Bài 75: Chúa không thể làm phép lạ?

print

Bài 75 : Chúa không thể làm phép lạ ?

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đề tài “Sao Chúa không thể làm phép lạ ở Na-da-rét ?”

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô kể lại cho chúng ta câu chuyện Đức Giê-su về thăm lại Na-da-rét, quê quán của Người sau khi Người đã nổi danh vì những phép lạ Người làm, như là : “Dẹp yên biển động” (4,35-39), “Trục xuất thần ô uế” (Mc 5,1-15), “Chữa lành người phụ nữ bị bệnh băng huyết” (Mc 5,25-39), “Làm cho con gái ông Gia-ia sống lại” (Mc 5,38-43). Tất cả những việc diệu kỳ này đã khiến danh tiếng của Đức Giê-su vang xa về đến tận quê nhà của Người. Vì thế, khi Đức Giê-su về Na-da-rét thì dân làng ở đó đã nghe biết những việc Người làm và họ không ngớt bàn tán về Người.

Vấn đề là khi Đức Giê-su về lại quê nhà thì Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó (x. Mc 6,5). Theo đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi : “Nếu Đức Giê-su thực sự là Con Thiên Chúa thì tại sao tác giả Mác-cô lại nói Đức Giê-su không thể làm phép lạ nào ở quê nhà của Người ?”. Và câu trả lời dễ nhất có lẽ là : “Tại vì những người ở Na-da-rét đã không tin”, và như thế thì đức tin chính là điều kiện để Đức Giê-su làm phép lạ. Tuy nhiên, trong bài tìm hiểu Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên dưới một góc nhìn khác.

Trước hết, chúng ta biết Đức Giê-su có quyền năng để làm phép lạ, và điều đó đã minh chứng qua các phép lạ Người làm, như xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,22 ; Mc 5,1-15), chữa lành bệnh tật (x. Mc 5,25-39 ; Ga 9,1tt), kiểm soát thiên nhiên (x. Ga 6,19), cho kẻ chết sống lại (x. Mc 5,38-43 ; Ga 11,43-44) v.v…, và trong số những phép lạ mà Đức Giê-su đã làm đó có những phép lạ Người thực hiện dựa trên lòng tin của người bệnh (x. Lc 17,1-10), tuy nhiên cũng có những phép lạ Đức Giê-su làm mà không cần đến lòng tin của người được cứu chữa hay của thân nhân người ấy, chẳng hạn khi làm cho con trai bà goá thành Na-in sống lại, Đức Giê-su không nói gì đến niềm tin cả (x. Lc 7,11-17).

Như vậy, nếu nói rằng quyền năng của Đức Giê-su không bị giới hạn, và nhiều phép lạ vẫn được Người thực hiện mà không nhất thiết đòi người ta phải có yếu tố đức tin, thì tại sao Đức Giê-su lại không thể làm phép lạ tại nơi quê nhà, nơi mà hàng xóm láng giềng của Người xầm xì bán tín bán nghi về Người ?

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Đến đây có lẽ chúng ta có thể đặt lại vấn đề, đó là liệu rằng thật sự Đức Giê-su “không thể làm phép lạ” tại quê nhà, hay là Người chỉ “không muốn làm phép lạ” tại đó ?

Để tìm câu trả lời chính xác, chúng ta thử so sánh những lời trong Mc 6,5 với những trình thuật song song, cụ thể là Mt 13,58.

Trong khi tác giả Mác-cô ghi lại rằng Đức Giê-su “không thể làm được phép lạ nào tại đó”, thì tác giả Mát-thêu lại nói : “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13,58).

Như vậy, cả tác giả Mác-cô và tác giả Mát-thêu đều trình bày cùng một sự kiện xảy ra khi Đức Giê-su trở về quê nhà Na-da-rét, nhưng từ ngữ mà họ sử dụng thì có khác biệt. Theo đó, vấn đề có vẻ như nằm ở cách diễn đạt của tác giả Mác-cô khi ông viết rằng : “Đức Giê-su không thể”. Tuy nhiên, cụm từ “không thể” này trong tiếng Hy-lạp là “οὐκ ἐδύνατο” (ouk edunato) đôi khi được dùng như một lối nói thành ngữ nhằm diễn đạt rằng một người, vì lý do nào đó, đã chọn không làm một điều gì đó, chứ không phải là người đó không có khả năng để làm. Cụ thể như một số trường hợp mà chúng ta thấy sau đây :

Trong dụ ngôn Đức Giê-su kể về một người được mời dự tiệc cưới, nhưng anh này vì lý do cá nhân đã từ chối tham dự : “Tôi mới cưới vợ nên không thể “οὐ δύναμαι” [ou dunamai] đến được” (Lc 14,20). Chẳng lẽ việc đã có vợ thì anh ta không thể đi dự tiệc được sao ? Thưa không phải vậy. Rõ ràng là anh ta vẫn có thể đi, nhưng anh đã chọn không đi dự tiệc.

