Bài giảng Lễ Đức Mẹ Mân Côi – Đức cha Giuse Nguyễn Năng

print

Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Hội Thánh cầu nguyện với Kinh Mân Côi

+Gm. Giuse Nguyễn Năng 

Khi nói đến Đức Mẹ Mân Côi, chắc hẳn ai cũng nhớ tới những lần Dân Chúa nhờ cầu nguyện với Kinh Mân Côi mà chiến thắng những sai lầm hoặc hận thù đang tấn công Hội Thánh. Chẳng hạn khi bè rối Albigeois nổi lên ở miền nam nước Pháp vào thế kỷ XII, chính Đức Mẹ tay cầm tràng hạt đã chỉ cho thánh Đaminh cách đọc Kinh Mân Côi, và thánh nhân đã phổ biến cho các tín hữu, nhờ đó người lạc giáo đã từ bỏ sự lầm lạc để trở về với chân lý.

Trước sức mạnh của những kẻ thù nghịch xâm chiếm những miền đất Công giáo ở châu Âu, cũng nhờ lần hạt Mân Côi mà dân Kitô giáo đã chiến thắng tại vịnh Lepante vào đúng ngày 7-10-1571, hay tại bờ biển Hy Lạp năm 1716.

Đằng sau câu chuyện của những chiến thắng ấy, là bóng dáng của một người Mẹ luôn đồng hành với Hội Thánh trong suốt chiều dài của lịch sử, đặc biệt trong những lúc khó khăn thử thách. Và đằng sau câu chuyện của những cuộc chiến, là hình ảnh của một Hội Thánh cầu nguyện, chuyên chăm và sốt sắng, bên cạnh Đức Maria là Mẹ của mình.

Bài đọc 1 kể lại : sau khi Đức Giêsu lên trời, các Tông đồ trở về Nhà Tiệc ly, cùng cầu nguyện với Đức Mẹ để chờ đón Chúa Thánh Thần trước khi lên đường đi khắp thế gian thi hành sứ mệnh Phúc Âm hóa. Hơn ai hết, Đức Mẹ đã có kinh nghiệm về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần ; Mẹ cũng là người có kinh nghiệm về sự cầu nguyện trong thâm sâu của cõi lòng để đón nhận ý Chúa và thực thi với lòng yêu mến và tín thác. Mẹ hiện diện trong Nhà Tiệc ly để dạy các Tông đồ cầu nguyện, để chỉ cho các Tông đồ hiểu rằng cầu nguyện là công việc ưu tiên hàng đầu, trước khi dấn thân vào các hoạt động Phúc Âm hóa. Bên cạnh những hình ảnh đẹp về một Hội Thánh truyền giáo, về một Hội Thánh của người nghèo, khung cảnh nhà Tiệc ly là một hình ảnh đẹp về một Hội Thánh cầu nguyện.

Ước gì ngày nay Đức Mẹ cũng dạy chúng ta về sự ưu tiên của cầu nguyện. Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II khẳng định : “Tương lai của việc truyền giáo tuỳ thuộc phần lớn vào đời sống chiêm niệm”. ĐTC Phanxicô nói : nếu muốn đi loan báo Tin Mừng, chúng ta cần đời sống cầu nguyện, để “có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình” ; nếu không, “chúng ta thiếu sinh lực và đam mê. Một người không có xác tín, không phấn khởi, không chắc chắn và không yêu, người ấy chẳng thuyết phục được ai”.

Nói tới cầu nguyện, xem ra là điều lạc lõng và khó thực hiện trong thời đại của tốc độ vội vã, của hoạt động không ngừng, của ồn ào nhộn nhịp. Nhưng chính vì thế, Kinh Mân Côi lại rất phù hợp cho các tín hữu thời đại hôm nay.

