Bài 83: Luật sạch – dơ trong Do-thái giáo

print

Bài 83 : Luật sạch dơ trong Do-thái giáo

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXII mời gọi chúng ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa với lòng trân trọng sự nguyên tuyền của Lề Luật mà ông Mô-sê đã đón nhận và trao lại cho dân Chúa. Bài Đọc 1 trích sách Đệ nhị luật viết rằng : “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4,6). Lề Luật ấy hẳn cũng là nền tảng giúp chúng ta hướng đến lối sống vẹn toàn và chính trực để được vào cư ngụ trong nhà Đức Chúa như Thánh vịnh Đáp Ca hôm nay cho biết. Cũng trong tinh thần này, thư Gia-cô-bê trong Bài Đọc 2 thêm lời nhắc nhớ chúng ta hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình (Gc 1,22). Tuy nhiên, khó khăn trong việc thực hành Lề Luật của Chúa đôi khi lại nằm ở vấn đề xác định đâu là Lề Luật Chúa và đâu là các truyền thống của con người.

Hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu và cùng giải gỡ phần nào khúc mắc này qua trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô, khởi đi từ lời trách cứ của người Pha-ri-sêu và các kinh sư đối với Đức Giê-su rằng : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” (Mc 7,5), và lời tuyên bố của Đức Giê-su rằng : “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15).

I. Luật Sạch – Dơ

Sạch – dơ hay thanh sạch – ô uế theo nghi thức là chủ đề lớn trong quy luật phụng tự của người Do-thái được ghi lại trong Ngũ Thư. Các tư tế có bổn phận “phân biệt của thánh với của phàm tục, vật ô uế với vật thanh sạch” (Lv 10,10).

Chủ đề này liên tục được nhắc đến trong toàn bộ Ngũ Thư, đặc biệt là sách Lv 11–15 đã dành tất cả cho các lệnh truyền về thanh sạch và ô uế theo nghi thức :

“Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì các ngươi được ăn” (Lv 11,3) vì được coi là thanh sạch, ví dụ như “bò, cừu, dê, nai, sơn dương, hoẵng, dê rừng, linh dương, dê sừng dài, cừu rừng” (Đnl 14,4b-5).

Những con vật không có đủ cả hai tiêu chuẩn là “có móng chẻ làm hai” và “nhai lại” thì bị coi là loài ô uế : “Con lạc đà, vì nó nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai : các ngươi phải coi nó là loài ô uế ; […] con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại : các ngươi phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến ; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế” (Lv 11,4.7-8 ; x. Đnl 14,6-8).

Dưới nước cũng phân biệt thành loài thanh sạch và loài ô uế : Những loài có vây và có vảy, thì thanh sạch và được ăn. Còn những loài không vây, không vảy, thì ô uế và không được ăn (x. Lv 11,9b-10 ; Đnl 14,9-10).

Các loài chim cũng như các loài côn trùng có cánh cũng phân biệt loài sạch và loài dơ (x. Lv 11,13-23 ; Đnl 14,11-19).

Khi đụng vào các con vật ô uế nhất là xác chết của chúng, người ta bị nhiễm uế : “Vì các vật ấy, các ngươi sẽ ra ô uế : ai đụng vào xác chết của chúng, sẽ ra ô uế” (Lv 11,24).

Không chỉ có động vật, cả con người cũng có những người bị ra ô uế vì những hành vi hay những hoàn cảnh của họ, chẳng hạn đụng vào vật ô uế hay xác chết, người phụ nữ bị ô uế khi sinh con (x. Lv 12,2-5), người mắc bệnh phong hủi (x. Lv 13,3), người mắc bệnh lậu (x. Lv 15,2), phụ nữ có kinh nguyệt (x. Lv 15,19-20).

Đồ vật cũng có thể nhiễm uế nếu đụng vào người bị ô uế, ví dụ như giường của người bị bệnh lậu thì ô uế, ghế hoặc nơi nào người ấy ngồi vào thì ra ô uế; ngay cả nơi thánh cũng có thể bị nhiễm uế vì sự ô uế của con người như lời cảnh cáo của Chúa rằng : “Các ngươi hãy bảo con cái Ít-ra-en kiêng cữ khi bị ô uế, như vậy chúng sẽ không phải chết vì sự ô uế của chúng, khi chúng làm cho Nhà Tạm của Ta ở giữa chúng ra ô uế” (Lv 15,31).

