Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân

print

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân

Nguồn GPLX

Nghiên huấn của UB. Giáo dân: Ơn gọi lãnh đạo mục vụ (BÀI 1) 

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 2)

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 3)

Nghiên huấn của UB. Giáo dân: Ơn gọi lãnh đạo mục vụ (BÀI 1)

Kính thưa quý cha, bắt đầu từ tháng sáu này UB Giáo Dân (HDGMVN) xin gửi đến quý cha các bài nghiên huấn về tu đức, huấn giáo, mục vụ và quản trị hàng tháng để quý cha thường huấn cho Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ, Ban Hành giáo.v.v..

Bài nghiên huấn tu đức (BÀI 1)

Ơn gọi lãnh đạo mục vụ 

Lãnh đạo mục vụ là một hoạt động mới mẻ với hầu hết thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta. Hơn nữa, chúng ta đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo này không chỉ với tư cách cá nhân đảm nhận một chức vụ, nhưng còn với tư cách đoàn thể Hội đồng mục vụ giáo xứ. Khi thi hành trách nhiệm lãnh đạo như thế, không ít lần chúng ta kinh nghiệm về sự khác biệt giữa các thành viên và những thách đố mà sự khác biệt ấy gây ra. Thật ra, tương tự như nhóm Mười Hai, chúng ta không phải một nhóm đồng nhất, nhưng chúng ta được kêu gọi để xây dựng sự hiệp nhất trong nhóm, sự hiệp nhất vượt qua sự khác biệt, để tiếp tục ôm ấp và chuyển trao Tin mừng vào đôi tay và trái tim nhân loại. Chúng ta nhận ra nguyên lý và nền tảng sự hiệp nhất này ở ngay khởi đầu và nguồn cội ơn gọi lãnh đạo mục vụ.

Ơn gọi lãnh đạo mục vụ không phải là một lựa chọn chức vụ hay công việc phục vụ, nhưng trên hết là đáp lời mời gọi của Đức Giêsu: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người.” (Mc 3,13). Ơn gọi ấy khởi đi từ ý muốn của Đức Giêsu; Người gọi “những kẻ Người muốn” và Người cầu nguyện trước khi chọn gọi họ: “Chúa Giê-su đi lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12). Ơn gọi lãnh đạo mục vụ khi ấy là một tiến trình năng động xuyên suốt và liên tục “đến với” Đức Giêsu: “Và các ông đến với Người”. Từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta không được kêu gọi để đến với chức vụ hay công việc, dù là chức vụ hay công việc chính đáng và cao trọng, nhưng được kêu gọi “đến với” Đức Giêsu.

Đức Giêsu chọn gọi từng người “đến với Người” và chính Người tạo lập họ thành nhóm-thành cộng đoàn: “Người lập nhóm Mười Hai”. Nhìn vào danh sách các Tông đồ, chúng ta thấy các ngài khác nhau như thế nào (Mc 3,16-19). Hình ảnh nhóm Mười Hai có thể phần nào cho thấy hình ảnh của nhóm Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta. Mỗi người mỗi vẻ; mỗi người mỗi tính cách, mỗi cá tính. Xây dựng sự hiệp nhất trong một nhóm khác biệt nhau như thế hẳn là một thách đố lớn và có khi bất khả thi. Tuy nhiên, điều quan trọng là, hãy để cho Đức Giêsu “lập nhóm”. Chính Người gọi chúng ta đến với Người và cũng chính Người liên kết chúng ta thành nhóm-thành cộng đoàn.

“Đến với Người” và “ở lại với Người”, đó là đòi hỏi đầu tiên của người, của từng thành viên Hội đồng mục vụ, vì có như vậy, tính môn đệ mới được liên tục và mãi gắn kết với Đức Giêsu. Đến được với Người thì mới đến được với nhau và để Người lập nhóm-lập cộng đoàn. Khi “đến với Người”, từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta tham dự vào sứ mạng cao trọng này. Lập nhóm hay xây dựng tương quan mục vụ chính là một sứ vụ “bản lề” của người lãnh đạo mục vụ, của từng thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ. Để thực thi sứ vụ “bản lề” này, từng người chúng ta cần “đến với Người” và cùng Người, đến với anh chị em.

Như thế, ơn gọi lãnh đạo mục vụ là một năng động xây dựng cộng đoàn môn đệ. Từ nhóm hay cộng đoàn, từng người chúng ta tiếp tục “đi ra” loan báo Tin mừng bằng lời nói, việc làm và đời sống; từ nhóm hay cộng đoàn này, Đức Giêsu tiếp tục thực hiện sứ mạng của Người, đó là phá đổ quyền lực bóng tối, xua trừ sự dữ và tất cả những gì làm cho con người trở nên tê liệt và lệ thuộc.

Hồi tâm

Tiến trình tôi đón nhận ơn gọi lãnh đạo mục vụ diễn ra như thế nào? Tôi có tăng tiến qua việc đảm nhận trách vụ lãnh đạo trong cộng đoàn giáo xứ không?

Tôi quan tâm tạo lập tương quan với các thành viên khác trong Hội đồng mục vụ không? Trong thực tế, tôi đã-đang làm gì để phát triển tương quan giữa các thành viên Hội đồng mục vụ?

Tôi thường làm gì để giải hoà những bất đồng trong Hội đồng mục vu? Khi đó, tôi có thường “đến với” Đức Giêsu không?

Lm Vũ Ngọc Tín SJ.

Ban Nghiên huấn UB. Mục vụ Giáo dân

BÀI NGHIÊN HUẤN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

VỊ MỤC TỬ RIÊNG CỦA GIÁO XỨ

 

“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình”. (Mt 20,1)

Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia…

Khi nghe nói về “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia…”, người nghe có thể bắt đầu hình dung về một nước trời, ông chủ, gia nhân…. Theo đó, nhà chuyên môn về tổ chức sẽ có thể bắt đầu hình thành trong trí những định hướng từ câu Tin Mừng này, về việc thế nào là lãnh đạo mục vụ(leadership in ministry) và quản trị mục vụ (pastoral management). Nghĩa là, người ta nên suy tưthế nào về lãnh đạo và quản trị để có thể hiểu, sống và áp dụng vào sinh hoạt trong Giáo hội.

Cụ thể hơn, cả câu Lời Chúa “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình”[1] có thể giúp soi sáng, và góp phần giải thích như thế nào về các mối tương quan của các thành viên trong giáo xứ, trong hội đồng mục vụ giáo xứ. Điều này tất yếu dẫn đến việc cần hiểu biết thêm về vai trò của vị linh mục chính xứ một xứ đạo. Với ước mong hiểu biết như thế, nhà chuyên môn buộc phải tự hỏi mình, để thêm phần thấu đáo, linh mục chính xứ là một nhà lãnh đạo (leader) hay một quản trị viên (manager).

Vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc

Trước hết, nội dung của phần trích “vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc vườn nho…” áp dụng đúng cho mọi Ki-tô hữu. Tất cả đều được Chúa kêu mời vào làm việc vườn nho của Chúa, trong đó có các giáo sĩ, tu sĩ. Song, cũng chính nội dung ấy – trong cái nhìn về lãnh đạo và quản trị– còn có thể được hiểu và áp dụng tốt hơn cho bổn phận phải tận tụy thi hành nhiệm vụ của vị linh mục chính xứ tại vườn nho giáo xứ được ủy thác cho ngài là chủ chăn riêng, mục tử riêng (proper pastor).

Quản trị viên ra sức làm mọi việc cho đúng cách; nhà lãnh đạo cố gắng làm những việc đúng, việc phải…; vị mục tử riêng không chỉ nỗ lực làm những việc đúng, việc phải, mà còn cần nỗ lực làm những việc ấy sao cho đúng cách nữa.[2]

Sau là, vị mục tử riêng cần tận tâm thi hành nhiệm vụ được uỷ thác – việc săn sóc mục vụ “vừa tảng sáng đã ra… vườn nho…” – cùng với các nhân sự liên quan và luôn luôn dưới quyền của đứcgiám mục giáo phận. Thật vậy, vì được gọi thông phần với giám mục…

… vào tác vụ của Ðức Ki-tô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các linh mục khác hoặc với các phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo quy tắc luật định.[3]

Hoá ra, linh mục chính xứ không nhất thiết chỉ là nhà lãnh đạo theo quan niệm trần thế, cũng không thuần tuý chỉ là quản trị viên. Linh mục chính xứ là người mục tử riêng, vị chủ chăn riêng; ngài cần ơn Chúa cách riêng để chu toàn vai trò của mình. “Khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim câu” là khuôn vàng thước ngọc cho công việc bổn phận của ngài, công cuộc hợp tác mục vụ.[4]

Trong vườn nho…

Thật vậy, ở mọi cấp độ của tổ chức, sự hợp tác trong lãnh đạo là rất cần thiết mà cũng rất tế nhị. Cần sự tỉnh táo và đặt mình đúng chỗ. Không tự tôn cũng không tự ti. Nhưng tự trọng. Trong vườn nho của mình, linh mục chính xứ không chỉ là nhà lãnh đạo mà còn là quản trị viên. Ngài là vị mục tử riêng của giáo xứ được uỷ thác cho ngài. Chẳng vậy mà, trong tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ, Uỷ ban Giáo Dân (HĐGMVN), ngày 04 tháng 4 năm 2010, đã từng viết:[5] “Linh mục chính xứ là: (1) mục tử (chủ chăn) riêng của giáo xứ, thành viên đương nhiên của hội đồng mục vụ giáo xứ;[6] (2) người hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ, thi hành nhiệm vụ thánh hoá, giảng dạy, và phục vụ (tư tế, ngôn sứ và vương đế) dưới quyền của giám mục giáo phận;[7](3) người đại diện của giáo xứ trong tất cả mọi hành vi pháp lý, liên đới và hiệp thông với mọi người”.[8]

GTHH

Nguồn: UB Giáo dân

[1] Mt 20,1.