Kinh Mân Côi được gọi là việc đạo đức bình dân, không phải vì là lời cầu nguyện tầm thường, nhưng vì là lời kinh dễ thực hiện của toàn thể Dân Thiên Chúa : của Đức Giáo hoàng, các giám mục và linh mục, của tu sĩ và giáo dân, của người già người trẻ, nam cũng như nữ. Đó không phải chỉ là lời cầu nguyện của người ít học, mà cũng là lời kinh của các nhà bác học và trí thức như Blaise Pascal, André-Marie Ampère, Louis Pasteur ; là lời kinh của tín hữu bình dân, nhưng cũng là lời kinh của nhà thần học ; là lời kinh của người tội lỗi cũng như của bậc đại thánh, của người sống đời chiêm niệm cũng như của người dấn thân trong hoạt động tông đồ.

Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện có thể đọc mọi nơi mọi lúc. Đó là lời kinh trong bầu khí trang nghiêm trước Thánh Thể khi cùng với Đức Mẹ chiêm ngắm Chúa Giêsu, mà cũng là lời kinh trên đường đi chợ hoặc ra đồng ruộng hay đến công ty xí nghiệp ; là lời kinh trong giờ kinh tối của gia đình, và cũng là lời kinh trong lúc đợi khám bệnh hay đứng bên vệ đường chờ xe. Với Kinh Mân Côi, các tín hữu trở thành những nhà chiêm niệm bên vệ đường, nối kết đất với trời. Thật đẹp và quí biết bao.

Lần hạt Mân Côi không phải là những lời lải nhải ngoài môi miệng như cái máy, mà đó là lời cầu nguyện của trọn vẹn hồn xác con người. Cả thân xác và tinh thần cùng tham gia cầu nguyện : miệng đọc lâm râm, mắt chiêm ngắm, tay lần hạt, thân mình đứng quì hay ngồi tùy theo từng mầu nhiệm, đang khi đó thì trí nhớ và trí tưởng tượng hình dung một biến cố trong lịch sử cứu độ để chiêm ngắm, trí hiểu suy niệm về thánh ý Thiên Chúa, còn trái tim rung những nhịp đập cảm mến tình thương của Ba Ngôi, để rồi cuối cùng ý chí quyết tâm biến đổi cuộc sống và hiến thân cho chương trình cứu độ. Như thế, mỗi lần một chút, mỗi ngày một chút, nhờ Đức Mẹ, những tư tưởng và tâm tình của Chúa Giêsu thấm dần vào con người Kitô hữu và biến đổi từ bên trong để họ ngày càng nên giống Chúa, tựa như giọt sương thấm dần vào cây lan xấu xí để đến lúc sẽ nở ra những cánh hoa muôn màu xinh đẹp.

Tuy đơn sơ, Kinh Mân Côi lại là bản tóm của toàn bộ Kinh Thánh, từ những lời hứa trong Cựu Ước được nhắc lại trong biến cố Truyền tin, đến mầu nhiệm Giáng sinh và thời kỳ ẩn dật của Chúa Giêsu, từ lời rao giảng và các biến cố trong ba năm rao giảng, đến cuộc Khổ nạn đau thương và Phục sinh vinh quang, từ thời gian của Chúa Giêsu đến thời gian của Hội Thánh dưới tác động của Chúa Thánh Thần, từ cuộc lữ hành trần thế của nhân loại đến chung cuộc vinh quang nơi thiên quốc được báo trước nơi mầu nhiệm Đức Mẹ hồn xác lên trời. Quả thực đó là bản tóm của toàn thể lịch sử cứu độ.

Nếu nói về lời đọc, thì Kinh Mân Côi vừa có Kinh Lạy Cha là lời kinh đặc trưng của Kitô hữu do chính Chúa Giêsu dạy, vừa có lời chúc tụng của Hội Thánh dâng lên Chúa Ba Ngôi trong Kinh Sáng danh ; là lời chúc tụng của thiên thần kính chào Đức Mẹ, mà cũng là lời khẩn cầu của loài người xin Đức Mẹ Chúa Trời thương đến “chúng con là kẻ có tội”. Khi đọc Kinh Mân Côi, các tín hữu xin ơn trợ giúp cho cuộc chiến đời này, nhưng nhất là cho cuộc chiến quyết liệt trong giờ lâm tử ; vừa xin ơn tha tội cho Hội Thánh lữ hành trên trần gian để không một tín hữu nào sa hỏa ngục, vừa cầu nguyện cho các tín hữu còn đang chịu thanh luyện trong luyện ngục chỉ còn biết cậy trông vào lòng nhân từ thương xót của Chúa Giêsu.