II. Giáo huấn của Đức Giê-su về thanh sạch và ô uế

Như chúng ta thấy, cuộc đối chất của Đức Giê-su với người Pha-ri-sêu và các kinh sư trong đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần này có liên quan đến vấn đề rửa tay theo nghi thức (là một hình thức thanh tẩy không vì lý do vệ sinh mà vì quy định của nghi thức phụng tự hay truyền thống. Có thể lấy ví dụ tương tự trong nghi thức thánh lễ, linh mục rửa tay sau khi dâng lễ vật)

Thực vậy, hầu như các Pha-ri-sêu, các kinh sư và người Do-thái đều coi đây là truyền thống của tiền nhân. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su cũng không phản đối việc giữ truyền thống của tiền nhân. Tuy nhiên, Người kết tội các Pha-ri-sêu và các kinh sư về cách thức trì giữ truyền thống của họ khiến cho họ sao lãng các điều răn của Thiên Chúa (7,6-13). Sau đó, Người trả lời câu hỏi liên quan đến việc rửa tay mà các Pha-ri-sêu và các kinh sư đã nêu ra. Trong câu Mc 7,15, Đức Giê-su nói rõ về các nguyên cớ dẫn đến sự ô uế để cho thấy quy định rửa tay trước khi dùng bữa là thiếu nền tảng.

Bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu xem giáo huấn của Đức Giê-su đã khiến cho thái độ “duy truyền thống” của các Pha-ri-sêu và các kinh sư trở nên lung lay như thế nào. Đức Giê-su cho thấy rõ, thức ăn, cho dù có bị đôi tay chưa rửa chạm vào, thì xét về mặt nghi thức, vẫn không thể làm ô uế bất kỳ người nào. Bởi vì, “không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Đây là điều ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ hay cách hiểu của người Pha-ri-sêu và các kinh sư về sự ô uế xét về mặt lễ nghi.

Trong Kinh Thánh, có các sự ô uế chẳng hạn như đến từ bệnh phong hủi, các dịch tiết sinh dục hay các bệnh ngoài da trầm trọng phát tiết ra ngoài cơ thể. Những ai mắc phải chứng bệnh ô uế này thì phải đi tẩy uế ngoài da chứ không phải tẩy rửa bên trong thân thể. Cùng một cách nhìn như vậy, Kinh Thánh mô tả sự ô uế là điều gì đó khởi phát từ bên trong, rồi mới xuất ra bên ngoài chứ không phải là việc thấm ngược từ bên ngoài vào bên trong. Để giúp người nghe hiểu rõ hơn về sự sạch dơ mà Lề Luật nhắm đến, Đức Giê-su liệt kê một loạt các sự ô uế về đàng luân lý là các ý định xấu xa như “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21b-22). Như vậy, người ta bị ô uế bởi những gì khởi phát từ lòng người hiểm độc chứ không phải bởi những thức ăn đi vào trong bụng hay những thứ bị thải loại ra ngoài như lời Đức Giê-su đã nói trước đó : “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài” (Mc 7,18b-19a).

Ở đây, chúng ta có thể lưu ý thêm về câu Mc 7,19, dù không được trích đọc trong Tin Mừng Chúa nhật này. Đó là ngữ đoạn ở cuối câu “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch”, thường được hiểu như là lời giải thích thêm của thánh Mác-cô về lời dạy của Đức Giê-su.

Nguyên văn tiếng Hy-lạp là “katharidzôn panta ta brômata”. Ngữ đoạn này có thể dịch là “việc (khi, vì, dù, Đấng…) thanh tẩy mọi thức ăn”. Đây cũng là lý do mà phần lớn các bản dịch đã gắn động tính từ katharidzôn với động từ legei (nói) ở đầu câu Mc 7,18. Theo đó, chủ từ của động tính từ katharidzôn là Giê-su : Người là Đấng thanh tẩy mọi thức ăn. Nhiều bản dịch cũng dùng từ “tuyên bố” để câu văn được sáng tỏ hơn như : “Đức Giê-su tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch”.

Tuy nhiên, cũng có cách hiểu khác về động tính từ này. Nếu chúng ta xem ngữ đoạn cuối câu Mc 7,19 là lời tuyên bố, thì chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi, tại sao nó lại nằm quá cách xa động từ legei mà nó bổ nghĩa (nằm ở mãi đầu câu Mc 7,18 và cách đến 37 chữ trong bản Hy-lạp). Có học giả xem đây là trường hợp đặc biệt, cho phép một động tính từ (katharidzôn) đi ngay sau một lời phát biểu trực tiếp mà vẫn bổ nghĩa cho động từ legei được sử dụng trước đó : Người nói với các ông : “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?” Như vậy là Người tuyên bố… (Mc 7,18-19).

Xét về mặt văn phạm, cũng có thể đặt ngữ đoạn này vào trong ngoặc kép và hiểu rằng đây là câu nói mà chính Đức Giê-su có ý giải thích thêm về cách vận hành của hệ thống tiêu hoá chứ không phải do Mác-cô biên soạn.

Trong Mc 7,19 bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV đã phân biệt rõ hai chữ “lòng” (kardia) có ý nói về “tâm hồn” khác với “bụng” (koilia) là một từ hàm nghĩa một “bộ phận trong hệ thống tiêu hoá” của con người.