[2] A manager tries to do the things right; a leader tries to do the right things; a proper pastor tries to do not only the right things but also the things right. (x. Ta, A Training Program to Promote Collaborative Leadership… (Washington, DC: The Catholic University of America, 2005), 95.

[3] BGL 1983, đ. 519.

[4] X. Mt 10,16. Suy tư thần học nhằm hỗ trợ mục vụ thực hành này cũng không được ra khỏi khuôn thuớc đó (x. Ta, Quản trị giáo xứ…, [TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015], 4).

[5] X. Mt 20,1-7; BGL 1983, đđ. 228; 512; 532; 536; 537.

[6] X. BGL 1983, đ. 519. Thành viên đương nhiên này đứng đầu hội đồng mục vụ giáo xứ trong tư cách là vị “mục tử riêng” của giáo xứ (người đứng đầu là người “rốt hết”, là người phục vụ).

[7] X. BGL 1983, đđ. 518; 519.

[8] X. Ta, Thần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 751; BGL 1983, đđ. 519; 532.

BÀI NGHIÊN HUẤN MỤC VỤ

Con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người

Lời mở

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” đã xác định rằng: “Đối với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa, Người cho họ xác tín rằng con đường tình yêu mở rộng cho tất cả mọi người”[1], vì Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào trong lòng con người như một dấu hiệu đặc biệt khi dựng nên họ theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài.

1.1. Một Trời yêu thương

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, dân tộc Việt Nam chúng ta tin vào Trời. Niềm tin ấy được diễn tả trong đời sống hằng ngày, trong những nghi lễ của vua chúa trên Tế đàn Nam Giao cũng như trong các lễ hội dân gian, được lưu trữ trong kho tàng văn hoá dân tộc qua những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích về bánh chưng, bánh giầy…

Trời không phải chỉ là khoảng không gian xanh thẳm trên đầu nhưng là một Đấng thiêng liêng, thấu suốt mọi sự (Trời xanh có mắt), quyền phép vô song, tạo dựng nên vạn vật (Trời sinh, Trời dưỡng; Con chim nó hót trên cành, Nếu Trời không có, có mình làm sao, Con chim nó hót trên cao, Nếu Trời không có, làm sao có mình?), nhìn thấu mọi sự và soi thấu lòng dạ khôn dò của con người (Trời nào có phụ ai đâu, Hay làm thì giầu, có chí thì nên). Vì thế, người ta cầu Trời ban cho mình những thứ cần thiết (Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm, Lấy rơm đun bếp…). Trời là gương mẫu cho người ta noi theo, tạo thành một nền luân lý gọi là “đạo Trời” để con người tuân giữ (Dù ai nói ngược, nói xuôi, Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng). Tất cả đều diễn tả tình yêu thương của Trời đối với muôn loài.

Khi đạo Công giáo được các thừa sai dòng Tên chính thức truyền vào Việt Nam trong khoảng năm 1615-1665, các ngài đã dạy cho dân tộc Việt Nam về đạo Trời đó, nhất là trong cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày của linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Trong cuốn sách đầu tiên được in bằng chữ quốc ngữ này, cha Đắc Lộ gọi Trời là Đức Chúa Trời[2] . Nhiều bản kinh chúng ta vẫn còn đang giữ tên gọi đó như kinh Mười Điều Răn, kinh Cám Ơn, kinh Tin Kính của các Tông đồ…

Trong dòng lịch sử dân tộc, người Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn học Trung Hoa. Đạo Trời của người Việt có một số nét tương đồng với đạo Khổng hay Nho giáo của người Tàu như “Thiên bất dung gian, Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Từ sau Công đồng Kẻ Sở năm 1924, nhiều sách vở Công giáo bắt đầu dùng từ Thiên Chúa, viết tắt bởi từ “Thiên địa chân Chúa”, có nghĩa là vị Chúa đích thực của trời đất, thay cho từ Đức Chúa Trời[3].

Thật ra khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Trời dành cho con người và vạn vật, người Việt dễ dàng đón nhận niềm tin của người Công giáo dành cho Thiên Chúa. Điều này đã được nhiều học giả ghi nhận: “Xưa kia chỉ biết kêu trời. Mà nay đã biết gọi Trời là Cha. Trần gian chẳng phải là nhà. Đi về vĩnh cửu gặp Cha trên Trời”[4].

1.2. Tình yêu ở đây là gì ?

“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8.16), nghĩa là bản thể của Thiên Chúa là tình yêu. Vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, như họa ảnh của Ngài, nên tình yêu được đưa vào trong bản tính của con người, và tình yêu trong con người không chỉ còn là những cảm xúc dù mãnh liệt và có trách nhiệm[5] . Tình yêu nơi Kitô hữu còn là “một nhân đức, nghĩa là một năng lực được thủ đắc bằng huấn luyện”[6] , vì thế chúng ta mới nói đến đức tin-đức cậy-đức mến.

Sau hết, tình yêu còn là ân huệ cao quý hơn cả và tồn tại mãi mãi, như thánh Phaolô đã giải thích cho chúng ta: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,7-8.13).

Tình yêu đó là chính Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho ta khi thổi Thần Khí của Người trên chúng ta. Đó cũng là “tình yêu của Cha Trên Trời đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta” (x. Rm 5,5) để hướng dẫn chúng ta như những người con tự do của Thiên Chúa, chứ không phải là những nô lệ sợ hãi, mà dân Do Thái xưa kia đã cảm nhận, và để chúng ta có thể nói lên hai tiếng “Abba, Cha ơi!” đối với Thiên Chúa như Thánh Phao lô nhắc nhở (x. Rm 8,14-17).

1.3. Con đường tình yêu

Con đường tình yêu đó cũng là chính Đức Giêsu thực hiện cho mỗi người chúng ta khi mời gọi chúng ta bước theo Người “anh em hãy theo Thầy”, vì Người chính là con đường dẫn đến sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng (x. Ga 14,6). Người thúc giục ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Vì thế, tình yêu của Ba Ngôi vừa là thực tại để chúng ta tôn thờ từng giây phút trong đời sống, đồng thời là một nhân đức để chúng ta luyện tập theo gương tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

  1. Những đặc tính của tình yêu Ba Ngôi

Chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy chúng ta như Kitô giáo. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha, tình yêu cứu độ của Chúa Con và tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

2.1. Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha

Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là tình yêu của Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Chúng ta thấy muôn loài đều phản ánh tình yêu trong sáng và tốt lành của Cha Trên Trời qua màu sắc của từng bông hoa, cánh bướm, đặc biệt là vẻ đẹp nơi mỗi con người. Chúng biểu lộ đặc tính chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui của tình yêu sáng tạo này.

Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của chính mình để xét xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ, dốt nát, yếu hèn, bệnh tật? Tình yêu của chúng ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn khi chưa yêu ta? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ không hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?

2.2. Tình yêu cứu độ của Chúa Con

Đặc tính cứu độ đã được diễn tả bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời trần thế của Người. Những hành động đó nhắc nhở rằng ta không được yêu chỉ bằng lời lẽ ngoài môi miệng, nhưng bằng những hành động tích cực thông thường trong đời sống[7] . Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã gửi chúng ta lời nhắn nhủ rằng: “Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, người Kitô hữu chúng ta cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau và niềm vui của tha nhân như của chính mình. Các hoạt động trong mọi lĩnh vực của người tín hữu ấy luôn mang tính nối kết vững chắc với tha nhân. Mỗi hành động của họ đều năng động, rộng lượng và ân cần. Vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật”[8] .

Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, cảm nghiệm được sự hy sinh ấy nơi cha mẹ hy sinh cho con cái, như người tình dám chết cho người mình yêu, như người chiến sĩ hy sinh mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì nó cũng không có tính cách cứu độ muôn loài của Chúa Con.

2.3. Tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần

Thánh hoá có nghĩa là hoá thành thánh như Thiên Chúa là đấng thánh, thần hoá có nghĩa là biến thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn mời gọi chúng ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, thành con cái Thiên Chúa như chúng ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, do những tham vọng và dục vọng thúc đẩy, chúng ta đã hạ thấp, làm nhục đối tượng mình yêu, thậm chí biến người yêu thành phương tiện giải trí cho tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu phải hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phải thay đổi thái độ ấy.

Lời kết

Chúng ta được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình xem có mang những đặc tính sáng tạo, cứu độ và thần thánh hoá của Ba Ngôi không. Nếu chúng ta thể hiện những đặc tính ấy trong cuộc sống hằng ngày thì hi vọng những anh em lương dân sẽ nhận ra rằng chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi mà người Công giáo tuyên xưng mới có thể thay đổi triệt để đời sống con người và xã hội của họ. Lúc đó họ mới dễ dàng tin theo Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 Ủy ban Giáo dân

[1] (x. Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng” , số 38).

[2] (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam Năm 2016, NXB Tôn Giáo, tr 175).

[3] (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo, mục từ Thiên Chúa, 2016, tr 842).

[4] (x. Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn học Toàn Thư I, NXB Quốc Hoa, 1959).

[5] (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr 1284 )

[6] (x. Docat, câu số 16)

[7] (x. Ga 3,18; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, số 38).

[8] (1Cr 13, 4-6) (x. Thông điệp Mater et Magistra, (1961), số 257; Docat  (2017), tr. 28).

