Bài 104: Đức Giêsu với hội đường Do Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 104 : Đức Giê-su với hội đường Do-thái

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật III Thường niên, Năm C này, chúng ta đọc được trích đoạn như sau : “Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bátvà đứng lên đọc Sách Thánh (Lc 4,14-16).

Trích đoạn trên cho chúng thấy được phần nào những sinh hoạt của hội đường Do-thái thời Đức Giê-su, sự gắn bó của Người với các hội đường, và hội đường cũng chính là nơi Đức Giê-su thường xuyên lui tới để rao giảng Tin Mừng.

Tin Mừng ghi nhận rằng: “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4,23 ; x. 9,35 ; Mc 1,39 ; Lc 4,44 ; Ga 6,59). Tất cả các tác giả Tin Mừng đều ghi nhận, đến hơn 10 lần, Đức Giê-su thi hành sứ vụ của Người trong các hội đường Do-thái. Và chúng ta có thể hỏi : Tại sao vậy ? Tại sao Đức Giê-su lại hay vào trong các hội đường để giảng dạy ?

Trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau trả lời câu hỏi trên bằng việc tìm hiểu đôi nét về sinh hoạt hội đường của người Do-thái.

Trước hết có thể nói rằng hội đường là nơi cung cấp một nền tảng Lời Chúa cần thiết đối với việc giảng dạy của Đức Giê-su, vì đó là nơi người Do-thái học hỏi và lắng nghe Lời Chúa. Thứ đến, hội đường còn là nơi để người ta cầu nguyện, gặp gỡ và xây dựng mối tương quan tốt đẹp và bền chặt với Thiên Chúa, không chỉ trong tư cách cá nhân mà còn trong tư cách là cộng đồng dân Đức Chúa.

I. Nguồn gốc của hội đường Do-thái

Danh từ “hội đường” xuất phát từ gốc Hy-lạp là συναγωγή [synagôgê], có nghĩa là “hội họp”, tương đương với thuật ngữ Hí-pri bêt ha-knesset (הַכְּנֶסֶת בֵּית) nghĩa là “nhà hội họp”. Theo đó, chính danh xưng “hội đường” đã phần nào nói lên vai trò và ý nghĩa của nó trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là trong đời sống tôn giáo Do-thái.

Tuy nhiên, một trong những điều cần lưu ý là “hội đường” không phải là Đền Thờ. Thật vậy, đối với người Do-thái, họ chỉ có một Đền Thờ duy nhất, đó là Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được vua Sa-lô-môn xây dựng. Kể từ khi xây cất Đền Thờ thì vua Sa-lô-môn đã cải cách phụng tự với các quy định về nghi lễ phải được cử hành tại Đền Thờ chứ không phải ở nơi nào khác. Tuy nhiên, Đền Thờ Sa-lô-môn đã bị người Ba-by-lon phá hủy vào năm 586 tCN, và dân Ít-ra-en phải lưu đày tại Ba-by-lon, nên rất có thể vì thế mà các hội đường được thiết lập tại nơi lưu đày để qui tụ con cái Ít-ra-en lại với mục đích học hỏi Sách Thánh và cầu nguyện.

Có thể nói, hội đường chính là nơi truyền cảm hứng cho việc học hỏi và lắng nghe Lời Chúa. Không những thế, hội đường dần trở thành nơi duy trì bản sắc dân tộc, là trung tâm đời sống tôn giáo và xã hội Do-thái. Theo đó, hội đường Do-thái còn đóng vai trò là nơi hội họp, trường học, nơi xử kiện, và là nơi cầu nguyện,… qua đó cho thấy hội đường là yếu tố quan trọng trong việc thiết lập và duy trì đời sống cộng đồng. Mô hình hội đường như vậy có lẽ cũng đã được Hội Thánh sơ khai tiếp nhận và thực hành (x. Cv 2,42-47).

