Bánh Bởi Trời

print

Bánh Bởi Trời

Chúa Nhật 19 Thường Niên năm B : Ga 6, 41-45

Suy niệm

Chúng ta sẽ cảm nhận bài Tin Mừng sâu hơn khi quay lại với bối cảnh thời Cựu Ước, lúc Israel vừa đặt chân vào đất Canaan. Ở đó đã có sẵn một tôn giáo thờ thần Baan, là vị thần của mưa gió, của sức mạnh thiên nhiên, của sự phú túc. Đây quả là vị thần lý tưởng cho cuộc sống nông nghiệp lúc bấy giờ. Thế là Israel bắt đầu tiêm nhiễm thứ đạo ngoại lai ấy, và ngày càng gia tăng cho tới thời vua Akháp.

Êlia xuất hiện như vị anh hùng bảo vệ đức tin, chống lại mọi pha trộn, mọi thỏa hiệp. Cuộc so tài trên núi Carmen giữa Êlia và các ngôn sứ của thần Baan nhằm cho dân nhận định rõ ai là Chúa thật: Giavê hay Baan? Các ngôn sứ Baan làm mọi cách: kêu cầu, nhảy múa, rạch mình, nhưng không có hiệu quả. Êlia kêu cầu Thiên Chúa, và phép lạ đã xảy ra. Điều đó cho thấy Thiên Chúa của Israel mới là Chúa tể các năng lực thiên nhiên, và là Thiên Chúa của toàn thể vũ trụ (1V 18,17- 40).

Thế nhưng sau đó, Êlia phải chạy bán mạng trước sự trả thù của hoàng hậu Ideven. Trên đường lánh nạn, Êlia phải chịu nhiều cơ cực và đói khát. Ông chán nản, thất vọng, nên xin Chúa cho mình chết đi. Sứ thần Chúa đã mang đến cho ông bánh và nước. “Nhờ lương thực bổ dưỡng ấy, ông đi suốt 40 ngày, 40 đêm tới Khôrép là núi của Thiên Chúa”. Tại Khôrép, ông được gặp Đức Chúa, lấy lại được niềm tin và sức mạnh tinh thần để tiếp tục sứ mệnh tái lập một Israel đích thực.

Các Giáo phụ nhận ra những chiếc bánh mà sứ thần đem đến cho Êlia là hình ảnh tiên báo về phép Thánh Thể, để nuôi dưỡng tín hữu trên đường về quê trời. Các thế hệ Kitô hữu đã xem Êlia như chiến sĩ vô địch về đức tin. Các đan viện, các dòng tu nhìn Êlia như vị tiền phong của sự nỗ lực từ bỏ nếp sống trần tục, đi vào trong thinh lặng nội tâm để tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng ban lương thực trường sinh.

Lương thực trường sinh đó chính là Đức Giêsu, Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, và Ngài đã nói rõ cho người Do Thái biết: “Tôi là bánh từ trời xuống… là bánh trường sinh”. Người ta khó mà lãnh hội được ngay mạc khải sâu nhiệm ấy? Vì thế, đã có tiếng xầm xì to nhỏ: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?”.

Con cái Israel xưa kia cũng đã từng xầm xì để bày tỏ sự ngờ vực đối với Môsê: họ không tin vào sứ mạng của ông là do Thiên Chúa trao ban. Dân Do Thái thời Đức Giêsu lại đi theo vết xe cũ của tổ tiên họ. Họ lên tiếng xì xầm, hoài nghi về con người của Đức Giêsu. Đối với họ, Đấng Mêsia phải xuất hiện thình lình, và không ai có thể biết Đấng ấy từ đâu đến. Dựa trên những lý lẽ như vậy, người Do Thái thấy mình hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ các khẳng định của Đức Giêsu.