 

 

 

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 2)

UBGD-HĐGM. VN

Ban Nghiên Huấn

BÀI 2 (PHẦN TU ĐỨC)

SỨ MẠNG THU PHỤC NGƯỜI TA (Lc 5,1-11)

Khi được hỏi, ngài tự xác định mình là ai-“Jorge Mario Bergoglio là ai?”, Đức thánh cha Phanxicô đã trả lời: “Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một thứ văn chương. Tôi là một tội nhân“. Một tội nhân được Chúa Giêsu yêu thương tha thứ và mời gọi bước theo Người. Đó là danh tính của thánh Phêrô, của Đức thánh cha Phanxicô, người kế vị thánh Phêrô, và cũng là danh tính của những ai sống ơn gọi tông đồ, trong đó có từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta. Nhận biết mình là tội nhân được yêu thương tha thứ, đó là tâm điểm sứ mạng lãnh đạo mục vụ như thánh Phê-rô: “từ nay, anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10).

Hành trình trở nên người cảm hoá hay “thu phục người ta” khởi đi từ kinh nghiệm được thu hút và cảm hoá bởi lời Chúa. Thánh Phêrô hẳn đã kinh nghiệm được sức thu hút và cảm hoá này ngay cả khi ngài còn miệt mài với nghề nghiệp đánh cá của mình: “dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc 5,1). Đức Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ; và Người chọn bước xuống chiếc thuyền của ông Simon Phêrô. Đức Giêsu bước vào cuộc đời ông cách tinh tế và kín đáo, nhưng đó lại là cách Người chuẩn bị ơn gọi của ông, mời gọi ông trở nên người “thu phục người ta”.

Bị quấy rầy ngay khi đang bận rộn với công việc chính đáng của mình-đang giặt lưới, nhưng ông Simon Phêrô vẫn quảng đại với Đức Giêsu và cộng tác với Người ở nhiều cấp độ. Trước hết, ông cho Đức Giêsu mượn thuyền và giữ thuyền cho Người giảng dạy. Thứ đến, ông từ bỏ ý riêng để thực hiện sáng kiến của Đức Giêsu. Sau cùng, ông Simon Phêrô và các bạn đã “bỏ mọi sự mà theo Người”.

Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Một lời đề nghị trái khoáy. Ông đã vất vả cả đêm mà chẳng được gì; lưới lại bẩn và các ông còn đang phải giặt. Hơn nữa, ông chuyên nghiệp hơn Đức Giêsu. Thế nhưng, lời Đức Giêsu có sức thu hút, đã “thu phục” ông, nhưng rất kín đáo. Ông quăng lưới theo ý Đức Giêsu và kết quả là một mẻ cá lạ: “họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”-lưới “hầu như” rách, nhưng không rách. Mẻ cá lạ là công trình cộng tác giữa ông Simon Phêrô và Đức Giêsu. Qua đó hẳn là ông Simon Phêrô cảm nghiệm được hiệu quả của Lời Chúa như thế nào.

Trước uy quyền của Đức Giêsu, ông Simon Phêrô thấy mình tội lỗi và bất xứng nên xin Chúa tránh xa mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”, nhưng Đức Giêsu không những không tránh xa, Người còn “sáp vô” và mời gọi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Đức Giêsu mời gọi ông cộng tác vào sứ mạng của Người. Sau khi đưa thuyền vào bờ, các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Trước đây các ông lo làm sao có nhiều cá để nuôi sống bản thân và gia đình mình, còn bây giờ các ông không bận tâm với cá, với bản thân và gia đình mình nữa, nhưng bận tâm đi theo Đức Giêsu. Gặp Chúa rồi, các ông thay đổi mối bận tâm, từ chỗ qui về mình đến chỗ hướng về Chúa; các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người. Ông Simon Phêrô và các bạn không đặt điều kiện với Chúa, không tính toán hơn thiệt với Chúa. Họ đi theo Đức Giêsu vì chính sức thu hút của Người, để trở nên người có sức thu hút, cảm hoá và thu phục người ta.

Chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá”, đó là hình ảnh nói lên con đường phải đi của chính Đức Giêsu, của ông Simon Phêrô và của từng người chúng ta. Đó là hành trình “Vượt Qua”: phải ra tận chỗ nước sâu, nơi người ta chẳng còn cậy dựa vào bản thân hay những gì mình sở đắc, để chỉ còn tìm kiếm và cậy dựa vào ý Chúa; đó cũng là hành trình của người từng thành viên Hội đồng mục vụ khi đón nhận ơn gọi lãnh đạo cộng đoàn theo gương thánh Phêrô: “đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,11).

Hồi tâm.

  1. Đâu là “chỗ nước sâu” trong đời sống và việc phục vụ của tôi?
  2. Tôi lắng nghe và đáp lời mời gọi như thế nào khi lãnh đạo cộng đoàn? Tôi lãnh đạo theo tinh thần nào? Dựa vào đâu để tôi lãnh đạo và điều hành việc chung?
  3. Làm thế nào giúp anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ ngày càng gia việc lãnh đạo?

Linh mục Toma Vũ Ngọc Tín SJ

BÀI 2 ( PHẦN MỤC VỤ)

 Đức Giêsu là con đường sự thật và sự sống

Lời mở

Cuộc đời con người giống như một con đường. Có con đường bằng phẳng, đầy bóng cây râm mát và ta đi dễ dàng trong ít phút, nhưng cũng có con đường khúc khuỷu, mấp mô, đầy thử thách, ta phải đi trong suốt cuộc đời. Ngoài những con đường hữu hình đo theo từng cột mốc, còn có những con đường vô hình được gọi là “đạo” như “đạo làm người, đạo làm con”. Đó là những đường lối hay nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong đời sống xã hội[1]. Những con đường tâm linh, được nhiều người đồng hoá với tổ chức tôn giáo như Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng, Đạo Hồi, Đạo Chúa…, lại còn có thể đưa con người vượt qua cả đời trần thế để đi vào cõi vĩnh hằng.

Vì thế, trong phạm vi bài này, chúng ta tìm hiểu về con đường của muôn loài, của Thiên Chúa và của Giáo hội Chúa Kitô để bước theo trong đời sống.

  1. Con đường của muôn loài tìm về cội nguồn

Nhìn vào vũ trụ bao la, dù không phải là nhà khoa học, chúng ta cũng có thể thấy vạn vật chuyển động như đang đi chung một con đường. Sau vụ nổ lớn (Big Bang) đầu tiên cách đây 13,8 tỉ năm, các thành phần của vũ trụ là các thiên hà, các ngôi sao đang lao nhanh trong không gian và mỗi giây phút lại biến đổi và tiến hoá không ngừng[2] như đang tìm về một đích điểm. Nhà khoa học C.R. Darwin (1809-1882) còn mô tả cho ta quá trình tiến hoá này: từ vật chất vô cơ đến hữu cơ, từ đơn bào đến đa bào, từ sinh vật hạ đẳng đến thượng đẳng có tinh thần là chúng ta như “con người biết suy tư”, gọi là “homo sapiens”, xuất hiện cách đây khoảng 40.000 năm[3].

Hơn nữa, con người hiểu biết rằng vạn vật vô cùng kỳ diệu, được vận hành theo những định luật chính xác, giống như chiếc đồng hồ hết sức tinh xảo, nên không thể ngẫu nhiên mà có, mà cần phải do người thợ khéo léo, thông minh làm ra. Riêng con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể được chia thành 200 loại khác nhau, được tổ chức thành nhiều nhóm để tạo nên các mô, rồi thành các cơ quan như bộ não, tim phổi gan ruột, nhờ đó con người có thể suy nghĩ, rung cảm, yêu thương, chuyển động, tiêu hoá đồ ăn, sinh sản,[4]…quả là một cấu trúc nhiệm mầu.

Nhờ tinh thần biết suy tư, con người luôn đặt câu hỏi với mình: “Con người là gì hay là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu?”. Con người luôn muốn tìm ra cội nguồn của mình cũng là nền tảng tối thượng của mọi loài hiện hữu trong vũ trụ[5]. Trong đời sống ngắn ngủi, biến động, vô thường ở trần thế, con người ý thức và cảm nghiệm về đau khổ, bệnh tật, già yếu, chết chóc trong khi vẫn nuôi trong lòng khát vọng được sống tốt đẹp mãi mãi và được hưởng trọn vẹn tự do, công bằng, hạnh phúc, tình yêu, hoà bình…[6] .

Con người không muốn chỉ truyền lại sự sống và ước mơ của mình cho con cháu sau này, nhưng muốn chính mình đạt được khát vọng đó. Vì thế con người luôn cố gắng đi tìm con đường dẫn tới nguồn của mọi hiện hữu để “được cứu độ, giải thoát, được hoá thành thần thánh, được vào Niết Bàn, vào Thiên Đàng…”.

Đấy là con đường tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ cũng là con đường tâm linh của con người[7].

  1. Con đường của Thiên Chúa

Người Cha Tạo Hoá, mà mỗi tôn giáo gọi bằng tên khác nhau như Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Đức Thượng Đế, Đấng Cao Đài, Đấng Tối Cao…, đã vạch ra con đường yêu thương để muôn loài tìm về được với Ngài. Các nhà khoa học ngày càng kinh ngạc khi khám phá ra những định luật kỳ diệu trong từng cục đá tầm thường, từng bông hoa nay còn mai mất… như dấu hiệu của con đường siêu việt ấy ẩn giấu trong vạn vật. Muôn loài thọ tạo, vì được Thiên Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ tạo thành, nên đều được chia sẻ những phẩm tính cao đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa (x. Kn 1,13-15; Mt 6,25-32).

Con đường này càng rõ rệt và cụ thể hơn nơi con người vì con người được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài với tinh thần mở rộng đến vô biên và với tình yêu tự do để đáp lại tình yêu của Đấng Tạo Hoá (x. St 1-3)[8].