II. Hội đường Do-thái thời Đức Giê-su

Đến thế kỷ I, người ta đã tìm thấy hội đường Do-thái ở hầu hết các thành thị và làng mạc miền Ga-li-lê. Các sách Tin Mừng đặc biệt đề cập đến những hội đường ở Na-da-rét (x. Lc 4,15) và ở Ca-phác-na-um (Mc 1,21) thuộc miền Ga-li-lê. Các hội đường thường được xây ở những nơi cao và cũng là toà nhà cao nhất trong thành.

Kiến trúc hội đường thường được xây theo dạng hình vuông có lẽ nhằm để mọi người có thể nhìn và nghe một cách dễ dàng khi tham dự học hỏi Lời Chúa. Bên trong hội đường có những chiếc ghế dài đặt dọc sát các vách phòng. Có một bục nhỏ gọi là amud dùng để người ta đứng đọc hoặc giải thích Sách Thánh, ngoài ra có thể có một cây đèn bảy ngọn gọi là menorah giống cây đèn trong Đền Thờ. Nền nhà thường là bằng đất nện hoặc lát đá phiến, và dân chúng có thể trải chiếu ngồi dưới nền, còn những “bậc vị vọng” sẽ ngồi trên những chiếc ghế dài bằng đá, vì thế có lần Đức Giê-su đả kích những người thích ra vẻ, thích “chiếm hàng ghế đầu trong các hội đường” (x. Mt 23,6).

Trong hội đường có một chỗ ngồi dành riêng cho người đọc sách Luật được gọi là “toà ông Mô-sê”, vì Lề Luật ghi lại lời của ông Mô-sê, nên người đọc sách Luật được xem như người đại diện ông Mô-sê (x. Mt 23,2). Các cuộn sách Luật và các sách Ngôn Sứ được cất giữ trong một chiếc rương lưu động và được đem đến hội đường để thờ phượng, hoặc được cất giữ trong một tủ sách gọi là hòm thánh [aron kodesh] và đặt cố định ngay trong hội đường Do-thái. Bên ngoài hội đường có xây một bể nước gọi là mikveh để dùng thanh tẩy trước khi vào trong hội đường.

Hội đường được điều hành bởi một người giữ vai trò là “trưởng hội đường” (x. Mc 5,22.35.36.38; Lc 8,41.49.50; 13,14), còn tất cả mọi người Do-thái trưởng thành (nam giới từ 13 tuổi trở lên) đều được mời gọi tham gia vào các sinh hoạt hội đường. Vị trưởng hội đường sẽ chịu trách nhiệm trông nom và giữ gìn hội đường cũng như là người tổ chức các buổi thờ phượng. Dù vậy vị trưởng hội đường không nhất thiết phải là người đứng ra cầu nguyện, đọc Sách Thánh, hay là người giải thích Sách Thánh, mà những việc đó có thể do bất kỳ thành viên nào trong cộng đồng đảm nhận. Thật thế, mọi thành viên trong cộng đồng, không phân biệt tuổi tác, đều được khuyến khích chia sẻ Lời Chúa theo như những gì mà họ cảm nghiệm được trong cuộc sống hàng ngày. Theo đó, những thành viên trẻ tuổi nhất trong cộng đồng cũng được mời gọi tích cực tham gia vào đời sống tôn giáo cộng đồng. Vì thế, chẳng lạ gì khi Đức Ma-ri-a tìm thấy cậu bé Giê-su 12 tuổi đang ngồi giữa các kinh sư thông thái trong Đền Thờ. Điều lạ là cậu bé Giê-su khi ấy đã có thể đối đáp một cách khôn ngoan so với tuổi 12 của mình (x. Lc 2,41-47). Vị trưởng hội đường cũng có trách nhiệm chăm nom các sách Luật (x. Lc 4,1-20), và tại các ngôi làng nhỏ thì vị trưởng hội đường cũng có thể là một kinh sư, giữ vai trò dạy và giải thích Lề Luật. Các tư tế và các thầy Lê-vi mặc dù được chào đón tham gia vào việc phượng tự hội đường, nhưng họ không có vai trò đặc biệt nào ngoại trừ việc giúp các tư tế chúc lành cho cộng đồng (x. Ds 6,24-27).