Chúng ta cũng có thể đặt thêm câu hỏi rằng tiến trình tiêu hoá có thể tẩy sạch được thức ăn người ta đưa vào bụng hay không ? Xin thưa, truyền thống của các Pha-ri-sêu và các kinh sư thực ra cũng không xem những thứ bị thải ra ngoài là thứ lây truyền sự ô uế về mặt nghi thức. Ví dụ như, Ngũ Thư cũng nói đến chuyện phải giữ sự thanh sạch hay nói theo kiểu ngày nay là “giữ vệ sinh” mỗi khi phóng uế. Theo đó, Ngũ Thư không quy sự ô uế về nghi thức cho những thứ bị thải ra ngoài (vd. Đnl 23,14). Trong lập luận của Người, Đức Giê-su cũng chỉ ra rằng những thứ bị thải ra ngoài không bị xem là ô uế về mặt nghi thức. Dạ dày người ta sẽ thực hiện phần vụ của nó là làm sạch những gì người ta đưa vào bụng, nhận những gì có lợi cho cơ thể và đưa ra ngoài những gì không cần thiết hoặc có hại cho cơ thể. Thế nên, cho dù người ta ăn mà chưa rửa tay, thì thức ăn cũng không thể làm cho người ta ra ô uế về mặt nghi thức được.

Bây giờ, chúng ta trở lại một chút với cách hiểu Đức Giê-su là Đấng làm cho mọi thức ăn trở nên thanh sạch. Xét về mặt chữ Hy-lạp, động tính từ katharidzôn (giống đực, số ít, chủ cách) rất hợp với chủ từ của động từ legei (Người nói…) trong câu Mc 7,18. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như ở Lc 24,47, động tính từ arkxamenoi chia ở chủ cách số nhiều như thế này lại ám chỉ một điều khác ẩn tàng trong bối cảnh nội tại của đoạn văn (“bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” chứ không phải là “những người đầu tiên từ Giê-ru-sa-lem”). Cũng một trường hợp gần như vậy, cách dịch ngữ đoạn cuối của câu Mc 7,19 là “Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” sẽ hợp lý hơn việc dịch, “Người là đấng thanh tẩy mọi thức ăn”. Cách hiểu này thoả đáng về cả mặt bối cảnh lẫn văn phạm, như là lời giải thích của thánh Mác-cô về những tuyên bố trước đó của Đức Giê-su.

Đến đây, chúng ta lại thấy vấn đề sạch dơ vươn tới một chiều kích rộng lớn hơn. Tại sao thánh Mác-cô lại có lời giải thích rằng “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” ? Và, các tranh cãi liên quan đến việc rửa tay trước khi dùng bữa phản ánh điều gì trên thực tế đời sống của Hội Thánh ở thời Tin Mừng Mác-cô được viết ra ?

Thực ra, các Pha-ri-sêu và các kinh sư đặt vấn đề với Đức Giê-su không phải là vì các môn đệ của Người dùng những thức ăn không thanh sạch, tức những thứ lấy từ những con vật không thanh sạch (x. Lv 11). Vấn đề các Pha-ri-sêu đặt ra có liên quan đến nghi lễ rửa tay trước khi ăn. Dựa trên khung cảnh này, thánh Mác-cô giải thích thêm để cho thấy rằng mọi thức ăn được Lề Luật cho phép đều thanh sạch. Và qua đó, Đức Giê-su cũng cho thấy truyền thống về sự thanh sạch của các Pha-ri-sêu không có lý chứng trong Kinh Thánh.

Như ông Mô-sê căn dặn trong Bài Đọc 1, đây mới là thông điệp gửi đến các Pha-ri-sêu, các kinh sư và cả chính chúng ta nữa : “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em.”

Kính Thưa quý ông bà anh chị em,

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hiểu thêm các chi tiết trong cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su với các Pha-ri-sêu và các kinh sư liên quan đến truyền thống của người xưa về việc rửa tay theo nghi thức hay nói rộng hơn là luật sạch-dơ trong Cựu Ước. Trả lời chất vấn của họ, Đức Giê-su cũng cho thấy Người và các môn đệ luôn trung thành với Lề Luật của Thiên Chúa. Trái lại, chính các Pha-ri-sêu và kinh sư mới là những người vi phạm Lề Luật, như Đức Giê-su đã nói với họ : “Các ông bảo : ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là co-ban nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mc 7,11-13).

Để kết thúc bài tìm hiểu hôm nay, chúng ta cùng cầu chúc cho nhau luôn trung thành với Lề Luật của Chúa và ngày càng cảm nghiệm sâu xa hơn niềm hạnh phúc của “kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng” như bài thánh vịnh đáp ca diễn tả :

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,

được ở trên núi thánh của Ngài ?

Là kẻ sống vẹn toàn,

luôn làm điều ngay thẳng,

bụng nghĩ sao nói vậy,

miệng lưỡi chẳng vu oan,

không làm hại người nào,

chẳng làm ai nhục nhã.

Coi khinh phường gian ác,

trọng ai kính Chúa Trời,

lỡ thề mà bị thiệt,

thì cũng chẳng rút lời,

cho vay không đặt lãi,

chẳng nhận quà hối lộ

mà hại đến người ngay.

Phàm ai làm những điều này

không hề nao núng chuyển lay bao giờ. (Tv 15)