Nhưng con người đã chối từ tình yêu này, muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, cắt đứt với nguồn hiện hữu, nên con người đương nhiên mất hết những ân sủng cao quý Chúa ban: trẻ đẹp, khôn ngoan và sống mãi. Hành động chối từ của nguyên tổ Ađam-Eva nói lên thực trạng bất toàn của con người (x. St 1-3)[9]. Vạn vật, vì gắn bó một cách mật thiết với con người, nên cũng bị ép buộc lệ thuộc sự hư nát (x. Rm 8,28) do tội lỗi con người gây nên.

Vì thế, khi chiều theo những tham vọng và dục vọng, con người không còn nhận ra con đường của Chúa ghi khắc nơi vạn vật cũng như nơi chính mình. Con người quay sang tôn thờ những sức mạnh thiên nhiên, bái lạy các tượng thần tưởng tượng. Ngày nay con người còn tôn thờ cả tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, tài năng, khoa học vì tưởng lầm rằng chúng có thể ban cho mình hạnh phúc, sự sống, tình yêu…

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn đặt con đường của Ngài trong lương tâm ngay chính của con người để dẫn họ về với Ngài. Ngài đã chỉ bảo cho họ bằng nhiều cách khác nhau (x. Dt 1,14) và các tôn giáo được coi là những con đường tâm linh để giúp con người tìm về với Ngài. Những con đường ấy, dù còn những điểm bất toàn, sai lạc, có khi mê tín, nhưng thật sự cũng là những con đường được Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người[10].

Thiên Chúa còn chỉ dạy con đường của Ngài qua lịch sử dân tộc Do Thái khi kêu gọi Abraham lên đường (x. St 12,1-5). Dân tộc Do Thái đã học kinh nghiệm đi với Thiên Chúa của mình (x. Mk 6,8), nhất là trong cuộc xuất hành qua hoang địa (x. Tv 68,8), có cột mây, cột lửa dẫn đường (x. Xh 13,21), với giao ước Mười Điều Răn như bộ luật đi đường, để vào được Đất Hứa. Cuối cùng, họ hiểu ra con đường của Giavê, Đấng hiện hữu, là con đường tình yêu và chân lý (x. Tv 25,10; Tv 136) chứ không phải là luật lệ hình thức và việc thờ phượng bên ngoài[11].

Sau những lầm lạc của dân Do Thái và mọi dân tộc, chính Thiên Chúa sẽ xây dựng một con đường mới (x. Is 49,11) cho muôn loài. Đó là con đường Giêsu.

  1. Đức Giêsu làCon đường sự thật và sự sống

Việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người chính là công trình Thiên Chúa xây dựng con đường của Ngài. Một Thiên Chúa tuyệt đối, vô hạn, siêu việt ở bên ngoài không gian, thời gian, đã trở thành một con người lịch sử hữu hình trong một không gian và thời gian nhất định. Con người đó là Đức Giêsu Nazareth. Thiên Chúa thực hiện công trình này do tình yêu thúc đẩy[12]  vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,6). “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Con đường Giêsu có 2 chiều: một chiều đi xuống từ phía Thiên Chúa đến với thụ tạo và một chiều đi lên để nâng thụ tạo thành thần linh, chia sẻ cho họ sự sống đời đời, giúp họ thoả mãn khát vọng sâu xa là trở thành Thiên Chúa như Ngài. “Không ai lên trời được ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13), chỉ cho họ con đường lên trời. Đây là điểm khác biệt của con đường Giêsu so với các con đường tâm linh một chiều khác trong lịch sử[13] .

Đức Giêsu thật sự là con đường dẫn đến sự thật toàn vẹn và sự sống vĩnh hằng khi Ngườicông bố và minh chứng cho con người và vạn vật biết Người “là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Người” (Ga 14,6)[14]. Người đã minh chứng con đường này bằng những lời giảng dạy đầy quyền năng, bằng những phép lạ, bằng cái chết trên thập giá và cuộc sống lại của Người. Như thế, con đường Giêsu không còn phải là những tín điều, những giáo thuyết, những nghi lễ hay luật lệ (x. Cv 9,2; 18,25; 24,22) nhưng là một con người sống động mà chúng ta cần tìm hiểu, đi theo, yêu mến và kết hợp thành một với Người.

Hơn nữa, Đức Giêsu còn đồng hoá mình với con người, nhất là với những ai đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, bị coi thường, bị tù tội (x. Mt 25,31-46) để mời gọi chúng ta yêu thương con người. Trong dòng lịch sử, nhiều tôn giáo đã có lúc quá chú trọng đến hình thức, nghi lễ dành cho thần linh, cho Thiên Chúa, mà coi nhẹ những hoạt động dành cho con người[15]. Đây cũng là một trong các nguyên nhân phát sinh ra những thái độ của con người chối bỏ thần thánh, tạo nên các chủ nghĩa vô thần. Những chủ nghĩa này đã nhân danh con người hay xã hội loài người để đòi lại những gì mà các tôn giáo đã dành cho thần linh, cho Thiên Chúa[16].

Vì thế, từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản, dựa vào Chúa Kitô và lấy con người làm gốc, để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại[17]. Giáo hội Công giáo đã xác định rằng “con người là con đường của Giáo Hội”[18] và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô”[19].

Lời kết

Khi hiểu được Đạo là Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ thấy việc đi đạo, theo đạo, giữ đạo, sống đạo chính là đi theo và kết hợp thành một với Chúa Giêsu trong tình yêu để chính mình lại trở thành con đường dẫn muôn loài về với Người.

Câu hỏi gợi ý

  1. Bạn đang theo đạo Công giáo, bạn hiểu đạo là gì?
  2. Bạn đang quan tâm thế nào đến con người?

[1] X. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng-Vietlex, 2013, tr.386

[2] X. Hiên Phan, Thuyết Big Bang là gì?, Nguồn Space.com, Internet, 16/8/2005; Docat, câu số 2, tr.16.

[3] X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.12-15

[4] X. Bs. Alice Roberts, Atlas giải phẫu cơ thể người, NXB Y Học, 2015, tr.18-24

[5]  X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 2, tr.16

[6]  X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1965, số 10; Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, câu số 4, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.18

[7]  X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 4, tr.17

[8]  X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 130; Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 53, tr. 64

[9]  X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 6, tr.19

[10] X. CĐ. Vat. II, Hiến chế Dei Verbum, số 2-6; x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, 2015, tr.245-251

[11] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 10-11, tr.21

[12] X. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 5, tr.19

[13] X. ĐTC Gioan Phaolo II, Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, số 6, 11; Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 13, tr.22; x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, 2015, tr.251-253

[14] X. Docat, NXB Tôn Giáo, 2017, câu số 9, tr. 20-21

[15] X. Đức Giáo hoàng Phanxico, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng,24/11/2013, số 49

[16] X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 19-21

[17] X. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 10

[18] X. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 62; Docat, câu số 306, tr.277

[19] X. Công đồng  Vaticano II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 22

Linh mục Anton Nguyễn Ngọc Sơn

Phần I: KHÁI NIỆM VỀ HỘI THÁNH THEO VATICANO II

Bài 02 ( PHẦN HUẤN GIÁO)

NÊN THÁNH TRONG MỘT GIÁO HỘI THÁNH THIỆN

Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiên, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô (Ep 1,4-5).

Trở về với ý thức về sự thánh thiện Tin Mừng của tất cả mọi phần tử trong Hội Thánh là một trong những nét cơ bản của Hiến Chế Lumen Gentium. Đã từ lâu xem ra người ta giới hạn lời kêu gọi nên thánh vào bậc sống tu sĩ, thường được mệnh danh là bậc trọn lành, bậc thánh thiện. Nhiều người có khuynh hướng coi các giáo dân như những người đời (secular), những người thế tục có cuộc sống lỏng lẻo, tục hoá; và vì vậy họ chỉ là các Kitô hữu bậc hai, thua kém hàng giáo phẩm là những người có chức thánh, hay các tu sĩ là những vị được hiến thánh cho Chúa. Công Đồng dành cả chương V của Hiến Chế về Giáo Hội  để sửa sai quan niệm này. Chương V có nhan đề ‘Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội’.

  • Định nghĩa sự thánh thiện Tin Mừng:

Công Đồng cho chúng ta một định nghĩa về sự thánh thiện chung cho mọi hạng người trong Giáo Hội như sau: “Những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng tham dự vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy cùng theo đuổi một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất thiết quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy, và hoạt động nhờ đức ái.” (LG 41)

Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nếu họ biết tin tưởng lĩnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên trời, và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế.

  • Tín hữu giáo dân được thánh hoá trong Hội Thánh

Để có thể được thánh hoá, sau khi đã lĩnh nhận Phép Rửa ban Thánh Thần, tất cả mọi Kitô hữu bất luận đều cần tiếp tục kiện cường việc gắn kết với Đức Kitô. Qua việc lĩnh nhận các Bí Tích, Kitô hữu kín múc lấy nguồn sức sống là Đức Kitô là Đầu và Mục Tử, Người Tôi Tớ khiêm cung không ngừng hiến mạng sống mình vì phần rỗi mọi người (xem CFL số 21-22).

Do đó, chính vì sự thánh thiện của mình mà các Kitô hữu liên kết bền chặt với hàng giáo sĩ, vì nguồn mạch ơn thánh được tuôn đổ xuống các tín hữu qua các tác viên được chính Thánh Thần tuyển chọn, như thánh Phaolô đã xác quyết: “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và day dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta được hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,11-13).

Đó là lý do trước hết để họ lĩnh nhận cách sốt sáng các nguồn ơn thánh được Đức Kitô ban cho, thông qua các thừa tác viên của Người.

  • Các Kitô hữu giáo dân cũng tham gia vào việc thông truyền ơn thánh hoá (bên trong Hội Thánh.)