III. Hội đường và ngày Sa-bát

Mặc dù hội đường có chức năng như một trung tâm cộng đồng và các ngày trong tuần nó có thể được dùng làm nơi học hành, xử kiện,… nhưng riêng ngày Sa-bát, hội đường được dành làm nơi dân chúng họp nhau cầu nguyện.

Vào thứ Sáu, lúc mặt trời lặn, vị trưởng hội đường sẽ thổi tù và để thông báo ngày Sa-bát bắt đầu. Khi ấy mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa tối tại nhà mình. Tất cả thức ăn phải được chuẩn bị sẵn, vì theo Luật, mọi người sẽ không được phép làm việc trong ngày Sa-bát.

Vào buổi sáng ngày Sa-bát, cộng đồng sẽ họp nhau trong hội đường để thờ phượng Thiên Chúa. Buổi thờ phượng bắt đầu bằng những lời chúc tụng Chúa. Sau đó, cộng đồng sẽ đọc kinh Sơ-ma (Shema) : “Nghe đây, hỡi Ítr-a-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4). Các cuộn sách Luật sẽ được vị trưởng hội đường đem ra và những đoạn văn mà người ta đã phân chia từ trước sẽ được đọc lên cho mọi người cùng nghe, vì thông thường các đoạn văn này đã được phân chia theo một lịch trình cố định để đọc. Sau khi nghe sách Luật, cộng đồng sẽ nghe một đoạn sách Ngôn Sứ. Sau đó, một người sẽ đứng lên giải thích một cách vắn gọn các đoạn văn mà mọi người vừa nghe. Chẳng hạn như khi Đức Giê-su vào hội đường Na-da-rét, Người đọc sách ngôn sứ I-sai-a và giải thích hết sức ngắn gọn chỉ trong một câu rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).

Cuối cùng, nếu có tư tế tham dự thì buổi thờ phượng sẽ kết thúc bằng lời chúc phúc theo công thức được ghi trong sách Luật :

Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em ! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em ! (Ds 6,24-26).

Đức Giê-su đã dành nhiều thời gian trong các hội đường Do-thái (Mt 4,23) để : giảng dạy (x. Mt 13,54; Lc 4,21), chữa lành (x. Lc 4,33-35; Mc 3,1-5), trừ quỷ (Mc 1,21-28; Lc 4,33-35) và tranh luận (x. Lc 4,23-27; Ga 6,28-59), qua đó chứng tỏ rằng Đức Giê-su thuộc về cộng đồng của hội đường, vì thế Hội Thánh mà Đức Giê-su thiết lập có thể nhìn dưới góc độ của một mô hình hội đường, theo đó Ki-tô hữu không phải là những cá nhân đơn lẻ trên hành trình đức tin mà là một cộng đồng đức tin, một cộng đồng làm nên một thân thể duy nhất của Đức Giê-su Ki-tô (1 Cr 12,12-13).

Trong thế giới ngày càng chia rẽ và dễ đổ vỡ, việc nhìn lại mô hình cấu trúc hội đường Do-thái với những ý nghĩa và vai trò của nó trong lịch sử, thiết nghĩ cũng giúp chúng ta ý thức về đời sống đức tin cộng đồng, nhất là trong việc cùng nhau học hỏi và lắng nghe Lời Chúa, cũng như trong việc thiết lập tương quan với Chúa bằng việc cầu nguyện cộng đồng.

Cầu nguyện :

Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.

Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt.

Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,
tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.

Bởi vì CHÚA nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín. (Tv 100,1-5)

print