Bài Giảng Của Đức Phanxicô Trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Thông Thường Lần Thứ XVI Của Thượng Hội Đồng Giám Mục

print

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI THÔNG THƯỜNG LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC:

TRỞ THÀNH MỘT GIÁO HỘI TÔN THỜ THIÊN CHÚA VÀ PHỤC VỤ THA NHÂN

Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI, khai mạc vào ngày 4 tháng 10, bế mạc vào ngày 29 tháng 10, với thánh lễ do Đức Phanxicô chủ tế tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Giải thích bài Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường niên năm A, ngài mời gọi chúng ta hãy luôn nhìn vào “nguyên tắc và nền tảng trên đó mọi sự bắt đầu và bắt đầu lại: tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa bằng cả cuộc đời chúng ta và yêu thương người lân cận như chính mình”, đảm bảo rằng tình yêu được thể hiện trong một Giáo hội tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Quả thật, chính với một cái cớ mà một tiến sĩ Luật đến gặp Chúa Giêsu và chỉ để thử Người. Tuy nhiên, đó là một câu hỏi quan trọng, một câu hỏi luôn thời sự, đôi khi đi vào tâm hồn chúng ta và đời sống của Giáo hội: “Đâu là điều răn lớn nhất?” » (Mt 22, 36). Chúng ta cũng thế, khi đắm mình trong dòng sông sống động của Truyền Thống, chúng ta hãy tự hỏi: đâu là điều quan trọng nhất? Đâu là trung tâm thúc đẩy ? Điều gì quan trọng nhất, đến mức trở thành nguyên tắc truyền cảm hứng cho mọi thứ? Và câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đây là điều răn cao cả, đầu tiên. Và điều răn thứ hai cũng giống như vậy: Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình” (Mt 22, 37-39).

Thưa anh em hồng y, anh em giám mục và linh mục, các tu sĩ nam nữ, anh chị em, vào cuối giai đoạn này của con đường chúng ta đã trải qua, điều quan trọng là phải nhìn vào “nguyên tắc và nền tảng” trên đó mọi sự bắt đầu và bắt đầu lại: tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa bằng cả cuộc đời chúng ta và yêu người lân cận như chính mình. Không phải những chiến lược của chúng ta, không phải những toan tính của con người, không phải những cách thức của thế giai, nhưng là yêu mến Thiên Chúa và người lân cận: đó là trung tâm của mọi sự. Nhưng làm thế nào thể hiện nhiệt huyết tình yêu này? Tôi đề nghị cho anh chị em hai động từ, hai chuyển động của tâm hồn mà tôi muốn suy nghĩ: tôn thờ và phục vụ. Yêu mến Thiên Chúa được thực hiện qua sự tôn thờ và phục vụ.

Động từ đầu tiên, tôn thờ. Yêu thương, đó là tôn thờ. Tôn thờ là lời đáp trả đầu tiên mà chúng ta có thể dành cho tình yêu nhưng không, dành cho tình yêu đáng ngạc nhiên của Thiên Chúa. Sự ngạc nhiên thán phục của việc tôn thờ là thiết yếu trong Giáo hội, đặc biệt là vào thời đại chúng ta, chúng ta đã mất thói quen tôn thờ. Quả thế, tôn thờ, đó là nhận ra trong đức tin rằng chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa và cuộc sống của chúng ta, con đường của Giáo hội, vận mệnh của lịch sử đều tùy thuộc vào sự dịu hiền của tình yêu Người. Người là ý nghĩa của cuộc sống.