Các tín hữu giáo dân không tham gia vào sự thánh thiện của Đức Kitô cách thụ động. Kể từ ngày lĩnh nhận Phép Rửa ban Thánh Thần, và do chính ơn gọi chuyên biệt của mình, họ cũng tham gia vào sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương đế phổ quát của Đức Kitô (xem CFL 23), không những cho toàn thế giới, mà ngay trong lòng Hội Thánh nữa.

Vì thế, khi có nhu cầu, và sau khi đã được chuẩn bị thích đáng, một số trong họ được chọn để cộng tác với hàng giáo phẩm trong các nhiệm vụ thánh hoá, thông qua các công tác phụng vụ và bí tích khác nhau được trao phó cho họ (xem CFL 23).

Ngoài ra họ cũng được mời gọi cộng tác và chung tay vào việc điều hành Giáo Hội, nhất là trong những gì thuộc lĩnh vực tổ chức và quản trị mang tính đời, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, mà Hội Đồng Kinh Tế Giáo xứ và Giáo Phận là một điển hình (xin tham khảo Giáo Luật 537 và Tông Huấn CFL số 10).

Nhiều khi cũng rất cần sự phản hồi và đóng góp ý kiến của họ về những gì liên quan tới lĩnh vực mục vụ tại một địa phương nhất định, hầu các giáo sĩ có nhiệm vụ dẫn dắt và thánh hoá kịp thời điều chỉnh và phát huy hơn nữa việc phục vụ thánh hoá trong Hội Thánh sao cho hữu hiệu và đạt kết qua mong muốn. Thực vậy, Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân (CFL 27) khẳng định: “Hoạt động của họ bên trong cộng đoàn Giáo Hội là rất cần thiết, vì nếu thiếu, việc tông đồ của mục tử không thể đạt được kết quả sung mãn”.  Từ ý tưởng này chúng ta thấy xuất hiện các Hội Đồng Mục Vụ cấp giáo xứ và cấp giáo phận với nội dung rất quan trọng như trên (cũng nên tham khảo CIC các khoản 511, 536).

Ngoài ra vì mục đích gia tăng và kiện cường trách vụ thánh hoá bản thân cũng như cộng đoàn Giáo Hội địa phương, họ có thể, với sự chấp thuận của Đấng Bản Quyền, thành lập hay tham gia các hiệp hội đạo đức, tùy theo nhu cầu thiêng liêng đòi hỏi, và trong sự linh hứng của Thánh Thần thánh hoá (xem CFL 27-29).

  • Bổn phận thánh hoá chính của Kitô hữu giáo dân là thánh hoá thế giới.
  •  

Nếu toàn thể Hội Thánh nhận được mệnh lệnh lên đường của Đức Kitô là “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi thọ tạo” (Mc 16,15) thì Kitô hữu Giáo Dân là thành phần chính có bổn phận đem Tin Mừng vào trong các lĩnh vực trần thế, vì lối sống và tác vụ của họ là như thế. Quả thật, Tông Huấn CFL số 33 khẳng định: “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ mệnh loan báo Tin Mừng, các bí tích khai tâm Kitô giáo và các ân huệ Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng cho họ và thúc giục họ thi hành sứ mạng này”. Sự hiện hiện sâu rộng của họ trong mọi lĩnh vực của thế giới con người làm cho họ hơn ai hết có khả năng đem Tin Mừng và các giá trị của nó đến cho thế giới.

Câu hỏi gợi ý:

  • Bạn có ý thức rằng, dầu hàng Giáo sĩ không làm nên Hội Thánh, nhưng vì nhận được tác vụ thánh hoá từ Đức Kitô trao ban để phục vụ toàn thể Dân Chúa, nên vai trò thánh hoá của họ phải luôn được tôn trọng không?

Bạn có ý thức đang góp phần mình vào việc xây dựng nhiệm thể Đức Kitô khi tham gia vào các hoạt động của Hội Thánh không?  

Linh mục Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Bài 02 (PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ)

MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VỀ

SỨ VỤ CỦA HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

 “Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. (Mt 20,2).

Sau khi đã thoả thuận với thợ…

Khi sánh ví các hoạt động trong “Nước Trời” có phần giống như việc làm của những người thợ tại vườn nho – trong đó có vai trò rất đặc biệt của vị “mục tử riêng” (proper pastor)[1] tại vườn nho “giáo xứ” – Ki-tô hữu không được phép quên rằng, Vị Mục Tử Nhân Lành (Bon Pasteur, Good Shepherd) là gia chủ duy nhất của vườn nho.[2] Chính Vị “Mục Tử Nhân Lành-Gia Chủ Duy Nhất” ra mướn các thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.

Theo đó, những người thợ, cả vị mục tử riêng với ơn gọi riêng, với nghĩa vụ được ủy thác riêng, cả quý chức các hội đồng, hội đoàn của giáo xứ, và tất cả những ai với thiện chí đáp lại lời mời gọi từ Vị “Mục Tử Nhân Lành-Gia Chủ Duy Nhất” mà hăng hái vào vườn nho làm việc sẽ được lãnh “mỗi ngày một quan tiền”.[3] Thật vậy, “sau khi đã thỏathuận với thợ…”,[4] một thỏa thuận (agreement) trong “Tin-Cậy-Mến” như thế, có thể sánh ví như một hợp đồng (contract) như ý, mỹ mãn, thỏa chí toại lòng (win-win solution);[5] mà trong đó, hợp đồng “mỗi ngày một quan tiền” của các thợ vườn nho “giáo xứ” liên quan đến mọi người dân xứ, cách riêng là các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ với những quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể.[6]

Mỗi ngày một quan tiền (usual daily wage)

Vâng, ở đây, “mỗi ngày một quan tiền” cho mọi người thợ cũng đồng nghĩa với “mỗi ngày một quan tiền” cho từng người thợ. Thỏa thuận này giữa Vị “Mục Tử Nhân Lành-Gia Chủ Duy Nhất” với các người thợ là chuẩn mực cần và đủ.[7] Thỏa thuận này hướng đến ngày mùa cánh chung, hướng đến Vườn nho Thiên Quốc, áp dụng đúng cho người vào làm việc hăng say trong vườn nho hạ giới mà lòng luôn hướng về thượng giới, “ái mộ những sự trên trời”. Thật vậy, tại vườn nho giáo xứ, các người thợ là tất cả mọi người trong giáo xứ, có thể được áp dụng cách riêng cho quý chức, cách riêng hơn nữa chính là các thành phần thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ.

Theo tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của Ủy ban Giáo Dân (HĐGMVN), ra ngày 04 tháng 4 năm 2010, các thợ vườn nho được lãnh “mỗi ngày một quan tiền” là các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ với các ý nghĩa “hẹp, rộng, mở rộng”: “(1) nghĩa thứ nhất (hẹp): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ và các ủy viên; (2) nghĩa thứ hai (rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các ủy viên, các trưởng của các giáo họ (ban chấp hành), các trưởng của các giới (ban trị sự), và các trưởng của các hội đoàn (ban phục vụ); (3) nghĩa thứ ba (mở rộng): hội đồng mục vụ giáo xứ gồm ban thường vụ, các ủy viên, tất cả các thành viên thuộc các ban chấp hành các giáo họ, các ban trị sự các giới, và các ban phục vụ các hội đoàn trong giáo xứ”.[8]

Được sai vào vườn nho làm việc

Nói tóm lại, khi được sai vào vườn nho làm việc, quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ với “cơ chế gồm giáo sĩ, tu sĩ và nhất là giáo dân (đại đa số là giáo dân) thuộc giáo xứ:[9] (1) được giám mục giáo phận cho phép thành lập (nếu ngài xét thấy thuận lợi);[10] (2) có quyền tư vấn và được điều hành theo các quy tắc do giám mục giáo phận ấn định;[11] (3) cộng tác với linh mục chính xứ thi hành sứ vụ Tin mừng, góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn dân Thiên Chúa, sống làm chứng và loan truyền Tin mừng, yêu thương, phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người; (4) đặc biệt cộng tác với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, tổ chức và điều hành các sinh hoạt trong giáo xứ, xây đắp tình liên đới, hiệp thông của những người anh chị em thuộc gia đình giáo xứ”.[12]

Trong vườn nho giáo xứ, mọi người dân xứ – cách riêng là quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ – đều “được sai vào vườn nho làm việc”, đều là những thợ vườn nho.

29-6-2018

GTHH

[1] X. Ban Nghiên Huấn (UBGD), “Vị mục tử riêng của giáo xứ” trong Bài 01, ngày 29-5-2018.

[2] X. Ga 10,1-39; Mt 20,1.

[3] Mt 20,2. Trong ngữ cảnh của câu Thánh kinh này, “mỗi ngày một quan tiền” là khát vọng cần và đủ cho mọi con người.

[4] Mt 20,2. “A contract is a promise or set of promises that are legally enforceable and, if violated, allow the injured party access to legal remedies” (https://www.iaccm.com/resources).

[5] X. Steven Croft, ed., The Future of the Parish System (Lon-don: Church House Publishing, 2006), 75-90.

[6] Bởi lẽ, hợp đồng là sự thỏa thuận, có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản, khi đã được xác lập, các bên tham gia phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo “hợp đồng”.

[7] Chủ đề ơn cứu độ duy nhất qua Đức Ki-tô và tính phổ quát của ơn cứu độ (universality of salvation) được lặp lại nhiều lần trong Công vụ Tông Đồ (x. Kaiser W. C., Hard Sayings of the Bible (Downers Grove, Illinois: InterVarsity, 1997), 500-2.

[8] X. Ta, Thần học mục vụ… (TP. HCM: Nxb. Tôn Giáo, 2015), 753-4.

[9] X. Mt 20,1-7; BGL 1983, đđ. 228; 512; 532; 536; 537.

[10] X. BGL 1983, đ. 536 §1.

