaza từ đầu cuộc chiến để tiếp tục phục vụ cộng đoàn.

6) Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gọi điện hằng ngày cho giáo xứ

Trong hơn một năm rưỡi trước khi qua đời, ngay cả khi đang nằm viện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện gần như mỗi ngày cho giáo xứ Thánh Gia. Cuộc gọi cuối cùng là vào Đêm Vọng Phục Sinh, ngày 19/4/2025 – chỉ hai ngày trước khi ngài qua đời. Những cuộc gọi qua WhatsApp thường chỉ kéo dài khoảng một phút. Trẻ em trong giáo xứ gọi Đức Giáo hoàng là “ông ngoại”.

7) Giáo xứ từng bị đánh bom trước đây

Giáo xứ từng nhiều lần bị tấn công, trong đó có một vụ nổ cách nhà thờ khoảng 300 mét vào tháng 3.

Tháng 4, cha Romanelli gọi Gaza là “nhà tù” và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm kiếm hòa bình. Vụ tấn công mới đây được cho là do xe tăng Israel thực hiện. Bộ Ngoại giao Israel bày tỏ “nỗi đau buồn sâu sắc” trước thiệt hại và thương vong, đồng thời cho biết IDF đang điều tra sự việc, nhấn mạnh rằng Israel “không bao giờ nhắm mục tiêu vào nhà thờ hay cơ sở tôn giáo”.

Giáo xứ từng bị đánh bom trước đây

8) Đức Hồng y Pizzaballa luôn ưu tiên quan tâm đến giáo xứ

Trước vụ tấn công gần đây, Đức Hồng y Pizzaballa tuyên bố rằng ngài “luôn tìm mọi cách để tiếp cận Gaza”, và khẳng định rằng “chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi họ”, theo Vatican News.

Tác giả: Kate Quiñones/CNA

FX. Nguyễn Hữu Sang (TGPSG) biên dịch từ National Catholic Register

print