Ngài liền tuyên bố cho họ biết: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Quả thật, nếu người Do Thái dám để cho lòng họ mở ra với những dấu chỉ của Thiên Chúa, họ sẽ được lôi kéo đến với Đức Giêsu. Ngôn sứ Isaia đã từng nói: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Việc dạy dỗ này về phía bên ngoài cho thấy chính Đức Giêsu đang ở giữa họ, và phía bên trong là Thiên Chúa đang hành động trong trái tim họ, nhưng rồi họ vẫn khép lòng mình lại. Sau đó, Đức Giêsu chuyển sang một đề tài mới: vấn đề không chỉ là tin vào Ngài để được sống đời đời nữa, mà là ăn thịt và uống máu Ngài. Chúa Giêsu không chỉ nói về Bí tích Thánh Thể, nhưng còn muốn nêu bật giá trị cái chết của Ngài trên thập giá, là chính Ngài hiến dâng mạng sống mình để cho thế gian được sống.

Trường sinh bất tử là ước mơ của con người qua muôn thế hệ, nhưng không ai và không bậc thần thánh nào có thể ban cho nhân loại chúng ta, ngoài Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Dĩ nhiên, con người không thể sống mãi với thân xác từ bụi cát này. Nó phải trở về cát bụi, nhưng cát bụi sẽ trở lại thành người: một con người mới với sự sống muôn đời, do quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự sống đời đời không phải là chuyện viễn vông xa vời, nhưng là một thực tại đang triển nở trong đời sống người Kitô hữu. Mỗi thánh lễ là một bàn tiệc nuôi dưỡng sự sống linh hồn để ta đủ sức đi về cõi trường sinh.

Với lòng tin tưởng và cảm mến sâu xa, chúng ta đón nhận lương thực trường sinh mà Đức Giêsu ban trong Bí Tích Thánh Thể. Nhờ đó, ta sẽ phấn khởi đi trọn con đường đời, đường dẫn đến quê hương vĩnh cửu là chính Thiên Chúa. Trên con đường này, với sức sống linh thiêng đang tỏa lan từ chính tâm hồn mình, ta trở nên niềm an ủi và sự nâng đỡ cho những ai đang buồn sầu thất vọng trong cuộc sống hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa!
Dù trước mắt sự thật đã rành rành,
nhưng rồi thiện ác vẫn phân tranh,
người lành vẫn luôn bị xử tệ,
kẻ dữ xem ra luôn thắng thế.

Ai bảo vệ sự thật đều điêu đứng,
cả ngôn sứ Ê-li-a cũng tủi thân,
chỉ khi được ăn bánh của thiên thần,
mới tiếp cuộc hành trình đầy phấn chấn.

Chúng con cũng băng qua sa mạc đời,
phải đối đầu với thử thách không ngơi,
nhất là trước lòng dạ của người đời,
khiến chúng con phải nhiều phen chới với.

Tuổi trẻ dù hăng say và mạnh mẽ,
nhưng rồi cũng lắm kẻ phải buông xuôi,
khi không được chia sẻ nỗi ngậm ngùi,
một mình phải lang thang trong sầu tủi.

May mắn cho đời con có Chúa đây,
Đấng không chỉ ở trên chín tầng mây,
Đấng không chỉ ở Lời Ngài phán dạy,
mà còn là Đức Giê-su Thánh Thể,
là Tấm Bánh Cha ban cho nhân thế,
bánh trường sinh đem ân phúc tràn trề.

Nhưng ít khi con cảm nhận sự thâm sâu,
sức mạnh linh thiêng của Mình Thánh Chúa,
là sự sống không héo úa phai tàn,
bao lần con đón nhận như thói quen,
khiến tâm trí đời con vẫn khô cằn,
thiếu sức mạnh vượt qua những khó khăn.

Xin cho con lòng cảm mến vô vàn,
ân huệ cao vời Cha đã thương ban,
để con hân hoan vững vàng đi tới,
về tận nơi vinh phúc chốn quê Trời. Amen.

Lm. Thái Nguyên