[11] X. BGL 1983, đ. 536 §2.

[12] X. TGP. Sài Gòn-TP. HCM, “Điều 3. Hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ năm 2002

 

 

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 3)

 

Ủy Ban Giáo Dân

Hội đồng Giám Mục Việt Nam

PHẦN TU ĐỨC

GẶP CHÚA, ĐỔI ĐỜI (Lc 19,1-10)

Được Đức Giêsu thu phục, hẳn là ông Da-kêu đã trở nên “người thu phục người ta” (Lc 5, 10), qua đời sống bác ái hơn và công bằng hơn: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đó là một đời sống tuôn chảy sức năng động của niềm vui Tin mừng: “Niềm vui Tin mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống những ai gặp gỡ Đức Giêsu.” (EG, 1). Hành trình đổi đời này khởi đi từ khao khát biết Đức Giêsu, một niềm khao khát có sức khơi lên sáng kiến và nỗ lực thực hiện hành trình tìm gặp Người.

Khi vào thành Giê-ri-khô, Đức Giêsu đã chữa lành cho một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường (Lc 18,35-43). Có lẽ tiếng vang của việc chữa lành này đã chạm đến ông Da-kêu và khơi lên một ước muốn nho nhỏ: “tìm cách xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Một ước muốn nhỏ nhoi, nhưng để khoả lấp, ông Da-kêu lại gặp không ít khó khăn từ nhiều phía: vì ông thấp bé so với đám đông vây quanh Đức Giêsu, vì ông là người đứng đầu những người thu thuế… Tuy nhiên, ông không thấy khó khăn là cản trở, nhưng là một thách đố, một lời mời gọi vượt qua. Ông nảy ra sáng kiến và nỗ lực thực hiện sáng kiến này: ông chạy lên phía trước, leo lên một cây sung. Đặt mình vào địa vị xã hội như ông Da-kêu, có lẽ nhiều người không dám làm như ông, leo lên cây như một trẻ nít. Đây là cử chỉ cho thấy lòng khao khát nơi ông chân thật, năng động và tích cực thế nào. Để gặp Chúa, cần có lòng khao khát chân thật, đó là lòng khao khát có sức năng động và tích cực, giúp vượt qua khó khăn thách đố trên đường.

Từ trên cây sung, có lẽ ông Da-kêu đã dõi mắt theo Đức Giêsu đang bước đi trên đường của Người. Đức Giêsu nhận ra ông và ngỏ lời với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông!”. Có thể nói, Đức Giêsu tìm ông hơn là ông tìm Người; Người biết ông hơn là ông biết Người. Điều gì có thể níu chân Đức Giêsu, khiến Người “phải ở lại” nhà ông Da-kêu, nếu không phải là lòng khao khát chân thật của ông. Đức Giêsu làm cho ông điều vượt quá mong đợi. Người không chỉ khoả lấp khát vọng của ông là xem cho biết Đức Giêsu là ai, mà còn cho ông điều ông không dám mơ, đó là được tiếp đón Người vào nhà mình. Cuộc gặp gỡ được cử hành trong niềm vui và niềm vui ấy tiếp tục tuôn chảy qua đời sống ông Da-kêu. Chân thành gặp gỡ Đức Giêsu, ông Da-kêu đã được Người thu phục. Ông đổi đời, sống công bình hơn và bác ái hơn, để tiếp tục thu phục và biến đổi những cuộc đời quanh ông.

Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, danh tính của chúng ta không chỉ được xác định bởi chức vụ, nhưng căn bản được xác định dựa trên mối liên hệ thiết thân với Đức Giêsu, đấng đã “thu phục” chúng ta và mời gọi chúng ta đón nhận sứ mạng “thu phục người ta” (Lc 5,10). Có đôi lúc nặng nhọc trong trách vụ, chúng ta như thể quên Chúa, nhưng Người không quên chúng ta. Có đôi lúc căng thẳng trong hoạt động mục vụ, chúng ta có thể lạc lối sai đường, Chúa đã đi bước trước tìm chúng ta, thu phục chúng ta bước đi trên đường của Người.

Hồi tâm.

Khi tham gia Hội đồng mục vụ, tôi có cảm thấy sự thách đố của Tin mừng không? Vào những dịp nào? Tôi có cảm thấy xung đột giữa đời sống của tôi và những đòi hỏi của Chúa Giêsu không?

Tôi có thực sự gặp Chúa chưa? Chúa có mời gọi tôi biến đổi điều gì chăng? Tôi có đang làm theo điều Chúa muốn? Chúa đã đi bước trước tìm tôi thế nào? Có những biến cố nào tôi nhận ra Chúa đã đi bước trước tìm gặp tôi?

Linh mục Toma Vũ Ngọc Tín SJ.

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần I: KHÁI NIỆM VỀ HỘI THÁNH THEO VA-TI-CAN II

TRONG HỘI THÁNH TÁC VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG

“Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh, và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24:45-48)

1/ Hội Thánh là Đoàn Dân Chúa được cứu độ và có sứ mạng rao giảng Tin Mừng

Trong cộng đoàn Dân Thánh có nhiệm vụ chính là tiếp nhận cứu độ cho mình, rồi mang ơn cứu độ đó cho trần gian qua việc rao giảng Tin Mừng khắp tứ phương thiên hạ, chắc chắn phải có nhiều tác vụ khác nhau và bổ sung cho nhau. Các tác vụ nói chung hướng về cả hai mục đích ‘thánh hóa’ và ‘rao giảng’, nhưng có những nét chuyên biệt riêng biệt của mỗi thứ.

Tông Huấn Christi Fideles Laici (Ki-tô hữu Giáo Dân) xác định hai loại thừa tác viên thực hành các tác vụ này như sau:

a/  Tác vụ quen được gọi là ‘tác vụ Linh Mục’ “Các tác viên có chức thánh là một hồng ân cho toàn Hội Thánh. Các tác vụ này diễn tả và thực hiện việc tham gia vào linh mục tính của Đức Ki-tô Giê-su, không chỉ theo đẳng cấp mà còn trong cả nội dung, khác biệt với sự tham gia dành cho tín hữu giáo dân nhờ Phép Rửa và Thêm Sức” (CFL 22);

b/ Và ‘Tác Vụ Giáo Dân’ là các tác viên “Tín hữu giáo dân, trong tư cách là phần tử của Hội Thánh, có ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng: họ được chuẩn bị cho việc này thông qua các bí tích gia nhập Ki-tô giáo, và nhờ các ẩn điển của Chúa Thánh Thần” (CFL 33).

Như vậy chúng ta có thể nói rằng các tín hữu giáo dân trong Hội Thánh có tác vụ riêng được ban cho họ nhờ Phép Rửa ban Thánh Thần; điều này luôn được khẳng định vào thời Hội Thánh sơ khai. Và tác vụ này song hành với tác vụ giáo sĩ dành cho một số người.

2/ Tác Vụ Giáo Sĩ

Tông Huấn Christi Fideles Laici số 22 khẳng định: “Vị trí trước hết trong Hội Thánh là các thừa tác viên có chức thánh, nghĩa là các tác viên đã lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh”.” Theo suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, tác vụ này được gồm ba chức năng hay cấp bậc là Phó Tế, Linh Mục và Giám Mục. Chúng ta gọi chung là ‘tác vụ giáo sĩ’

Giáo sĩ là những người:

  • Được tham gia trực tiếp vào tác vụ thánh hóa của Đức Giê-su Ki-tô, nhất là trong vai trò làm đầu của Người đối với Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ.
  • Nhiệm vụ hàng đầu của họ là thánh hóa toàn Nhiệm Thể nhân danh Đức Ki-tô ngôn sứ, tư tế và linh mục
  • Đồng thời, trong vai trò Đức Ki-tô là đầu, họ đóng vai trò qui tụ Hội Thánh trong tác động hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông với giáo sĩ là điều kiện để toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Hội Thánh được hiệp nhất và bền chặt.
  • Có thể nói vai trò chuyên của tác vụ này mang tính đối nội trong Hội Thánh nhiều hơn. Giáo sĩ được ban cho tác vụ này là để trước tiên phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, và vì thế nhiệm vụ chính yếu của các ngài là cổ súy sự nối kết cành với thân nho là Đức Ki-tô và vun đắp sức sống bên trong Nhiệm Thể Đức Ki-tô; như Tông Huấn Ki-tô Hữu Giáo Dân số 22 khẳng định:

Do đó để bảo đảm và gia tăng hiệp thông trong Hội Thánh, đặc biệt tại những nơi các tác vụ khác biệt bổ sung cho nhau, các mục tử phải luôn nhìn nhận rằng tác vụ của họ về cơ bản là hướng tới phục vụ toàn thể Dân Chúa (xem Dt 5:1). Về phần các tín hữu giáo dân, họ phải nhìn nhận tác vụ linh mục là hoàn toàn cần thiết để họ tham gia vào sứ mạng của Hội Thánh.

3/ Tác vụ Giáo Dân

Vì Ki-tô hữu Giáo Dân cũng tham gia vào chức vụ ngôn sứ, tư tế, và vương đế của Đức Ki-tô, đựa trên những gì Tông Huấn Christi Fideles Laici viết ở số 23, ta có thể minh xác là họ đã nhận được một tác vụ trong ngày lãnh nhận Phép Rửa lãnh Thánh Thần:

Do đó các chủ chăn phải nhìn nhận và kiện cường tác vụ, chức vụ và vai trò của tín hữu giáo dân đặt nền tảng trên Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, và đối với một số lớn trong họ, còn trên Bí Tích Hôn Phối nữa.”