Bằng việc tôn thờ Người, chúng ta tái khám phá chính mình được tự do. Đây là lý do tại sao tình yêu của Chúa trong Thánh Kinh thường gắn liền với cuộc chiến chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng. Những người tôn thờ Thiên Chúa từ bỏ ngẫu tượng vì, trong khi Thiên Chúa giải thoát, ngẫu tượng lại nô lệ hóa. Chúng lừa dối chúng ta và không bao giờ giữ lời hứa vì chúng là “công trình do bàn tay con người” (Tv 113b, 4). Thánh Kinh rất nghiêm khắc đối với việc thờ ngẫu tượng vì các ngẫu tượng là công trình của con người thao túng chúng, trong khi Thiên Chúa luôn là Đấng Hằng Sống, Đấng ở đây và bên kia, “Đấng không được tạo nên như tôi nghĩ, không phụ thuộc vào những gì tôi mong đợi từ Người, do đó có thể làm đảo lộn sự mong đợi của tôi, chính bởi vì Người hằng sống. Bằng chứng là chúng ta không luôn có một ý tưởng đúng đắn về Thiên Chúa, đó là đôi khi chúng ta thất vọng: tôi đã mong đợi điều này, tôi đã tưởng tượng rằng Thiên Chúa đã cư xử như thế, và tôi đã sai. Như vậy, chúng ta dấn thân vào con đường tôn thờ ngẫu tượng bằng cách muốn Chúa hành động theo hình ảnh mà chúng ta có về Người” (C.M. Martini, I grandi della Bibbia. Esercizi spirituali con l’Antico Testamento, Firenze 2022, 826-827). Và đó là một nguy cơ mà chúng ta luôn có thể gặp phải: nghĩ rằng chúng ta “kiểm soát Thiên Chúa”, khóa chặt tình yêu của Người vào sơ đồ của chúng ta. Ngược lại, hành động của Người luôn không thể đoán trước được, nó vượt xa, và đây là lý do tại sao hành động này của Thiên Chúa đòi hỏi sự ngạc nhiên thán phục và tôn thờ. Sự ngạc nhiên thán phúc là rất quan trọng!

Chúng ta phải luôn đấu tranh chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng; việc tôn thờ ngẫu tượng trần tục thường nảy sinh từ sự hư danh cá nhân, chẳng hạn như khao khát thành công, tự khẳng định mình bằng mọi giá, lòng tham tiền bạc – ma quỷ đi vào qua túi tiền, chúng ta đừng quên -, sức hấp dẫn của sự thăng quan tiến chức; nhưng cả những tôn thờ ngẫu tượng được ngụy trang dưới dạng linh đạo: linh đạo của riêng tôi, các ý tưởng tôn giáo của riêng tôi, kỳ tích mục vụ của tôi… Chúng ta hãy tỉnh thức để không đặt mình vào trung tâm thay vì Người. Và chúng ta hãy trở lại với việc tôn thờ. Ước gì tôn thờ là trọng tâm đối với chúng ta, các mục tử: mỗi ngày chúng ta hãy dành thời gian để thân mật với Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành trước Nhà Tạm. Tôn thờ. Giáo hội hãy là người tôn thờ: trong mỗi giáo phận, mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, chúng ta hãy tôn thờ Chúa! Bởi vì chỉ bằng cách này chúng ta mới hướng về Chúa Giêsu chứ không hướng về chính mình; bởi vì chỉ qua sự im lặng thờ phượng mà Lời Chúa mới ngự trong lời nói của chúng ta; bởi vì chỉ trước nhan Người chúng ta sẽ được thanh tẩy, biến đổi và đổi mới bởi ngọn lửa Thánh Thần của Người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy tôn thờ Chúa Giêsu!

Động từ thứ hai là phục vụ. Yêu thương, đó là phục vụ. Trong điều răn lớn, Chúa Kitô liên kết Thiên Chúa và tha nhân để Thiên Chúa và thân nhân không bao giờ bị chia cắt. Không có kinh nghiệm tôn giáo nào mà không nghe thấy tiếng kêu của thế giới, một kinh nghiệm tôn giáo đích thực. Không có tình yêu Thiên Chúa nếu không tham gia vào việc chăm sóc người lân cận, nếu không sẽ bị coi là đạo đức giả. Quả thực, chúng ta có thể có nhiều ý tưởng hay để cải cách Giáo hội, nhưng chúng ta hãy nhớ: tôn thờ Thiên Chúa và yêu thương anh em chúng ta bằng tình yêu của Người, đây là một cuộc cải cách vĩ đại và lâu dài. Trở thành một Giáo hội tôn thờ và một Giáo hội phục vụ rửa chân cho nhân loại bị thương tổn, đồng hành với con đường của những người mong manh, yếu đuối và bị bỏ rơi, dịu dàng đến gặp gỡ những người nghèo nhất. Đây là điều Thiên Chúa đã truyền dạy, chúng ta đã nghe, trong bài đọc thứ nhất.

Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến những người là nạn nhân của sự tàn bạo của chiến tranh; đến nỗi đau khổ của những người di cư, đến nỗi đau ẩn giấu của những người thấy mình cô đơn và nghèo đói; đến những người bị đè bẹp bởi gánh nặng cuộc sống; đến những người không còn nước mắt, những người không còn tiếng nói. Và tôi nghĩ đến biết bao lần, đằng sau những lời hoa mỹ và những lời hứa ngọt ngào, những hình thức bóc lột được khuyến khích hoặc không gì được làm để ngăn chặn chúng. Khai thác kẻ yếu thế nhất là một tội trọng, một tội trọng làm xói mòn tình huynh đệ và tàn phá xã hội. Chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta muốn mang đến cho thế giới một loại men khác, men Tin Mừng: Thiên Chúa ở chỗ nhất, và cùng với Ngài là những người Ngài ưa thích hơn, những người nghèo khổ và yếu đuối.

Thưa anh chị em, đó chính là Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi mơ ước: một Giáo hội phục vụ mọi người, phục vụ những người rốt hết. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi phiếu điểm “hạnh kiểm tốt”, nhưng luôn chào đón, phục vụ, yêu thương và tha thứ. Một Giáo hội với những cánh cửa rộng mở là bến cảng của lòng thương xót. Thánh Gioan Kim Khẩu nói : “Người thương xót là bến cảng dành cho những người nghèo khổ: bến cảng chào đón và cứu khỏi nguy hiểm tất cả những người bị đắm tàu; dù họ xấu, tốt hay dù họ là gì […], bến cảng cho họ trú trong vịnh nhỏ của mình. Bạn cũng vậy, khi bạn nhìn thấy một người bị đắm chìm ​​trong cảnh nghèo khó trên mặt đất, bạn đừng phán xét họ, đừng yêu cầu họ giải thích về hành vi của họ, nhưng hãy giải cứu họ khỏi bất hạnh” (Discours sur le pauvre Lazare, II, 5).

Thưa anh chị em, Thượng hội đồng đang kết thúc. Trong “cuộc đối thoại trong Chúa Thánh Thần” này, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện dịu dàng của Chúa và khám phá ra vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và trên hết, trong sự đa dạng phong phú của các câu chuyện và sự nhạy cảm của chúng ta, chúng ta đã lắng nghe Chúa Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta không thấy được thành quả trọn vẹn của tiến trình này, nhưng với sự tiên liệu, chúng ta có thể nhìn vào chân trời mở ra trước mắt chúng ta: Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta trở thành một Giáo hội hiệp hành và truyền giáo hơn, tôn thờ Thiên Chúa và phục những người nam người nữ của thời đại chúng ta, bằng cách mang đến cho mọi người niềm vui an ủi của Tin Mừng.

Thưa anh chị em: về tất cả những gì anh chị em đã làm trong Thượng hội đồng và đang tiếp tục làm, tôi xin cảm ơn anh chị em! Cảm ơn vì con đường chúng ta đã cùng nhau đi qua, vì sự lắng nghe và đối thoại. Khi cảm ơn anh chị em, tôi muốn bày tỏ lời chúc cho tất cả chúng ta: ước mong chúng ta có thể lớn lên trong việc tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Tôn thờ và phục vụ. Xin Chúa đồng hành với chúng ta. Và tiến về phía trước, trong niềm vui!

————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : vatican.va)