Mỗi chục kinh Mân Côi đều hướng tâm hồn về một mầu nhiệm cứu độ để chiêm ngắm và chúc tụng Thiên Chúa, đồng thời cũng là lời cầu khẩn xin Chúa ban ơn cho mọi người. Chúng ta cầu xin cho mình được bắt chước các nhân đức của Chúa, như khiêm nhường, khó nghèo, vâng phục, hy sinh đền tội, cùng vác thánh giá và cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Chúa. Nhưng chúng ta cũng còn cầu cho các nhu cầu của Giáo hội và toàn thể nhân loại. Chẳng hạn khi ngắm Năm Sự Vui, chúng ta nhớ đến các gia đình trẻ, những bà mẹ đang mang thai, những người trẻ đang phân định ơn gọi ; chúng ta cầu xin cho việc bảo vệ sự sống, cho các trẻ em bị bỏ rơi, cho việc giáo dục thanh thiếu niên, cho đời sống hôn nhân và gia đình. Khi ngắm Năm Sự Sáng, chúng ta nhớ đến cuộc khủng hoảng về sự thánh thiện trong Dân Chúa và cầu cho mọi người sống thánh thiện theo ơn gọi của mình, cầu cho các gia đình đang gặp khó khăn, cho các Kitô hữu nguội lạnh không còn thực hành đức tin. Khi ngắm Năm Sự Thương, chúng ta cầu cho các dân tộc đang đi trên con đường Thánh giá tăm tối của lịch sử khi phải gánh chịu những cuộc chiến lâu dài, cầu cho công lý và hòa bình trên thế giới, cho các Kitô hữu đang chịu bách hại vì đức tin, cầu cho người nghèo khổ và bệnh nhân, cho người bị gạt ra bên lề xã hội hay bị quên lãng. Khi ngắm Năm Sự Mừng, chúng ta cầu cho công cuộc Phúc Âm hóa, cho các Kitô hữu vâng theo tác động của Chúa Thánh Thần để sống đời chứng nhân giữa lòng thế giới, biết loan báo niềm hy vọng Phục sinh cho nhân loại khổ đau, biết xây dựng thế giới theo đường hướng của Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.

Như lịch sử chứng minh, Kinh Mân Côi tuy đơn sơ khiêm tốn nhưng hiệu quả lại lớn lao không ngờ. Kinh Mân Côi tựa như những viên sỏi của cậu bé chăn chiên Đavít có khả năng chiến thắng sức mạnh gươm giáo của tên khổng lồ Gôliat. Có rất nhiều Gôliat của thời đại đang tấn công nhân loại : Gôliat của tiền bạc của cải, Gôliat của lạc thú hưởng thụ, Gôliat của tự do lệch lạc, Gôliat của quyền lực độc tài, Gôliat của những ý thức hệ sai lầm. Đứng trước sức mạnh của những Gôliat ấy, chúng ta thấy mình quá nhỏ bé và có nguy cơ bị nuốt trửng. Nhưng 200 viên sỏi của tràng hạt Mân Côi chính là sức mạnh của “Thiên Chúa các đạo binh” để chiến thắng sự dữ trong thế gian.

Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi nhắc nhở toàn thể Hội Thánh về sứ mạng cầu nguyện. Cùng với sứ mạng rao giảng Tin Mừng, sứ mạng phục vụ người nghèo khổ, Hội Thánh cũng có sứ mạng cầu nguyện. Một Hội Thánh cầu nguyện với Kinh Mân Côi sẽ có khả năng canh tân chính mình và làm thay đổi thế giới.

Cũng như Đức Mẹ đã cùng với các Tông đồ cầu nguyện trong Nhà Tiệc ly, ngày nay xin Mẹ cũng đồng hành và nâng đỡ Hội Thánh trong sứ mạng cầu nguyện.

+ Gm. Giuse Nguyễn Năng