Cách riêng, trong một Hội Thánh có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho trần gian, Ki-tô hữu Giáo Dân phải là những người:

  • Có nhiệm vụ hàng đầu là đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ (tức thánh hóa bản thân) trong sự liên kết với toàn Nhiệm Thể là Đức Ki-tô như cành liên kết với thân cây nho (xem Ga 15:1-6). Nói cách khác, nếu ngày nay ta gọi điều này là ‘sống thánh giữa đời’ thì đó là nói lên một tổng hợp giữa hai điều, một là đón nhận ơn cứu độ, hai là mang sự cứu độ này cho trần gian (xem Ga 15:5).
  • Tuy nhiên trong một Hội Thánh có nhiệm vụ chủ chốt là loan báo Tin Mừng khắp thế gian, thì như Tông Huấn Christi Fideles Laici số 33 ở trên đã trích dẫn khẳng định rõ: tác vụ của Ki-tô hữu Giáo Dân có sắc thái đối ngoại rõ rệt, tức là họ có sứ mạng chuyên môn là mang Tin Mừng của Đức Ki-tô tới khắp hang cùng ngõ hẻm và tới mọi lãnh vực bất cứ của đời sống trần thế, nhờ khả năng thâm nhập vào các môi trường đa diện của nhân loại với sức mạnh làm biến đổi của Tin Mừng

Tác vụ này cần được các giáo sĩ  tôn trọng, khích lệ và nâng đỡ; về phần mình trong tác động của Chúa Thánh Thần, luôn tìm mọi cách làm cho nó ngày càng trở nên phong phú, nhất là dưới các hình thức liên kết tồng đồ và hiệp hội.

Câu hỏi gợi ý:

  • Bạn có nhận ra vai trò của giáo sĩ trong việc thánh hóa toàn nhiệm thể là quan trọng thế nào không? Nêu một vài điển hình trong sinh hoạt Giáo Hội
  • Và bạn có đánh giá cao vai trò chuyên của tín hữu giáo dân là làm cho Tin Mừng thâm nhập vào thế giới? Bạn có nghĩ việc đánh giá này hiện nay còn khá non nớt trong Giáo Hội không?

Linh mục Gioan Nguyễn Văn Ty 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ VỚI TINH THẦN CỘNG ĐỒNG KI-TÔ NHỎ (SCC)

“Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. (Mt20,4)

Cả các anh nữa…

Khi nói đến hội đồng mục vụ giáo xứ, người ta hay nghĩ đến các thành viên ban thường vụ, thông thường chỉ là năm vị:[1] “(1) chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ (chánh trương); (2) phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách nội vụ (phó trương nội vụ); (3) phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách ngoại vụ (phó trương ngoại vụ); (4) thư ký hội đồng mục vụ giáo xứ; và (5) thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ”.[2] Tuy nhiên trong thực tế, tùy theo ý nghĩa là “rộng”, hay “mở rộng” các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ còn bao gồm nhiều người khác nữa.[3] Cùng với những vị theo ý nghĩa “rộng” hay “mở rộng” này, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ có thể sử dụng Phương pháp Tiếp Cận Mục Vụ Toàn Diện tại Á Châu (Asian Integral Pastoral Approach) (AsIPA) để thi hành sứ vụ tại vườn nho giáo xứ của mình.[4]

Theo đó, “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho…” chính là lời mời gọi không chỉ dành riêng cho các thành viên ban thường vụ, mà còn đặc biệt dành cho các thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ nữa. Tất cả hãy cùng nhau, ước được như thế, hãy tham gia vào Chương trình Huấn Luyện Tác Viên Tin Mừng của AsIPA, để trong các cộng đồng Ki-tô Nhỏ (CĐKN) (Small Christian CommunitiesSCC) mà ta sống Lời Chúa cách tích cực hơn, và vì thế, có thể chu toàn bổn phận cách dễ dàng hơn, hân hoan đi vào vườn nho, làm việc tại vườn nho giáo xứ.

Hãy đi vào vườn nho…

Thật vậy, các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ là những chức vụ của các thành viên trực thuộc ban thường vụ, có nhiệm vụ phụ trách các lãnh vực chuyên môn. Nghĩa là, cả các vị này cũng có bổn phận “đi vào vườn nho…”. Chẳng hạn như: “(1) uỷ viên mục vụ phụng tự, (2) uỷ viên mục vụ giáo lý, (3) uỷ viên mục vụ thánh nhạc, (4) uỷ viên mục vụ giới trẻ, (5) uỷ viên mục vụ thiếu nhi, (6) uỷ viên mục vụ truyền giáo, (7) uỷ viên mục vụ bác ái xã hội-Caritas Việt Nam, (8) uỷ viên mục vụ hôn nhân và gia đình, (9) uỷ viên mục vụ di dân, (10) uỷ viên âm thanh, ánh sáng, (11) uỷ viên lễ tân, khánh tiết, (12) uỷ viên quản trị tài sản giáo xứ…”.[5]

Trong sự dấn thân “đi vào vườn nho…” này, ưu thế cốt lõi để liên kết sức mạnh nhóm, để cùng nhau làm việc tại vườn nho giáo xứ cách hiệu quả chính là Phương pháp Chia Sẻ Lời Chúa Bảy Bước (7 Step Gospel Sharing Method) theo tinh thần của CĐKN. Thật vậy, phương thế ưu việt – trong tinh thần CĐKN, rất phù hợp với thời đại này – xuất phát từ chính lời của Chúa: (1) Mc 3,13-19 (Chúa Giê-su lập Nhóm Mười Hai); (2) Ga 17,18-23 (Cộng đồng phải phản chiếu nơi cuộc sống là các môn đệ của Chúa Giê-su); (3) Lc 8,1-3 và Ga 12,6 (Các thành viên cộng đồng nhỏ vây quanh Chúa Giê-su, chia sẻ của cải vật chất của họ cho nhau); (4) Cr 16,19-20, Cl 4,15-18, Plm 1-3, Cv 2,43-47, Cv 11,19-26 (Các mối quan hệ nồng ấm trong các giáo hội tại gia thời Giáo hội sơ khai). Đó chính là cách thức phục vụ mẫu mực. Đó chính là dịp để sống đạo và được “trả… hợp lẽ công bằng…”.

Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng

Phương pháp “Chia Sẻ Lời Chúa Bảy Bước” trong AsIPA nảy sinh từ tâm tình yêu mến Lời Chúa và những giáo huấn của Giáo hội, cách riêng những hướng dẫn từ các văn kiện: (1) Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Evangelii Nuntiandi; (2) Thông điệp Redemptoris Missio, (3) Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Asia; (4) Thông điệp Deus Caritas Est, (5) Tông huấn Gaudium Evagelii…. Theo định hướng mục vụ như thế, Giáo hội Chúa tại Á châu sẽ hiện diện một cách mới mẻ (a new way of being Church) và là sự hiệp thông của những cộng đồng. Việc tổ chức các CĐKN trong các giáo xứ, giáo phận theo AsIPA là điều cần thiết và hết sức hữu ích. Trong các CĐKN, được Phương pháp “Chia Sẻ Lời Chúa Bảy Bước” nâng đỡ, quý chức sẽ dễ dàng chu toàn bổn phận là đại diện dân xứ; mọi người sẽ dễ dàng cảm nhận được thế nào là “hợp lẽ công bằng” khi vào làm vườn nho của Chúa: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20,4).

Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng

PHẦN MỤC VỤ

THỞ ĐƯỢC LINH KHÍ CỦA TRỜI

Lời mở

Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Nếu hiểu được tầm quan trọng của khí trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên, ta mới sống khoẻ mạnh, tài giỏi, xinh đẹp vì thở dồi dào được khí sạch của đất và trở thành kỳ diệu, phi thường, thần linh vì thở được khí thiêng của Trời.

Cuộc đời hào hùng của Nguyễn Công Trứ[6] như mời gọi ta thở được linh khí của trời đất qua bài thơ Kẻ Sĩ của ông:

Khí hạo nhiên chí đại chí cương

So chính khí đã đầy trong trời đất”.

  1. Tầm quan trọng của khí thở tự nhiên

Nhiều người chưa hiểu khí cần thiết và quan trọng như thế nào cho sự sống, nên chỉ quan tâm đến việc ăn uống và bỏ qua việc thở. Một ngày không ăn là họ cảm thấy đói cồn cào, tay chân rã rời, như mất hết sức sống. Nhưng thật ra, chúng ta biết rằng lương thực là loại nhu cầu thấp nhất so với nước uống và khí thở. Người ta có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3-4 ngày và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút nhờ 1 lít không khí luôn được dự trữ trong buồng phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10.000 lít không khí.

Để có thể sống được, 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể con người cần được liên tục cung cấp oxy từ khí quyển bên ngoài vào trong cơ thể và thải trừ khí carbonic. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất dinh dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài[7]. Dòng máu đen đầy khí carbonic không còn ích lợi cho sự sống đó phải được quả tim chuyển sang buồng phổi để đỏ trở lại nhờ nhận được oxy.

Như thế, nếu con người tăng cường hệ hô hấp để có nhiều oxy trong máu, người ta sẽ tăng cường được các chức năng của hệ thần kinh: ý thức dồi dào hơn, cảm xúc mãnh liệt hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, học hành làm việc hiệu quả hơn. Đây là lý do chúng ta cần tập thở cho đúng, cho tốt để tăng cường chất lượng sống tự nhiên.

  1. Tầm quan trọng của khí thở siêu nhiên

Khi hiểu được tầm quan trọng của khí thở đối với sự sống tự nhiên, ta có thể suy diễn và hiểu được phần nào tầm quan trọng của khí siêu nhiên đối với đời sống tinh thần của từng người, cũng như của Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô. Nhất là chúng ta nhận ra và cảm nghiệm được vai trò thần hoá của Chúa Thánh Thần vì Ngài chính là Thần Khí, là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu.