Tác giả thư thứ nhất Gio-an viết như sau :

Phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy không thể (οὐ δύναται) phạm tội, vì đã được Thiên Chúa sinh ra (1 Ga 3,9).

Tại sao tác giả thư Gio-an lại nói như vậy trong khi chính ông trước đó đã khẳng định :

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính (1 Ga 1,8-9).

Theo đó, hẳn là khi nói : “Người ấy không thể phạm tội”, thì tác giả không có ý nói rằng người ấy không có khả năng phạm tội, mà đúng hơn, ông muốn nói rằng khi một người sống trong sự thật thì người đó sẽ chọn không phạm tội, sẽ không chọn lối sống bất chính.

Trở lại với vấn đề Đức Giê-su “không thể làm phép lạ nơi quê nhà”, chúng ta có thể thấy rõ ràng là Đức Giê-su đã chọn không làm phép lạ, chứ không phải là Người không có quyền, hay không có khả năng để làm phép lạ tại đó, vì trước đó chúng ta được các tác giả Tin Mừng cho biết rằng Chúa đã thực hiện một số phép lạ trong các vùng lân cận Na-da-rét, và ngay cả tác giả Tin Mừng Mác-cô cũng nói một cách cụ thể : “Người đặt tay trên vài người bệnh và chữa lành cho họ” (6,5b). Do đó, quyền năng làm phép lạ của Chúa không bị mất do vấn đề địa lý. Nhưng lý do nào mà Đức Giê-su lại chọn không làm phép lạ tại Na-da-rét ?

Mặc dù các tác giả Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô có đề cập đến việc dân chúng tại Na-da-rét “không tin” vì cho rằng họ “biết rõ” lai lịch của Đức Giê-su, và tác giả Mác-cô còn cho biết chính Đức Giê-su cũng rất ngạc nhiên vì sự “không tin” của họ, và tác giả Tin Mừng Mát-thêu thì cho biết Đức Giê-su đã không làm nhiều phép lạ ở đó “vì họ không tin” (Mt 13,58). Nhưng liệu có phải vì họ không tin mà Đức Giê-su đã không làm phép lạ ? Chẳng phải phép lạ sẽ đưa người ta đến đức tin sao ? Khi viên sĩ quan ở Ca-phác-na-um đến xin Đức Giê-su cứu chữa con trai ông, Người đã trả lời ông rằng : “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu !” (Ga 4,48). Thế thì hoàn cảnh tại Na-da-rét chẳng phải là dịp mà Đức Giê-su càng nên làm các phép lạ để thay đổi khiến dân chúng ở đó tin vào Người sao ?

Tuy nhiên, nếu người ta tin chỉ vì đã xem thấy các phép lạ Đức Giê-su làm, và nếu Đức Giê-su chỉ thuyết phục người ta tin vào Người bằng cách làm phép lạ, thì chẳng phải Đức Giê-su đã sa vào cạm bẫy mà ma quỷ năm xưa nơi hoang địa đã từng cám dỗ Người :

Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá (Mt 4,5-6).

Hay như lời thách thức của dân chúng khi Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá :

“Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,32).

“Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền !” (Mt 27,42).

Làm phép lạ để người ta tin là cách “đi tắt” dễ nhất nhưng đó không phải là cách mà Thiên Chúa chọn, vì Đức Giê-su muốn người ta “tin vào Người” chứ không phải “tin vào các phép lạ”. Vì thế, sau này khi sống lại từ cõi chết, Đức Giê-su đã nói với ông Tô-ma rằng : “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Theo đó Chúa muốn chúng ta lựa chọn “tin vào Chúa” chứ không phải chỉ “tin vào những gì chúng ta thấy”. Vì thế, hành trình đức tin của người tín hữu trước tiên là phải ra khỏi bóng tối của sự hoài nghi”.

Thực tế, Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do lựa chọn, vì tự do là món quà phản ánh bản chất nội tại của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, khi Đức Giê-su đối diện với sự hoài nghi của dân chúng tại quê nhà Na-da-rét, Người đã quyết định hạn chế hoạt động tại đó. Đức Giê-su chọn không dùng phép lạ như một cách thế “thúc ép” người ta tin vào Người. Thật vậy, Đức Giê-su không bao giờ dùng phép lạ để thuyết phục người ta tin, và Người cũng không bao giờ làm phép lạ để thoả mãn một sự thách thức của bất kỳ ai. Trái lại Đức Giê-su chỉ làm phép lạ để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và mặc khải chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giê-su đã không làm phép lại để người ta thấy mà tin, nhưng muốn họ biết rằng nếu tin thì họ sẽ thấy phép lạ Người làm. Và đó chính là lý do mà Đức Giê-su đã “không thể làm phép lạ” tại Na-da-rét, quê hương của Người.

Cầu nguyện

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,

là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng.

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn.

Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến,

duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,

là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng.

Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang,

Người là núi đá vững vàng,

ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân (Tv 62,2-3.6-8).