Bánh Hóa Nhiều
Chúa Nhật 18 Thường Niên Năm A : Mt 14,13-21
Suy niệm
Cái chết của Gioan Tẩy giả khiến Đức Giêsu cảnh giác trước bạo Chúa Hêrôđê. Ngài rút lui vào nơi hoang vắng cùng với các môn đệ. Ngài cũng cần sự nghỉ ngơi cho tâm hồn trước khi tiếp tục cuộc hành trình rao giảng. Thế nhưng, đám đông dân chúng lại từ các thành thị và làng mạc chung quanh tuôn đến với Ngài. Nhìn đám đông, Chúa chạnh lòng thương. Đó là những con chiên lang thang phiêu bạt đang đi tìm một chủ chăn. Ngài cúi xuống trên những con chiên yếu đuối, nâng niu những con chiên bé nhỏ, và chữa lành những con chiên bệnh tật.
Trời đã về chiều, các môn đệ xin Thầy giải tán dân chúng, để họ kịp vào các làng mạc mua lấy thức ăn. Ngài bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”. Chắc các ông rất bối rối trước mệnh lệnh khó hiểu này, vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Bấy nhiêu thức ăn thì có thấm vào đâu đối với đám đông dân chúng. Nhưng Đức Giêsu bảo cứ đem đến cho Ngài. Rồi “Ngài cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ”. Sau đó, các môn đệ nhận lãnh từ tay Thầy Giêsu và trao cho dân chúng, họ lại trao cho nhau. Mọi người đều được ăn no nê mà vẫn còn thừa. Phép lạ bánh hóa nhiều diễn ra thật nhiệm mầu, vì là phép lạ của tình liên đới qua sự chia sẻ: bẻ ra và trao đi.
Vì vậy nên có những người nhìn phép lạ này theo một ý nghĩa khác. Dân chúng theo Đức Giêsu chắc hẳn nhiều người mang theo chút bánh đi đường. Quang cảnh về chiều trong hoang địa, tuy mọi người đã đói, nhưng không ai dám đưa ra chút lương thực ít ỏi của mình. Nhưng khi thấy Đức Giêsu và các môn đệ Ngài làm trước, thì họ cũng đem phần mình để chia sẻ với người bên cạnh. Không ngờ cuối cùng mọi người được ăn no mà còn dư ra nữa. Nếu như vậy thì đây là phép lạ làm thay đổi lòng người, từ con người vị kỷ thành vị tha. Đây là phép lạ khai sinh tình yêu từ một lối sống keo kiệt. Nhưng điều quan trọng là có Đức Giêsu ở giữa họ. Chính Ngài làm thay đổi bộ mặt nhân loại.
Đức Giêsu đã nuôi hơn năm ngàn người ăn từ sự góp phần xem ra quá nhỏ bé của nhiều người. Mẹ Têrêxa cũng đã từng nuôi chín ngàn người nghèo ở Calcutta mỗi ngày. Số lượng lương thực lớn lao này cũng là sự góp phần nhỏ bé của nhiều người. Một hôm có một cặp vợ chồng trẻ đến trao cho Mẹ một số tiền lớn. Mẹ ngạc nhiên hỏi:
– Làm sao mà anh chị có được số tiền lớn này? Thưa chúng con vừa mới cưới nhau hai ngày. Chúng con nhất trí với nhau không tổ chức tiệc cưới, để dành tiền giúp những người nghèo.
– Tại sao anh chị làm thế? Thưa vì chúng con rất yêu nhau, muốn bắt đầu đời sống gia đình bằng một việc hy sinh, để Chúa chúc lành cho chúng con.
Có những người đang góp phần như thế, nhưng lại có bao nhiêu người khác đang tích lũy cho riêng mình. Với nguồn tài nguyên phong phú của trái đất, theo nguyên tắc thì mọi người đều no đủ, miễn là biết chia sẻ cho nhau và biết phân phối hợp lý. Nếu mỗi người chỉ giữ cho mình những gì thực sự cần dùng thôi, thì chẳng ai phải thiếu thốn. Chính do cơ cấu xã hội bất hợp lý và lòng tham vô đáy của con người tạo ra tình trạng nghèo đói và quá chênh lệch trong xã hội. Chỉ cần trả lại cho người khác điều dư thừa nơi mình, thì mọi người sẽ được đầy no.
Thánh Augustinô khuyên: “Hãy tìm hiểu xem Thiên Chúa đã ban cho bạn bao nhiêu, và hãy giữ lại những gì bạn cần; phần còn lại mà bạn không cần là của người khác. Những thừa thãi của người giàu là những gì cần thiết cho người nghèo. Ai giữ lại những gì thừa thãi là đang chiếm hữu tài sản của người khác”. Như vậy, dựa trên nguyên tắc này, ta không chỉ thực hiện công bằng mà còn chính là sống bác ái.
Léon Tolstoy cũng tự khẳng định:“Tôi đang tham dự vào một tội ác khi tôi có thực phẩm thừa thãi và người khác thì không có gì”. Số thống kê hiện nay cho ta thấy 8/10 của cải trên thế giới đang nằm trong tay 1/10 nhân loại; còn 2/10 của cải kia cũng được chia một cách không đồng đều cho 9/10 nhân loại. Sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, giữa nước giàu và nước nghèo quá lớn. Thế giới điên đảo cũng vì giầu với nghèo, vì con người thiếu ý thức trách nhiệm và liên đới.
Ngày nay Đức Giêsu vẫn mời gọi chúng ta: Các con hãy cho họ ăn. Mỗi người hãy đem lại cho Ngài những gì mình đang có: là thời giờ, khả năng, sức lực… Chúng ta đừng tính toán ít hay nhiều, nhưng là với tất cả tình yêu. Chúa cần sự góp phần nhỏ bé của mỗi người để Ngài làm những điều lớn lao cho mọi người, là niềm vui ơn cứu độ muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã sống tình liên đới sâu xa,
không chỉ động lòng trắc ẩn với người ta,
mà còn hiến mạng sống mình vì thiên hạ,
quả là tình yêu thật rất đỗi cao siêu.
Con lại thường hay sống quá vô tâm,
nên đã gây ra nhiều khổ lụy:
người kia đói khát, vì con quá no nê;
người này rách rưới, vì con chạy theo “mốt”;
người nọ thiếu thốn, vì con quá dư thừa;
trẻ hư hỏng vì con không làm gương sáng;
bao người khốn khổ vì con thiếu đỡ nâng,
con tham lam nên có kẻ phải cơ bần.
Con không sống một mình mà sống với,
nên liên đới đòi con gánh trách nhiệm,
không phủi tay thoái thác cho người khác,
thấy những điều mà mình phải vương mang.
Bao nhiêu khốn khổ lan tràn trên thế giới,
không vì hành vi gian ác của kẻ xấu,
mà còn vì sự im lặng của người tốt,
cũng như sự trốn tránh của người lành,
Liên đới đòi con phải đóng góp phần mình,
cho dù là ít ỏi có khi không đáng nói,
nhưng đó là tất cả của tấm lòng,
để tay Chúa biến nên điều cao trọng,
là làm nên sự sống cho con người,
cho cuộc đời được đổi mới đẹp tươi.
Xin cho trái tim con luôn kết nối,
sống hiệp thông với hết mọi anh em,
biết luôn làm triển nở tình liên đới,
để đem lại an lành cho khắp nơi. Amen.
Lm. Thái Nguyên