Người Việt chúng ta đã từng biết đến “linh khí” là khí thiêng của trời đất, núi sông, biết đến “dũng khí”, “hào khí”, “chính khí” của những con người có chí khí mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm. “Khí hạo nhiên” được Nguyễn Công Trứ nhắc đến là thứ khí phách, năng lực tinh thần, phẩm cách cao quý nhất, không gì so sánh được của con người. Những hiểu biết này giúp ta dễ hiểu hơn về Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Khí của Kitô giáo.

Từ “Thần Khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do Thái, và có nghĩa đầu tiên là hơi thở, không khí, gió[8]. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ và con người (x. St 1,2; 2,7; Tv 33,6; 104,30; Gv 3,20-21; Xh 37,10). Ngài là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo[9]. Ngài là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các môn đệ khi thổi hơi trên họ để họ có quyền tha tội như Thiên Chúa: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa Thánh Thần chính là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp” (x. Cv 2,1-11) để biến đổi họ thành con người mới đầy ân sủng và quyền năng. Cuối cùng, Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.

Khi thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 2Cr 12,37.12.13)[10]. Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Đó là “sứ vụ phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần”[11], đồng thời cũng là sứ vụ của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em[12].

Chúng ta phải thú nhận rằng: người tín hữu Công giáo chưa ý thức tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí. Trong một vài thế kỷ đầu, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và môn đệ khiến họ hăng say rao giảng Tin Mừng và phát huy các ân sủng kỳ diệu của Ngài. Nhưng sau đó, Giáo hội Công giáo rơi vào tình trạng quên lãng sự hiện diện sống động của Ngài và đánh mất bí quyết thở Thần Khí do các tông đồ truyền lại. Họ rất thụ động trong việc thở khí thiêng. Thần Khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít giúp họ sống yếu ớt, thoi thóp chứ không phải dồi dào sung mãn với đủ loại ơn đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học… Chúng ta cần phải tập thở Thần Khí và làm sống lại sự hiện diện lạ lùng của Chúa Thánh Thần, thì mới giúp cho con người thời nay cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu và mới tin theo Người.

  1. Bài học thở từ thực tế đời sống

Để phát triển con người toàn diện, chúng ta phải tập thở cả khí tự nhiên lẫn siêu nhiên cách dài, nhẹ, êm, sâu và tạo dựng một bầu khí trong sạch cho mọi người, mọi vật quanh ta.

3.1. Bầu khí trong lành

Bầu khí quyển hiện nay đang bị ô nhiễm và tàn phá nặng nề bởi sự vô tâm và lòng tham của con người. Bầu khí quyển tinh thần còn bị ô nhiễm trầm trọng hơn vì các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, internet và các mạng xã hội đang tự do phổ biến đủ loại quan điểm sai lạc, hình ảnh đồi truỵ, ý thức hệ vô thần, bạo lực, gây chia rẽ, thù hận, nhân danh tự do tuyệt đối của con người. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ bộ thần kinh trung ương không bị nhiễm độc vì những bản nhạc, tập truyện, cuốn phim, bài viết cổ vũ cho những điều sai lạc, ác đức, đồi truỵ để dành thời giờ cho những hành động tích cực, cổ vũ tình yêu thương liên đới, hiệp thông với người khác.

3.2. Tập thở tự nhiên

Với một hơi thở, không khí được kéo vào trong các phế nang của phổi qua đường hô hấp. Nó di chuyển từ mũi hoặc miệng, qua yết hầu, qua thanh quản và vào khí quản. Trong suốt hành trình dài này, không khí được làm ấm lên bằng thân nhiệt và lọc bỏ các vật thể nếu có. Chúng ta nên hít khí bằng mũi và thở ra bằng miệng. Nhiều người tập Yoga được yêu cầu tập thở ra bằng mũi. Khi thở ra, khí carbonic đang ở nhiệt độ cơ thể, cũng không có hạt bụi, nên không cần qua khoang mũi. Thở ra bằng miệng sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Nhiều người tập khí công được yêu cầu thở theo 4 thì: nạp khí (hít khí vào), vận khí (nín thở dẫn hơi vào đan điền), xả khí (thở ra hết và thót bụng lại), bế khí (ngưng thở khi bụng trống rỗng). Nhiều cách thở của các môn phái như Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, thở theo phương pháp Dưỡng sinh, hoặc các phái võ thuật như Aikido, Vovinam, Thiếu Lâm… cũng được tập luyện theo 3 thì hay 4 thì trên đây, kèm thêm cách ngồi, cách đứng khác nhau[13].

Thật ra, người tín hữu Kitô giáo có thể tự do tập luyện theo các phương pháp ấy, miễn là không bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết sai lạc của tôn giáo đi kèm theo cách thở. Chúng tôi cổ vũ một phương pháp thở 2 thì theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, vì nghĩ rằng càng tôn trọng cấu trúc tự nhiên, ta càng có sức khoẻ ổn định và an lành.

Một điểm cần lưu ý, là khi ngủ đêm chúng ta cần thở nhiều vì số lần thở ban đêm khi ngủ thường thấp hơn ban ngày khoảng ¼, nghĩa là thở khoảng 12 lần/ phút. Ta nên nằm thẳng, đừng ôm gối, hai tay xuôi theo thân người để thở khí dễ dàng, giấc ngủ sẽ sâu hơn và thần kinh thư giãn tốt hơn.

Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng khối lượng khí trong phổi bằng những bài tập thể dục vẫn thường tập trong các trường học trước đây.

3.3. Tập thở siêu nhiên

Từ nhiều ngàn năm qua, các triết gia Hy Lạp, Latinh đã biết đến khí như một thành phần cơ bản cấu tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của trời đất. Các nhà đạo học Đông Phương cũng mong ước được như vậy. Nhiều đạo sĩ, thiền sư ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ như Đức Phật Thích Ca. Nhiều võ sĩ các môn phái tập khí công để mong đả thông kinh mạch, khai mở được “sinh tử huyền quan” và có sức mạnh vô biên. Tất cả đều là những mơ ước được thần hoá của con người.

Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để biến đổi thành “con người mới” (Ep 2,5) “trong một Thần Khí duy nhất” (Ep 2,18) “với muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần” (Ep 1,3). Khi thở được Thần Khí của Đức Giêsu, dòng máu đen tội lỗi của ta sẽ được biến đổi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Lúc đó là ta được “thần hoá”, trở thành người con thật sự của Chúa Cha và có thể phát huy mọi ân sủng kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để “hoàn thành kế hoạch yêu thương mà Chúa Cha đã định từ trước muôn đời trong Đức Kitô” (x. Ep 1,9).

Lịch sử cứu độ của Giáo hội Công giáo chứng thực giấc mơ thần hoá này đã thể hiện trong đời sống của nhiều thánh nhân và ngay trong đời thường của các tín hữu. Họ không cần phải đi tìm các bí quyết luyện khí của những vị cao tăng trong rặng núi Himalaya được kể trong những câu chuyện phóng tác như Hành trình về Phương ĐôngĐường mây qua Xứ tuyết, hay trong tập Bàn tay Ánh sáng của Ts. Barbara Ann Bennan[14] mà những người học nhân điện say mê tập luyện.

Thánh Phaolô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí” (Gl 5,16) “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18), “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25) thì chúng ta sẽ hưởng được “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Nhất là khi hiểu được Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện mọi việc vì tình yêu. Mỗi lần hành động như thế là một lần ta thở được Thần Khí, được linh khí của Trời.

Lời kết

Bài học “Thở được linh khí của Trời” này, đối với chúng ta, có thể là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Xin bạn thử tập và bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần kỳ diệu vô cùng.

Câu hỏi gợi ý:

  1. Dung tích thở của bạn đo được bao nhiêu? Bạn tập thở như thế nào để tăng cường khí thở tự nhiên của bạn?

2.Bạn thở Thần Khí theo phương pháp nào? Hiệu quả ra sao?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

[1] Tuỳ nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi giáo xứ: (1) các chức vụ phó có thể được thêm vào; hoặc (2) một thành viên có thể kiêm nhiệm hai chức vụ.

[2] X. Ta, “Điều 5. Các chức vụ trong ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Thần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 754.

[3] X. Ban Nghiên Huấn (UBGD), “Một cái nhìn tổng quát về sứ vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ”, Bài 02, ngày 29-6-2018.

[4] Hai vị thánh giáo hoàng là Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II đã ra công cổ võ và hết sức khuyến khích chương trình mục vụ này. Chính Đức Cố TGM. Phao-lô Bùi Văn Đọc cũng đã cho phép Ban Mục Vụ Gia Đình của TGP. Sài Gòn-TP. HCM được phối hợp với Tiểu Ban AsIPA – thuộc Liên hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) – để tổ chức khóa tập huấn về CĐKN trong năm 2017 vừa qua.

[5] X. Ta, “Điều 6. Các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ” trong Thần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 754-5.

[6] (X. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) vừa là nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nổi bật với việc khai hoang lập ấp, quai đê lấn biển, tạo thành  một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) làm quan tới chức thượng thư, tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị cách chức làm dân, làm lính.

[7] (X. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, tập I, NXB Y học, 2011, tr.196).

[8] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 691).

[9] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 703)

  1. (X.  Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2013, tr.165).

[11] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 689-690, 727)

[12] (X. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 730).

[13] Xem các mục về Khí công trong các sách hay trên internet.

[14] (X. Blair T. Spalding, Life and Teaching of the masters of the Far East-Hành trình về Phương Đông, Nguyên Phong dịch; SAnagorika Givinda, The way of the White Clouds-Đường Mây qua Xứ Tuyết, Nguyên Phong dịch, Barbara Ann Brennan, Hands of light-Bàn tay Ánh sáng, Lê Trọng Bổng dịch, NXB Văn hoá Thông tin, 1996).